Chuyện tình của chị tôi

Năm 1997, nhà nước đã xây tặng cho chị một căn nhà tình nghĩa, như nguồn động viên tinh thần đối với mẹ con chị. Chị nhớ về anh với hồi ức thật đẹp đẽ biết nhường nào như khoảng trời xanh biếc là động lực chị vượt qua mọi khó khăn. Đã ba mươi bảy năm trôi qua, hình ảnh và những kỉ niệm về người chồng mà chị tôi cả đời nhớ thương vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Đến bây giờ, chị vẫn ở vậy và yêu anh như thế.

241310865-4256568084459254-9107620433924852049-n-1630747833.jpgẢnh do gia đình cung cấp

Chị gặp anh lần đầu tiên là hôm đi tập quân sự trên đồi Khau Quân. Hôm ấy, chị được phân công nấu cơm cho cả đội tại nhà chị Ương. Khi nồi cơm vừa chín tới, một chàng trai mới được bổ sung vào đội dân quân tự vệ đứng trước cửa bếp cười rất tươi và nói vọng vào:

- Cho anh xin một miếng cháy!

Chị tưởng thật, vội lấy đưa cho anh thì không thấy chàng trai đó đâu nữa. Anh đang rửa mặt ở giếng. Ngày hôm sau, trên bãi tập, anh đến sát chị và nói nhỏ:

- Này, đằng ấy có giận tớ không?

- Giận gì, không nhớ…

Thật ra chị cũng nhớ vì mang miếng cháy ra không thấy người, đứng chưng hửng thì cô bạn thân bảo:

- À lúi. Thường phần tớ à? Cảm ơn nhé!

Cô bạn giơ miếng cháy trước mặt mấy người bạn rồi cười vang. Chị mỉm cười, nhìn theo cô bạn xinh xắn, hồn nhiên đến lạ. Chị quen anh trong hoàn cảnh đó, dần dà hai người nói chuyện với nhau thoải mái hơn, không còn e dè như trước nữa. Một buổi chiều cuối thu, khi mặt trời xuống núi, buổi tập kết thúc, mọi người chào nhau ra về. Anh đi nhanh lên phía trước, vẫy tay chào mọi người nhưng lại nhìn về phía chị. Ngượng ngùng, chị đỏ mặt và cứ thế đi thẳng. Anh đi đường tắt, đón chị ở con đường nhỏ. Họ đi cùng với nhau một đoạn khá xa rồi chào tạm biệt. Anh đến nhà chị chơi vào tối hôm sau. Buổi gặp gỡ đầu tiên là phụ huynh tiếp anh, thấy anh lúng túng mãi, bố mới gọi chị lên nhà nói chuyện... Tình cảm của hai người cả đội dân quân tự vệ biết. Gia đình đôi bên đều ngầm ưng tình cảm của anh chị.

Sau tết nguyên đán, khi cánh hoa đào đã nhạt màu, không khí mùa xuân vẫn còn vương trên nụ tầm xuân, vương trên lá mạ xanh non, sự vật vẫn hồi sinh theo quy luật của tạo hoá, hẹn ước bao điều mới mẻ. Trên đường lên bãi tập, anh nói nhỏ với chị:

- Sắp tới, anh sẽ đi bộ đội. Bố mẹ anh muốn hai đứa mình tổ chức đám cưới sớm.

- Nhanh thế anh? Em chưa chuẩn bị được gì cả.

- Nhà hai đứa mình đều nghèo. Em về làm dâu nhà anh sẽ vất vả. Em cố gắng nhé!

Chị khẽ gật đầu. Đám cưới của anh chị diễn ra nhanh chóng, theo nếp sống mới. Đôi bên làm cơm báo cáo tổ tiên. Lễ thành hôn đơn giản nhưng mà vui. Nhà anh khó khăn nên nhà chị không thách cưới. Hôm sau, chị gấp bộ quần áo mới mặc trong đám cưới và bảo anh:

- Em mang đi trả cho đứa bạn, em mượn đấy.

