Nhà văn Hoàng Quốc Hải phát biểu tại Hội nghị Viết văn trẻ Hà Nội lần 3 được tổ chức ở Ninh Bình
Đừng tự viết tự biên tập
Đại diện Hội Nhà văn Hà Nội, nhà thơ Trần Quang Quý, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà văn Sương Nguyệt Minh, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, nhà thơ Hữu Việt, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm, nhà thơ Lê Tiến Vượng... và hơn 50 cây viết trẻ đã hội ngộ tại Ninh Bình (12-13/11/2019), không những bàn về văn học trẻ Hà Nội, mà bàn về văn học nói chung.
Nhà thơ Hữu Việt (Ủy viên BCH Hội nhà văn Hà Nội, Trưởng ban Nhà văn trẻ) nói về các cây viết trẻ: “CÁI MỚI SÁNG TẠO đang sốt ruột chờ những cây bút trẻ tài năng, dấn thân, bền bỉ và tâm huyết”. Hữu Việt nhấn mạnh, người viết trẻ như là lớp sóng sau dồn lớp sóng trước, họ có thể như là “anh hùng xuất thiếu niên”, đó là “quy luật lạc quan tất yếu của tự nhiên và đời sống”.
Nhà thơ Trần Quang Quý.
Hữu Việt nhận định: “Thời đại chúng ta đang sống bề bộn những vấn đề lớn lao, những thay đổi chóng mặt, sự kiện nối tiếp sự kiện, tầng tầng lớp lớp, chỉ sợ không đủ thời gian, tài năng và khát vọng để viết. Có người gọi thời hiện tại là thời của tiểu thuyết để nhấn mạnh vào tính đồ sộ của nó. Có quá nhiều thứ cần đến tiếng nói của nhà văn. Trẻ đồng nghĩa với mới. Mới đồng nghĩa là sản phẩm của sáng tạo. Nhưng cái mới ở đâu? Cái mới đang ở quanh chúng ta hằng ngày, thậm chí hằng giờ, nó không ẩn nấp, giấu mình mà đang chờ những người thật sự có tài thật sự tìm thấy” .
Nhà thơ Hữu Việt.
Trong khi nhà thơ Hữu Việt nói về vấn đề làm sao để người viết trẻ như những “lớp sóng sau dồn lớp sóng trước” thì nhà thơ Trần Quang Quý nói về ngân sách hoạt động văn học ít, nhưng tất cả đều vượt qua được khó khăn để có Hội nghị hôm nay.
Nhà thơ Trần Quang Quý mong mỏi: Nền văn học ở đâu muốn xung phong, phát triển, kế tục thì đều dựa vào người viết trẻ, nên chúng ta cần bổ sung người viết trẻ. Do biến động xã hội nên người trẻ ít quan tâm đến văn học. Mong người viết trẻ sẽ tạo ra không khí mới và sức sống mới cho văn học.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến băn khoăn tại sao thơ hiện đại mỗi ngày một ít độc giả đi. Phải chăng tiếng nói của nhà thơ chưa rung động, chưa lôi cuốn được mọi người? Thơ đương đại hôm nay đã xuất hiện không ít những tác giả cách tân với khuynh hướng tìm tòi náo nhiệt nhưng các bài thơ còn “non lép”, nhầm lẫn giữa giá trị đích thực của đổi mới với những tìm tòi xa lạ với ngôn ngữ thơ. Ông dẫn lại câu nói của cổ nhân: “Nếu công việc của nhà thơ có được một số giá trị nào đấy, thì những giá trị ấy biểu hiện ở chỗ - ta đã đi vào những đau khổ của kiếp người để mang lại hy vọng cho mọi đớn đau. Thơ đó là nền nghệ thuật chia sẻ với con người”.
Nhà thơ Vũ Quần Phương.
Các nhà văn trẻ sau đó lần lượt nói lên suy nghĩ của mình về nghề văn (sẽ dẫn ở sau). Trước những ý kiến chưa đâu vào đâu của họ, nhà văn “lão làng” Hoàng Quốc Hải sốt sắng: Không ai giúp ta trở thành nhà văn cả. Nhà nước giúp ta in sách thì sách viết sẽ không hay, doanh nhân tài trợ thì ta lại viết cho họ, thế cũng không hay. Tạo hóa không cho ai tất cả. Nên bây giờ, các bạn phải giành lấy cho mình. Các bạn hơn thế hệ chúng tôi về mặt tri thức.
Các nhà văn trước, họ cũng vừa viết giải trí vừa viết nghiêm túc, lấy cái này nuôi cái kia. Có ai đánh giá thấp văn học thị trường đâu, chỉ là nó sống... không lâu thôi. Văn chương thành công nên cần các yếu tố: Thứ nhất, nói lên thân phận người khác, số phận đó gắn với đất nước, dân tộc. Nếu không có điều này, sẽ không có tính vĩnh cữu; thứ 2, văn chương phải phổ biến kiến thức; thứ 3, văn chương phải đem đến cái đẹp.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải.
