Đại tá Phan Mạc Lâm – Người “lập hồ sơ B-52” giữa lòng Hà Nội: Lời thú tội đầu năm

Hội nghị ngày 6-7-1972 do Phó tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài và Vương Thừa Vũ chủ trì, đã nhấn mạnh các nội dung then chốt và phác thảo kế hoạch ban đầu trong triển khai để đánh thắng cuộc tập kích B-52 của đế quốc Mỹ.

so-do-1639974313.jpgSơ đồ đội hình B-52 bay vào đánh phá Hà Nội do cơ quan tình báo quân sự của ta vẽ lại từ lời khai của tù binh Mỹ. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Mạc Lâm là người đầu tiên trong hội nghị, đại diện Cục Quân báo trình bày những nội dung làm cơ sở cho việc thảo luận. Tại hội nghị, ông đã trình bày các nội dung cơ bản về lực lượng không quân chiến lược B-52 và bố trí lực lượng B-52 của Mỹ; đặc điểm, tính năng của B-52, đội hình cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và các loại máy bay yểm trợ khác, cách ném bom bay bằng của B-52 (tốc độ, độ cao, khả năng mang bom, đạn…); về các loại máy bay yểm trợ trên không như F105, F4; thủ đoạn gây nhiễu của các loại máy bay, liên lạc trên không... Bản báo cáo của ông cũng đề xuất, kiến nghị cách đánh của ta (tên lửa, cao xạ, MiG và các loại súng phòng không khác); hoạt động của ra-đa, cách chống nhiễu…

chuyb52-1639984923.jpgĐại tá Phần Mạc Lâm.

Cùng với việc báo cáo, Mạc Lâm đã giải đáp những câu hỏi đặt ra của các đại biểu trong hội nghị. Đó là cơ sở quan trọng để hội nghị đánh giá tình hình địch, về lực lượng và khả năng của ta, đề xuất nhiều kế hoạch và biện pháp triển khai trên tinh thần khẩn trương đối phó kịp thời trong mọi tình huống.

chuyb52b1-1639985048.jpg

Tù binh phi công Mỹ tại “khách sạn Hin-tơn” - nhiều người trong số họ đã hối lỗi, thành khẩn cung cấp cho ta nhiều tin tức có giá trị. Ảnh do tác giả cung cấp.

Sau này, trong hồi ký, nhớ lại những ngày chuẩn bị cho việc đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng; Mạc Lâm ghi lại cuộc gặp ngắn ngủi mà xúc động với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Buổi sáng hôm đó, như thường lệ, tôi dậy sớm để đến nơi làm việc. Hồi đó, chúng tôi ở tập trung tại cơ quan trong thành nhưng đi làm việc ở nơi sơ tán. Đang loay hoay xỏ giày thì có người báo: “Mạc Lâm lên gặp Bộ trưởng gấp”. Anh bạn còn nói thêm: “Bộ trưởng đang chờ anh ở phòng Thủ trưởng Cục”. Tôi thoáng chút ngạc nhiên. Thực ra thì tôi cũng đã nhiều lần gặp Bộ trưởng. Bận trăm công ngàn việc nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn quan tâm đến công tác tình báo, trong kháng chiến chống Pháp cũng như trong kháng chiến chống Mỹ. Nhiều tin tức chúng tôi khai thác từ tù binh sau khi nghe Thủ trưởng Cục báo cáo, Đại tướng còn trực tiếp gặp chúng tôi để xác minh lại. Tôi đoán chắc là tin về B-52 đánh Hà Nội mà tôi vừa báo cáo làm cho Bộ trưởng quan tâm. Bước vào phòng, tôi nhận ra Bộ trưởng ngồi ở đấy rồi. Gương mặt Bộ trưởng tươi cười nhưng đượm vẻ lo âu, vẫy tay gọi tôi lại ngồi bên cạnh. Đúng như điều tôi suy nghĩ. Ông hỏi thăm về sức khỏe, về tình hình mới nhất chúng tôi vừa thu thập được về “B-52 sẽ đánh Hà Nội vào thời gian tới”. Bộ trưởng hỏi rất kỹ về thực lực không quân chiến lược, về điểm mạnh và điểm yếu của B-52. Kể cả những suy nghĩ băn khoăn của tôi không thể hiện qua báo cáo. Tôi bình tĩnh báo cáo. Bộ trưởng nói rất nhẹ nhàng, hỏi rất chi tiết, hình như cần sự khẳng định của tôi về những điều đã báo cáo. Hỏi xong, Bộ trưởng bắt tay chúng tôi, ra về trên gương mặt bình thản”.