- Anh cũng thế.

Anh rơm rơm nước mắt, còn chị thì sụt sùi. Anh ôm lấy vai chị:

- Mình còn trẻ, sẽ làm ra em nhé. Anh chỉ cần chúng mình mạnh khỏe, thương yêu nhau thôi. Thế là đủ.

Những ngày bên anh, chị thật hạnh phúc. Khi bé Lệ chào đời, niềm vui được nhân lên gấp bội. Cứ đi làm về là anh ôm lấy con bé cười nựng. Con bé cứ cười toe toét khi được bố cưng… Rồi một hôm, anh nhận được giấy báo lên đường nhập ngũ. Chị nhớ như in ngày tiễn anh lên đường tòng quân, khoảnh khắc xe chuyển bánh chầm chậm mà anh vẫn ôm đứa con gái bảy tháng tuổi vào lòng, không muốn xa con. Xe chạy khoảng 30 mét thì xe đỗ hẳn, anh bế con bé xuống, rồi ôm cả hai mẹ con tạm biệt. Tất cả tân binh trên xe đều giơ tay vẫy. Chị bế con nhìn theo nước mắt giàn giụa, đó là ngày 16 tháng 2 năm 1984.

Sau thời gian huấn luyện, anh được biên chế vào đơn vị D1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 821. Đồng thời anh nhận lệnh hành quân chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên. Thực tế vào thời điểm đó, tình hình biên giới vẫn căng thẳng. Sau khi quân bành trướng rút quân về nước nhưng chúng vẫn còn chiếm đóng một số vị trí trên lãnh thổ nước ta. Riêng Hà Tuyên năm 1980, Trung Quốc chiếm cao điểm 1992 ở Xín Mần. Năm 1982, chúng chiếm cao điểm 1800A, 1800B Lao Chải, Vị Xuyên. Năm 1984, đánh chiếm 29 điểm tại Vị Xuyên và Yên Minh. Tháng 10/1989, chúng mới rút hết về bên kia biên giới (Ngay sau ngày 17/2/1979, khi Trung Quốc xâm lược nước ta, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã kêu gọi thanh niên, sinh viên sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Khí thế chống giặc ngoại xâm sục sôi từ miền ngược đến miền xuôi, từ biên giới tới hải đảo. Có nhiều lá thư tình nguyện xin ra mặt trận được viết bằng máu. Có những người lính đã từng đi qua hai cuộc chiến vẫn xung phong đánh giặc).

Còn anh, khi tham gia chiến đấu anh chưa tròn hai mươi, rất trẻ. Chị nhớ trong những lá thư anh viết rất ít kể về tình hình chiến sự ở biên giới mà chỉ hỏi thăm con gái, bố mẹ, ruộng đồng… Anh sợ chị lo lắng nên hỏi thăm như thế. Chị nhớ chỉ duy nhất một lá thư anh gửi có đoạn viết: Em ạ, đất nước mình trải qua bao cuộc chiến tranh gian khổ và ác liệt. Có những người lính còn chưa hết mùi khói súng của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, chiến tranh biên giới Tây Nam lại tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu mới… Nhiệm vụ của anh và đồng đội là bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của đất nước…

Ngày 29/5/1984, có lẽ đồng đội anh không bao giờ quên trận đánh đó. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị anh vừa quay trở về thì nhận lệnh mới. Quân địch bắn pháo như vãi trấu trên cao điểm. Đơn vị anh nhận nhiệm vụ tăng cường cho đơn vị bạn. Sau khi đưa một số thương binh ra ngoài, anh bị trúng mảnh pháo của địch. Anh Hải vội vã đưa anh sang hang Phẫu (thuộc xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên nay thuộc tỉnh Hà Giang), để băng bó vết thương cho anh. Xe cứu thương chuyển về tuyến sau nhưng không kịp. Người lính trẻ ngã xuống mảnh đất biên cương của tổ quốc khi vừa tròn 20 tuổi. Trận chiến khốc liệt đó có nhiều chiến sĩ đã hy sinh anh dũng. Hồn thiêng lính trận đã hóa vào cỏ cây, hoa, đá. Máu các anh đã nhuộm thắm mảnh đất biên cương này. Cái tin anh đã hy sinh thật bất ngờ. Có nỗi đau nào hơn thế. Chị ôm con vào lòng nức nở. Người cha già ôm ngực, đứng lặng yên. Ông thắp hương lên bàn thờ tổ tiên, ông rồi khấn vái. Khi tĩnh tâm lại, người cha ấy động viên chị cố gắng để nuôi dạy con cái, ông nói với chị:

