Có bạn thân sẽ giúp thiếu niên vượt qua stress tốt hơn

Trẻ em ở tuổi thiếu niên (tuổi “teen”) nếu có ít nhất 1 người bạn thân thì sẽ dễ vượt qua stress hơn.

Một dự án nghiên cứu ở Úc đang theo dõi sự phát triển của 10.000 trẻ em từ năm 2004 đến nay. Vào năm 2016, nhóm trẻ lớn ở vào tuổi 16-17 và được tham gia khảo sát, trả lời các câu hỏi về cuộc sống của các em, như là môi trường học tập, sức khỏe tâm thần và những người cùng trang lứa.

Có bạn thân sẽ giúp thiếu niên vượt qua stress tốt hơn - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Một trong những yếu tố đánh giá sức khỏe của các em là khả năng vượt qua khó khăn khi gặp phải những sự việc gây căng thẳng, ức chế để hồi phục và trưởng thành hơn từ những khó khăn đó.

Sự việc gây căng thẳng có thể là những cuộc tranh cãi với bạn bè, thua một cuộc thi thể thao, nhận kết quả thi không như ý, nghiêm trọng hơn có thể là bị bắt nạt, gia đình có mâu thuẫn, người thân ốm nặng hoặc qua đời.

Nhìn chung, các em cho biết trong những hoàn cảnh đó, các em đều có phản ứng để thích nghi, chống đỡ, và các em trai thì mạnh mẽ hơn các em gái. Nghiên cứu còn cho thấy những em không có bạn thân thì khả năng này kém hơn nhiều.

Các em trai mạnh mẽ hơn các em gái

Nghiên cứu này đánh giá khả năng thích nghi, chống đỡ dựa vào nhiều yếu tố, trong đó có đặc điểm tính cách sinh học và tâm lý, các mối quan hệ với gia đình và bạn bè đồng trang lứa, các tác động của môi trường học đường và các môi trường xã hội ngoài trường học.

Các thiếu niên tham gia nghiên cứu này được yêu cầu tự đánh giá bản thân theo 10 tiêu chí, trong đó có khả năng thích ứng với các thay đổi, mức độ đạt được mục tiêu đề ra cho bản thân bất kể gặp phải các khó khăn, trở ngại và mức độ nản chí khi gặp thất bại. Tổng kết lại, các em sẽ tự đánh giá mình theo thang điểm từ 0 đến 40, điểm càng cao thì khả năng chống đỡ càng tốt.

Mức điểm trung bình mà các em đưa ra là 26,5. Điều đó cho thấy nhìn chung các em ở độ tuổi 16017 tự đánh giá là biết chống đỡ khi gặp khó khăn.

Các em trai có điểm số cao hơn hẳn các em gái ở mức 27,6 so với 25,5. Cụ thể là 51% em trai và 37% em gái nói rằng các em không dễ bị nhụt chí khi gặp thất bại; 63% em trai và 45% em gái nói có thể kiềm chế hầu hết những cảm xúc khó chịu; 50% em trai và 39% em gái tự nhận xét là thường xuyên hoặc thậm chí là hầu như hoàn toàn có thể trở nên mạnh mẽ hơn sau khi vượt qua stress; 67% em trai và 58% em gái cảm thấy có thể xử lý được bất cứ chuyện gì xảy ra với mình.

Cũng có thể kết quả thiên về các em trai là do khi trả lời câu hỏi khảo sát, các em trai muốn tỏ ra mạnh mẽ hơn các em gái. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác cũng có kết quả là khả năng chống đỡ của các em trai cao hơn nhiều so với các em gái.

Các mối quan hệ khăng khít khiến cho trẻ mạnh mẽ hơn

Nghiên cứu này cũng đánh giá mức độ ảnh hưởng của môi trường sống (như là gia đình, trường học và bạn bè) lên khả năng chống đỡ khó khăn của các em.

Trong số các em lứa tuổi 16-17 được hỏi, có 84% nói rằng các em có ít nhất 1 người bạn thân. Những em này có điểm số đánh giá trung bình là 27 so với 16% các em còn lại không có bạn thân thì điểm số chỉ là 23.

Tính chất của mối quan hệ với người bạn mà các em gọi là bạn thân cũng rất quan trọng. Các em có điểm số cao hơn là các em có mức độ tin cậy ở người bạn thân cao hơn và các em tâm sự được với bạn nhiều hơn.

Mặt trái của việc có một người bạn thân là bị bắt nạt. Những em bị bắt nạt trong vòng 12 tháng trước khi trả lời khảo sát thường có điểm số thấp hơn 2 điểm so với các em không bị bắt nạt.

Nhưng cho dù bị bạn thân lấn át, bắt nạt thì điều đó cũng không làm giảm sút khả năng chống đỡ khó khăn của các em bằng khi không có bạn thân để chia sẻ, tâm sự. Có một người bạn thân giúp cho điểm số đánh giá của các em nâng lên 4 điểm.

Những em gần gũi với bố mẹ và các thành viên khác trong gia đình cũng có điểm số cao hơn các em khác. Khoảng 16% thiếu niên ở độ tuổi 10 – 13 không được gia đình hỗ trợ, ủng hộ thường xuyên và khả năng chống đỡ của các em này thấp hơn hẳn khi đến tuổi 16-17.

Thiếu sự quan tâm, hỗ trợ của gia đình tức là các em không có ngay người lớn mà các em tin cậy để tâm sự khi cần. Các em này có điểm số 25,3 so với các em khác được gia đình thường xuyên quan tâm thì điểm số là 26,8.

Các kết quả nghiên cứu trên đây không trình bày mối quan hệ nhân quả giữa tình bạn và khả năng chống đỡ khó khăn. Vì các em nhận xét về tình bạn và khả năng chống đỡ khó khăn trong cùng một thời điểm khảo sát nên không thể nói các em không có bạn bởi vì khả năng chống đỡ khó khăn của các em yếu kém hay là khả năng chống đỡ của các em kém vì các em không có bạn thân.

Thay vào đó, nghiên cứu nhấn mạnh vào khả năng dễ bị tổn thương ở tuổi thiếu niên của những em không có các mối quan hệ thân thiết với những người xung quanh.

Phạm Hường 

Theo The Conversation