Covid-19: Australia phong tỏa bang Victoria, chính phủ Venezuela và phe đối lập thảo luận về thỏa thuận mua vaccine

TGVN. Thủ hiến bang Victoria của Australia Daniel Andrews ngày 12/2 thông báo sẽ tái áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trên khắp bang trong vòng 5 ngày, bắt đầu từ đêm ngày 12/2, để ngăn chặn sự bùng phát của một ổ dịch Covid-19 mới.

Kiểm soát y tế tại một trung tâm dưỡng lão ở Melbourne, bang Victoria, ngày 29/7/2020. (Nguồn: AFP)
Kiểm soát y tế tại một trung tâm dưỡng lão ở Melbourne, bang Victoria, ngày 29/7/2020. (Nguồn: AFP)

Quyết định phong tỏa được đưa ra sau khi ổ dịch tại khách sạn Holiday Inn được sử dụng làm nơi cách ly tăng lên 13 ca nhiễm, bao gồm các nhân viên làm việc tại khách sạn và những người tiếp xúc gần, trong đó có 6 ca được xác nhận mắc biến thể virus SARS-CoV-2 ở Anh có khả năng lây nhiễm nhanh hơn.

Theo quyết định trên, hầu hết các trường học và cửa hàng bán lẻ không thiết yếu sẽ phải đóng cửa và người dân chỉ được ra khỏi nhà nếu có một trong 4 lý do như đi làm và đi học, mua sắm các vật dụng cần thiết, chăm sóc y tế, tập thể dục mỗi ngày. Quy định phải đeo khẩu trang khi rời khỏi nhà và không được đi cách nhà quá 5 km cũng được khôi phục.

Ông Andrews cho biết việc đưa quyết định phong tỏa trên là rất “khó khăn” nhưng cần thiết do tính chất "siêu lây nhiễm" của biến thể virus SARS-CoV-2 ở Anh gây nguy cơ rất lớn cho cộng đồng bang.

Cũng theo quyết định trên, các trận đấu trong khuôn khổ Giải quần vợt Australia Open đang diễn ra tại thành phố Melbourne sẽ vẫn được tiếp tục tổ chức trong 5 ngày tới, nhưng không có khán giả tham dự.

* Ngày 12/2, một số nguồn tin giấu tên cho biết quan chức chính phủ Venezuela và lãnh đạo phe đối lập nước này đã tổ chức một cuộc họp nhằm thảo luận về việc mua vaccine ngừa Covid-19 thông qua cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bảo trợ, trong đó có việc sử dụng nguồn tài chính của Venezuela đang bị Mỹ phong tỏa.

Cuộc gặp này được coi là một bước tiến mới trong một tiến trình được cho là có thể sẽ kéo dài để cơ quan chức năng Mỹ có thể cho phép việc sử dụng các nguồn tiền của Venezuela bị “đóng băng, qua đó giúp triển khai chương trình tiêm chủng rộng rãi trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo nghiêm trọng.

Trước đó, thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido cho biết các nguồn tài chính của Venezuela ở nước ngoài đang bị Bộ Tài chính Mỹ kiểm soát có thể được sử dụng để thanh toán các hợp đồng mua vaccine ngừa Covid-19.

Trong khi đó, Tổng thống Nicolas Maduro khẳng định chính phủ Venezuela đang đàm phán một thỏa thuận mua vaccine trị giá 300 triệu USD nhưng không tiết lộ thông tin chi tiết.

Đại diện của Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) tại Venezuela Paolo Balladelli thông báo các cuộc đàm phán mua vaccine của Venezuela với sự hỗ trợ của UNICEF đã có những bước tiến triển tích cực. Thông qua cơ chế COVAX, Venezuela đã đặt được khoảng từ 1,4 đến 2,4 triệu liều vaccine của công ty AstraZeneca song hiện vẫn chưa thống nhất được nguồn tiền để thanh toán.

* Liên quan tình hình vaccine, Nhật Bản ngày 12/2 đã tiếp nhận lô vaccine ngừa Covid-19 từ hãng dược Pfizer của Mỹ và dự kiến đây sẽ là vaccine đầu tiên được Tokyo cấp phép sử dụng trong nước.

Hãng tin Kyodo cho biết, cùng với việc đẩy nhanh các thủ tục hành chính liên quan đến vaccine, chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc bắt đầu tiêm chủng từ ngày 17/2 cho khoảng 20.000 y bác sĩ trên cả nước đồng ý được tiêm. Ước tính số liều vaccine của lô đầu tiên vào khoảng 400.000 liều.

Khoảng 3,7 triệu nhân viên tuyến đầu sẽ được tiêm vào giữa tháng 3, đến tháng 4 là đến lượt người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên, tiếp đó là những người có bệnh nền và những người sống trong các viện dưỡng lão, cuối cùng là tiêm cho toàn dân.

Theo kế hoạch, ngày 14/2 Nhật Bản sẽ được nhận lô vaccine được chuyển từ nhà máy ở Bỉ, tiếp đó Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi sẽ thúc đẩy cấp phép chính thức một ngày sau đó.

Việc Liên minh châu Âu (EU) thắt chặt kiểm soát xuất khẩu vaccine sản xuất tại các nước trong khối khiến có nhiều lo ngại về thời điểm và số lượng vaccine mà Nhật Bản có thể nhận. Tokyo dự định đảm bảo nguồn cung thông qua đàm phán với Brussels.

Chính phủ Nhật Bản hiện đã ký hợp đồng với các nhà sản xuất vaccine để có đủ số liều tiêm cho 157 triệu người, nhiều hơn cả dân số 126 triệu người của Nhật Bản. Trong số này có tới 72 triệu liều là do Pfizer sản xuất, còn lại là của AstraZeneca và Moderna.