Chúng tôi cần gì ở báo chí hôm nay?

Tiếp theo mạch bài viết "Thay vì phản ánh cung cấp tin tức, báo chí phải sáng tạo để nâng tầm tri thức cho bạn đọc" sau chia sẻ tâm huyết của Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng Biên tập báo Đời sống & Pháp luật, tôi xin chia sẻ tới cộng đồng bài viết "Chúng tôi cần gì ở báo chí hôm nay?" đăng trên https://www.thesaigontimes.vn/298882/chung-toi-can-gi-o-bao-chi-hom-nay-.html.

Báo chí và cuộc đua tới “đường hầm không lối thoát” - đó là trăn trở của nhà báo Nguyễn Tiến Thanh trong tham luận của ông đã được trích đăng trên TBKTSG Online chiều thứ Bảy, 28-12. Là một bạn đọc thời “Facebook, Google”, khi đọc xong bài này, trong tôi có nhiều cảm xúc và suy nghĩ, phần tâm đắc với một số điều ông Thanh nói, phần nuôi hy vọng và chờ đợi những đổi thay từ phía báo chí sau tham luận này.

Trước hết, tôi chia sẻ thực tế bản thân là trong năm vừa qua, tôi đã giã từ nhiều tờ báo online thuộc hàng nhiều view nhất nhì cả nước. Lý do là sau một thời gian đọc những tờ báo đó, tôi rút ra hai điều: (1) Cách đưa tin rất nhanh nhưng không thiếu những nội dung nhảm nhí, thiếu tôn trọng bạn đọc; (2) Đọc xong, cuối cùng chẳng nhận được gì ngoài những cảm xúc tiêu cực.

Có lẽ nỗi đau của bạn đọc như tôi cũng có phần giống nỗi đau của nhà báo Nguyễn Tiến Thanh “là trải nghiệm một niềm đau dằng dặc”. Nếu các nhà báo phải chạy theo “hot trend” để kéo view thì người đọc càng phải chạy theo nó để khẳng định “tầm hiểu biết”, mặc dù những “hot trend” đó nhiều khi chẳng mang đến lợi ích gì ngoài tấm áo khoác khoe khoang cho kịp thời đại, cho bằng bạn bè.

Đã có lúc tôi từng nghĩ chỉ cần lên Facebook là có đủ thông tin mà không cần đọc báo. Tôi đã từng mặc định chỉ cần “theo dõi” những nhà báo nổi tiếng, những hot Facebooker là có thể theo kịp luồng thông tin mới. Nhưng tôi nhận ra mình đã lầm.

Tôi nghĩ thế này, bạn đọc bây giờ có đủ thông tin lẫn sự thông minh để biết đâu là tờ báo hay, đâu là tờ báo dở. Với những tờ báo chạy theo cơn sốt view, ban đầu có thể là “luồng gió mới” thu hút người đọc, nhưng theo thời gian, dần dà họ cũng nhận ra đó là “luồng gió độc” và chọn cách giã từ.

Riêng cá nhân tôi thấy rằng, điều cần nhất với người đọc báo như tôi bây giờ không phải là “biết được bao nhiêu thông tin mới” mà là “những thông tin trên báo chí mang đến thông điệp hữu ích gì”.

Tôi rất tâm đắc với nhận định của nhà báo Nguyễn Tiến Thanh: “Thay vì phản ánh, báo chí phải sáng tạo. Những nhà báo chuyên nghiệp, những cây bút được đào tạo bài bản, có kỹ năng và tâm huyết phải tiếp cận, phản ánh thông tin hấp dẫn, bản sắc hơn, đưa ra những góc nhìn, quan điểm sáng tạo và thú vị hơn cư dân mạng - đa phần là những người cung cấp tin tức tự phát và nghiệp dư”.

Bạn đọc giữa thời đại “trăm nghe” chúng tôi rất cần những góc nhìn, quan điểm đúng chất “một thấy” của những nhà báo giỏi nghề và tâm huyết. Chúng tôi cần những định hướng kịp thời thay vì phải mày mò giữa vô số “những người cung cấp tin tức tự phát và nghiệp dư”.

Tôi biết nhiều nhà báo cho rằng nhiệm vụ của báo chí là truyền tải thông tin. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh đã đề xuất báo chí “bán” góc nhìn và quan điểm thay vì “bán” tin tức, là một bạn đọc tôi đồng ý điều này. Bởi chỉ có quan điểm, góc nhìn mới làm cho “ra ngô ra khoai” và giúp cho bạn đọc mở mang tầm nhìn thay vì ngày càng u mê trong mớ hỗn độn của thông tin câu view.

Tất nhiên, đó là một đòi hỏi rất cao, một trách nhiệm nặng vai đối với báo chí hiện đại, nhưng nếu không làm thì có thể báo chí sẽ chạy đua tới đường hầm không lối thoát như nhà báo Nguyễn Tiến Thanh nhận định chăng?

Cá nhân tôi tin rằng, nếu một tờ báo “bán” (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) quan điểm, góc nhìn có chất lượng và mang lại những giá trị hữu ích, bạn đọc như tôi sẽ sẵn sàng “mua”, như mua một cuốn sách hay thì chẳng có lý do để tiếc rẻ!

Cuối cùng, tôi muốn nhắc đến một bình luận của bạn đọc bên dưới bài đăng tham luận của nhà báo Nguyễn Tiến Thanh: “Giờ thấy mạng xã hội nhanh và tiện, nhiều khi không cần đọc báo”. Tôi muốn nhắn nhủ rằng: “Giờ thấy mạng xã hội nhanh và tiện, nhưng vẫn rất cần đọc báo”. Tất nhiên là với những tờ báo đủ chuẩn, có những bài phân tích, đưa ra được góc nhìn, quan điểm thú vị để người đọc nhận lại được những “bài học” cho riêng mình.

Khánh Hưng