Hội thảo nâng cao chất lượng điện ảnh Việt Nam diễn ra sáng ngày 25.11 trong khuôn khổ LHP Việt Nam lần thứ XII với sự tham dự của nhiều đại biểu. Trên 20 tham luận đã được gửi đến với nhiều góc nhìn nhưng do thời gian hạn hẹp nên số tham luận được trình bày khá ít.
Điện ảnh Việt chưa phát triển đúng với tầm vóc
Trong hơn 1 giờ, thế mạnh tiềm năng du lịch của Vũng Tàu được lãnh đạo UBND tỉnh và Sở VHTT tỉnh giới thiệu, trao đổi với các đại biểu. Vũng Tàu với thế mạnh về du lịch biển, nghỉ dưỡng đặc biệt là nơi không có mùa đông, có thể tắm biển quanh năm, có nhiều cơ hội để bắt tay chặt hơn, sâu hơn với điện ảnh Việt. Dù đã có một số bộ phim làm về Vũng Tàu nhưng rõ ràng nhiều thế mạnh ở thành phố biển xinh đẹp còn chưa được khai thác hết, đặc biệt là phim về Côn Đảo, về những nét sinh hoạt dân dã, đáng yêu của người dân địa phương - như ý kiến của bà Xuân Phượng - nữ đạo diễn phim tài liệu cao tuổi nhất LHP - 92 tuổi.
Trong phần tham luận về nâng cao chất lượng phim Việt Nam, đạo diễn Tô Hoàng nuối tiếc những năm tháng điện ảnh Việt hiểu đúng, hiểu rõ bản thân và bước ra thế giới, không lai căng, in đậm bản sắc dân tộc. 10 năm trở lại đây ghi nhận cái mới, cái lạ của phim Việt Nam với một số nhà làm phim năng động… nhưng điện ảnh Việt vẫn như “người buôn nghèo vốn, gồng mình với điện ảnh thế giới”. Chất lượng điện ảnh Việt nhiều khi chỉ biết làm vui, gây cười và thước đo duy nhất là thắng hay thua lỗ.
PGS, TS Trần Thanh Hiệp đặt ra câu hỏi làm day dứt nhiều người: Điện ảnh Việt Nam chưa phát triển đúng như phải có sau bao nhiêu năm sau chiến tranh? Dù những năm gần đây, thị trường điện ảnh phát triển nhanh nhưng chưa có những nhìn nhận nghiêm túc về thị trường cũng như người xem, phải hoạch định chính sách.
Thạc sĩ Hoàng Dạ Vũ đề cập đến những bài học cho điện ảnh Việt Nam soi chiếu từ thành công điện ảnh Iran. Các nhà làm phim Việt nên học cách làm phim phù hợp với điều kiện đất nước. Cái tâm và bản lĩnh nghề nghiệp của nghệ sĩ cũng như thống nhất liên kết các nhà làm phim nổi tiếng và những đạo diễn trẻ.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nhấn mạnh: Phim, ngoài là một tác phẩm nghệ thuật phải là hàng hóa sinh lời. Làm phim phải bán được, như vậy mới thực sự gọi là hội nhập quốc tế. Hội nhập quốc tế không chỉ là mang phim tới các LHP mà phải mang phim tới chợ phim quốc tế. Phải đảm bảo phim có gu riêng. Nguồn cung cấp, chất lượng phim phải tăng đều đặn hằng năm mới có thể tham gia thị trường phim. Phim chất lượng tốt, tính giải trí cao, nguồn hàng đều đặn, các nhà mua bán phim quốc tế sẽ tìm thấy lợi nhuận. Họ sẽ tìm đến Việt Nam để đầu tư sản xuất. Một nhà sản xuất phim chuyên nghiệp ở Việt Nam hiện nay không phải chỉ kết nối giữa nhà làm phim với nhà đầu tư hòng tìm tiền cho phim. Cũng không phải chỉ quản lý, điều hành sản xuất tiền kỳ và hậu kỳ cho một đoàn phim, họ cần có vai trò lớn hơn trong việc khai mở thị trường quốc tế. Đó là giới thiệu phim Việt Nam, giới thiệu những nhà làm phim Việt với thị trường phim quốc tế. Điều đáng buồn là hầu hết những nhà sản xuất phim có khả năng ở Việt nam hiện nay đều học nghề từ Mỹ, Anh, Singapore hoặc Hàn Quốc. Ở Việt Nam, chưa có ngành học sản xuất phim ở cả 2 trường Điện ảnh ở Hà Nội và TPHCM. Muốn hội nhập quốc tế, chúng ta phải bắt đầu từ việc đào tạo ngành sản xuất phim.