Viết phải có tâm, có trí tuệ nhưng phải có cái dũng. Anh đừng tự viết tự biên tập. Khi anh viết, có ai nhảy vào đầu ngăn cấm anh đâu. Trước tiên, anh cứ viết cái anh thể hiện đã. Khi tôi viết cho nhân dân, ai ngăn cấm tôi thì người đó không đứng về phía tôi và không đứng về phía nhân dân. Và nữa, nếu nhà văn không có trí tuệ thì làm sao thắp sáng trí tuệ cho người khác được. Chính nhà văn sẽ thắp sáng lương tri cho dân tộc. Thế hệ chúng tôi già rồi, hết sức rồi.
Như vậy, có vẻ nhà văn Hoàng Quốc Hải đã “buông xuôi” hoặc cũng có thể ông tin tưởng vào lớp nhà văn trẻ kế cận sẽ làm được ít nhất... như những gì ông đã làm.
Cơm áo không đùa với khách thơ
Trước tình hình hiện nay, nhà văn Nhật Phi thấy thế hệ nhà văn trẻ như anh đang rơi vào thế yếu khi có sự lên ngôi của truyền thông đa phương tiện. Hoàn cảnh này thì nhà văn thật khó bán được sách. Rồi đủ các chuyên ngành tâm lý ra đời đi sâu vào tâm lý con người, vậy thì văn viết cho ai đọc, rồi bán cho ai đây? Nhật Phi tỏ vẻ bi quan về thế hệ mình. Tất cả cũng bởi “cơm áo gạo tiền” mà ra.
Nhà văn Nhật Phi
Nhà thơ Đặng Thiên Sơn bàn nhiều về thơ, anh đã liệt kê ra một số cây bút sinh từ 1980 về sau, ở thể loại này, một số tác giả đã có danh phận. Đồng thời, việc in ấn, xuất bản những năm gần đây được các tác giả trẻ chú tâm. Nhưng việc in ấn bây giờ khác xưa, tác giả phải tự bỏ tiền in, trong khi sách bán ra không được. Người đọc thì không mặn mà với thơ.
Internet mặc dù giúp nhiều cho việc kết nối các cây viết trẻ với nhau, tạo ra không khí sôi nổi hơn, đưa tác phẩm đến người đọc nhanh hơn, các ấn phẩm ra đời nhiều hơn, nhưng những khó khăn thách thức đối với các nhà thơ, nhất là các tác giả trẻ là vô cùng lớn.
Nhà thơ Đặng Thiên Sơn
Đặng Thiên Sơn xót xa: Khó khăn trước nhất đó là nhà thơ không thể sống được bằng thơ. Những tác phẩm thơ ra đời chủ yếu phục vụ nhu cầu giải tỏa cảm xúc cá nhân, phục vụ sở thích cá nhân chứ không mang lại giá trị kinh tế, thậm chí còn phải mất tiền in thơ, mất thời gian để đi tặng người đọc. Vì vậy, mà thơ rời rạc, không hấp dẫn. Theo như Đặng Thiên Sơn nói, thì thời nay cũng như thời Xuân Diệu, đúng là “cơm áo không đùa với khách thơ”.
Cùng chung quan điểm như Đặng Thiên Sơn, có nhà văn trẻ còn dẫn ra câu chuyện: Có bà mẹ nói với con là nhà văn, tao thà sinh ra một thằng phá hoại, nó phá 100 - 200 trăm triệu rồi nó tỉnh ra còn đỡ hơn là sinh ra một nhà văn, một nghệ sĩ như mày. Thực trạng này nói lên rằng, nghệ thuật hiện nay, nhất là văn chương có phần lép vế hơn so với những thứ khác trong cuộc mưu sinh vất vả.
Để cứu giúp nhà văn thoát “nghèo”, có “Gia Cát Lượng” cho rằng, nhà văn nên biến tác phẩm của mình thành kịch bản phim, và chính tác giả này bán kịch bản được đến những... 500 triệu đồng.
Nhà văn Phạm Thu Hà
Còn nhà thơ Vũ Quần Phương nêu giải pháp: “Tính thiết thực của văn chương là cần thiết”. Nhà thơ Vũ Quần Phương lý giải các cuốn sách bán chạy là do tính thiết thực của nó cao, như cuốn Bố Già chẳng hạn, hay Harry Potter, các cuốn sách liên quan đến dạy làm giàu, dạy khôn ngoan chẳng hạn.
