Phiên chất vấn tại tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV đã kết thúc với hơn 130 lượt đại biểu tham gia chất vấn, trở thành một hoạt động đáng chú ý trong đời sống chính trị đất nước sau thời gian dài các ngành, các cấp đối mặt với đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4.
Đánh giá hoạt động chất vấn của kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương nhấn mạnh hoạt động này đã thành công ở 2 góc độ.
“Thứ nhất, mặc dù thời gian họp rút ngắn đáng kể, nhưng thời gian cho hoạt động chất vấn vẫn đảm bảo đủ 2,5 ngày với toàn bộ nội dung chương trình đã đề ra, đã hoàn thành tốt đẹp. Thứ hai, việc tham gia chất vấn của các đại biểu cho thấy rõ các đại biểu đã bám rất sát các vấn đề Quốc hội lựa chọn, có sự tìm hiểu rất sâu sắc và kỹ lưỡng đối với từng bộ ngành, vì thế câu hỏi dành cho mỗi bộ trưởng khá toàn diện, đúng trọng tâm, là những vấn đề nổi cộm nhất mà cử tri cả nước đang quan tâm”, đại biểu đoàn Hải Dương phân tích.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đánh giá cao cách điều hành của chủ tọa phiên chất vấn – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - là khá linh hoạt, định hướng rất rõ cho cả người chất vấn và người trả lời chất vấn, cả về thời gian và nội dung, cũng như phạm vi các câu trả lời, đều rất rõ ràng. Các Bộ trưởng, các Phó Thủ tướng cũng như Thủ tướng, các vị trưởng ngành có liên quan, đều nắm rất vững câu hỏi của đại biểu cũng như lĩnh vực mình quản lý, trả lời rất thẳng thắn, đặc biệt không né tránh trách nhiệm, không vòng vo.
“Đây là phiên chất vấn theo tôi là rất thành công mặc dù chúng ta đang trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tất cả các ngành, lĩnh vực đều gặp khó khăn do dịch bệnh. Với sự thẳng thắn của các Bộ trưởng, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, các bộ ngành có liên quan, đều đề ra được những giải pháp khá thuyết phục để khôi phục kinh tế và ứng phó với dịch bệnh trước mắt và sau này”, đại biểu Nga nêu quan điểm.
Nữ đại biểu cũng cho biết, chị ấn tượng với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, lĩnh vực cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, lĩnh vực quản lý khá rộng, đặc biệt bao hàm giải pháp để làm sao phục hồi và phát triển kinh tế sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.
Theo đại biểu, những giải pháp của Bộ Kế hoạch-Đầu tư tham mưu cho Chính phủ được xem là giải pháp xương sống quyết định tới việc khôi phục kinh tế thời gian tới có đạt được chỉ tiêu cũng như báo cáo của Chính phủ đề ra hay không.
“Cá nhân Bộ trưởng theo tôi thấy cũng khá thẳng thắn và quyết liệt trong việc tham mưu cho Chính phủ các giải pháp để điều hành phát triển kinh tế-xã hội. Câu trả lời của Bộ trưởng khá thuyết phục, có cơ sở để chúng ta triển khai thực hiện, tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là phải giữ cho được thành quả của công tác phòng chống dịch”, đại biểu Nga nhấn mạnh.
Theo đánh giá của đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội khóa XV (đoàn đại biểu TP Hà Nội), kỳ chất vấn đã diễn ra thành công trong bối cảnh diễn biến của dịch bệnh rất phức tạp.
“Phần lớn các đại biểu đặt câu hỏi rõ ràng, ngắn gọn, phát hiện nhiều vấn đề nóng và tranh luận đến cùng. Các Bộ trưởng trả lời thẳng thắn, trình bày được thêm nhiều thông tin, những quan điểm của Chính phủ, bộ ngành để đại biểu hiểu và chia sẻ”, đại biểu TP Hà Nội dẫn chứng.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn cũng đánh giá cách điều hành của Chủ tịch Quốc hội nói riêng và đoàn Chủ tịch nói chung rất chuyên nghiệp, phù hợp, linh hoạt. Cách điều hành này đã tạo ra chất lượng cho buổi chất vấn và trả lời chất vấn.
Bày tỏ ấn tượng và tâm đắc với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề liên quan đến học trực tuyến, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, trong khi việc học trực tuyến còn rất nhiều khó khăn, chưa có học liệu trực tuyến, chưa có bài giảng trực tuyến cũng như tâm lý thuận lợi phục vụ việc học này, chưa kể đến thiết bị đường truyền, máy tính. Vì vậy, phần giải đáp của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã giải thích rõ hơn cách ứng phó của Bộ để người dân, phụ huynh, cha mẹ học sinh phần nào yên tâm. Từ đó có thêm niềm tin đối với sự lãnh đạo không chỉ của lãnh đạo Bộ, của Chính phủ mà còn có niềm tin vào cách chống dịch của Đảng, Nhà nước.
“Vấn đề tranh luận trong các phiên chất vấn tiếp tục được duy trì ở kỳ họp này, nó không chỉ góp phần vào kết quả của hoạt động chất vấn mà có ý nghĩa rất quan trọng để đi đến cùng sự việc. Qua đó còn có thể chứng tỏ các vị Bộ trưởng, trưởng ngành nắm rõ vấn đề đến đâu; đồng thời sẽ cùng với các đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước giải quyết đến cùng vấn đề đó”, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho biết thêm.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, ở kỳ họp này, các đại biểu cũng đã tuân thủ quy định mà Chủ tịch điều hành phiên chất vấn yêu cầu là chỉ tranh luận với Bộ trưởng. Theo đó, không khí tranh luận tại nghị trường diễn ra sôi nổi, đi thẳng vào những vấn đề nóng, những vấn đề mà các đại biểu muốn làm rõ trách nhiệm của Bộ cũng như trách nhiệm của Bộ trưởng.
“Tôi nghĩ rằng với tinh thần tranh luận để làm rõ vấn đề, làm rõ trách nhiệm thì những lời hứa, những cam kết mà các Bộ trưởng nêu ra trong phiên trả lời chất vấn vừa qua thì các đại biểu Quốc hội cũng sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát để những điều Bộ trưởng cam kết sẽ trở thành thực tiễn trong công tác điều hành chỉ đạo của Bộ trưởng trong thời gian tới”- đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nêu quan điểm.
Theo các đại biểu, việc đặt ra những cam kết cũng như lời hứa là một trong những yêu cầu mà các đại biểu phải thực hiện ở các phiên chất vấn. Một trong những điểm mới từ khóa XIV đến nay là 1 Bộ trưởng trả lời trong một phiên chất vấn nhưng bên cạnh đó sẽ có các Bộ trưởng khác cũng như các thành viên Chính phủ cùng trả lời. Vì vậy bên cạnh những lời hứa, sự cam kết của Bộ trưởng chính là cam kết của Chính phủ, từ đó, cử tri cả nước và nhân dân có thể yên tâm, những lời hứa, cam kết đấy sẽ được cụ thể hóa bằng hành động của Bộ trưởng và các bộ ngành trong thời gian tới./.