Công nghệ 4.0 giúp lan toả mạnh mẽ giá trị, tinh thần nhân đạo

Huy Hoàng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này khi chia sẻ về hệ thống nhân đạo số (inhandao) của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tại phiên khai mạc Hội nghị trực tuyến các nhà lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực Đông Nam Á lần thứ 17, chiều 14/10.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không một tổ chức hay một quốc gia nào có thể tự giải quyết được đại dịch COVID-19 cũng như nhiều thách thức phi truyền thống khác. Ảnh: VGP/Đình Nam

Đây là sự kiện quan trọng của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khu vực Đông Nam Á và được luân phiên tổ chức thường niên tại các quốc gia, Hội nghị lần thứ 17 được tổ chức với sự chủ trì của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Do tác động của dịch COVID-19 ở khu vực, Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của trên 70 đại biểu, trong đó có 30 đại biểu tại điểm cầu Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thế giới và khu vực đang chịu rất nhiều biến động trước các vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó có biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã đặt ra thách thức chưa từng có, kể từ cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930, với nền kinh tế thế giới và cả với hệ thống nhân đạo. Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đến hầu hết mọi người trên thế giới và có thể đẩy hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu vào cảnh khốn khó, cùng cực nếu chúng ta không có các biện pháp hữu hiệu.

Các Chính phủ trên thế giới, trong đó có Việt Nam, không chỉ cố gắng chống dịch mà đã có nhiều gói cứu trợ, và các giải pháp hỗ trợ đến những người đang bị ảnh hưởng bởi dịch. Cùng nỗ lực của các Chính phủ, hoạt động nhân đạo hơn bao giờ hết càng cấp thiết.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị rất có ý nghĩa, là thông điệp hết sức mạnh mẽ đối với hệ thống các hội chữ thập đỏ, phong trào nhân đạo trong toàn khu vực.

Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ, đồng hành và hoàn toàn thống nhất với mục đích, tôn chỉ của Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoàn thành sứ mệnh cao cả trong các hoạt động nhân đạo, lan toả giá trị và tinh thần nhân đạo ra toàn xã hội.

Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã cùng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và các tổ chức xã hội đã  huy động mọi tổ chức, toàn nhân dân cùng tham gia thực hiện các biện pháp chống dịch, chung tay hỗ trợ lực lượng chống dịch cũng như những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, qua đó đã giúp hàng triệu người Việt Nam bớt khó khăn.

Bên cạnh đó, dù còn nghèo nhưng Việt Nam luôn chia sẻ, ủng hộ các nước trong công tác phòng, chống dịch. Những món quà từ Việt Nam gửi đi nhiều nước, tuy nhỏ về giá trị vật chất, nhưng đó là tấm lòng của nhân dân Việt Nam, trong đó có những tình nguyện viên, cán bộ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

“Đại dịch COVID-19 cũng như nhiều thách thức phi truyền thống khác cho thấy không một tổ chức hay một quốc gia nào có thể tự giải quyết được mà chúng ta phải có sự hợp tác trên quy mô toàn cầu, trước hết trong từng khu vực”, Phó Thủ tướng nói.

Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã cùng các nước thành viên xây dựng nhiều sáng kiến khu vực nhằm tăng cường sự hỗ trợ giữa các nước, giữa Chính phủ các nước với các tổ chức nhân dân, hiệp hội. Một loạt các sáng kiến nêu ra trong quá trình chống dịch COVID-19 vừa qua như thiết lập Quỹ ứng phó dịch COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, Quy trình chuẩn ứng phó dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi kinh tế tổng thể,… đã được các hội nghị của ASEAN thông qua và các nước thành viên đang tổ chức thực hiện.

Phó Thủ tướng mong muốn hội chữ thập đỏ ở các quốc gia cùng đồng hành với chính phủ để các sáng kiến này của ASEAN được thực hiện một cách có hiệu quả nhất, đóng góp vào sự phát triển của khu vực và hoạt động của phong trào nhân đạo trên toàn thế giới.

 

Để ứng phó hiệu quả hơn với các vấn đề an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Phó Thủ tướng cho rằng việc ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là rất cần thiết.

Vừa qua, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ KH&CN, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Ngân hàng Quân đội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chính thức vận hành hệ thống nhân đạo số (inhandao) để quản lý đồng bộ mọi hoạt động nhân đạo trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tất cả các địa chỉ nhân đạo trên toàn quốc được kết nối trực tiếp đến những người mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ. Tất cả những tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nhân đạo đều biết được trực tiếp sự trợ giúp của mình sẽ đi đến đâu, mang lại kết quả ra sao.

“Tôi hy vọng rằng từ kinh nghiệm này, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng như hội chữ thập đỏ các nước sẽ đưa ra nhiều sáng kiến để cùng với chính phủ, chính quyền các cấp, doanh nghiệp làm cho các hoạt động nhân đạo được phát triển hiệu quả hơn, làm cho các giá trị nhân đạo được lan tỏa sâu rộng hơn trong xã hội”, Phó Thủ tướng trao đổi và nhắc lại cam kết của Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành cùng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế góp phần xây dựng khu vực và thế giới hòa bình, họp tác, thịnh vượng và trên hết làm lan tỏa mạnh mẽ hơn tinh thần, giá trị nhân đạo đến tất cả mọi người.

Trong 2 ngày, Hội nghị trực tuyến các nhà lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực Đông Nam Á lần thứ 17 sẽ rà soát, cập nhật kết quả thực hiện các cam kết và ưu tiên được thông qua tại Hội nghị lần thứ 16 tổ chức tại Philippines (năm 2019), nghe báo cáo và thảo luận về hoạt động của Mạng lưới Gây quỹ; Mạng lưới Thanh niên; Mạng lưới Di cư; Mạng lưới Phòng chống HIV/AIDS; Mạng lưới về công tác Bảo vệ, Giới và hòa nhập xã hội; Diễn đàn khu vực về tăng cường khả năng chống chịu và cộng đồng an toàn (CSDF); một số mô hình và phương thức hoạt động mới của các hội quốc gia, trong đó có mô hình đầu tư dựa trên cảnh báo trong phòng chống thiên tai, chương trình cứu trợ bằng tiền mặt,…

Đặc biệt, trong ngày họp đầu tiên, Hội nghị sẽ dành phần lớn thời gian để các hội quốc gia đánh giá và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa và ứng phó đại dịch COVID-19, những tác động kinh tế-xã hội của đại dịch COVID-19 đối với các nước trong khu vực và các hội quốc gia, việc thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ công tác phòng chống dịch giữa các hội, cũng như những sáng kiến và phương hướng hợp tác khu vực để ứng phó hiệu quả hơn với đại dịch và các thảm họa khẩn cấp khác.

Đình Nam