Những ngày qua, dư luận dành nhiều sự quan tâm đến sự hiện diện của tác phẩm cây cảnh nghệ thuật có tên "Cửu long tranh châu" được trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Ba Đình trong những ngày diễn ra kỳ họp Quốc hội.
Từ một tác phẩm CCNT quý được tôn vinh...
Nằm trong hoạt động thiết thực kỷ niệm 30 năm ngày Truyền thống Sinh Vật Cảnh Việt Nam (13/5/1989 - 13/5/2019) hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ phát động Tết Trồng cây (28/11/1959 - 28/11/2019) và tôn vinh những giá trị Cây cảnh nghệ thuật Việt Nam trong không khí xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh, vừa qua Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội đã giới thiệu một tác phẩm cây cảnh nghệ thuật tiêu biểu nhất để trưng bày tại Trung tâm văn hóa Ba Đình (cạnh Tòa nhà Quốc Hội).
Đây là tác phẩm Cửu long tranh châu, một tác phẩm độc nhất vô nhị cả về tuổi đời của cây, lịch sử, sự bề thế và được xếp vào 1 trong 19 kỷ lục của đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội năm 2010.
Theo dân gian, ý nghĩa của hình ảnh cửu long tranh châu trong phong thủy được thể hiện như sau: Long - rồng: loài vật thần thoại xuất hiện nhiều ở phương Đông, là con vật đại diện cho sự quyền lực, công danh, tài lộc, tượng trưng cho sự thịnh vượng, dồi dào, sự tái sinh mạnh mẽ. Châu - ngọc: tượng trưng cho vũ trụ.
Chín con rồng đang tranh nhau một viên ngọc
Cửu long đại diện cho 9 con rồng, mỗi con mang một ý nghĩa riêng cho gia chủ như: Bị hí là con trưởng của rồng: biểu tượng cho sức mạnh vượt bậc; Li vẫn- con thứ hai của rồng: ngụ ý cầu trấn hỏa, bảo vệ bình yên cho công trình; Bồ lao - con thứ ba đại diện cho âm thanh; Bệ ngạn - con thứ tư: ngụ ý răn đe người phạm tội và nhắc nhở mọi người nên sống lương thiện; hao thiết, con thứ năm ngụ ý nhắc nhở người ăn đừng háo ăn; Công phúc, con thứ sáu: mong muốn công phúc luôn tiếp xúc, cai quản, trông coi lượng nước phục vụ muôn dân; Nhai xế, con thứ bảy ngụ ý thị uy, làm tăng thêm sức mạnh và lòng can đảm; Toan nghê, con thứ tám thích sự tĩnh lặng, đại diện cho sự tĩnh tâm; Tiêu đồ, con út ngụ ý răn đe kẻ lạ muốn xâm nhập nhằm bảo vệ sự an toàn cho chủ nhà. Cửu long tranh châu là biểu tượng đại diện cho quyền lực, công danh, uy quyền cho người sở hữu.
Nói về tác phẩm, giáo sư, tiến sĩ Trần Duy Quý - PTC Hội SVC Hà Nội cho biết, trong suốt thời gian công tác, ông đi rất nhiều nước, lùng sục cây cảnh của các nước để thỏa mãn niềm đam mê nhưng chưa thấy ở đâu có tác phẩm xuất sắc như vậy. Theo tiến sĩ Trần Duy Quý, tác phẩm này hội tụ nhiều cái "nhất" mà các cây cảnh khác hiếm khi có được:
Thứ nhất: Nó thuộc hàng những cây sanh cổ nhất. Theo giám định của trường ĐH Dược Hà Nội, lát cắt ở cành đã cho kết quả 165 năm tính đến năm 2010, đến nay 2019 là 174 năm.
Thứ hai: Đây là cây sanh cổ có bộ rễ chu vi lớn nhất, lên đến 9,8m, dài 3,7m, ngang 2m và cao 1,9m. Chiều cao bộ rễ là 0,55m. Chiều cao cây là 3,2m. Nếu tính cả chậu, tổng chiều cao lên đến 3,7m. Các nghệ nhân từng ghi nhận, trên toàn quốc chưa có cây nào có đường kính thân trên 30cm, hay chu vi bệ rễ chưa từng quá 2m nhưng cây sanh này là 9,8m. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và Tổ chức Kỷ lục Châu Á chính thức xác lập đây là “Cây sanh cổ trồng chậu có chu vi bộ rễ lớn nhất ” vào năm 2010.
Thứ ba: Cây sanh lá móng quý hiếm nhất Việt Nam. Có nhiều giống sanh khác nhau như sanh quê, sanh Hải Hậu, sanh rừng, sanh Nam Điền… nhưng đây là cây sanh lá móng, là giống sanh đặc biệt quý hiếm, vô cùng chậm lớn.
Thứ tư: Cây sanh có giá trị lịch sử: Cây sanh này trước kia đặt ở một quần thể các dinh thự cổ của khâm sai đại thần, thượng thư, bộ lại Hoàng Cao Khải mà hầu hết các nghệ nhân Hà Nội đều biết.
Cửu long tranh châu được xem là cây có bộ rễ chu vi lớn nhất
Giáo sư, nhà sử học Lê Văn Lan, từng nhật xét tác phẩm “Cửu long tranh châu" là cây có một thời sinh trưởng ở gần gò Đống Đa nên rất có giá trị lịch sử. Được biết, tác phẩm này thuộc sở hữu của của Doanh nhân Bùi Văn Thái ở Hoàng Mai, Hà Nội, hiện đang được trưng này trước tòa nhà Quốc hội (Ba Đình, Hà Nội).
