Con người sẽ phải chung sống với SARS-CoV-2?

(Chinhphu.vn) - Bất chấp việc các nước trên thế giới đang chạy đua với thời gian nhằm tìm ra loại vaccine hữu hiệu phòng chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), mới đây, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết con người có thể phải thích nghi và sống chung với virus này vì không có gì bảo đảm sẽ sớm có được loại vaccine hiệu quả.

Vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc. Ảnh: AFP

Gần đây nhất, các nhà khoa học Trung Quốc đang bắt đầu thử nghiệm lâm sàng 2 loại vaccine bất hoạt phòng COVID-19.

Công ty Biotec (CNBG) - công ty con của Tập đoàn dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc), nơi bào chế ra một trong 2 loại vaccine trên, cho biết các điều kiện vật lý của những người được thử nghiệm tiêm vaccine đang được theo dõi chặt chẽ thông qua phân tích miễn dịch, phát hiện cytokine - một chất được tự động sản sinh khi cơ thể khi bị virus tấn công và giám sát kháng thể trung hòa, một chỉ số chính cho thấy vaccine có hiệu quả hay không.

Cuộc thử nghiệm lâm sàng được bắt đầu vào ngày 12/4 vừa qua, tiến hành đối với 288 tình nguyện viên trong giai đoạn đầu tiên và 1.108 tình nguyện viên trong giai đoạn thứ 2. Tất cả trong số họ đều khỏe mạnh với độ tuổi nhỏ nhất là 6. Họ được chia thành 4 nhóm gồm những người được tiêm vaccine liều thấp, liều trung bình, liều cao và giả dược.

Vaccine bất hoạt sử dụng phương pháp cấy virus SARS-CoV-2 đã chết vào “bộ nhớ” của tế bào miễn dịch trong cơ thể. Qua đó, khi cơ thể bị chủng virus nguy hiểm này tấn công, các tế bào sẽ kịp thời có phản ứng miễn dịch.

Loại vaccine này tận dụng lợi thế của quy trình sản xuất cẩn trọng, được kiểm soát về tiêu chuẩn chất lượng và phạm vi bảo vệ rộng khắp.

Việc 2 loại vaccine bất hoạt trên bước vào thử nghiệm lâm sàng đánh dấu bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19. Tuy nhiên, sau khi thử nghiệm trên thành công, các loại vaccine này vẫn phải trải qua giai đoạn thứ 3 của thử nghiệm lâm sàng với sự tham gia của hàng nghìn người tình nguyện để tiếp tục chứng minh hiệu quả thực sự.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm của Pháp, bà Florence Ader, cho biết Viện Pasteur của Pháp sẽ thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 trên người trong mùa Hè năm nay.

Hãng tin AFP dẫn lời bà Florence Ader cho biết hiện có 150 dự án phát triển vaccine phòng COVID-19 trên toàn thế giới.

Ngoài ra, một triệu liều vaccine phòng COVID-19 do các nhà khoa học Anh phát triển đang trong quá trình sản xuất và sẽ có sẵn để sử dụng vào tháng 9 tới.

Tuy nhiên, tính hiệu quả của vaccine này vẫn được để ngỏ vì chưa có nhiều thử nghiệm thực tế.

Vaccine ChAdOx1 nCoV-19 là thành quả nghiên cứu của nhóm nhà khoa học tại Đại học Oxford. Trong thông báo ngày 17/4, các nhà khoa học tại đại học này cho biết họ đang tuyển tình nguyện viên cho giai đoạn 1 - thử nghiệm vaccine ChAdOx1 nCoV-19 trên người.

Trong khi đó, phát biểu họp báo trực tuyến, Giáo sư Adrian Hill, người đứng đầu Viện Jenner thuộc Đại học Oxford, cho biết vaccine ChAdOx1 nCoV-19 đang được các nhà sản xuất đối tác chế tạo tại 7 nơi trên thế giới, trong đó có 3 nhà sản xuất ở Anh, 2 nhà sản xuất ở châu Âu, một ở Ấn Độ và một ở Trung Quốc.

Kinh phí sản xuất ban đầu sẽ rơi vào khoảng vài chục triệu bảng Anh.

Cũng theo các nhà khoa học Anh, các cuộc thử nghiệm giai đoạn 2 sẽ được tiến hành trong vài tuần tới, với nhóm người trưởng thành tuổi từ 18-55, trước khi mở rộng sang nhóm đối tượng cao tuổi hơn.

Các nhà khoa học hy vọng có thể tiến hành thử nghiệm giai đoạn đầu với khoảng 5.000 tình nguyện viên vào cuối mùa Hè này.

Tại Đông Nam Á, Viện Vaccine quốc gia Thái Lan ngày 20/4 cho biết cũng đang tiến hành thử nghiệm vaccine trên động vật sau khi thực hiện các xét nghiệm ban đầu trong phòng thí nghiệm.

Theo Tiến sĩ Nakorn Premsri, Giám đốc Viện Vaccine quốc gia Thái Lan, nghiên cứu thử nghiệm lần này được phối hợp với Khoa Y của Trường Đại học Mahidol và Khoa Dược của Đại học Chulalongkorn.

Theo đó, nếu các xét nghiệm trên động vật cho thấy kết quả thuyết phục với các kích thích tạo ra kháng thể, thì bước tiếp theo sẽ là thử nghiệm trên người bệnh theo 3 giai đoạn.

Thích nghi với virus

Trong một cuộc phỏng vấn với báo The Observer (Anh), ông David Nabarro, Giáo sư Trường Imperial College (London, Anh) kiêm chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của WHO cảnh báo con người có thể phải thích nghi và sống chung với virus Corona vì không có gì bảo đảm sớm có được loại vaccine hiệu quả.

Giáo sư Nabarro khuyên người không nên đặt tất cả hi vọng vào một loại vaccine ngừa COVID-19 vì rất khó để phát triển nó, thích nghi là điều duy nhất con người có thể làm trong tương lai sắp tới.

“Không phải loại virus nào cũng có vaccine hiệu quả và an toàn. Một số virus rất khó phát triển vaccine. Vậy nên trong tương lai, có thể thấy được chúng ta sẽ phải tìm cách sống chung với mối đe dọa thường trực này.

Điều đó có nghĩa là cách ly người có triệu chứng bệnh, người tiếp xúc gần; bảo vệ người lớn tuổi; tăng cường năng lực điều trị... sẽ là những việc bình thường đối với tất cả chúng ta”, GS. Nabarro giải thích.

Giáo sư Ian Frazer, nhà miễn dịch học nổi tiếng người Australia từng góp phần bào chế vaccine HPV ngừa ung thư cổ tử cung, nhận định có một số lý do khiến khả năng tìm ra vaccine ngừa COVID-19 là không chắc chắn.

Ông Frazer giải thích mặc dù hiện có hơn 100 nhóm nghiên cứu khắp thế giới đang thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 nhưng chưa nhóm nào có được mô hình tấn công virus hiệu quả: “Miễn dịch chống lại virus Corona cũng giống như miễn dịch với bệnh cảm lạnh vậy”, ông cho biết.

H.Phương (tổng hợp)