Để có được thông tin “tương đối” về B-52 khi báo cáo Đại tướng-Tổng tư lệnh, Mạc Lâm thầm “cảm ơn” một tên phi công Mỹ đã thành khẩn khai nhận những thông tin quý giá đầu năm 1972. Người phi công này, cho đến nay ông vẫn giữ bí mật tên họ, vào cuối buổi hỏi cung đã nói nhỏ với ông:

- Các ông chú ý, người ta đang chuẩn bị B-52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng.

Bằng nghiệp vụ của mình, Mạc Lâm bình tĩnh giấu tâm lý hồi hộp, hỏi bâng quơ:

- Anh nói thật sao, Mỹ sẽ dùng B-52 đánh Hà Nội?

Người phi công tù binh thoát khỏi vẻ sợ sệt, anh ta thành khẩn:

- Tôi không mong rằng, tội ác này sẽ xảy ra. Nhưng khi đã tổ chức diễn tập thì việc Mỹ dùng B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng chắc chắn đã có trù liệu của Lầu Năm Góc.

Mạc Lâm nhìn chăm chú vào người phi công tù binh, hạ giọng:

- Anh có thể nói rõ hơn?

- Thưa ông, cách đây mười ngày, tôi tham gia trong đội hình diễn tập dùng B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng. Đó là một cuộc tập trận quy mô lớn phối hợp tác chiến mà lực lượng chủ yếu là B-52. Trong đội hình chiến đấu, ngoài B-52 còn có máy bay trinh sát RF 4C, QF 4C, các loại máy bay F105, F4D, máy bay gây nhiễu điện tử EC 121, đội cấp cứu và chỉ huy trên không…

Lời thú tội của viên phi công, nếu xét về dự báo chiến lược thì không có gì bất ngờ, nhưng xét về thời điểm, lại vô cùng quý giá. Bấy lâu nay, câu hỏi “Khi nào Mỹ dùng đến B-52 làm nước cờ tàn cho cuộc chiến?” đặt ra, đã đến lúc có tín hiệu trả lời. Mạc Lâm đã hỏi kỹ, đưa ra nhiều tình huống để kiểm tra tính xác thực của những thông tin từ người phi công tù binh vừa khai báo. Ông đối chiếu với những tin tức đã khai thác ở các phi công tù binh khác rồi đi đến khẳng định: Tin về Mỹ dùng B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng là đúng. Mạc Lâm mừng lo lẫn lộn. Mừng vì có thông tin mới mà cấp trên đang cần sẽ giúp ta chuẩn bị để không bị bất ngờ trước âm mưu thâm độc của kẻ thù. Nhưng khi nghĩ đến hàng trăm chiếc B-52 ném bom rải thảm xuống Thủ đô thân yêu, nơi đầu não lãnh đạo cách mạng và cũng là nơi tập trung đông dân, lòng ông thắt lại. Sau những giây phút bàng hoàng, Mạc Lâm ngồi vào bàn, giở lại cuốn sổ ghi chép, nhớ lại những gì vừa xảy ra, ông làm báo cáo gửi ngay lãnh đạo Cục Quân báo.

Cuối tháng 11-1972, toàn miền Bắc đã chuẩn bị sẵn sàng đối đầu với cuộc leo thang quân sự tàn bạo nhất của Ních-xơn. Một kế hoạch của phòng không và không quân ta đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng được triển khai trong toàn quân. Đầu tháng 12, địch tiếp tục leo thang mạnh. Có thêm nhiều tin tức tình báo mới liên quan đến việc Mỹ chuẩn bị khẩn trương cho chiến dịch dùng B-52 đánh Hà Nội, Hải Phòng. Từ tháng 10-1972, chúng tăng thêm lực lượng không quân chiến thuật, không quân, hải quân đến chiến trường Đông Nam Á. Bộ chỉ huy liên quân Mỹ điều chỉnh lực lượng B-52 ở căn cứ quân sự Gu-am và Thái Lan. Chúng ra lệnh kéo dài thời gian phục vụ tác chiến của phi công Mỹ ở chiến trường Thái Bình Dương, Đông Nam Á. Phi công Mỹ đều được phổ biến kế hoạch đánh lớn sắp tới và dự đoán được mục tiêu cụ thể!

