Chút dư vị ngày xưa ấy

Tôi sinh ra trong một gia đình không quá khó khăn nhưng cũng không phải khá giả gì. Bố tôi làm việc trong cơ quan nông nghiệp, còn mẹ là một người nông dân lam lũ. Nghe mẹ kể ngày bao cấp “con ăn theo mẹ” nên chúng tôi đều sống chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng xã giao.

241191287-2073755319448314-1474137152331519906-n-1631981989.jpg

Những năm đầu thập niên 90 thế kỉ trước, gia đình tôi còn nhiều khó khăn, không đến nỗi độn sắn độn ngô thường xuyên nhưng lúc nào anh em tôi cũng thấy đói. Đến nay, tôi vẫn nhớ cái món cháo ngày xưa “huyền thoại” mà anh em tôi vẫn thường xuyên “thưởng thức”.

So với các nhà trong làng thì chưa nhiều, nhưng so với ngày nay thì gia đình tôi khá đông người, bố mẹ tôi sinh được bốn chị em, cả bà nội nữa là những bảy khẩu. Tôi và em gái út còn nhỏ nên được phân công ở nhà coi nhà. Ngày ấy không phức tạp như bây giờ, cả cái nhà năm gian chỉ khi đi ngủ mới cần khép cửa, cổng nhà chỉ là gốc duối to ngả bóng xung quanh. Sau một hồi học bài xong hay chơi cùng bọn trẻ trong làng, anh em tôi phải đi nấu cơm cho đúng giờ. Tôi vẫn nhớ ngày ấy học tầm lớp một, lớp hai đã phải lo đi rút rơm ngoài đụn (cây rơm) vào cái thúng rồi đem vào bếp nấu. Lúc nấu cơm cũng là lúc chúng tôi đói vô cùng. Dù khó khăn nhưng nhà tôi vẫn có cơm thừa của bữa trước nên chúng tôi có thể ăn cùng với muối vừng, muối lạc... Nhưng cái tuổi bé thơ rất ghét ăn muối lạc, anh em tôi “sáng tạo” ra món cháo cơm nguội.

Cơm nguội được xúc ra một cái nồi riêng, rồi cho nước ngập lên để khi nấu cơm bắc lên nấu cùng. Cái bếp kiềng dài có thể nấu đồng thời mấy nồi luôn một thể. Em gái nhỏ nấu ấm nước cùng nồi cháo, còn tôi đi vo gạo. Gạo ngày đó dù đã được dần sàng rồi nhưng vẫn có sạn nên lúc đãi cũng lâu, khi vo xong đem vào bếp thì ấm nước và cháo cũng đã bắt đầu sôi. Món cháo cơm nguội ngày xưa thật hấp dẫn. Khi cháo sôi được một lúc cũng là lúc cho gia vị, ngày xưa chủ yếu là muối, thỉnh thoảng có mì chính hoặc đường, nhưng rất hiếm khi. Vì nấu từ cơm nguội nên hạt cháo rất rời rạc, nhưng không sao vì đã có rau gia vị vườn nhà. Rau được thái nhỏ là những lá rau mùi tàu, có khi là lá lốt, rau ngổ hay bữa nào hái được lá tàu bay cũng cho vào cho mùi vị lạ, dễ ăn. Một gia vị không thể thiếu là hành khô. Ngày ấy cũng cầu kì lắm, hành cũng phải đập ra rồi băm nhỏ cho vào. Bát cháo cơm nguội nóng hổi hấp dẫn ấy làm no hai cái bụng đói. Chúng tôi ăn rất ngon lành. Không biết có ai đã từng được ăn món này chưa, chứ ngày ấy với tôi sao mà món cháo ấy thật ngon. Nó là món ăn thường xuyên của anh em tôi trong suốt thời gian dài. Ngày nay có nhiều món cháo khác nhau như cháo gà, cháo cá, cháo chim... nhưng vẫn thấy chẳng bữa nào có cảm giác ngon như món cháo cơm nguội ngày xưa ấy. Nồi cháo cơm nguội tuy giản đơn là vậy nhưng cũng là nơi mà chất “nghệ sĩ” nấu ăn tha hồ tung hoành sáng tạo. Nồi còn đấu thịt kho thừa, bắp ngô non hay vài củ khoai, củ lạc... cũng đều được cho vào nồi cháo. Chính vì vậy mà dù vẫn chỉ là cháo cơm nguội nhưng mỗi bữa ăn lại có vị khác nhau. Có hôm chẳng còn rau gia vị gì thì cũng vẫn có thể thái các loại rau nấu canh như rau muống, rau rền cho vào. Ấy thế mà lại được món cháo có vị lạ lạ, ngon ngon.

Tất nhiên, cũng có hôm không còn cơm nguội thì sẽ chẳng thể có món cháo thân quen, nhưng chúng tôi lại có món cháo mới, bổ dưỡng hơn. Đó chính là món cháo nước cơm chắt. Ngày ấy chưa có nồi cơm điện, chỉ nấu cơm bằng nồi gang nên hay có nước cơm thừa. Dù đã căn vừa nước, nhưng nước nấu sôi trước rồi sau đó mới bỏ gạo thì kiểu gì cũng thừa ra một ít, nhưng có hôm thừa cả bát to. Cháo cơm nguội chỉ cần cho hành băm, ít muối... vào là có thể ăn ngon lành. Ngày nay đời sống khá hơn xưa, tôi không mấy khi ăn cháo nữa. Bọn trẻ được ăn nhiều loại cháo có nhiều dinh dưỡng hơn, ngon hơn xưa nhưng có lẽ chúng không thấy ngon nên thường thường bị người lớn thúc ép ăn. Món cháo xưa thỉnh thoảng hồi về, như nhắc lại trong lòng những vết dấu xa xưa...

 

Theo Chuyện Làng quê