Trong bản tham luận gửi tới hội thảo, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh khá cực đoan khi cho rằng tư duy kiểm duyệt của Cục điện ảnh kéo lùi sự phát triển và làm giảm chất lượng phim. Anh đưa ra ví dụ: Trong một cảnh đám giỗ trong phim “Thưa mẹ con đi”, một cuộc xung đột giữa những thành viên gia đình đã khiến cho đám giỗ trở nên rối loạn, gia đình xào xáo. Một con gà luộc để cúng đã rớt xuống đất khi mọi người giằng co. Kết thúc cảnh phim, đạo diễn đặc tả con gà cúng nằm lăn lóc dưới đất như một hình ảnh ẩn dụ về sự đổ vỡ. Hội đồng duyệt yêu cầu phải cắt cảnh con gà cúng nằm dưới đất, và theo sự giải thích bên lề, lý do yêu cầu là gà cúng phải nằm trên bàn thờ, nằm dưới đất là không đúng thuần phong mỹ tục Việt Nam?
Giải pháp nào?
Phan Gia Nhật Linh nêu ra 7 giải pháp, trong đó có việc yêu cầu có được sự minh bạch trong các quyết định của Hội đồng duyệt. Khi đã có giới hạn độ tuổi khán giả thì quyền quyết định giữ hay cắt những cảnh phim ảnh hưởng đến nhãn giới hạn khán giả thuộc về nhà làm phim. Có hơn một hội đồng duyệt để giảm tải công việc của hội đồng duyệt, khi số lượng phim ảnh ngày một nhiều, đồng thời tiết kiệm chi phí cho các nhà sản xuất phim khi phải di chuyển xa. Giảm, miễn trừ thuế cho các hoạt động đầu tư liên quan đến điện ảnh bao gồm đầu tư sản xuất phim, tài trợ cho việc làm phim, đầu tư và tài trợ cho LHP... Chấp nhận sự tự do sáng tạo và trí tưởng tượng của nhà làm phim, xem điện ảnh là một ngôn ngữ hư cấu thay vì so sánh nó với “hiện thực xã hội”. Khán giả thế giới không vì xem Parasite (Ký sinh trùng) mà nghĩ rằng xã hội Hàn Quốc băng hoại như thế, hay xem Slumdog Millionaire (Triệu Phú Khu Ổ Chuột) mà nghĩ Ấn Độ là một quốc gia nhiều tệ nạn xã hội. Và phải tăng cường tổ chức các hoạt động liên quan đến giáo dục và đào tạo tay nghề...
Thứ trưởng Bộ VHTTDL, ông Tạ Quang Đông trong lời tổng kết có nhấn mạnh phim phải có khán giả mới hội nhập và phải đào tạo nguồn nhân lực cao, với đội ngũ từ biên kịch, đến đạo diễn… trong ngành điện ảnh. 6 tháng đầu năm đã ký cho 10 người đi học ở Mỹ, 2 đi Úc và 10 người khác đi Trung quốc… và tiếp tục sẽ là Canada, Anh, Pháp. Đặc biệt bản sắc văn hóa Việt cần được đề cao, chú trọng như tham luận của nhiều đại biểu đề cập đến.