Vũ Quần Phương nhìn nhận ra, nhà văn bây giờ xuất hiện khác xưa, với nhiều kiểu nhà văn. Có người làm khoa học, giáo viên, địa chất... đùng đùng ra cuốn sách hay thế là thành nhà văn. Ông còn kể lại câu chuyện vui liên quan đến việc kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam: Hồi trước, tôi làm đơn gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam rồi đưa cho anh Chế Lan Viên, anh ấy ký. Đến khi đưa sang anh Xuân Diệu, thì anh Diệu không ký và nói: Ơ, tôi tưởng anh bỏ nghề y để viết văn chứ sao anh lại vào Hội. Nhưng sau Vũ Quần Phương vẫn được vào Hội, dù lá đơn ông Phương chưa nộp lại cho Hội nhà văn ngay sau đó.
Nhà văn Vũ Đức Anh bàn nhiều về truyện trinh thám - dòng truyện mà anh đang theo đuổi. Anh cho rằng, dòng truyện này đã đổi thay nhiều, nó không dừng lại ở thời Sherlock Holmes. Các nhà nghiên cứu và độc giả nên bỏ qua mặc định này để có cái nhìn cởi mở hơn với người viết trẻ như anh.
Bên cạnh đó, các nhà văn cũng bàn sôi nổi về “thú chơi” trong văn chương. Khi nhà văn “ít tuổi” Vũ Đức Anh trả lời một câu hỏi của nữ nhà văn trẻ, đại ý: Tùy bạn, bạn muốn coi văn chương là cuộc chơi thì tùy. Thì có nhà phê bình “nhiều tuổi” đứng dậy nói: Văn học không phải là cuộc chơi đùa mà là cuộc thi đấu.
Nhà Phê bình Văn học Nguyên An thì nói: Văn chương không phải là chốn chơi. Tài năng phải đạt đến cỡ nào mới nên dám nói văn chương là chốn chơi. Còn nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm nói sau đó: Chúng ta chưa hiểu về cách chơi trong văn chương. Và ngay cả chơi cũng phải nghiêm túc.
Bàn thêm về tính chuyên nghiệp trong văn chương, nhà Phê bình Văn học Nguyên An cho rằng: Không có cái gọi là nhà văn chuyên hay không chuyên. Mọi đề tài đều như nhau, quan trọng là anh có phương pháp nào để hành nghề. Cùng một đề tài, anh phê bình sẽ viết như thế nào, anh sáng tác sẽ viết như thế nào... đấy mới là chuyên nghiệp.
Nhà văn Phạm Thu Hà, bỏ qua chuyện “cơm áo gạo tiền” đối với văn nhân, bàn về chuyện lớn lao, hệ trọng hơn, đó là mối quan hệ giữa văn học dịch và văn học trẻ hiện nay.
Phạm Thu Hà khẳng định: Cứ nhìn vào những số liệu tổng kết của các NXB, các Đơn vị Phát hành sách, ta có thể thấy rõ sự phát triển của văn học dịch không hề thua kém, thậm chí là có phần áp đảo văn học trong nước, đặc biệt là khi sản phẩm của thế hệ người cầm bút mới vẫn bị hoài nghi về chất lượng còn những tác phẩm đến từ những nền văn chương lớn như Anh – Mỹ, Pháp, Trung, Nga… lại luôn “có sẵn”, và đã được khẳng định giá trị nhờ một loạt các giải thưởng quốc tế uy tín như Nobel, Pulizer, Man booker…
Như vậy, khi tác phẩm còn bị hoài nghi thì thật khó có người đọc thì nói gì mà bán được. Phạm Thu Hà còn quan tâm đến tính “hồn cốt dân tộc”: Thế hệ trẻ chúng ta không chỉ cần xác định được tầm quan trọng của văn học ngoại biên giới, và cố gắng bắt kịp tốc độ phát triển ngoài kia, mà đặc biệt cần ý thức giữ gìn phong tính, hồn cốt Việt Nam trong thời buổi đời sống nghệ thuật như một nồi lẩu thập cẩm đầy hỗn loạn với đủ mọi thứ thượng vàng hạ cám. Nói một câu rất sáo là, hoà nhập chứ không hoà tan.
Phạm Thu Hà thấy: Tất cả các tác giả đoạt giải văn học uy tín trên thế giới, tuy rất riêng biệt, song lại có chung một đặc điểm dễ thấy, đó là văn chương của họ luôn toát ra tính dân tộc rõ nét.
Dù có bàn luận như thế nào, thì thực trạng những năm qua, không biết do tài năng hay vì các nguyên do gì như đã nói trên, mà sách văn chương ở xứ ta thật khó bán. Số nhà văn bán được sách quả là đếm trên đầu ngón tay, vậy thì làm sao mà đủ tâm huyết theo văn chương. Đúng là “cơm áo không đùa với khách thơ”.
------------------
* Tiêu đề lấy từ một câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu