Con cá rô đồng

Cá rô đồng không kén môi trường sống: nước cạn, nước bị ô nhiễm đen…đều sống được, không kén ăn: ăn được tất cả các thứ, rất háu ăn….

232902509-362715455485081-7573928208812563587-n-1629509717.jpg

Buổi chợ đông, con cá rô đồng em chê lạt.

Buổi chợ tan rồi, con tép bạc em cũng khen ngon.

Ý câu ca dao này nói về các cô gái kiêu kỳ, kiêu sa, kiêu căng (chảnh), khi đang thời trẻ đẹp thì kén chọn mãi, đến khi quá lứa, lỡ thời thì chọn đại….

Hay là: Cây bần gie con đom đóm đậu sáng ngời.

Lỡ duyên tại bậu, trách trời sao nên?

Có cô còn tính chuyện liều lĩnh hơn: Chiếu hoa đem trãi cạnh đền.

Muốn vô làm bé, biết bền hay không ?

Ối! lạc đề mất rồi …Trong các loài cá sống ở miền nước ngọt như Lóc, Trê, Tra, Vồ, Rô….Cá Rô có 3 loại Rô biển, Rô đồng và Rô phi, bài này kể về con cá Rô Đồng. Loài cá này có nhiều và thịt ngon, nhược điểm là có nhiều xương, nên con nít và người già rất kỵ.

Cá rô đồng không kén môi trường sống: nước cạn, nước bị ô nhiễm đen…đều sống được, không kén ăn: ăn được tất cả các thứ, rất háu ăn….

Mùa nước nổi cá Rô đồng lên đồng, sinh sôi nẩy nở, nước rút cạn, có con ra sông, có con ở lại các mương, ao…đến mùa nắng hạn, nước trong mương, ao cạn dần…chỉ còn lại 1 vũng nước cạn nhỏ, cá vùi mình dưới sình, thở “hít hốp”…chỉ mong có 1 cơn mưa xuống là cá Rô lại tung tăng….Những cơn mưa lớn đầu mùa tiếp theo thì các loại cá như Lóc, Trê, Rô, Sặc bỏ cái ao cũ tìm đường sang ao mới…chúng lóc (bò) đi rất hay, hay nhất là cá Rô đồng, chúng lóc đi bằng 2 cái mang có gai nhọn…Ở quê, chờ những cơn mưa lớn này, lúc trời đang mưa, là đi bắt mấy con cá này….vì chúng đang ở trên đất liền…

Mùa này con cá Rô đồng ốm, bụng mang cặp trứng phình ra, khi đến vũng nước hay ao, đìa mới là cá bắt đầu đẻ…cá Rô đồng đẻ rất sai…nếu trời tiếp tục mưa đều thì mọi việc bình thường, trời dứt mưa chùng 1 tháng, ao, đầm lại cạn dần…thế là đám cá rô non lại mắc cạn, lúc này người dân quê lại đi bắt cá rô non…con chừng ngón tay…ăn không hết thì hôm sau mang ra chợ bán…Cá rô non mua về, đâm vài ba trái ớt khuấy đều trong nước, thả đám cá này vô, phút chốc chúng sẽ ói (nhả) các rong rêu trong bụng ra…Cá rô non kho lạt với xã, ớt…ra sau vườn hái ít đọt bằng lăng, đọt xoài non….chấm …ăn cơm cũng được mà lai rai cũng đặng, cũng hết xẩy….còn lác !

Vào những năm 1999-2000, huyện Chợ Mới của tôi, các lãnh đạo thực hiện chuyện Đê Bao chống lũ, để làm Lúa 3 vụ….Khi ấy các nhà khoa học chân chính có tiếng phản bác dữ lắm…vì làm thế là bỏ phí lượng đất phù sa màu mỡ, nguồn lợi do thiên nhiên ban tặng, lúa vụ 3 chi phí cao, năng suất thấp, lãi ít, có người bị lỗ, nhưng đâu có ai nghe, bây giờ thì hậu quả nặng nề…Tôi còn nhớ có bài viết của Giáo sư – Tiến sĩ Võ Tòng Anh, trên báo Tuổi Trẻ hay Thanh Niên (?), ngoài việc phù sa, nguồn nước nổi giúp việc vệ sinh đồng ruộng, nước giúp tiêu diệt phần lớn chuột, bọ, dế, kiến, sâu rầy…trong bài báo GS-TS Võ Tòng Anh có nói con Cá Rô Đồng là sát thủ của kiến, sâu, bướm còn bám trên các ngọn cỏ…chúng tìm và diệt sạch…nhờ thế, khi nước rút, lúa vụ Đông Xuân giảm được lượng lớn thuốc trừ sâu…

Năm 1979 – 1980, mùa nước nổi, tôi cũng sắm vài ba tay lưới, ra ngoài đồng giăng cá, kiếm cá ăn, khỏi mua. Khi bủa lưới xong, bơi xuồng đậu dưới táng cây xoài…chờ tí đi thăm lưới, buồn buồn ngồi quan sát …có mấy ngọn cây đế khỏi mặt nước, trên ngọn đế là cái ổ kiến…Chú cá rô đồng lội đến, trừng lên nhìn ổ kiến, ngắm ngía…xong chú cá phóng lên trúng ngay ổ kiến, 1 số kiến trên ổ rơi xuống nước, thế là bầy cá rô xùm lại ăn …chừng vài , ba lần là cái ổ kiến không còn con kiến nào…..

Ngày nay, con cá rô đồng nuôi được, nên chúng có mặt ở các chợ quanh năm, cá nuôi có con to chừng 400-500 gram, nhưng thịt của chúng so với cá thiên nhiên thua xa, cá nuôi chừng 60%.

Các quán ăn ở miền Tây, thường có món cháo cá lóc – rau đắng, nếu là cháo cá rô đồng thì ngon hơn nhiều, chỉ cực là phải gỡ bỏ xương. Cá rô đồng nấu canh, bất cứ canh gì cũng ngon như canh bí đao, canh bầu, canh khổ qua…vì thịt cá rô đồng rất ngọt….

Mấy năm 1980 trở về trước, cá tôm còn nhiều, nhà tôi có mấy cái ao, mương, hàng năm tát cá, số thì bán, số làm khô, làm mắm để dành ăn. Má tôi chọn những con cá rô đồng lớn, sai tôi ra sau vườn, chặt mấy nhánh tre tươi, Má tôi chẻ làm gắp, nướng cá rô đồng trên lửa than….

Trong các quán cơm, nhà hàng ở miền Tây cả Sài Gòn, thực đơn đều có món Cá Rô đồng kho tộ….Con cá ngon thì ta làm món chi cũng ngon, nhưng theo ý riêng tôi: Con Cá Rô đồng này kho với khổ qua mới thật ngon. Trái khổ qua chẻ làm hai, móc bỏ hột, xắc miếng chừng 1 phân, kho lạt, phải có rau càng cua, rau cải trời trộn ít dấm, tỏi, đường , chấm…ăn vào là hết xẩy (còn lác) !

Tôi còn nhớ trong quyển Tập Đọc lớp Ba (đâu khoãng năm 1958-1960) có bài Tập đọc, tựa là Người Cha Tham Ăn, vì bài tập đọc cuối tuần, nên 1 trang là bài tập đọc kể chuyện, 1 trang có hình vẽ người vợ bế đứa bé đang khóc, người cha ngồi dưới đất nướng 3 con cá rô đồng.

Chuyện kể: (kể theo trí nhớ) Có anh nông dân đi đồng, bắt được 3 con cá Rô đồng, về nhà ngồi nướng cá, có lẽ mùi cá nướng hấp dẫn, đứa bé khóc đòi ăn. Người vợ bồng con đến xem anh chồng nướng cá và dỗ con :

- Nín đi con ! Con xem kìa…cá béo quá phài không con?

Anh chồng gạt ngang : Cá Rô chứ phải thịt heo đâu mà béo ?

Đứa nhỏ lại khóc, Vợ dỗ tiếp :

- Nín đi con ! Con xem kia cá vàng ươm, ngon quá phải không con ?

Anh chồng cự ngay: Cá Rô chứ phải nghệ sao mà vàng …

Đứa nhỏ lại khóc nữa. Vợ dỗ tiếp :

- Nín đi con ! để ba con xem con nào nhỏ sẽ cho con 1 con…

Anh chồng nổi nóng nạt liền: Ba con cá đều bằng nhau…không có con nào lớn nhỏ cả…..

Con cá rô đồng còn tượng trưng cho sự hà tiện, tiết kiệm nữa, hẳn ai cũng biết chuyện Con cá Rô Cây….

Phải chi sách Cánh Diều sưu tầm mấy bài học này đưa vào sách giáo khoa cho mấy đứa nhỏ học thì hay biết mấy….bài học vui, hấp dẫn mà tính giáo dục lại cao….

 

Theo Chuyện quê