CỘI NGUỒN CỦA RIÊNG TÔI – Làng “LỘI”

“Quê hương” người ta luôn viết, luôn nhắc, luôn kể về 2 tiếng ấy rất thiêng liêng, rất hãnh diện, rất tự hào, rất vui vẻ. Nhưng… với tôi thì ngược lại. Ngược lại thì sao nhỉ, mọi người sẽ nghĩ tôi không tự hào, tôi không hãnh diện hay yêu quê hương mình. Nhưng thật sự là khi nghĩ đến, điều duy nhất với tôi là Khắc khoải, là đau đáu, là day dứt trong trái tim. Và chắc chắn không chỉ riêng tôi mà là cả những thê hệ thanh niên làng trươc tôi và cả sau này, thậm chí cả những bậc thế hệ cụ, ông, cha tôi. Vì sao ư? Vì quê tôi Nghèo. Nghèo nhất xã. Người ta thường gọi Bình Nguyên quê tôi là làng Lội. Vì nó lội thật sau những trận mưa lớn, nó bẩn vì con đường đi đã cũ mèm đất cát.

    

 Và chính vì thế mà tôi ngay từ nhỏ muốn xa quê, ước mong lớn thật nhanh lên thành phố lập nghiệp, được sống ở thành phố. Bố, mẹ, các bác, thậm chí cả hàng xóm nhà tôi cũng luôn “ truyền lửa” cho tôi: “Lớn nhanh lên, học giỏi để đi xa cái quê nghèo này. Sau này còn lo cho bố mẹ” , rồi thì “ đời ông bà, bố mẹ nghèo lắm rồi, cháu cố gắng học giỏi su này sống ở thành phố”,…

             Vậy đấy, và với tôi bằng mọi cách học giỏi để không phải đi cấy, đi cầy cuốc giống bố mẹ, ông bà tôi. Và tôi đã thành công. Nhưng sao nhỉ, để đến bây giờ khi tôi thành đạt, tôi được sống và công tác ở Thành phố, khi tôi có một chỗ đứng trong xã hội. Những gì tôi muốn giờ là chạy thật nhanh về nhà, về quê, về nơi “ Nghèo” mà trước đó tôi muốn tránh xa. Khắc khoải, đau đáu lắm. Tôi muốn chạy thật nhanh về để hít thật lâu mùi lúa thơm mùa gặt, mùi bùn tanh mà thuở bé tôi phải be bờ ruộng lúa, mùi nhãn lồng và đặc biệt hơn là “ mùi tình nghĩa” – cái mùi quá đắt đỏ chốn thành thị.

Nghe có vẻ buồn cười, nghe có vẻ dở hơi, thời buổi này ai còn muốn về quê sống. Người ta mơ ước nhà lầu, xe hơi, cuộc sống tiện nghi thành phố. Nhưng khi tôi đã có đủ những thứ đó rồi thì sao trống trải vậy, sao khắc khoải vậy.

Đi xa Quê hương, tôi đến với một miền đất mới, nơi là Quê hương của những con người xa lạ. Tôi thấy mình thật lạc lõng, bơ vơ giữa dòng người không thân thích. Tôi cố kìm nén nỗi nhớ Quê hương da diết đang tràn về trong lồng ngực cho đến khi có người hỏi tôi “Bạn có nhớ Quê hương” . Nước mắt ùa về theo nỗi nhớ, cảm xúc ứ đọng lâu nay bỗng chẳng cất nên lời, chỉ một câu nói không đủ để diễn tả nỗi nhớ quê mà tôi cất giấu trong lòng bấy lâu nay. Tôi nhớ Quê hương

Và có gì ở quê tôi để tôi yêu và cuồng đến mức này. Để tôi kể các bạn nghe, các bạn hãy nghe 1 lần dù đó chỉ là phút chốc rảnh rỗi các bạn đọc. Biết đâu, các bạn sẽ tìm thấy “chính mình” ở những con chữ cảm xúc của tôi.

Quê tôi ư: Nghèo

Tôi xin được gọi đó là cội nguồn của riêng tôi, của riêng tôi thôi. Tôi xin phép vì tôi chỉ muốn quê hương chỉ là của riêng tôi. Nỗi nhớ khắc khoải đó, niềm day dứt về miền quê nghèo đó ám ảnh tôi ngay lúc này, ngay bây giờ.

