Cổ nhân dạy: Tại sao chúng ta lại la hét khi giận dữ?

Một vị cổ nhân đã hỏi các đệ tử rằng: 'Tại sao trong cơn giận dữ người ta thường phải thét thật to vào mặt nhau?

 

Có một vị hiền triết đã hỏi các đệ tử rằng: “Tại sao trong cơn giận dữ người ta thường phải thét thật to vào mặt nhau?”.

Sau một lúc suy nghĩ, một trong những đệ tử ấy đã trả lời: “Bởi vì người ta mất bình tĩnh, mất tự chủ!”.

Vị hiền triết không đồng ý với câu trả lời, ngài nói: “Nhưng tại sao phải hét lên trong khi cả hai đang ở cạnh nhau, tại sao không thể nói với một âm thanh vừa phải đủ nghe?”. Các đệ tử lại phải ngẫm nghĩ để trả lời nhưng không có câu giải thích nào khiến thầy của họ hài lòng.

Sau cùng ông nhẹ nhàng: “Khi hai người đang giận nhau thì trái tim của họ đã không còn ở gần nhau nữa. Từ trong thâm tâm họ cảm thấy giữa họ và người kia có một khoảng cách rất xa, nên muốn nói cho nhau nghe thì họ phải dùng hết sức bình sinh để nói thật to. Sự giận dữ càng lớn thì khoảng cách càng xa, họ càng phải nói to hơn để tiếng nói của họ bao trùm khoảng cách ấy”.

Ngưng một chút, ngài lại hỏi: “Còn khi hai người bắt đầu yêu nhau thì thế nào? Họ không bao giờ hét to mà chỉ nói nhỏ nhẹ, tại sao? Bởi vì trái tim của họ cận kề nhau. Khoảng cách giữa họ rất nhỏ…”

Rồi ngài lại tiếp tục: “Khi hai người ấy đã yêu nhau thật đậm đà thì họ không nói nữa, họ chỉ thì thầm, họ đã đến rất gần nhau bằng tình yêu của họ. Cuối cùng ngay cả thì thầm cũng không cần thiết nữa, họ chỉ cần đưa mắt nhìn nhau, thế thôi! Vì qua ánh mắt đó họ đã biết đối phương nghĩ gì, muốn gì...”

“Khi các con bàn cãi với nhau về một vấn đề, phải giữ trái tim của các con lúc nào cũng cận kề. Đừng bao giờ thốt ra điều gì khiến các con cảm thấy xa cách nhau… Nếu không thì có một ngày khoảng cách ấy càng lúc càng rộng, càng xa thì các con sẽ không còn tìm ra được đường quay trở về".

Kết luận: Chẳng có gì làm vừa lòng cái lưỡi khắc nghiệt hơn là khi nó tìm thấy một trái tim giận dữ. Nếu chúng ta dùng tấm lòng khoan dung của mình để thấu hiểu và cảm thông người khác, thì sự việc sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực. Mâu thuẫn, xung đột hay tranh cãi sẽ không xảy ra mà chỉ còn lại niềm vui và sự yên bình. Hơn nữa, độ lượng, tha thứ cho người khác chính là tô đẹp tâm hồn của chính mình vì chẳng ai cảm thấy thoải mái và dễ chịu nếu cứ hận thù và nghĩ tới lỗi lầm của người khác.