- Con ạ, bố mẹ rất đau, có lẽ rất nhiều người cha, người mẹ, người vợ đều chịu nỗi đau mất mát này. Tuấn và đồng đội hy sinh vì nhiệm vụ cao đẹp là gìn giữ bình yên cho đất nước. Hãy cố gắng gìn giữ sức khỏe, nuôi con khôn lớn.

Chị kìm lòng, nhiều đêm chỉ dám khóc thầm để bố mẹ chồng khỏi buồn. Cả làng đến chia buồn, động viên bố mẹ và chị. Những kỉ vật của anh được đơn vị mang về, trao tận tay gia đình. Những giọt nước mắt lăn dài trên má người phụ nữ có dáng mảnh khảnh, đôi mắt buồn như muốn khóc. Nghĩ đến bé Lệ còn quá nhỏ, chị dặn lòng phải cố gắng vượt qua. Một hôm, bác cán bộ Phòng Thương binh - Xã hội đến nhà. bác ấy hỏi nhỏ:

- Bác muốn hỏi cháu về người được hưởng chế độ gia đình liệt sĩ?

- Dạ, bác chuyển hết cho bố mẹ chồng cháu ạ. Bản thân cháu còn trẻ khỏe, vẫn còn sức lao động. Cháu lo được, bác yên tâm.

241234202-4256568191125910-835441184740770920-n-1630747833.jpgKỷ vật do gia đình cung cấp

Sống cùng gia đình nhà chồng được ba năm, chị xin phép bố mẹ chồng về sống bên nhà ngoại. Mọi người trong gia đình và hàng xóm giúp chị làm một căn nhà lá nhỏ cạnh nhà mẹ đẻ. Nhà vừa làm được bốn năm, cái đêm bão tháng bảy năm đó, sấm ầm ầm, trên bầu trời, lóe sáng những tia chớp, gạch chéo trên bầu trời. Mưa to quá, nước ở rãnh tràn vào sân. Căn nhà lá của chị nhiều chỗ bị dột, hạt mưa theo đó nhỏ từng giọt xuống. Chị lấy cái chậu hứng nước mưa rơi từ trên mái xuống. Bên ngoài tối đen, ngọn đèn dầu leo lét như muốn tắt. Chị ôm con vào lòng, cầu trời mau tạnh. Sáng hôm sau, mưa cũng ngớt nhưng 13 lá thư chị để trong hộp giấy, mực nhòe hết, giấy như mủn ra. Chị thẫn thờ, ngồi thụp xuống đất, nghẹn ngào. Chị tiếc kỉ vật của chồng, đó là kỉ niệm thương nhớ của anh đối với người vợ trẻ…

Năm 1997, nhà nước đã xây tặng cho chị một căn nhà tình nghĩa, như nguồn động viên tinh thần đối với mẹ con chị. Chị nhớ về anh với hồi ức thật đẹp đẽ biết nhường nào như khoảng trời xanh biếc là động lực chị vượt qua mọi khó khăn. Đã ba mươi bảy năm trôi qua, hình ảnh và những kỉ niệm về người chồng mà chị tôi cả đời nhớ thương vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Đến bây giờ, chị vẫn ở vậy và yêu anh như thế.

Yên Thế, tháng 9 năm 2021.

 

Theo Chuyện Làng quê