Chuyện ở quê - Một thời để nhớ

Trời ngả sang trưa đã lâu, cái Tý loắt choắt đội cái nón to của u, trông nó như cây nấm vậy, vẹo người gánh đôi quang thúng . Một bên quang có liễn cơm với mấy con tép riu kho khế, cái tích nước vối, quang bên kia là rơm rạ. Nó mang cơm ra đồng cho thày nó đi cày.

ch-q1a-1629598357.jpgẢnh minh họa do tác giả tuyển chọn.

Nắng gay gắt trên đầu, thày nó thả trâu vào bóng râm để cho trâu nghỉ ngơi và ăn mớ rơm rạ Tý vừa gánh ra.. Cái Tý nhanh nhẹn bày các thứ ra trong khi thày xuống ruộng khỏa nước rửa ráy chân tay lấm bùn đất. Cái liễn cơm toen hoẻn chỉ được khoảng hai lưng cơm xới chứ mấy, vài con tép riu lỏng chỏng. Thày ăn ù lưng cơm rồi rót nước vối ra nhẩn nha uống. Thày giục Tý: " Con ăn cơm đi! Thày ăn no rồi ! "

Cái Tý trong lúc thày ăn cơm, uống nước đã tranh thủ ra bờ ruộng móc cua. Trời nóng, nước ruộng hầm hập, cua trốn trong các đám cỏ bờ ruộng nhiều lắm. Nó tay năm tay mười một loáng đã vặn đầy cua quanh lưng quần. Lóp ngóp lội từ ruộng lên, nó và ù nốt chỗ cơm trong liễn. Ăn xong chiêu ngụm nước vối, nó lôi bọn cua ra cho vào liễn đậy nắp lại. Nó gạt mồ hôi dính bết tóc hai bên thái dương, sung sướng nghĩ tới nồi canh cua u nấu với nắm lá rau mồng tơi vặt ở hàng rào, chắc là ngon lắm đây! Thày uống nước vối, rít vài hơi thuốc lào rồi lại làm tiếp. Tý lại xon xón cho các thứ vào thúng rồi tất tả gánh về, ở nhà u và con bé em đang đợi nó về ăn cơm.

Cuộc sống của thày u và chị em Tý khổ sở, vất vả sau cái đận bị bọn cướp " bật hồng " vào nhà vơ vét chả còn một thứ gì.

Một thời gian sau, thày tìm cách lên Hà Nội để mưu sinh, lần lượt đón u và chị em nó, mở ra một trang sử mới...

.........

Câu chuyện đem cơm ra đồng của cái Tý, năm nào giỗ ông ngoại dì cháu tôi cũng mỗi người một câu chất vấn mẹ tôi vì đã ăn cơm đi cày của ông ngoại, có hai lưng cơm đâu nhiều nhặn gì. Cái Tý bé quá, không biết là thày đã nhường cơm cho nó ăn. Dạo ấy đã qua cơn đói 1945 nhưng làng quê vẫn còn đói lắm.

Cha mẹ lúc nào cũng vậy, luôn yêu thương nhường nhịn con, tấm lòng bao la như biển cả. Chúng ta hãy biết ơn cha mẹ, ông bà, nhớ về nguồn cội của mình, sống làm sao không uổng phí một kiếp người với tấm lòng nhân hậu !

Theo Chuyện quê