Tôi là đứa con của làng Lội:  Bình Nguyên – Đa Lộc – Ân Thi – Hưng Yên. Tôi muốn nói thật nhiều lần như thế, viết thật nhiều dòng như thế nữa. Vì tôi tự hào về quê hương tôi. Tôi gắn bó với quê hương này từ thuở lọt lòng đến giờ. Tôi đã chứng kiến bao thăng trầm của quê hương. Tôi nhớ tôi còn bé, một con bé như tôi thân hình bé tí xíu đã đi cái xe “ thời chiến” của bố tôi, vác cái gàu sòng đi tát nước, bàn tay này đi bón từng gốc cây ngô bằng phân ủ của mẹ tôi. Mà đến giờ mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn ớn giọng. Và cũng không quên kỷ niệm đi bẻ trộm ngô, trộm sắn của hàng xóm.

Con đường quê tôi ngày trước là đường đất. Mùa nắng đẹp không sao nhưng mùa mưa rét thì dường như dù không muốn, mọi người quê tôi vẫn mang 1 gánh đất theo bánh xe về nhà. Mùi đất bốc lên hòa với gió xông thẳng vào mũi tôi khiến tôi ám ảnh không thể quên được. Vào  những đêm trăng sáng, Tôi nằm lắc lư trên võng nằm chờ sáng. Những cơn gió buổi sáng thổi mơn man. Cảm giác yên bình này tôi muốn mang đi ở nơi xa.

Tôi vẫn nhớ thủa bé, đã có lần vu vơ tôi hỏi mẹ “ Quê hương ở đâu hả mẹ”. Câu trả lời của mẹ theo tôi mãi đến tận bây giờ “ Nơi con luôn nghĩ về đó chính là Quê hương”. Nơi tôi luôn nghĩ về?. Đó chẳng phải là ngôi nhà nơi tôi vẫn ở, là cánh đồng thẳng cánh cò bay, là triền đê chiều chiều lộng gió, là cánh diều tự do bay thả trên bầu trời. Gió cứ mang cánh diều lên cao, thời gian cứ vô tình mang tôi đi xa Tuổi thơ, và rồi ở một phương trời mới nỗi nhớ trong lòng tôi trào dâng bất tận. Tôi nhớ Quê hương

Nhưng lại rất “Giàu” - Tình Người

Vùng quê mà người ta có gì cũng cho, cũng san sẻ với nhau. Thành phố người ta giàu lắm, người ta có thể tiêu tiền trăm, tiền triệu cho một bữa ăn nhưng chén nước mời nhau người ta cũng tính toán. Quê tôi thì “sĩ diện” hơn, không có nghèo nhưng xin mớ rau, quả cam hay ít thức ăn cũng cho hết, cho một cách niềm nở, cho một cách vô tư. Lạ nhỉ, ừ thì cho là Sĩ đi nhưng chính cãi Sĩ ấy mới có cái Tình.

Đó là cội nguồn mỗi con người

Đôi khi hình ảnh quê hương chỉ là “một chùm khế ngọt” cũng làm tuổi thơ tràn ngập tiếng cười, hay là “một con đường đi học” trải đầy hoa nắng và thậm chí chỉ "một cánh diều” bé nhỏ cũng đủ để chấp cánh cho những ước mơ bay cao, bay xa đến chân trời mơ ước.

Không chỉ có thế quê hương còn ấp ủ dáng hình của những người cha, người mẹ gầy guộc sớm khuya, tảo tần nuôi con để cho con yêu có được cuộc sống yên vui, hạnh phúc.

Trong bài diễn văn nhậm chức, bà Drew Faust, hiệu trưởng Trường ĐH Harvard, đã nói rằng bốn năm học đại học là thời gian để chúng ta trả lời câu hỏi “Ta là ai, ta từ đâu đến và sẽ đi về đâu”.  Vào dịp Lễ Tết , người ta vượt nhiều nghìn dặm về thăm gia đình, cha mẹ, ông bà, quê hương, để sum họp với gia đình lớn, gặp lại anh chị em, thăm lại nơi mình trải qua thời thơ ấu.

Tại sao chúng ta làm thế? Không chỉ là thói quen, thấy người ta làm thì mình cũng làm. Nếu chỉ là thói quen hay bắt chước, thật không đáng để mất chừng ấy tiền bạc, công sức, thời gian. Hẳn là nó bắt nguồn từ một nhu cầu sâu thẳm và mạnh mẽ hơn nhiều.

Đúng như câu hát: “Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người” . Quê hương không còn là nơi tôi được sinh ra mà còn là nơi TÔI SẼ TRỞ VỀ.

Và giờ tôi sẽ xách balo lên. Vì TÔI NHỚ QUÊ HƯƠNG

                                                                                                                          Thu Hiền