Đánh mõ chẳng bằng gõ thớt

“Mõ” là một danh từ, có 2 nghĩa. Nghĩa 1 chỉ một loại “nhạc khí làm bằng tre, gỗ, lòng rỗng, dùng để điểm nhịp hay để báo hiệu, phát hiệu lệnh”.

mo-1632485431.jpgMõ. Ảnh internet

Nghĩa 2 (cũ) chỉ một “người chuyên làm công việc đánh mõ giao việc làng thời trước”. Vào chùa bây giờ ta vẫn thấy các nhà sư tụng kinh gõ mõ đều đều cùng với tiếng cầu nguyện. Lên rừng lên núi ta cũng gặp những chú trâu đeo mõ gặm cỏ trên đồi. Nếu đàn trâu đông thì chú trâu đầu đàn sẽ được đeo một chiếc mõ to, dẫn dắt cả đàn. Người chủ cứ nghe tiếng mõ mà lần tìm ra trâu nhà mình.

Như vậy, một “mõ” chỉ vật dụng, một “mõ” chỉ người. Hiện tượng “nhất từ đa loại” như vậy trong tiếng Việt không hiếm (cày: cái cày, đi cày, thợ cày; cuốc: cái cuốc, cuốc ruộng…). Vấn đề đáng nói liên quan tới câu tục ngữ này là: Tại sao việc “đánh mõ” lại không bằng việc “gõ thớt”?

Mõ, hay thằng mõ là một chức danh trong làng ngày trước. Đó là người có nhiệm vụ đi thông báo theo chỉ thị của các chức sắc trong các làng xã cổ Việt Nam. Công việc của anh ta là đi khắp làng gõ mõ gọi dân làng đến tề tựu ở sân đình để nghe những tin tức mới xảy ra trong làng. Ngoài việc trên, mõ còn có nhiệm vụ khác là tuần phòng ban đêm và gõ từng hồi mõ báo hiệu giờ giấc dưới sự hướng dẫn của viên chức và các tráng đinh trong làng. Mõ là hiệu lệnh quan trọng trong việc duy trì các hoạt động làng xã. Những ai đã đọc Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao… hẳn không quên hình ảnh Thằng Mới gõ mõ báo cho các quan viên ra đình, hay báo cho dân làng tập trung nghe lệnh.

Nhưng lệnh từ tiếng mõ lại không có sức nặng bằng tiếng thớt. “Thớt” là đồ gia dụng bằng gỗ cứng (thường là gỗ nghiến, bây giờ có thể là gỗ xà cừ hay bằng nhựa đặc biệt), có mặt phẳng, dùng để thái, chặt, băm (thịt cá, rau củ…). Tiếng gõ thớt là tiếng băm hay chặt thịt nghe vang xa. Tiếng này vang lên đều đều, lúc khoan lúc nhặt, nghe đơn điệu nhưng hấp dẫn làm sao. Nó là dấu hiệu “nhà đám” nào đó đang làm cỗ. Cỗ xưa thế nào chả có “đầu gà má lợn”, tiết canh, lòng lợn, nước xuýt, xôi (các loại) và nhiều món ăn ngon… Chao, chỉ nghe tiếng thớt văng vẳng đâu đây là các quan viên đã thấy lòng xốn xang, rạo rực. Tiếng thớt quả là hay hơn tiếng nhạc. Nào, ta phải diện ngay bộ cánh để ra đình ăn cỗ. Tiếng thớt kia hiệu quả gấp vạn tiếng mõ rao.

Bây giờ không còn “thằng mõ” và dĩ nhiên chẳng còn tiếng mõ rao làng. Dĩ nhiên cũng không có tiếng "thớt gõ" chen ngang. Nhưng vẫn có thứ khác, thay cho tiếng thớt. Đó là mấy dòng “cước chú” trong các giấy mời (đi họp, dự khai trương, dự lễ kỉ niệm…): “Xin mang theo giấy mời (để nhận quà)” hoặc “Xin quý vị đăng kí trước (theo số ĐT xxx) để Ban Tổ chức chuẩn bị tặng phẩm”… Hoặc khi ta vào cuộc họp nào đó, nhân viên lễ tân nhắc khéo “Mời bác tới bàn nhận tài liệu” và nhìn xa xa thấy mấy cái bàn nhốn nháo là khách vui vẻ hẳn lên. Tài liệu có cũng tốt. Nhưng quan trọng hơn cả là cái phong bì xanh đỏ đính kèm. Thế là, mặc cho tiếng chuông reo trong hội trường giục giã, ta vẫn cứ phải “làm thủ tục đăng kí đại biểu” đã. “Tiếng gõ thớt” là ở đây chứ ở đâu?

Tiếng thớt nghe thật vui tai

Gấp mười tiếng mõ ở ngoài đình kia.