Chuyện về một tục lệ một bài thơ hay một huyền thoại thời nay

Nhìn ảnh những người lính trên sông thả hoa, chợt nhớ một chuyện em tôi, Trịnh Hoà Bình kể. Cũng lâu rồi, hình như đó là năm 1987, khi trận đánh ấy chưa được mấy ai nhắc đến.

quang-tri-1642303717.jpg

Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Rằng lần về Quảng Trị ấy, ngày thương binh liệt sĩ 27/7, em tôi vào chợ Đông Hà, đã vét hết tiền túi định mua hoa, để viếng đồng đội. Những người đã hi sinh trong 81 ngày máu lửa. Bao người chỉ có mộ, không tên. Bao người đến mộ cũng không được nằm. Để hồn, để cốt dưới lòng sông. Chợt ngỡ ngàng, khắp chợ hoa không còn một bông. Người ta bảo, có anh bộ đội qua trước, mua hết rồi.

Không mua được, anh lính cựu thẫn thờ ra sông, vừa đi vừa quanh quất. Chỉ còn cách kiếm tìm hoa dại. Có lẽ thân quen nhất với người lính là hoa xim với hoa mua, phơn phớt tím. Màu của thủy chung. Của tình yêu người lính. Trên đất Quảng Trị, còn có hoa mẫu đơn, dân gọi bông trang. Đó là thứ hoa dân dã, sắc đỏ tươi, gồm vô số bông li ti, xòe ra, như giọt máu tuôn trào từ trái tim người lính. Dưới đạn bom, cành mẫu đơn gẫy vụn, vương vãi khắp. Mà lạ. Loài mẫu đơn sức sống mãnh liệt làm sao. Rơi xuống đất, dù ở đâu, cành cũng không chết, ngay cả dưới nắng lửa. Mà ngược lại, nó nhanh chóng đâm rễ, nảy chồi, lại trổ những nhành hoa đỏ máu. Cứ như, đạn bom càng dữ dội, hoa nở càng rộ, càng nhiều. Trên đất này, không ở đâu không thấy. Thế nên, rồi em tôi cũng kiếm được bó hoa, dẫu nho nhỏ. Hoa dại, đủ loại, đủ sắc màu, nhưng nhiều nhất là những bông mẫu đơn đỏ rực rỡ.

chuytrtim2s-1642323528.jpgCựu chiến binh Lê Xuân Chinh (người ngồi đầu, quê xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) trong tấm ảnh “Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị” 1972. Ảnh: Đoàn Công Tính ( qdnd.vn)

Thả hết hoa xuống sông, anh lính rầu rĩ nhìn. Chỗ này gần biển. Lòng sông đã trải rộng, mà hoa nào có bao lăm. Chợt ngỡ ngàng, trước mắt là cả một dòng sông hoa. Vô số những nhành hoa, tươi nguyên, dập dềnh trên sóng nước. Như những bàn tay. Chấp chới. Vẫy gọi. Và những bông vừa thả như ùa theo, nhanh chóng nhập chung vào dòng hoa ấy. Nhìn ngược lên, phía xa xa, một con đò. Hai bóng người. Một chèo, một thả. Người cắm cúi thả hoa chính là Lê Bá Dương, bạn, mặc dù khác trung đoàn. Hóa ra, hai người cùng chung ý tưởng. Cùng tìm hoa, viếng bạn dưới đáy sông. Chỉ có điều, với chuyện mua hoa em tôi không có duyên.

Lê Bá Dương là người sau đó đã để lại bốn câu thơ bất hủ, Đò lên Thạch Hãn ơi… Bên sông, Dương tình cờ gặp mẹ. Một mình mẹ, một con đò. Con đò nhỏ, cũ kĩ, gỗ đã chuyển màu, như làn da nhăn nheo, sậm màu thời gian của mẹ. Dương ngỏ lời thuê. Mẹ im lặng nhận, và cũng lặng im, cặm cụi đẩy mái chèo. Con đò mơn man dòng sông, như bàn tay mẹ khẽ xoa lưng, ru con ngủ. Nhè nhẹ, từ bờ nam lên bờ bắc. Rồi lại từ bờ bắc xuống bờ nam. Để lại cả một dòng sông hoa. Dài vô tận. Thả hết hoa, Dương lấy tiền trả. Mẹ lắc. Nỡ lòng nào. Rồi cả hai mẹ con ôm nhau. Khóc.

