Dấu ấn sân khấu truyền hình Hải Phòng

Phát huy tinh hoa của dân tộc, nghệ thuật chèo, cải lương, kịch nói và múa rối được các nghệ sĩ Hải Phòng sáng tạo để tái hiện lại lịch sử thành phố. Được triển khai vào cuối năm 2019, đến nay, Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng đã công chiếu bốn tác phẩm. Từ “Hào khí Bạch Đằng giang”, “Lời sấm truyền từ quán Trung Tân”, “Di sản mùa xuân” đến “Thành phố mặt trời lên”, mỗi tác phẩm được triển khai đưa công chúng đến gần hơn với một câu chuyện lịch sử, một loại hình sân khấu truyền thống.

Hình ảnh trong chương trình Thành phố mặt trời lên

Những câu chuyện lịch sử

Vở chèo đầu tiên “Hào khí Bạch Đằng giang” ra mắt đã tái hiện vùng đất núi đá Tràng Kênh - Bạch Đằng giang oai hùng, là nơi ghi dấu chiến công vang dội của đất nước trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ ba dưới thời nhà Trần. Tác phẩm như một bản hùng ca, dựng lên một bức tượng đài vĩ đại về vị tướng tài ba Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, khắc họa sắc nét lòng quả cảm, anh dũng chiến đấu của các nhân vật lịch sử địa phương. Những cái tên như Bùi Thị Từ Nhiên, Vũ Chí Thắng, Phạm Hữu Điều, Lưu Kiếm, Lưu Kỳ, Chùa Đỏ, Chùa Vẽ... đã ghi danh vào sử sách của một vùng đất, làm nên hào khí âm vang muôn đời.

Trong hình ảnh của vùng đất giàu truyền thống ấy, những con người kỳ tài của quê hương tiếp tục được khắc họa sắc nét trong vở chèo “Lời sấm truyền từ quán Trung Tân” và vở kịch nói “Di sản mùa xuân”. Nếu như “Lời sấm truyền từ quán Trung Tân” dựng lại một cách chân thực và sinh động cuộc đời, tài năng của Danh nhân văn hóa - Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng những lời sấm truyền chính xác về vận mệnh dân tộc, thì “Di sản mùa xuân” lại mang đến một câu chuyện đau thương về cuộc đời hoạt động cách mạng thăng trầm của người chiến sĩ cộng sản kiên trung Nguyễn Đức Cảnh, hy sinh khi mới 24 tuổi.

Hình ảnh trong vở diễn Di sản mùa xuân

Còn riêng với tác phẩm “Thành phố mặt trời lên”, câu chuyện về Hải Phòng lại bắt đầu từ một lời tự sự vọng về từ quá khứ trung dũng, kiên cường trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc với Ký ức miền cửa biển mang âm hưởng sử thi hào hùng. Những giai điệu quê hương lắng đọng mà tha thiết, ngọt ngào của Hải Phòng tuổi thơ tôi, Thành phố Hoa thắp lửa, Chiều đất Cảng đưa đến những hoài niệm về Hải Phòng yêu dấu. Một Hải Phòng đắm say bao kỷ niệm, giờ đây đang chào đón Bình minh miền cửa biển, từng bước phát triển, vươn tới tương lai. 

Truyền tải nét đẹp truyền thống quê hương

Với giá trị nội dung và nghệ thuật sâu sắc, các tác phẩm sân khấu truyền hình mang trong mình sứ mệnh khơi dậy truyền thống cách mạng, tôn vinh vẻ đẹp đặc trưng của vùng đất và con người Hải Phòng. Âm vang hào khí Bạch Đằng Giang “sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng, giống Lạc Hồng”, “dòng nước trắng xóa dưới trời quang đãng, từ xưa đã nêu cao tấm gương anh hùng” còn vang vọng mãi muôn đời sau.

Một Hải Phòng đã phải chịu nhiều đau thương trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, một pháp trường bên bờ sông Lấp đã chứng kiến cái chết của người cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Đức Cảnh, tất cả như vẫn còn hiện rõ tới ngày hôm nay. Những chiến sĩ địa phương, dù phải gánh chịu những cuộc tra tấn dã man vẫn kiên quyết không chịu khuất phục trước kẻ thù, dù cam go, khốc liệt, vẫn luôn hiên ngang ngẩng đầu, sẵn sàng hiến thân liều mình vì độc lập, vì tự do cho dân tộc. Họ là những tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, hy sinh cao cả cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Lấy cảm hứng từ lịch sử, những hình tượng nhân vật cao đẹp như Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hay đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã khắc họa lên một vùng đất Hải Phòng giàu truyền thống nhân văn. Kế thừa tinh thần hiên ngang, bất khuất của dân tộc, những con người dũng cảm, kiên cường, phóng khoáng, nồng nàn tình yêu quê hương, đất nước đã tạo nên tính cách rất riêng của người miền biển.

Bước ra từ những đau thương, mất mát, những người dân ấy giờ đây lại đang chung tay xây dựng một thành phố đổi mới, phát triển. Với bề dày chiều sâu văn hóa, lịch sử cùng sự năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, Hải Phòng nuôi lớn trong mình khát vọng vươn ra biển lớn, vươn cao “rộng dài rực sáng sánh vai cùng Sài Gòn, Đà Nẵng”.

Đến gần với công chúng

Ngày nay, khi loại hình sân khấu đang dần rơi vào quên lãng, thì sân khấu truyền hình lại như một cách thức hữu hiệu nhất để đưa các thế hệ công chúng đến gần hơn với nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật diễn xướng dân gian như xẩm, chầu văn hay ca trù. Với phương thức truyền tải ấn tượng, giàu cảm xúc, các tác phẩm lấy cảm hứng từ lịch sử, đưa hình ảnh thành phố và người dân Hải Phòng tới gần hơn bạn bè trong nước và quốc tế.

Hình ảnh trong vở diễn Lời sấm truyền từ quán Trung Tân

Không chỉ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc, các tác phẩm sân khấu truyền hình còn góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, tình yêu quê hương, đất nước. Những giá trị nhân văn sâu sắc được gửi gắm trong mỗi tác phẩm hướng con người tới vẻ đẹp chân - thiện - mỹ. Nhờ đó, đời sống tinh thần và thẩm mỹ của người dân được nâng cao, phấn đấu vì sự phát triển chung của xã hội.

Theo ông Lê Văn Quý - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, việc triển khai đề án “Sân khấu truyền hình” đã khẳng định vai trò của văn hóa trong đời sống tinh thần xã hội cũng như giá trị to lớn của sân khấu với đời sống của người dân. Đồng thờithể hiện quyết thực hiện tốt các mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững của thành phố.

Với tần suất công chiếu một tác phẩm một tháng, các vở diễn được sẽ được truyền hình trực tiếp và ghi hình để phát lại. Sau khi phát sóng, các nghệ sĩ sẽ tổ chức lưu diễn để phục vụ công chúng. Đến năm 2022, phấn đấu và đảm bảo toàn bộ người dân Hải Phòng được thưởng thức trực tiếp các chương trình, vở diễn sân khấu nghệ thuật.

 

Ảnh và thông tin trong bài viết được lấy và tham khảo trên Cổng thông tin Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng, Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng.