Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Người anh cả của Quân đội sống mãi trong lòng dân và nhân loại yêu chuộng hòa bình!

Hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019), chúng ta tưởng nhớ 108 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2019), nhà quân sự lỗi lạc, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng!

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Người anh cả của Quân đội còn sống mãi trong lòng dân và nhân loại yêu chuộng hòa bình! - Ảnh 1

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013)

Người anh cả của Quân đội ta

Từ trong bóng đêm nô lệ, năm 1911, khi người thanh niên yêu nước Văn Ba ra đi từ bến Nhà Rồng đến tận góc bể, chân trời xa lạ tìm đường cứu nước cho dân tộc, thì cũng năm đó tại làng An Xá - chốn quê nghèo Quảng Bình - cậu bé Võ Nguyên Giáp vừa cất tiếng khóc chào đời. Để rồi 34 năm sau đó, hai nhân vật lịch sử trở thành đồng chí, thành hai thầy trò và đều được nhân loại tôn vinh và là hiện thân cho hai thế hệ nối tiếp nhau làm nên lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh được thế giới tôn vinh là nhà chiến lược vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng trở thành nhà chiến lược, chiến thuật và hậu cần quân sự kiệt xuất; Ông đã xây dựng và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam trở thành một quân đội cách mạng bách chiến bách thắng; hết lòng yêu thương, sẵn sàng hy sinh cho hạnh phúc của dân tộc mình, cũng như bè bạn, láng giềng và cũng rất nhân văn độ lượng với kẻ thù.

Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là hiện tượng lịch sử đặc biệt của thế kỷ XX đầy biến động. Từ một giáo viên dạy sử, đến một người làm báo, rồi trở thành vị tướng cầm quân kiệt xuất ghi danh trong lịch sử nhân loại, góp phần cùng dân tộc làm thay đổi lịch sử!

Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng đã cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối đầu trực tiếp và chiến thắng hai đạo quân chuyên nghiệp lớn nhất trong thế kỷ XX là viễn chinh Pháp và can thiệp Mỹ. Ông được biết đến là vị tướng sinh ra để chiến đấu cho hòa bình. Ông đã sống, chiến đấu cho khát vọng dân tộc chân chính và cổ vũ tinh thần quốc tế trong sáng, góp phần tăng cường đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Người anh cả của Quân đội còn sống mãi trong lòng dân và nhân loại yêu chuộng hòa bình! - Ảnh 2

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Ảnh tư liệu

Trong thư gửi bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích ngày kỷ niệm thành lập Quân Giải phóng Việt Nam ngày 22/12/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Năm 1942, nhóm du kích đầu tiên thành lập, cộng mười hai người. Năm 1943 và năm 1944, nó phát triển thành đội Nam tiến chừng năm chục người. Năm 1944 và 1945, đội Nam tiến lớn lên thành Quân Giải phóng Việt Nam cộng năm trăm người. Sau Cách mạng Tháng Tám, Quân Giải phóng Việt Nam phát triển thành Vệ quốc quân đến mấy nghìn người. Ngày nay, Quân đội có hàng chục vạn người, cộng với bộ đội địa phương và dân quân du kích thì lực lượng vũ trang và nửa vũ trang của nhân dân ta có hàng triệu người. Hàng triệu người mà một lòng một chí: đánh giặc cứu nước. Quân đội ta quen gọi Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Anh cả. Cách gọi thân ái ấy rất đúng với tinh thần và lịch sử của Quân đội ta...".

Một bậc thầy về nghệ thuật quân sự

Từ Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu, đến Tổng tiến công mùa xuân 1975, theo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng tư lệnh, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, đã phát huy tinh hoa nghệ thuật quân sự của ông cha qua Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa...chỉ huy lãnh đạo quân đội ta giành thắng lợi vẻ vang trong các cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại trong thế kỳ XX. Đại tướng có tầm nhìn xa trông rộng, tư duy khoa học, nắm vững quy luật chiến tranh, khát vọng dân tộc chính nghĩa đã thăng hoa sáng tạo trong điều kiện mới.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ huy cả 8 chiến dịch lớn, trong đó Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất. Thắng lợi của chiến dịch có ý nghĩa và tầm vóc vượt xa các chiến dịch trước về nhiều mặt, càng khẳng định tài thao lược xuất chúng của vị Tổng tư lệnh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Người anh cả của Quân đội còn sống mãi trong lòng dân và nhân loại yêu chuộng hòa bình! - Ảnh 3

Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954

Trong kế hoạch tác chiến của Tổng Quân ủy báo cáo Bộ Chính trị, thời gian chiến dịch dự kiến diễn ra trong 45 ngày, đã được Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử làm Tư lệnh chiến dịch kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ. Vào giữa tháng 12-1953, tham mưu chiến dịch của ta đã cơ bản xây dựng xong kế hoạch tác chiến chiến dịch cụ thể, với sự giúp đỡ của cố vấn Trung Quốc.

