Covid-19: Phép thử năng lực và trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian dài, ảnh hưởng sâu sắc mọi mặt đời sống xã hội... là phép thử thật sự năng lực và trách nhiệm của cán bộ.

Hơn 600 ngày qua, đất nước ta phải chiến đấu với loại virus được ví như “kẻ thù nguy hiểm giấu mặt, liên tục biến hóa, tàng hình” và tạm thời chưa có thuốc chữa; phải giải quyết hàng loạt khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ, đòi hòi bản lĩnh, trí tuệ và sự đoàn kết, trách nhiệm của mọi cá nhân, tập thể. Trong đó, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, “ứng phó với dịch bệnh cũng là một thử thách để đánh giá cán bộ”.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống dịch, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội; ban hành kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân cả nước đã chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, định hướng sát tình hình, làm cơ sở để các cơ quan chức năng, địa phương chủ động thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch được thực hiện thống nhất, xuyên suốt, kịp thời. Nhiều quyền “đặc biệt, đặc thù, đặc cách” được Quốc hội “tạm trao” cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là sáng kiến lập pháp chưa có tiền lệ, đang được triển khai mạnh mẽ và phát huy hiệu quả. Sự quyết liệt, trách nhiệm, nêu gương của người lãnh đạo đã tạo được niềm tin, sự đồng thuận, đồng lòng của người dân để bảo đảm “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội.

Chính vì vậy, trong Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch COVID-19, Tổng Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 từ Trung ương tới cơ sở phải quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực; chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh; linh hoạt, sáng tạo tổ chức thực hiện có hiệu quả...

Thực tế không quá khi nói rằng, lãnh đạo các cấp thời gian qua “mất ăn mất ngủ”, trăn trở để ngoại giao đưa từng lô vaccine về nước, từng gói an sinh đến với người yếu thế, bảo vệ biên giới, vận động nhân dân chung tay giữ vững “vùng xanh”... Hình ảnh các vị lãnh đạo Chính phủ trực tiếp thị sát công tác chống dịch Covid-19 tại nhiều điểm nóng không chỉ góp phần động viên nhân dân hưởng ứng, hợp tác mà còn đôn đốc và chỉ ra những hạn chế, thiếu sót và điểm cần chấn chỉnh ở cấp gần dân, sát dân, để các chính sách và nguồn lực phát huy hiệu quả hơn. Với tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhiều sáng kiến phòng, chống dịch đã được các địa phương chủ động triển khai trong thời gian qua.

Tuy nhiên, trên thực tế một bộ phận cán bộ chưa hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Không ít lãnh đạo cấp cơ sở bị đình chỉ công tác vì lơ là, yếu kém trong công tác, thậm chí có người bị kỷ luật, miễn nhiệm chức vụ vì vi phạm quy định phòng, chống dịch. Thông báo kết luận của lãnh đạo chủ chốt về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch mới đây cũng thẳng thắn chỉ rõ: “tình hình cho thấy còn một số vấn đề cần lưu ý, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; có lúc, có việc chưa cụ thể, nhất quán, còn lúng túng, một số địa phương còn chủ quan, công tác tuyên truyền chưa kịp thời, hiệu quả”.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Tinh thần, thái độ trong phòng, chống dịch bệnh có thể giúp đánh giá năng lực ứng phó, xử lý và trách nhiệm của cán bộ ở từng vị trí công tác. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường; cuộc chiến được xác định còn trường kỳ, nhiều gian nan; sức khoẻ và sinh kế của nhân dân còn bị đe dọa, bào mòn; các mục tiêu, chiến lược vẫn đặt ra cần phải hoàn thành phía trước... Thực tế đó đòi hỏi và sẽ tiếp tục chứng minh cán bộ nào dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.