Đám cưới

Năm ấy về năm 83 sang năm 84, thằng bạn lính cưới vợ, nhà thằng nào cũng nghèo, không có gì giúp nhau, làng quê, bạn bè hàng xóm người yến gạo, năm mươi cân thóc, cuối cùng đám cưới cũng rinh rang.

Năm 1983 xuất ngũ về địa phương, lính tráng về quê, lúc ấy không hề có công ty tư nhân như bây giờ. Một số anh em xin vào làm công ty xí nghiệp của nhà nước, bây giờ có lương hưu, một số anh em bám chắc ruộng vườn thôn quê, chả hưu hiếc gì. Năm ấy về năm 83 sang năm 84, thằng bạn lính cưới vợ, nhà thằng nào cũng nghèo, không có gì giúp nhau, làng quê, bạn bè hàng xóm người yến gạo, năm mươi cân thóc, cuối cùng đám cưới cũng rinh rang.

Thằng bạn bảo: cưới tao chúng mày làm phù rể, thằng nào có bộ quần áo lính nào mới hôm ấy mặc vào. Thế là có một đội quân phù rể toàn lính. Đám cưới thời ấy nông thôn, không có xe hoa, không có ô tô xe máy như bây giờ, mà chú rể mặc áo lính, chở cô dâu mặc chiếc áo trắng giản dị bằng chiếc xe đạp, và đội quân phù rể cũng đi xe đạp toàn áo lính. Trước lễ thành hôn, đội quân phù rể lính tráng chẳng biết hát bài gì mừng cô dâu bác rể, đành đứng trước hôn lễ hát bài: “Vừng đông hừng sáng”. Thật không ngờ bài này lại được hôn lễ hoan hô kịch liệt. Và chuyện đáng nói ở đây là, trong hội phù dâu có một em để ý đến tôi, lúc nào tôi nhìn sang lại bắt gặp em nhìn tôi, lúc đám cưới vừa tan tôi vội đến làm quen cơ hội ngàn năm có một, và lúc ở gần nhất tôi hỏi em:

- Hôm nào anh đến nhà em, chơi và thăm hỏi sức khỏe bố mẹ gia đình em được không?

Em nhìn tôi e thẹn và nói :

- Có ai cấm anh đâu!

Và từ ấy cô phù dâu, bây giờ là mẹ của thằng cu nhà tôi, đang mùa chống dịch buồn thỉnh thoảng tôi nhắc chuyện ngày xưa bà ấy cứ nguýt tôi rồi nói :

- Ông rỗi hơi chuyện lâu rồi nói làm gì.

 

Theo Chuyện Làng quê