Tuy nhiên, đến giờ phút chuẩn bị khai hỏa chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây được coi là quyết định khó khăn nhất - như chính ông cũng từng thừa nhận. Quyết định đó thể hiện tư duy quân sự sắc sảo, bản lĩnh của người cầm quân; nhưng đồng thời cũng là biểu hiện của sự thấm nhuần tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về “đánh chắc thắng;” thể hiện tính nhân văn của một vị tướng “dĩ công vi thượng,” luôn biết đề cao vai trò của tập thể, hết sức tôn trọng ý kiến của tập thể vì lợi ích chung.

Điều Đại tướng trăn trở không chỉ vì những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn “chiến dịch này rất quan trọng, chỉ được đánh thắng, không chắc thắng thì không đánh,” mà còn vì trách nhiệm trước xương máu của chiến sỹ. Ba phần tư lực lượng cơ động chiến lược của Bộ Thống soái đã dồn lên chiến trường. Nếu chiến dịch không thắng, hơn bốn đại đoàn chủ lực bị thương vong lớn thì tiền đồ cuộc kháng chiến sẽ ra sao, vị thế của đoàn ngoại giao ta tại Geneva sẽ thế nào!

Thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc” được coi là sự kiện kịch tính nhất trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp, điều mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “quyết định khó khăn nhất” trong cuộc đời chỉ huy của mình.

Trải qua vài giờ trao đổi, với tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm cao, cuối cùng tập thể Đảng ủy cũng tán thành với sự thay đổi này và nhất trí cho rằng, thay đổi phương châm tác chiến là một quyết tâm rất lớn, là thể hiện cụ thể sự quán triệt tư tưởng chỉ đạo đánh chắc thắng của Trung ương. Và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đi tới thắng lợi cuối cùng cũng chính từ bước ngoặt quan trọng này.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Người anh cả của Quân đội còn sống mãi trong lòng dân và nhân loại yêu chuộng hòa bình! - Ảnh 4

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Quân ủy Trung ương theo dõi, chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn (4/1975) Ảnh: TTXVN

Nói về nguyên nhân toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào mùa xuân năm 1975, cố Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, nguyên Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao, tư lệnh mặt trận Tây Nguyên đã nhận xét: "Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo vừa đảm bảo thắng lợi cao nhất cho trận đánh, vừa hạn chế mức thấp nhất thương vong cho tướng sĩ. Ông là vị thống soái có tài thao lược kiệt xuất...".

Nguyên tư lệnh mặt trận Tây Nguyên đã dẫn chứng, đến năm 1974, tình hình diễn biến trên chiến trường miền Nam đã phát triển ngày càng có lợi cho ta, địch ngày càng suy yếu. Ngày 8/1/1975, ta giải phóng Phước Long, một thị xã gần sát Sài Gòn mà địch không dám phản kích và Mỹ cũng không can thiệp, đã chứng minh điều đó. Đó là một đòn trinh sát vũ trang chiến lược rất quan trọng. Chiến thắng Phước Long là một nhân tố mới để Bộ Chính trị khẳng định thêm quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam.

Kế đó, ngày 9/1/1975, Thường trực Quân ủy Trung ương đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp triển khai Quyết định chiến lược mới của Bộ Chính trị: "Chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch Nam Tây Nguyên" và là nơi mở đầu cho cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1975.

Sự lựa chọn này xuất phát từ phương châm tác chiến và nghệ thuật quân sự đặc sắc của vị chỉ huy thiên tài - Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Đó là: Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu; đánh chỗ yếu trước, đánh chỗ mạnh sau. Từ phương châm đó, Đại tướng đã lập mưu cài thế.

"Mưu kế chiến lược của ông (tức Đại tướng) là bày ra một hình thế giàn trận chiến lược, bày binh bố trận nhằm ghìm địch ở hai đầu Nam Bắc chiến tuyến là Sài Gòn và Huế - Đà Nẵng để tạo thế phá vỡ Tây Nguyên. Ông đã đưa Quân đoàn 4 vào bắc Đồng Nai, Quân đoàn 2 vào Huế. Hai quân đoàn này đứng ở đó, buộc địch phải đưa Sư đoàn lính dù và Sư đoàn lính thủy đánh bộ, tổng dự bị chiến lược ra để giữ hai khu vực chiến lược quan trọng là Huế và Sài Gòn, có như vậy địch mới sơ hở ở Tây Nguyên...", cố Thượng tướng Hoàng Minh Thảo phân tích.

