Những pho tượng đất sét ở chùa Nôm.
Chùa Nôm còn có tên là Linh Thông cổ tự gắn với truyền thuyết từ thời Hai Bà Trưng xa xưa. Tương truyền, sư thầy tu hành ở chùa Dâu một đêm nọ đang ngon giấc thì được báo mộng. Lúc tỉnh dậy, sư thầy nhìn thấy một vầng hào quang chói lòa ở phía nam, tìm đường đến chỗ quầng sáng đang ngự trị thì thấy một rừng thông cổ thụ. Niệm thấy đó chính là phước lành Phật ban nên sư sãi và dân làng trong vùng đã dựng một ngôi chùa và đặt tên là Linh Thông cổ tự.
Rất ít tư liệu thông tin chính xác về thời điểm ra đời của ngôi chùa, nhưng dựa vào hai tấm bia lớn còn lưu lại tại chùa Nôm có thể đọc được ngôi cổ tự này xây dựng lại vào thời Hậu Lê năm Canh Thân 1680, dưới thời vua Lê Hy Tông (1676 – 1680). Giai đoạn từ năm 1692 – 1796, chùa Nôm tiếp tục trải qua bảy lần tôn tạo và xây mới với các hạng mục tiền đường, hậu cung, hành lang, sửa lại cột trụ, tạc thêm tượng, mở rộng sân chùa, xây thêm lầu chuông và mở rộng hai dãy hành lang...
Chính điện chùa Nôm.
Đến thời nhà Nguyễn, đời vua Thành Thái, năm thứ 11 (1899), chùa Nôm lại tiếp tục được tu sửa. Trải qua thăng trầm và biến cố của lịch sử, cũng như sự tàn phá của thiên nhiên, chùa vẫn tồn tại và mang trong mình một tâm thế độc đáo riêng.
Chùa Nôm mang đặc trưng kiến trúc và cấu trúc đình, chùa truyền thống của Việt Nam với hai hành lang dài nối liền nhà tiền đường ở phía trước và nhà hậu đường (có thể là nhà tổ hay nhà tăng) ở phía sau làm thành một khung hình chữ nhật bao quanh lấy nhà thiêu hương, nhà thượng điện hay các công trình kiến trúc khác ở giữa. Kết cấu kiến trúc ấy dân gian thường gọi là “nội công ngoại quốc”.
Cổng tam quan chùa Nôm được dựng bằng gỗ còn nguyên vẹn nét cổ xưa hiếm có với hoa văn chạm khắc tinh tế ở từng trụ cột, kèo gỗ đến mái ngói, cửa cổng. Bước qua cổng tam quan là cả một không gian thanh tịnh, ngát hương hoa với lầu chuông, lầu trống nằm đối xứng hai bên, ở giữa là hồ nước thả sen nở hồng rạng rỡ khi mùa về. Khuôn viên chùa Nôm rộng rãi, ngoài chùa chính còn có các gian thờ phụ và các hồ nước bao quanh. Lầu Quan Âm nằm ở giữa hồ nước như một đài sen nguy nga với cây cầu đá dẫn lối vào…
Có nhiều hiện vật quý giá mà chùa Nôm đang sở hữu như cây hương thời Chính Hòa, bia đá thời Tây Sơn, tấm hoành phi thời Khải Định… Đặc biệt là hơn 100 pho tượng được tạc bằng đất sét, bao gồm Tam Thánh, Tam Thế, A Di Đà, Bát bộ Kim cương, Thập bát La Hán… tạo nên nét khác biệt so với nhiều ngôi chùa cổ ở đồng bằng Bắc Bộ. Những pho tượng đất sét này đã tồn tại mấy trăm năm nhưng vẫn luôn là một ẩn số với các nhà nghiên cứu, tạo nên sức hấp dẫn riêng có đối với du khách thập phương ngoài không gian linh thiêng, cổ kính của ngôi chùa.
Công đoạn làm tượng đất phức tạp cùng với biểu cảm đầy sức sống mang vẻ đẹp cuộc sống đời thường đã tạo nên sức lôi cuốn và vẻ độc đáo cho từng pho tượng. Theo các nhà điêu khắc, chất liệu làm tượng gồm đất sét được trộn lẫn với mật mía, vôi và giấy bản nhào kỹ.
Sau khi hỗn hợp đất đã được xáo nhuyễn, thợ làm tượng bắt đầu nặn theo ý tưởng, hình khối đã phác thảo rồi tạo dáng cho từng bức tượng. Công đoạn cuối cùng là sơn thếp ra ngoài để hoàn thiện bức tượng. Vật liệu làm tượng có tính chất kết dính vĩnh viễn nên dù không được nung chín nhưng tượng đất chùa Nôm vẫn bền chắc và giữ được yếu tố thẩm mỹ cao qua thời gian.
Tượng đất sét chùa Nôm có nhiều kích cỡ khác nhau, có tượng chỉ cao chừng 20 cm nhưng có tượng cao tới 2 mét. Mỗi pho tượng mang hình dáng và biểu cảm khác nhau. Có tượng là nét mặt vui mừng, trong sáng, tượng khác thì tỏ rõ sự an nhiên, tự tại. Chính những biểu cảm gần gũi, thuần Việt nơi từng pho tượng đã mang đến sự bình an, tươi mới cho du khách đến thăm chùa. Niên đại của các pho tượng cổ này được các nhà nghiên cứu xác định thuộc thời kỳ Lý – Trần (thế kỷ 9 – 14).
Cùng với những pho tượng cổ đặc sắc, trong khuôn viên chùa Nôm còn có một khu mộ tháp cổ được xây dựng bằng những phiến đá ong cổ. Những tháp đá tuyệt đẹp và cổ kính được bảo tồn nguyên vẹn. Những thanh đá ong được mài nhẵn, vuông vắn, có kích thước, trọng lượng tương đương được xếp chồng lên nhau tạo thành các ngôi bảo tháp ba tầng, đứng sừng sững như thách thức với thời gian.
Chùa Nôm cùng với chợ Nôm, cầu Nôm, đình Tam Giang và những ngôi nhà cổ trăm tuổi đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là Quần thể di tích làng Nôm với hai di tích cấp quốc gia là chùa làng (chùa Nôm) và đình làng (đình Tam Giang) vào năm 1994.