Ngày 13-12-1972, Hội nghị Pa-ri bế tắc do thái độ ngoan cố lật lọng của phía Mỹ. Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ là Kít-xinh-giơ tuyên bố đình chỉ vô thời hạn Hội nghị Pa-ri về Việt Nam. Ngày hôm sau, Tổng thống Mỹ Ních-xơn chính thức thông qua kế hoạch tập kích đường không chiến lược, chủ yếu bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng mang tên “Lai-nơ-bếch-cơ II” từ 17-12-1972 giờ Hoa Kỳ tức là ngày 18-12-1972 theo giờ Hà Nội. Lập tức, Mỹ triển khai thành lập Bộ chỉ huy Sư đoàn không quân chiến lược lâm thời số 57 để chỉ huy 3 liên đội máy bay B-52 gồm 193 chiếc với 250 tổ lái ở hai sân bay U-ta-pao (Thái Lan) và En-đơ-xơn (Gu-am). Chúng huy động thêm 50 máy bay KC 135 để tiếp dầu cho B-52 từ Mỹ sang Phi-líp-pin; đồng thời điều tiếp hai tàu sân bay In-téc-prai-đơ và Sa-ra-to-ga từ Hồng Công và Su-bích sang vịnh Bắc Bộ. Tham gia tập kích chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II còn có hơn 1000 máy bay chiến thuật được huy động từ khu vực Đông Nam Á. Tổng thống Ních-xơn "hy vọng" có thể dùng B-52 tập kích chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng hòng lật lại thế cờ trên bàn Hội nghị Pa-ri.

Phía ta đã chủ động xây dựng lực lượng phòng không nhân dân sẵn sàng giáng trả đích đáng máy bay của Mỹ. Một thế trận phòng không "thiên la địa võng" đủ cả tầm cao, tầm trung và tầm thấp đã được ta chuẩn bị.

Chiều 18-12-1972, Cục Quân báo đã báo cáo lên Bộ Tổng tham mưu dự kiến thời gian Mỹ tập kích B-52 vào Hà Nội. Đến khoảng 18 giờ thì hầu như khẳng định điều đó. Tức thì, Bộ Tổng tham mưu, Cục Tác chiến phổ biến đầy đủ đến từng đơn vị phòng không.

Thời điểm lịch sử đó, Mạc Lâm đã ghi vào nhật ký: "Hôm ấy tôi, Nguyễn Anh Lân, Lê Đạt, Lâm Hoài trực ban ở sở chỉ huy. Căn hầm trực chỉ huy của Cục không lớn, cạnh lầu Hoàng Diệu nằm sâu dưới khu vườn tăng gia có giàn mướp che phủ. Hầm đặt 3 bàn làm việc với đủ các hệ thống thông tin, liên lạc, bản đồ các loại và tài liệu cần thiết... Tuy vẫn nói chuyện bình thường, nhưng trong thâm tâm mọi người đều lo lắng. B-52 đánh bom, Hà Nội sẽ ra sao?".

Trong hồi ký của mình, Mạc Lâm viết: "Sau hội nghị ngày 6-7-1972, dù đã báo cáo xong phần tin tức mình cung cấp nhưng tôi vẫn không thôi suy nghĩ về những thông tin của mình. Cảm giác hồi hộp, lo lắng, cứ ong ong trong đầu. Liệu những gì mình cung cấp cho cấp trên có chính xác không? Cái gì sẽ xảy ra, có điểm nào phi công tù binh khai man không? Có điểm gì mà mình chưa dự kiến hết không? Mỗi lần, nghĩ đến cuộc gặp Bộ trưởng tôi quên ăn, quên ngủ. Các tháng sau đó, chúng tôi thu thập thêm nhiều tư liệu, những dấu hiệu, động thái về sự chuẩn bị cho cuộc tập kích chiến lược ngày càng rõ dần. Không quân Mỹ đang chuẩn bị về công tác hiệp đồng của không quân chiến lược với một số đơn vị ở Thái Lan đã được tiết lộ".

Tự đánh giá lại lo lắng, băn khoăn trên, sau ngày chiến thắng vẻ vang, Mạc Lâm viết thêm: “Trong 12 ngày đêm (năm 1972 - PV), Bộ phận hỏi cung theo chỉ đạo của Bộ, Cục Tác chiến và Cục đã hỏi và giải đáp được 3 yêu cầu chính: Kiểm tra lại và bổ sung các số liệu liên quan đến trận tập kích; khó khăn của địch và thiệt hại; mục tiêu đánh phá và thời gian của đợt tập kích...”.

Những thông tin quý giá trên đã góp phần để quân dân miền Bắc bình tĩnh, tự tin, sẵn sàng giáng trả B-52 những đòn đích đáng.

Theo: QĐND/ Trái Tim Người Lính