Có thể cho học sinh nghỉ học thêm 1, 2 tuần để phòng dịch corona
TPO - "Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tính toán cụ thể. Chủ tịch UBND các địa phương cân nhắc. Có thể cho các cháu nghỉ thêm 1, 2 tuần, cùng với đó phải thực hiện khử trùng phòng học", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết tại buổi họp báo thường kỳ tháng 1/2020.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng (ảnh Mạnh Thắng)
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thông tin: 362 xe ùn ứ tại Lạng Sơn vì dịch corona, đã được thông quan trưa nay, tuân thủ đúng quy định cách ly 14 ngày. Chỉ được chuyển tại cửa khẩu quốc tế, không qua cửa khẩu song phương.
Năm học có thể kéo dài hơn
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: Để học sinh nghỉ học 1 tuần cần thiết để phòng tránh dịch, khử trùng trường lớp, trang bị trang thiết bị y tế sẵn sàng đón học sinh trở lại trường. Học sinh có thể học bù vào thứ 7, chủ nhật. Trong trường hợp nghỉ kéo dài, Bộ phải điều chỉnh thời gian năm học, có thể kết thúc dài hơn. Việc thi học kỳ có thể phải điều chỉnh theo. “Học sinh nghỉ học nhưng vẫn đảo bảm chương trình học, đảm bảo an toàn cho học sinh", ông Độ nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ
Có thể cho học sinh nghỉ học thêm 1 – 2 tuần
Trả lời câu hỏi về bảo hộ công dân, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: Đây là chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước chúng ta. Người Việt Nam tại Vũ Hán có 21 học sinh, 3 người nhà, nhiều công dân đang muốn trở về Việt Nam. Thủ tướng đã chỉ đạo chặt chẽ, đón công dân về nước.
Việc đón công dân được giao cho Bộ Quốc phòng, còn Bộ Y tế sẽ điều trị sau đó, với điều kiện cách ly tập trung 14 ngày. Tại miền Bắc, sẽ bố trí sân bay ở Vân Đồn và một sân bay ở miền Trung, một sân bay ở miền Nam, tuyệt đối tránh để không lây chéo.
Về vấn đề học sinh nghỉ học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tính toán cụ thể. Chủ tịch UBND các địa phương cân nhắc, "có thể cho các cháu nghỉ thêm 1, 2 tuần, cùng với đó phải thực hiện khử trùng phòng học", ông Dũng nói.
Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Chống lợi dụng dịch bệnh để làm giá chứng khoán
Trả lời câu hỏi về các giải pháp để bảo đảm thị trường chứng khoán không giảm điểm, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Thị trưởng chứng khoán giảm điểm, trong 2 phiên đầu tiên là ngày 30 và 31/1, mất gần 45 điểm, giảm khá sâu do ảnh hưởng cộng dồn sau khi nghỉ tết và tâm lý dịch bệnh.
Mức giảm thị trường chứng khoán ở Việt Nam tương đương với nhiều nước trên thế giới. Song từ tháng 2 thì đa thu hẹp khoảng cách giảm điểm của thị trường chứng khoán. Riêng ngày 4/2 thì sắc xanh đã quay trở lại với thị trường.
Với tình hình như hiện nay, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Uỷ ban chứng khoán tích cực tuyên truyền ổn định tâm lý nhà đầu tư. Uỷ ban chứng khoán cũng tuyên truyền, chống lợi dụng dịch bệnh để làm giá.
Trong ngắn hạn, Bộ Tài chính sẽ chủ động theo dõi, yêu cầu hai sở chứng khoán tăng cường công tác giám sát, báo cáo hàng ngay, xử lý nghiêm các hành vi trục lợi, tung tin đồn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam sẽ kiểm soát được coronavirus và hiện đủ năng lực để chống dịch bệnh viêm phổi. Ông Long cũng khuyên người dân bình tĩnh trong phòng chống dịch, không cần thiết phải tích trữ lương thực, đồ dùng...
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Triệu tập 170 đối tượng tung tin giả
Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết: Nhiều đối tượng lợi dụng không gian mạng, tung tin giả mạo. Bộ Công an đã chỉ đạo Công an địa phương vào cuộc đấu tranh xử lý, đã triệu tập hơn 170 đối tượng.
Ông Quang cho biết, hiện đang tiếp tục làm rõ hơn 41 trường hợp không hợp tác, hoặc có biểu hiện không thực hiện, nếu đủ yếu tố cấu thành sẽ xử lý hình sự.
Cục trưởng Cục PTTH, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Xử lý nghiêm nghệ sĩ tung tin giả
Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi: Vì sao nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đưa thông tin giả về corona, nhưng cơ quan chức năng lại xử lý chậm. Trong khi, người dân có hành vi tương tự thì cơ quan chức năng xử lý nhanh?
+ Cục trưởng Cục PTTH, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm: Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Bộ Công an xử lý. Việc này đang được thực hiện quyết liệt. Tại Hà Nội đã xử phạt 1 trường hợp tung tin sai về dịch corona, TP HCM xử lý 17 trường hợp. Đồng thời, TPHCM cũng quyết tâm xử lý các nghệ sĩ tung tin, phát tán thông tin giả; Quảng Ninh cũng xử phạt 1 trường hợp, Thái Nguyên đang xử lý 2 đối tượng…
Thông tin giả còn phát tán ở nước ngoài, chúng tôi làm việc với Facebook gỡ thông tin giả, đồng thời đăng thông tin chính thức tại Facebook. Google cũng chuẩn bị có kế hoạch đẩy thông tin chính thống phục vụ người dùng. Facebook đã gỡ toàn bộ các trang thông tin giả mạo.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
"Ảnh hưởng từ dịch bệnh đến nền kinh tế rất nghiêm trọng. Nếu dịch được kiểm soát trong quý 1, tốc độ tăng trưởng khoảng 6,27%, còn nếu kéo dài đến quý 2, chỉ đạt 6,09%. Về gói hỗ trợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng cần phải tính đến, nhưng phải xét đến yếu tố nguồn lực cụ thể. Chúng tôi sẽ xây dựng kịch bản chi tiết hơn trong thời gian tới”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại buổi họp báo Chính phủ. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
"Cương quyết cách ly sẽ kiểm soát được dịch"
Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi: Cách ly tại chỗ có phải phương án tốt nhất trong thời điểm này để chống dịch corona? Chính phủ có khuyến cáo gì để các địa phương về vấn đề này?
+ Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Bộ Y tế cũng vừa tổ chức họp báo, trả lời gần 100 câu hỏi của báo chí. Dự báo tình hình còn diễn biến phức tạp, biện pháp cách ly rất hiệu quả, ngăn chặn phòng chống dịch, ngăn chặn lây lan ra cộng đồng.
Ông Long cho biết sẽ tiến hành cách ly 3 vòng: Những người nhiễm virus corona bị cách ly tuyệt đối tại cơ sở y tế tuyệt đối. Cá nhân đi từ Hồ Bắc về (17 điểm có dịch, điểm lớn nhất là Vũ Hán), được cách ly tại các cơ sở tập trung (số này ít, nằm rải rác các địa phương). Cấp 3: Tiếp xúc hoặc đi từ Trung Quốc về, phải cách ly tại gia đình dưới sự giám sát quản lý của chính quyền các cấp và y tế, không đi ra khỏi nhà.
"Chúng ta đã chỉ đạo chống dịch rất quyết liệt. Năm 2003, chúng ta chống dịch SARS thành công với phương án cách ly tương tự như hiện nay. Nếu triển khai đồng bộ, cương quyết cách ly thì chúng ta sẽ kiểm soát được dịch”, ông Long khẳng định
Miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất khẩu trang chống dịch
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong cuộc họp, Chính phủ, Thủ tướng thống nhất miễn thuế nhập khẩu đối với các nguyên liệu để sản xuất khẩu trang và thuốc sát trùng và các hóa chất khác để phục vụ chống dịch corona. "Trong thời điểm phòng chống dịch quyết liệt này, chúng ta không lơ là, chủ quan, nhưng cũng không tạo ra hong mang", ông Dũng nói.
Quang cảnh buổi họp báo Chính phủ. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, thì chúng ta cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh.
Dịch corona ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP
Về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tại cuộc họp Chính phủ, Bộ Kế hoạch đầu có có trình kịch bản tăng trưởng kinh tế trong thời điểm dịch corona tác động đến các ngành, lĩnh vực. Theo đó, nếu không chế được dịch trong quý I/2020 thi tăng trưởng vào khoảng 6,27%; quý II mới không chế được dịch thì tăng trưởng khoảng 6,049%, thấp hơn các kế hoạch và nghị quyết của Quốc hội.
Tuy nhiên, Thủ tướng có yêu cầu các giải pháp để chống thua thiệt, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Phòng ngừa dịch corona: Hại nhất là bệnh... hoang mang
Mở đầu phiên họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tinh thần chống dịch như chống giặc. Chính phủ đã giành nhiều thời gian thảo luận về dịch corona, kể cả việc ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam.
Về công tác phòng chống dịch, các thành viên Chính phủ đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương. Đối với Việt Nam đây là lần đầu tiên chưa có tiền lệ trong việc công bố dịch. Nhiều biện pháp được áp dụng mạnh hơn so với dịch SARS nhằm bảo đảm an toàn, tính mạng và cuộc sống của người dân.
Chúng ta vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm tăng trưởng. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao Việt Nam, trong khi nước ta là nước có nguy cơ lây lan lớn vì có đường biên giới, nhiều cửa khẩu, hoạt động qua lại nhiều.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không chủ quan, lơ là, không hoang mang. “Lây truyền hại nhất là bệnh hoang mang, cần phải đánh giá đúng để xử lý vấn đề”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đang chủ trì cuộc họp báo thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra hôm nay 5/2. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Chiều 5/2, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 1/2020. Trong bối cảnh, dịch corona gây ra nhiều tác động, việc đưa ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các ngành hàng, lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, may mặc, du lịch là những vấn đề được nhiều cơ quan báo chí quan tâm.
Trước đó, phát biểu trong cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng,đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch nCoV thì cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh gây ra.
“Chúng ta đã thảo luận, cơ bản thống nhất: Chống dịch đồng bộ, quyết liệt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu nhưng phải thúc đẩy, giữ vững phát triển kinh tế, giữ ổn định xã hội, kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh”, Thủ tướng nói.
Nhấn mạnh, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, điều chỉnh, đưa ra các kịch bản tăng trưởng mới theo ngành, lĩnh vực hằng quý và cả năm 2020, có giải pháp mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Điều hành, vận dụng linh hoạt chính sách vĩ mô, đặc biệt là về tài chính, tiền tệ, thương mại, đầu tư để ứng phó kịp thời những diễn biến bất lợi từ dịch nCoV.
“Nền tảng của chúng ta rất tốt trong năm 2019, chưa bao giờ Việt Nam có vị thế lớn như vậy. Chúng ta cần tiếp tục phát huy nền tảng ấy, nhất là phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”, Thủ tướng bày tỏ và yêu cầu, phải vượt qua khó khăn này để một lần nữa “mặt trời tiếp tục tỏa nắng ở Việt Nam”.