Cùng chữ góa

Một “trinh nữ cuối cùng của nhân loại” khi ấy đi dự tang chồng của một người bạn.

Thấy bạn khóc than, vò cái áo thun đẫm mồ hôi của chồng đưa lên mũi hít hà mãi, cô nàng ngạc nhiên quá.

Sao kỳ vậy, cái áo dơ mà, đem đi giặt rồi cất có hơn không? Trinh nữ làm sao hiểu được mùi chồng, mùi của vợ chồng.

Một chiếc áo đẫm mồ hôi, may mà còn có chiếc áo ấy để ôm, để nhớ và để hít. Rồi không cần giặt thì áo cũng sẽ khô, mùi xa vắng dần và thì là, mùi tan. Như mọi thứ đã chết đi, sẽ nguôi, sẽ phai và sẽ tan.

Một phụ nữ trẻ thời chiến góa chồng, chưa kịp có con, cưới nhau, gặp nhau phập phù rồi chia ly. Người vợ trẻ ngất lịm bao nhiêu lần bên quan tài. Ngồi hẳn lên trên quan tài để chống cự giờ di quan. Tóc xuân bỏ xõa, gương mặt nhăn nhó, mũi dãi thê thảm, thối động hết thảy những ai chứng kiến.

Vậy mà mới sau giỗ đầu của chồng đã thấy góa phụ long lanh lại, tóc bồng bềnh, nét nào cũng ngời xinh như trước.

Bây giờ dư luận lại thối động, sao nhanh dữ vậy trời? Người chép miệng, tại đẹp quá khó yên; người độc miệng: kinh nghiệm ai vật vã nhiều thì sẽ chóng quên; riêng mình khi ấy đã nghĩ : đêm dài quá, người góa càng trẻ thì đêm càng dài.

Một cô bạn gần như vong niên. Lần đầu tiên biết em ấy, em vừa góa, ba mươi mốt tuổi. Khả ái, mặn mà. Một mình với hai con nhỏ, đứa con trai mới chập chững đi. Hồng nhan ít ai suôn sẻ.

Nhớ mãi buổi chiều se lạnh và nhớ, một số phận, một nét hiu hắt, một nét buồn xưa nay văn chương đã mô tả cạn cùng, tựu trung cho mỗi hai từ: sương phụ. Mười năm gặp lại, em vẫn góa, hai mươi năm gặp lại, em vẫn góa.

Vẫn xinh đẹp nhưng tâm tính và cung cách đã nhiều dương tính. Bao nhiêu đêm rồi, đêm vẫn dài và em đã biết quên trong tiếng ngáy của mình, như một gã đàn ông sau một ngày lao lực nuôi con.

Hai người đàn bà hàng chị ở quê, hàng chị vì là bạn của chị cả. Cả hai đều đẹp, nổi tiếng, bởi là con gái của một bà má đẹp, nổi tiếng. Cao ráo, da sáng, miệng tươi, vén khéo.

Cuộc đời xô đẩy, chị lấy chồng bộ đội, em lấy một sĩ quan bên kia chiến tuyến. Hai người chồng vắn số, để lại trên đời hai chị em góa tréo ngoe thân phận. Nhưng không gì có thể ngăn được nỗi niềm chung của hai chị em máu mủ.

Làm giỗ cho chồng, chăm những đứa con côi và rồi, đêm đêm bắt đầu những câu chuyện về kỷ niệm riêng bỗng quá nhiều điểm chung bởi mỗi hai từ: vợ lính.

Xóm ấp không ai nhớ chồng của họ bên nào với bên nào, khi được mời đến giỗ, chỉ hỏi, giỗ thứ bao nhiêu rồi, nhanh quá há? Và họ chỉ nhớ, nhà có mỗi hai chị em gái mà đều góa sớm cả.

Chị cả góa, năm chị ba mươi ba tuổi. Các em gái biết rõ anh chị hạnh phúc dường nào. Mỗi sáng, chị muốn ra khỏi giường rất khó (anh là trai ở rể), bởi vì anh cứ muốn chị nán lại để anh hôn, anh hôn chị như mẹ hôn con, chùn chụt chùn chụt, rất là kêu.

Những âm thanh ấy khiến các em gái của chị tò mò mà ao ước, giá như chồng mình nữa cũng ân cần, tuyệt vời như chồng của chị. Vậy mà anh mất sớm.

Chị một nách ba con, có hỗ trợ của gia tộc mà vẫn trở thành người khác. Dáng đi bỗng cắm cúi âm thầm và thẫn thờ ở mọi nơi có thể, bến sông, góc đồng, bờ liếp, bóng cây, các em thường xuyên bắt gặp chị hay kéo ống quần chùi nước mắt. Lấy gì để đo những đêm dài của chị?

Năm đó má đã trung niên. Ba đi biền biệt từ Cuộc chiến thứ nhất, thời gian vùn vụt, bầy con của má cũng vùn vụt tám đứa. Rồi má góa.

Nết người làm và lụng, má không chia sẻ, không câu chuyện, không túm tụm, không đi hàng xóm, không gì cả. Trầm tư miên man, không có thời giờ cho một câu nói dễ dàng nào.

Chỉ nhớ má thích tắm muộn, trên bến sông khuya, đêm của má là vậy đó, tắm lâu, một bộ nằm nghiêng co co trên chiếu và nhiều khi bật dậy thắp đèn dầu ra làm cỏ vườn, quá kinh khủng kiểu nửa đêm đi dẫy cỏ vườn của má.

Cô cũng góa, năm hai mươi tám tuổi. Một người phi thường mà góa sớm giống như nữ chúa sơn lâm bị khung trong cũi sắt, vật vã, xoay trở, hút thuốc, ăn trầu, đánh gió, dựng người này dậy để chuyện vãn, đánh đuốc đến nhà ngưới khác cũng để chuyện vãn.

Và khi đã trầm tư thì giống như bức tượng, uy nghiêm, chết cứng. Mãi lúc đám con cháu đã thành đàn bà thì cô mới đôi lần ung dung: “Đêm dài quá các con, rồi thì…”

Đôi mắt tinh anh nửa muốn trần tình, nửa muốn kềm chế, thôi thì bỏ lửng, rằng các con tự hiểu đi. Một người đàn bà giỏi giang và trí tuệ, ánh mắt cô đơn của họ trong đêm tối là như thế sao, sáng quắc như thế sao?

Đêm là chuyện của đất trời. Và định lượng ấy vẫn cứ đồng hành một cách khắc nghiệt với những người đàn bà bị đóng đinh bởi chữ Góa, thế thôi.

Bạn đang đọc bài viết Cùng chữ góa tại chuyên mục Lăng kính của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Zalo, Viber: 0369024447.