Từ chiến thắng Tây Nguyên đã tạo thế cho chiến dịch gối đầu Huế - Đà Nẵng được mở ra và nhanh chóng giành được những thắng lợi liên tiếp, tiến tới Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước, "đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào" theo di nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tình yêu nước thương dân bao la

20 năm qua, người viết bài này may mắn được gần gũi với nhiều đồng chí, đồng đội, học sinh, cán bộ chiến sĩ và người thân gần gũi với Đại tướng nên được nghe được biết nhiều câu chuyện cảm động về tình yêu nước, thương dân, quý trọng đồng bào, chiến sĩ bao la của Đại tướng.

Cho đến tận bây giờ, người viết bài này vẫn ấn tượng và nhớ như in câu chuyện cảm động đó. Vào một ngày cuối tháng 4 năm 2004, tôi theo nhà báo Đỗ Phượng đến thăm Đại tướng và trao đổi ý tưởng làm một cuốn sách ảnh về Đại tướng nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2004).

Hôm ấy, nhà báo Đỗ Phượng cầm một bản thảo cuốn sách ảnh về Đại tướng do một số phóng viên, nhiếp ảnh gần gũi ông nhiều năm thực hiện đến để xin ý kiến Đại tướng trước khi xuất bản. Cầm cuốn sách trên tay, Đại tướng trân trọng lật mở từng trang. Khi đọc đến những trang cuối, ánh mắt Đại tướng buồn và những giọt lệ rơi trên má gầy gò. Đại tướng cảm ơn ý tưởng tốt đẹp của những phóng viên, nhà báo và những người đồng chí thân thiết đã dành cho ông. Nhưng ông đã dứt khoát từ chối việc làm sách ảnh riêng về ông bởi một lý do vô cùng xúc động: "Đừng làm sách ảnh riêng về tôi khi còn hàng vạn đồng bào chiến sĩ hy sinh ngoài mặt trận chưa tìm thấy hài cốt, không có một tấm ảnh nhỏ để thờ".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Người anh cả của Quân đội còn sống mãi trong lòng dân và nhân loại yêu chuộng hòa bình! - Ảnh 5

Cố Nhà báo Đỗ Phượng trong một lần đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Ảnh tư liệu

Nghe Đại tướng nói vậy, không ai dám trình bày thêm dù việc chuẩn bị xuất bản đã hoàn thành. Phải đến năm 2010, những bức ảnh trong cuốn sách dự định xuất bản trên mới được nhà báo Trần Tuấn (TTXVN) triển lãm tại Hà Nội để giới thiệu 100 khoảnh khắc đời thường về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Hay câu chuyện của Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác trong một lần trao đổi với báo chí đã kể lại chuyện Đại tướng rơi nước mắt khi nói với các cán bộ chỉ huy khi đánh đồi A1 gặp khó khăn trong chiến dịch Điện Biên Phủ: "Nhân dân giao con em cho chúng ta mà các đồng chí để họ hy sinh như thế thì thử nghĩ xem trách nhiệm của các đồng chí như thế nào".

Sau khi nghỉ hưu, Thiếu tướng Chu Phác cùng nhiều đồng đội tích cực tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ và thường xuyên báo cáo kết quả với Đại tướng. Cho đến tận bây giờ, những người làm công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ mãi ghi nhớ trong lòng lời dặn của Đại tướng lúc sinh thời: "Chúng ta được sống như ngày nay là nhờ cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống nên phải cố gắng đưa anh em về với gia đình.

Người trợ lý gần gũi Đại tướng nhiều năm là Đại tá Nguyễn Huyên đã nhiều lần chia sẻ về những ấn tượng không thể nào quên trong mỗi dịp Người đi công tác ở địa phương. Đó là Đại tướng hầu như bao giờ cũng tới thắp hương tại các nghĩa trang liệt sĩ và những lần như vậy, Đại tướng không bao giờ cầm được nước mắt.

Với những người làm công tác Sinh Vật Cảnh Việt Nam không bao giờ quên những lời dạy của Người về phát triển hoa cây cảnh trở thành một ngành kinh tế sinh thái góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân theo tinh thần Tết Trồng cây do Bác Hồ phát động trong những năm 60 của thế kỷ trước. Người cho rằng lối sống hòa đồng với thiên nhiên, khai thác thiên nhiên hợp lý khoa học là truyền thống văn hóa của dân tộc rất cần phải phát huy.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Người anh cả của Quân đội còn sống mãi trong lòng dân và nhân loại yêu chuộng hòa bình! - Ảnh 6

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Robert McNamara năm 1997

Không chỉ có vậy, tình thần nhân văn, đại nghĩa, bao dung rộng lượng của Đại tướng còn chiêu cảm, thu phục ngay chính cả những đối thủ của mình.