Là người chứng kiến, đến giờ, em vẫn ân hận, không biết mẹ là ai. Chỉ chắc chắn, đó là người mẹ đất Quảng Trị này. Còn chuyện thả hoa viếng bạn, rồi sau không biết có bao người nữa làm theo. Lẳng lặng một mình có. Đi thành đoàn cũng có. Ngày càng đông, càng nhiều. Không chỉ thành một phong trào. Đã thành một tục lệ. Không chỉ người lính, mà dường như trẻ già gái trai, hễ qua dòng Thạch Hãn cũng day dứt, không thể không làm. Và rồi, trên đất Việt này hoa được kết thành vòng, thả khắp cả trên sông, trên biển lớn. Lệ thả hoa, thả đèn, gửi đến những con người mãi mãi tuổi hai mươi.

Và cái tứ thơ “Đáy sông còn đó bạn tôi nằm” hằn trong Lê Bá Dương khi anh gượng nhẹ gửi từng nhành hoa xuống dòng sông đã nhận được sự đồng điệu, rung cảm, sự cộng hưởng và truyền lan của bao đồng đội. Để thành bài thơ ngắn gọn, chỉ bốn câu, song chất chứa xúc cảm, mãi trẻ trung. Dù có thể bị cho là gai góc, khó nhớ, khó đọc với ai đó chợt gặp. Người ngoài. Song với những chiến binh đã trải, nó là cả tấm lòng. Sẽ không thể khác. Rồi thơ được khắc vào bia đá, dựng ngay bên dòng Thạch Hãn.

Không gặp may khi tìm hoa viếng bạn. Song có lẽ em tôi đã may mắn tình cờ thành chứng nhân của một trong những huyền thoại. Một huyền thoại của thời nay đẹp đến như thế.

Phải nói thêm. Với Lê Bá Dương, trước mỗi cảnh huống sao lòng câu thơ thường bất chợt buột ra, ngẫu hứng. Có lần, gặp một cô bé học sinh Quảng Bình. Em tò mò hỏi, sao người ta lại gọi các anh là lính cơm Bắc giặc Nam. Anh đã rút bút, trả lời bằng hai câu thơ, ghi ngay lên cuốn vở học trò, đó là thứ quân

Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc

Một dấu chân in màu đất hai miền.

Vẫn lạ, chỉ những con số một và hai tưởng chừng khô khan, mà sao nhiệm màu đến thế. Làm nổi rõ sứ mạng cao đẹp của thứ quân lạ lùng, mang danh lính cơm Bắc giặc Nam trong một giai đoạn lịch sử sao cũng lạ lùng của nước mình đến thế. Đến nay, câu thơ chép vội ấy vẫn còn. Được cô gái gửi lại cho tác giả. Trường hợp này cũng vậy. Ngay chiều ấy bài thơ đã hình thành. Phiên bản đầu là:

Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Tan chợ chiều xuôi đò có vội

Xin, xin đừng khuấy đục dòng trong.

Giữa dòng thuyền, dòng người mưu sinh vội vã, dường như chỉ lạc lõng mỗi anh. Vẫn đang bồi hồi lắng đọng với bạn xưa. Một tự sự. Một tấm lòng. Xót xa.

Từng nghe, đã có “cao nhân” giúp Lê Bá Dương chữa thơ. Số là hai năm sau, năm 1989, trên đường từ Đại hội Văn học Nghệ thuật ở Huế về, Lê Bá Dương gặp Đỗ Kim Cuông và chép tặng anh bài thơ này. Tâm đắc, đọc đi đọc lại, hai từ XIN trong câu cuối ngắt ra, nghe như tiếng nấc. Khóc bạn. Ghìm nén. Sức gợi đến khó tả. Song câu thơ đầu cũng lại XIN. Cuông than, “cứ xin xin thế não quá.”

Vậy là Lê Bá Dương viết lại. XIN trên dòng đầu thay bằng ƠI, như cách gọi đò quê ta. Hai câu cuối thay hẳn, đổi thay luôn diện mạo toàn bài

Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.

Câu chốt vẫn giữ nguyên, khôn nguôi day dứt, ĐÁY SÔNG CÒN ĐÓ BẠN TÔI NẰM. Đây chính là cái tứ, là tiếng lòng nhắn gửi. Lồng trong đó là thông điệp, mãi ngàn năm quyết giữ yên bờ cõi. Đồng thời, không được lãng quên 81 ngày đêm của mùa hè đỏ lửa 1972. Khi mà, theo lời “người âm,” tổng số chiến sĩ yên nghỉ dưới dòng Thạch Hãn lên tới 3.086.

Song với hai câu mới, từ chỗ đậm xót xa, bài thơ đã thành tuyên ngôn hào sảng của cả một thế hệ những người SỐNG MÃI TUỔI HAI MƯƠI. Trong đó, đâu ít trẻ trai xếp bút nghiên lên đường, để rồi không bao giờ trở lại. Không ngẫu nhiên, bài thơ đã thành một tài sản chung, và do đó thành bất tử. Và đã được các cựu chiến binh, cả trong và ngoài Thành Cổ, truyền tay nhau như thế.

Theo Trái Tim Người Lính