Đây được coi là tác phẩm nổi bật nhất trong Triển lãm Sinh Vật Cảnh Việt Nam lần thứ nhất năm 2010 sau khi sưu tầm về "Cửu long tranh châu" được một số nhà nghiên cứu tiết lộ có những đại gia đã ngỏ ý muốn sở hữu tác phẩm này không chỉ bởi giá trị vật chất mà còn giá trị văn hóa lịch sử ẩn sâu trong một tuyệt phẩm của thiên nhiên và sự sáng tạo của con người. Bên cạnh những giá trị nghệ thuật, "Cửu long tranh châu" còn chứa đựng một bí mật lịch sử về nhân vật gây tranh cãi Tổng binh Hoàng Cao Khải.
Ông Nguyễn Gia Thọ, Chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội cho rằng, Sinh Vật Cảnh nói chung, hoa cây cảnh nói riêng đang được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn như một "đại sứ" để quảng bá hình ảnh về đất nước, con người và đặc trưng văn hóa. Việt Nam với nền văn hóa nghệ thuật và thú chơi cây cảnh nghệ thuật có nhiều bản sắc chúng ta hoàn toàn có thể dùng những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trong lĩnh vực Sinh Vật Cảnh để gửi gắm những thông điệp đó.
"Chúng tôi đã làm việc với nhiều đoàn khách Quốc tế. Chính họ lại đánh giá rất cao về cây cảnh cây thế Việt Nam. Họ cho rằng chúng ta đã đạt những bước tiến khá xa trên bầu trời nghệ thuật Bonsai Quốc tế. Ở nước họ, người ta thường bắt gặp khá nhiều phong cách Bonsai Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan...nhưng tất cả chúng rất công thức. Nhưng ở Việt Nam, họ bắt gặp một trường phái nghệ thuật bonsai giàu cảm xúc và rất có bản sắc riêng. Họ mong muốn đưa những tác phẩm mang phong cách Việt Nam làm phong phú bộ sưu tập của mình. và họ cho rằng thế giới nên biết đến Bonsai Việt Nam như biết tới tà áo dài duyên dáng của sứ sở này. Họ yêu những gì khác biệt có hệ thống và có ý tưởng sâu sắc từ những nghệ nhân Bonsai Việt Nam...Chính vì vậy việc đề cử một tác phẩm cây cảnh tiêu biểu cho giá trị văn hóa lịch sử như tác phẩm Cửu Long Tranh Châu giới thiệu tại Trung tâm Văn hóa Ba Đình cũng với mong muốn quảng bá những nét đẹp văn hóa Việt Nam đến với công chúng yêu Cât cảnh nghệ thuật Thủ đô và bạn bè Quốc tế”, ông Nguyễn Gia Thọ nhấn mạnh.
Đến suy nghĩ một ngành kinh tế giàu tiềm năng!
Như chúng ta đã biết, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta vào những năm 60 của thế kỷ trước đã phát động phong trào Tết Trồng cây hướng đến là một cuộc cách mạng cảnh quan, thiên nhiên, môi trường sinh thái "làm cho phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp", "làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta ngày càng được cải thiện". Cũng chính trong những năm tháng này, Người đã viết 14 bài viết, bài nói để cổ động nhân dân ta trồng cây gây rừng vì lợi ích lâu dài của Đất nước.
Từ lời dạy của Bác Hồ 60 năm trước, phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc luôn được toàn Đảng, toàn dân ta ra sức hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể. Tấm gương sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên, tư tưởng, triết lý sống tiến bộ về bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững của Người đã trở thành kim chỉ Nam hành động đúng đắn cho các thế hệ hôm nay và mãi về sau.
Theo Chánh văn phòng Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội cho biết: "Để góp phần đưa những tư tưởng của Người qua Tết trồng cây lan tỏa những giá trị thiết thực trong cộng đồng, hơn 20 nhà cách mạng tiền bối đã trình bày với Đảng và Nhà nước về việc thành lập Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam ngày 13/05/1989. Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam một tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nhận về mình sứ mệnh tiếp tục phát huy ý nghĩa của Tết trồng cây góp phần bảo tồn tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; cải thiện môi trường sinh thái; cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân…"
Ngày 12/4/2018, Chính phủ đã có Nghị định số 52 chính thức công nhận hoạt động sản xuất kinh doanh Sinh Vật Cảnh là một trong 7 nhóm ngành quan trọng trong phát triển nông thôn. Thực tế hàng năm, hoạt động Sinh Vật Cảnh đẫ có những đóng góp tích cực trong tổng giá trị trên 4 tỷ USD xuất khẩu nhóm ngành Rau, Hoa, Quả, Cây cảnh. Đây là nhóm hàng xuất khẩu giàu tiền năng, các nhà khoa học ước tính sẽ đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD sau năm 2020.
Ngày nay, Sinh Vật Cảnh không chỉ là một ngành kinh tế sinh thái giàu tiềm năng mà còn là một mỹ tục mới trong nhân dân, một hoạt động văn hóa nghệ thuật không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội ở nước ta. Hoạt động này đang có những đóng góp rất thiết thực trong việc cải thiện môi trường sống trong lành, kiến tạo không gian văn hóa, giáo dục tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh được nhân dân và các cấp chính quyền ghi nhận...
Chính vì vậy, việc một tác phẩm cây cảnh nghệ thuật "Cửu long tranh châu" được trưng bày giới thiệu tại Trung tâm văn hóa Ba Đình trong dịp này, có một ý nghĩa quan trọng trong việc cổ vũ mạnh mẽ những sáng tạo của giới nghệ nhân cây cảnh Việt Nam, những người đang góp phần gìn giữ những nét đẹp văn hóa nghệ thuật của ông cha đã được trao truyền qua bao thế hệ và ngày nay đang trên đà trở thành một ngành kinh tế sinh thái giàu tiềm năng!