Đây cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà hiếm có vị tướng nào trên thế giới làm được, đó là sự nể phục và quý trọng của các vị tướng từng bại dưới tay ông. Tướng De Castries thất bại trước tướng Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã phải thừa nhận: “Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”.

Đặc biệt trong cuộc gặp lịch sử giữa cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Robert McNamara với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1997, chính tướng Chester Cooper của phía Mỹ đã bày tỏ thái độ ngưỡng mộ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thưa ngài, tôi thán phục ngài từ 20 năm trước. Nay tôi vẫn thán phục. Chắc các bạn của tôi ở đây cũng sẽ như vậy”. Và ngay cả một cựu lính Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam là James G.Zumwalt đã phải thốt lên: “Tôi chỉ có thể nói rằng, ông ấy là vị tướng vĩ đại nhất thuộc về một thế hệ vĩ đại nhất của Việt Nam”.

Hay Tiana Alexandra-Silliphant một diễn viên, đạo diễn của Hollywood là con gái của một cán bộ cấp cao trong chính quyền Sài Gòn cũ, từng là cựu thù địch đã lần đầu tiên đặt chân vào nhà Đại tướng vào năm 1988. Vượt qua những nghi thức ngoại giao thông thường, cuộc gặp giữa Đại tướng và Tiana đã làm thay đổi suy nghĩ của cô về những người Cộng sản chân chính, về đối thủ của cha mình năm xưa. 30 năm sau đó, cô coi Đại tướng như một người cha, cô đã làm phim về chiến tranh Việt Nam, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những nét đẹp văn hóa truyền thống đã được trao truyền qua bao thế hệ.

Tiana rất ấn tượng khi biết chữ Võ (武) gồm có bộ “Qua”- binh đao và bộ “Chỉ” - dừng lại. Võ đạo chân chính đích thực khi đạt tới tuyệt đỉnh công phu không phải dùng để uy hiếp kẻ yếu hay để chống lại kẻ mạnh mà phải thu phục nhân tâm, “dừng lại” binh đao như huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long từng dạy cô.

Đây cũng là tinh thần “thượng văn” của ông cha ta ngàn đời: “Đạp quân thù xuống đất đen. Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”. Bác Hồ đặt tên thường gọi cho một vị tướng võ điều binh khiển tướng lẫy lừng trên chiến trường như Đại tướng là “Văn”. Phải chăng Bác mong muốn Đại tướng làm việc Võ trên nền tảng nhân Văn hướng thiện: “Văn lo vận nước Văn thành Võ/ Võ thấu lòng dân Võ hóa Văn”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Người anh cả của Quân đội còn sống mãi trong lòng dân và nhân loại yêu chuộng hòa bình! - Ảnh 7

Tiana Alexandra ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một người cha

“Tướng Giáp, trong suốt một chiều dài của lịch sử hiện đại, được ghi danh không chỉ như một danh tướng thắng cả quân Pháp và quân Mỹ, mà còn như một tướng soái vĩ đại nhất của thế kỷ XX, và chắc là của lịch sử nhân loại. Nhưng còn một sự thật đau lòng nữa, là cùng thời với tướng Giáp, nhiều người thuộc thế hệ trẻ ở cả hai phía cuộc chiến, hoặc đã phải nằm xuống do chiến tranh, hoặc những năm đẹp nhất của tuổi xuân quên mình vì thời chiến…Những mất mát như thế kết tinh trong lời bình có phần nuối tiếc của tướng Giáp: Nếu không có chiến tranh, chắc tôi vẫn làm nghề giáo”, ghi chép của học giả Lady Borton (Hoa Kỳ).

Sự thật trong thời đại Hồ Chí Minh, tiếp nối Bác Hồ, lãnh tụ vĩ đại muôn vàn kính yêu còn sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta, là Đại tướng được nhân dân và bầu bạn khắp năm châu suy tôn đời đời và hiển thánh trong ngôi đền linh thiêng của lòng dân đất Việt, là ngôi sao sáng mãi trên bầu trời, trong lòng dân và muôn triệu trái tim nhân loại. Đây, chính là sự ghi nhận của lịch sử, của dân tộc, của nhân dân đối với một trong những vị khai quốc công thần, mãi xứng đáng với 10 chữ vàng: "Võ công truyền quốc sử, Văn đức quán nhân tâm".

Vương Xuân Nguyên