Cô Sâm

Cô sống một mình, nhưng cô không hề tỏ ra buồn phiền mà luôn vui vẻ. Có quả mít, quả chuối, quả bí cô đem phân phát cho mọi nhà. Tiếng cô cười giòn tan mỗi sớm làm vui cả xóm. Cứ buổi chiều, lại rộn ràng nghe tiếng í a của cô với điệu chèo cổ “Quan Âm Thị Kính” xua đi cái yên tĩnh, ảm đạm nơi đây. Cuộc sống cứ thế trôi đi êm ả ở xóm núi.

240514231-4222168161232580-5732793266034978641-n-1629710962.jpg

Cái tin cô Sâm lấy chồng xôn xao cả làng Vân Lụa. Người khen thì ít người chê thì nhiều. Hôm chú Tâm (chú rể) vào đón chỉ có mẹ tôi và vài người tiễn ở cổng. Cô sụt sùi, cầm tay mẹ tôi và nói:

- Em đi nhé chị!

Nhà mẹ tôi và cô chung nhau một cái hàng rào râm bụt mười bốn mét. Nhà cô sát ven đường quốc lộ. Hồi xưa, cũng sát vách nhưng do bố tôi sợ các con hiếu động chạy nhảy ở ven đường nên lùi nhà vào sâu phía trong. Cả đội sản xuất gồm mấy chục nóc nhà, mỗi nhà một hoàn cảnh, không ai giống ai. Chồng cô Sâm (chú Cừ) qua đời sớm do tai nạn. Những năm tháng chiến tranh, bao cấp nhọc nhằn cô cũng nuôi năm người con trưởng thành. Cô lo cho các con rất chu đáo, ai học được thì cô nuôi ăn học đến nơi đến chốn, ai không học được thì cô hướng học nghề. Tất cả đều có công ăn việc làm ổn định, có chị Nhung rất khá giả. Ai cũng có gia đình riêng, mỗi người ở một nơi. Cô lại ở một mình..

Suy nghĩ của cô cũng theo chiều hướng tích cực, không bắt nàng dâu phải phục vụ. Cô thường nói ngày xưa, cả đội sản xuất này, có ai đi làm dâu đâu, thoát li đi công tác rồi lấy chồng sinh con để cái. Mẹ chồng lâu lắm mới đáp tàu hoả lên thăm một lần, vui như tết. Bây giờ cứ bắt chúng nó cơm hầu canh hạ làm gì vội khi mình vẫn khỏe và tự lo cho bản thân được. Khi nào mình thật yếu hãy nhờ chúng nó chăm nom. Cô sống một mình, nhưng cô không hề tỏ ra buồn phiền mà luôn vui vẻ. Có quả mít, quả chuối, quả bí cô đem phân phát cho mọi nhà. Tiếng cô cười giòn tan mỗi sớm làm vui cả xóm. Cứ buổi chiều, lại rộn ràng nghe tiếng í a của cô với điệu chèo cổ “Quan Âm Thị Kính” xua đi cái yên tĩnh, ảm đạm nơi đây. Cuộc sống cứ thế trôi đi êm ả ở xóm núi.

Bỗng dưng vào một buổi tối, cái hôm mưa, rét mướt, cô đội ô, quàng khăn kín cổ, chiếu ánh đèn pin loang loáng trước cửa nhà. Mẹ tôi ra mở cửa, vì cô cùng quê với bố tôi ở Nam Định nên hai nhà rất thân thiết, hễ có chuyện gì là cô lại lên nhà tâm sự với mẹ tôi. Ngồi hàn huyên một lúc, cô mới thủ thỉ:

- Em đi bước nữa chị ạ.

Mẹ tôi không tỏ ra ngạc nhiên mà chỉ hỏi thân thế, gia cảnh nhà chú “rể”. Chú Tâm đã 65 tuổi, là thương binh. Vợ chú cũng mất từ lâu rồi, chú làm nghề sửa chữa xe đạp. Vì cô đi chợ qua nhà chú nhiều lần, cũng có nhiều lần nhờ chú sửa xe giúp, không biết tự bao giờ hai người rất quý mến nhau. Cô cũng được chứng kiến chú bị đau khi vết thương cũ tái phát, cô càng thương chú hơn. Chính cô đề nghị về làm bạn với chú, lúc đầu chú cũng rất ngạc nhiên, nhưng cô thuyết phục, dần dần chú cũng đồng ý.

Mẹ tôi hỏi cô:

- Các con bên nhà chú Tâm và bên nhà cô có ưng không?

- Phản đối kịch liệt chị ạ.

Cô kể rằng các con bên chú Tâm chỉ sợ cô sẽ chiếm ngôi nhà sau khi chú mất. Còn các con bên nhà cô thì ngại ngần “mẹ có tuổi rồi đi bước nữa làm gì, chúng con xấu hổ lắm”. Cô nói rõ quan điểm là cô và chú Tâm không đăng kí kết hôn, chỉ về làm bạn với nhau. Nếu chú Tâm mất trước thì cô sẽ về nhà cô, ai cũng có lương, không ai phụ thuộc ai cả, con chú Tâm cũng có vẻ xuôi vì bố đã có người chăm sóc. Chỉ riêng con cái của cô Sâm là không chấp nhận mẹ của chúng đi phục vụ một người bệnh tật, lại mang tiếng già mà còn lấy chồng.

Mẹ tôi cười:

- Cô cứ làm điều gì mình muốn. Mình ăn ở cốt ở tấm lòng. Không thẹn với chính mình là được.

Mẹ tôi nhắc tôi động viên để cô đỡ buồn.

Cô ở với chú Tâm được bốn năm. Khoảng thời gian ngắn ngủi đó với cô chú thật hạnh phúc. Vì từng tham gia TNXP như mẹ tôi nên khi gặp chú Tâm thì họ có bao nhiêu chuyện để hàn huyên tâm sự, gợi những kỉ niệm của năm tháng chiến tranh, niềm vui và cả những nỗi buồn… Căn nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười… Đến năm thứ tư chú bị bệnh nặng. Trước khi qua đời, chú nắm lấy tay cô và nói giọng đứt quãng:

- Cảm ơn mình… đã vì tôi mà chịu nhiều vất vả… tôi đi trước, mình… đừng buồn...

Cô ôm lấy chú và nức nở…

Đám tang chú Tâm do cô và các con bên nhà chồng lo chu toàn. Chị Nhung (con gái cô) cũng đến chia buồn. Cúng cơm hết 100 ngày, cô bảo với các con nhà chú Tâm:

- Ngày mai, cô về nhà cũ. Ngày rằm và mồng một các cháu về thắp hương cho bố nhé, thỉnh thoảng cô sẽ ra nhà, đây là chìa khóa ngôi nhà, anh Cả cầm giúp cô.

Người con trai cả của chú khuyên cô ở lại. Cô bảo cô quyết định về rồi, cô chỉ có một túi xách quần áo với cái xe đạp. Sáng mai, cô sẽ trở về nhà của mình. Trưa hôm sau, cả xóm lại nghe thấy tiếng cô quét cổng. Cô mang đồ ra phơi phóng, chị Nhung chạy vội từ nhà bên sang, định nói điều gì đó. Cô xua tay:

- Về đi, mẹ muốn được yên tĩnh!

 

Theo Trái tim Người lính