Trẻ con bây giờ mười lăm, mười bảy tuổi, vốn sinh ra và lớn lên ở làng quê nhưng đa số các con chả biết gọi tên cái thúng, cái mủng, cái nong, cái nia, cái dần, cái sàng... Lại càng không thể biết cái mõ, cái giỏ, cái giậm và cách đánh giậm như thế nào. Còn tôi, lâu lắm rồi cũng không nhìn thấy những dụng cụ ấy nữa. Nhưng mỗi khi bất chợt nhìn thấy là cảm nhận được cái hồn của cha ông một thời xa xăm như vẫn còn in dấu rất đậm đà trong từng que nan, nút buộc.
Giậm là một dụng cụ đánh bắt tôm cá rất quen thuộc của nhà nông. Không biết cái giậm có mặt trên thế gian này từ bao giờ. Chỉ biết rằng khi tôi còn rất nhỏ, hình ảnh ông ngoại vác giậm ra đồng (để kiếm thức ăn tươi cho cả nhà) mỗi sáng hoặc chiều, một lúc lâu lâu ngoại trở về với đầy giỏ cá, tôm, cua đã in rất sâu đậm trong trí nhớ non nớt của tôi. Thế là hôm ấy, cái niễng treo trên gác bếp lại lấp ló một niêu cá kho, tôm kho thơm phưng phức. Chú mèo vốn hay ăn vụng lại được phen ngửa cổ kêu meo meo thèm thuồng mà đành bất lực.
Là chị cả trong nhà nên tôi phải đảm đương rất nhiều việc, nhưng thích nhất vẫn là được cùng lũ bạn trong xóm đi bắt cua, bắt cá. Mặt mũi đầy bùn đất lấm lem nhưng vui lắm, lúc về đứa nào cũng nghiêng giỏ cho nhau xem, giỏ của tôi bao giờ cũng đầy nhất. Lớn lên một tí, chỉ độ mười hai, mười ba tuổi, tôi đã biết đánh giậm rất thành thạo. Buộc cái giỏ vào eo, vác giậm, mõ lên vai, đội cái nón cũ lên đầu, hớn hở bước chân phải ra ngõ. Muốn ăn cua thì đánh ở chỗ nước nông có nhiều cỏ. Quăng cái giậm xuống, ấn mõ xuống chân rồi giậm đều đều tới sát mép giậm, nhanh tay nhắc giậm lên. Chà chà! Lạo xạo dăm bảy chú cua đang bò loạn xạ trong giậm. Chỉ việc nhanh tay chộp các chú cho vào giỏ. Rồi cứ thế hào hứng quăng những nhát giậm tiếp theo cho đến khi đầy ních giỏ thì về.
Muốn ăn tôm thì đánh ở vùng nước sâu hơn, nơi mặt nước phẳng lặng hơi đùng đục, dưới có rong rêu. Đánh giậm tôm, mực nước thường tới bụng hoặc tới ngực nên còn gọi là đánh ngâm tôm. Nhát giậm quăng đi khó nhọc hơn, nút giậm chân cũng nhanh và dầy hơn, động tác ngửa giậm lôi lên khỏi mặt nước cũng nhanh và dứt khoát hơn. Ui cha cha! Trả công cho những cú đánh ngâm tôm như thế là khoảng đôi ba chú tôm càng trong veo và dăm bảy chú tôm trứng nâu nâu bụng căng mọng nằm im lìm, vắt vẻo quanh thành giậm. Nhón tay nhấc từng chú cho vào giỏ mà chao ôi sướng cả cái tay. Cái cảm giác sung sướng của kẻ được mùa. Cứ thế, những nhát giậm quăng xuống rồi nhấc lên đều đặn ở một quãng sông vắng mà chả thấy sợ gì, chỉ thấy hăm hở, chuyên cần thả giậm đều đều và lòng mơ tưởng đến những chú tôm trong veo vắt vẻo trên thành giậm. Cứ thế, giỏ nặng từ lúc nào không hay. Vác giậm lên vai ra về mà lòng vui phơi phới. Miệng lại còn chu ra huýt sáo rất say sưa.
Chao ôi! Người ta hay quen gọi đó là “tuổi thơ dữ dội”. Đúng quá đi. Còn tôi, tôi muốn gọi tên: tuổi thơ dấu yêu, tuổi thơ tự hào, tuổi thơ kiêu hãnh, tuổi thơ diệu kì... Bởi vì đó không chỉ là kỉ niệm mà còn là vốn sống, vốn hiểu biết, sự từng trải mà chỉ những đứa trẻ ở nông thôn thời 7x trở về trước mới có được. Lòng lại thấy bồi hồi nhớ thương ông bà và trân trọng hơn những gì tôi đang có hôm nay.
Theo Chuyện quê