Tổ chức Y tế Thế giới chính thức công bố dịch Covid-19 do virus Corona chủng mới (SARS-COVID-2) là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3/2020. Dịch bệnh đã nhanh chóng lan nhanh từ Trung Quốc ra bên ngoài, với số ca bệnh ở nhiều quốc gia ngày một gia tăng. Tính đến ngày 31 tháng 12 dịch bùng phát đã ảnh hưởng đến 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 83 triệu trường hợp được ghi nhận và hơn 1, 8 triệu người tử vong. Trong bối cảnh của đại dịch, nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn suy thoái. Theo dự báo trong những kịch bản bản cơ sở của IMF và W.B, GDP toàn cầu sẽ giảm từ -4% đến -4,5%, là mức giảm cao nhất kể từ cuộc Đại suy thoái kinh tế Thế giới trong những năm 1930. Bên cạnh những khó khăn do suy thoái kinh tế, rủi ro bất ổn tài chính cũng là vấn đề rất đáng quan ngại trong bối cảnh nợ tăng nhanh và nguy cơ đảo chiều hoăc giảm sút dòng vốn đầu tư.
Khủng hoảng kinh tế được kích hoạt bởi cả yếu tố cung và cầu với những gián đoạn sản xuất bắt đầu từ châu Á rồi lan nhanh sang các chuỗi cung ứng trên toàn thế giới. Việc đóng cửa biên giới và các biện pháp kiểm dịch được thực hiện nghiêm ngặt đã dẫn đến giảm sút năng lực sản xuất và gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh đó, việc làm và nhu cầu tiêu dùng giảm đáng kể; nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với những vấn đề giảm thu nhập và mất khả năng thanh toán, đặc biệt trong các ngành vận tải và hậu cần, du lịch, khách sạn, nhà hàng và bán lẻ. Tình hình này càng khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Ngoài ra, khu vực kinh tế thực còn phải đối mặt với giảm khả năng tiếp cận tài chính trong bối cảnh chi phí gia tăng. Trong nhiều trường hợp, sụt giảm mạnh bất ngờ của nhu cầu, thu nhập và nguồn tài chính đã ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng duy trì hoạt động của doanh nghiệp (Nguyễn Đình Trung 2020).
Những chỉ báo nhanh (leading indicators) cho thấy, sự suy giảm của kinh tế toàn thế giới chạm đáy vào cuối tháng 4 năm 2020, khi lĩnh lĩnh vực dịch vụ giảm mạnh hơn sản xuất, Xu thế này cũng phản ánh rõ nét yếu tố cách ly xã hội. Từ tháng 01 đến tháng 4 năm 2020, chỉ số quản lý thu mua (PMI) toàn cầu trong ngành dịch vụ đã từ 52,6 điểm giảm xuống 24, còn lĩnh vực sản xuất từ 50,3 điểm xuống 39,8. Sau khi nhiều nước trên thế giới nới lỏng cách ly xã hội, chỉ số PMI đã được khôi phục trở lại, đặc biệt là PMI trong khu vực dịch vụ.
Ước tính cho thấy, trong quý I/2020 sự sụt giảm đáng kể GDP ở các nước công nghiệp chủ chốt (Hoa Kỳ giảm 4,8%, ở khu vực đồng Euro là 3,8%), trong quý II/2020, suy giảm GDP còn mạnh hơn. Theo OECD, trong Quý II, GDP của Mỹ giảm 9,5% so với quý I ,còn Đức, Pháp, Tây Ban Nha ghi nhận mức giảm ở hai chữ số, lần lượt là 10,1%; 13,8% và 18,5% . Ở châu Á,mức giảm của Hàn Quốc là 3,3%. Theo BritCham, tăng trưởng năm 2020 của UK giảm ở mức -9,8%, Hoa Kỳ -4,3%. Tại khu vực Đông Nam Á nhiều nước cũng giảm sâu, 2 nước Malaysia và Singapore giảm mạnh ở mức -6,0, Indonesia -1,5% và Thai land giảm tới-7,1% (Chris Jeffery 2020)
Thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu năm 2020 cũng diễn ảm đạm với mức giảm 11,9%; chỉ số CPI tăng 0,4% tại các nước phát triển và 4,4% tại các nước mới nổi và đang phát triển. Tác động tiêu cực của kinh tế toàn cầu đã đi cùng sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán, giá hàng hóa tăng, đồng tiền mất giá và chênh lệch tín dụng (credit spread) tăng cao . Măc dù đã có những điều chỉnh, song tình hình thị trường tài chính vẫn chưa ổn định. Vào tháng 3 năm 2020 , thị trường chứng khoán có quy mô sự sụt giảm tương đương với mức sụt giảm của cuộc khủng hoảng năm 2008. Chỉ số công nghiệp Dow Jones trên thị trường chứng khoán Mỹ giảm tới 56% so với mức cao nhất ở mọi thời đại trong ngày 12/02/2020. Thị trường chứng khoán ở các nước khác cũng cho thấy những động thái tương tự.
Lo lắng rủi ro gia tăng của các nhà đầu tư đã tác động tiêu cực đến thị trường tài chính ở các thị trường mới nổi (Emerging Economies, EME). Dòng vốn đầu tư gián tiếp bị rút khỏi các nước EME đã vượt qua 100 tỷ USD từ cuối tháng 01năm 2020. Đồng tiền nội tệ suy yếu đáng kể so với đô la Mỹ; đã gây áp lực lớn đối với những nước định hướng xuất khẩu. Chi phí bảo hiểm rủi ro tăng cao đã ảnh hưởng nặng đến bảo đảm thanh khoản, hạn chế biến động tỷ giá đồng tiền; nới lỏng các quy định quản lý vĩ mô và hỗ trợ tín dụng ở các nước đang phát triển. Việc công bố các biện pháp hỗ trợ của chính phủ có nguy cơ gia tăng nợ công và thâm hụt ngân sách ở nhiều quốc gia. Điều này cũng làm hạn chế khả năng sử dụng chính sách tài khóa trong các tình huống khủng hoảng tương lai. Theo ước tính của IMF, gia tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nhân có thể dẫn tới mức thâm hụt ngân sách bình quân thế giới từ 3,7% GDP năm 2019 lên 9,9% GDP trong năm 2020.
Theo ghi nhận của các nhà nghiên cứu thuộc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), quy mô và hậu quả tiêu cực do dịch bệnh lây lan phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng xảy ra các đợt dịch mới, sức chống đỡ các cú sốc tiêu cực và hiệu ứng “lây nhiễm” trên thị trường. Những điểm yếu trong nền kinh tế có thể làm trầm trọng thêm tình hình tài chính trong bối cảnh suy thoái toàn cầu. Trong bối cảnh này, đối tượng dễ bị tổn thương là các DNNVV, vốn có nguồn dự phòng tài chính để đáp ứng các nghĩa vụ ngắn hạn ở mức tối thiểu. Trong trường hợp suy thoái kéo dài và chi phí vay tăng cao, có nguy cơ dẫn đến hậu quả tiêu cực trên quy mô lớn do tích lũy nợ cao ở nhiều quốc gia, Dữ liệu đầu năm của BIScho thấy, tình trạng nợ ở các quốc gia đều tăng Thụy Điển tới - 168% GDP, Pháp - 153% GDP, Trung Quốc - 149% GDP, Na Uy - 137% GDP, Canada - 114% GDP, Chile - 108% GDP, Nhật Bản - 104% GDP, Anh - 80% GDP, Malaysia - 69% GDP, Thổ Nhĩ Kỳ - 66% GDP (Nguyễn Đình Trung 2020).