Đặc sắc ẩm thực miền non cao của dân tộc Lô Lô

Người Lô Lô sống trên những đỉnh núi cao. Vì thế ẩm thực bắt nguồn từ điều kiện sống, lao động nên chế biến không cầu kỳ mà thiên về làm thực phẩm dự trữ.

Gạo “Thỉ slí” - Nếp Mẹ khi đồ lên có hạt thơm, ngon.

Đến trải nghiệm văn hóa dân tộc Lô Lô, huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) cùng hòa mình vào không gian kiến trúc nhà sàn, nghi lễ cổ xưa, xem dệt thổ cẩm, thêu thùa… du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc sắc trên miền non cao của đồng bào nơi đây.

Tuy vậy ẩm thực dân tộc Lô Lô ngon với những đặc trưng riêng bởi thực phẩm là sản vật từ giống vật nuôi, cây trồng được gìn giữ qua hàng nghìn năm. Gạo “Thỉ slí” - Nếp Mẹ và gạo đỏ (gạo tẻ) ăn hằng ngày là giống lúa sinh trưởng 4 - 6 tháng, trồng vụ hè thu trên nương với độ cao từ 700 - 900 m nên hấp thu nắng, gió, sương, chất đất để chuyển hóa thành nhiều chất dinh dưỡng bổ, ngon.

Bánh rán “Chi ma” thơm ngát.

Mỗi loại gạo có một màu khác nhau và vị ngon riêng. Gạo tẻ màu hồng, khi nấu lên nhựa gạo trong, bóng làm cho hạt gạo ánh lên như màu hồng ngọc, thơm ngọt ngào, dẻo. Gạo nhiều chất dinh dưỡng nên ăn vào no lâu. Gạo Nếp Mẹ hạt to trắng trong nhưng khi đồ lên thành màu xanh trong như ngọc, thơm ngào ngạt, mềm dẻo…

Đây là gạo quý được dùng trong Lễ cúng cơm mới. Gạo Nếp Mẹ được chế biến thành nhiều món, gói thành bánh coóc mò, đồ xôi đen, vàng, đỏ và các loại bánh. Đặc biệt là bánh rán “Chi ma” được làm từ bột gạo Nếp Mẹ đem giã với đường mật và lá cây rừng thơm ngát. Bánh có màu đen mướt pha vàng sậm của đường mật. Khi ăn thơm lá rừng, ngọt thanh dịu, không ngấy.

Cá gắp nướng là món ăn dân dã, thơm ngon nhiều dinh dưỡng. Mùa lúa, cá sống trong ruộng bậc thang, đến mùa gặt bà con bắt về mổ ruột rồi xếp lên những thanh nứa mỏng, nẹp lại sấy bên bếp lửa cho khô. Cá sấy xong để gần gác bếp ăn dần trong vòng 20 - 30 ngày. Khi chế biến đem cá rửa sạch nước rồi rán qua cho thơm.

Đậu thối chế biến thành nước chấm, chưng với thịt.

Món đậu thối được làm từ tương đen. Trước tiên, đem đậu tương ngâm cho nở to, giã nhỏ, sau đó ủ 2 - 3 ngày đem ra nặn thành từng miếng mỏng để phơi nắng cho khô rồi cất lên gần gác bếp. Khi chế biến đem rửa sạch, chưng lên với mỡ và nước, sau đó có thể kho với thịt hoặc cá. Nếu làm nước chấm thì cho thêm nước, mỡ đun sôi thành nước sền sệt đen sánh, thơm hơi hắc, vị ngọt chua, ngậy. Canh bột đậu tương nấu lá chua cũng rất hấp dẫn. Cho đỗ tương ngâm cho nở rồi đem xay thành bột, đun lá chua rừng lên rồi cho bột đậu tương vào quấy đều. Đun sôi múc ra ăn chua mát, thanh nhẹ.

Cá gắp nướng khô.


Ngoài ra người Lô Lô còn có món ăn sơ chế làm thực phẩm dự trữ như thịt lợn đen, thịt bò sấy khô bên bếp lửa. Khi đem xuống chế biến, thịt lợn dù là mỡ hay thịt nạc đều trong veo và có màu hồng. Còn thịt bò có màu đỏ sậm rất bắt mắt và thơm.
Ngoài những món ẩm thực đặc sắc trên, bà con dân tộc Lô Lô còn nhiều món ẩm thực hấp dẫn khác và được ví như một kho tàng văn hóa ẩm thực chưa khám phá hết luôn làm say đắm du khách.