Dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc nho Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Giải bài toán phát triển
Nho là cây trồng đặc thù của Ninh Thuận, tuy chỉ chiếm chưa đến 4% tổng diện tích đất gieo trồng nông nghiệp nhưng cây nho đem lại giá trị kinh tế từ 15 – 20% tổng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 1.200 ha nho (gồm nho đỏ Red Cardinal chiếm hơn 80% diện tích và nho xanh NH 01- 48), trung bình mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 30.000 tấn nho tươi.
Thời gian qua, nho Ninh Thuận đã có bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, được tạo điều kiện để phát triển và thị trường biết đến nhiều hơn, nhưng nho Ninh Thuận hiện vẫn đang thiếu sức cạnh tranh so với các sản phẩm nho cùng loại nhập khẩu cả về chất lượng lẫn hình thức. Ngoài ra, sản phẩm chế biến từ nho cũng chưa thật sự đa dạng, sản phẩm chủ yếu được sản xuất thủ công tự phát theo quy mô nhỏ của cơ sở, hộ gia đình.
Việc sử dụng giống nho cũ, canh tác trên diện tích nhỏ lẻ theo kinh nghiệm truyền thống với chất lượng sản phẩm không đồng đều, sản phẩm đầu ra chủ yếu được tiêu thụ ở dạng nho tươi phụ thuộc nhiều vào các thương lái nên lợi nhuận thu về rơi vào các khâu trung gian. Người trồng nho hưởng lợi không bao nhiêu nên hiệu quả kinh tế từ cây nho mang lại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Ông Phạm Châu Hoành, Chủ tịch Hiệp hội Nho và Táo Ninh Thuận cho hay, việc liên kết sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị quả nho đến nay vẫn rất khiêm tốn. Tỉnh hiện có khoảng 50 ha/1.200 ha nho sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm nho tươi chủ yếu cung cấp cho các chợ đầu mối, hai siêu thị lớn ở địa phương mỗi ngày cũng chỉ nhập khoảng vài chục ký nho VietGAP.
Do sản xuất nho VietGAP đòi hỏi tốn nhiều chi phí, thời gian chăm sóc dài và phức tạp. Sản phẩm phải đáp ứng đầy đủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, chi phí dịch vụ đánh giá chất lượng, xét nghiệm mẫu nho với hàng trăm chỉ tiêu khác để được công nhận nho VietGAP nên ít hộ có thể thực hiện. Ngay cả hợp tác xã sản xuất nho cũng khó đáp ứng được các yêu cầu dù biết nho VietGAP có giá cao hơn.
Ngoài ra, công nghệ sản xuất còn nhiều hạn chế, toàn tỉnh hiện có 22 hệ thống sấy nho và táo, chủ yếu do các đơn vị khoa học, dự án chuyển giao, rất ít doanh nghiệp đầu tư được hệ thống sản xuất hiện đại. Vang nho vốn được coi có nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên hiện nay sản phẩm chỉ mới dừng lại ở quy mô sản xuất nhỏ do các cơ sở, gia đình tự ủ lên men, đóng chai, công bố chất lượng, tự tìm thị trường tiêu thụ nên hiệu quả kinh tế chưa cao.
Ông Nguyễn Đương, nhà vườn có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng nho ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải chia sẻ, người trồng nho đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như chi phí đầu tư tăng cao, giá cả bấp bênh, thị trường tiêu thụ không ổn định. Ngoài ra, tình hình biến đổi khí hậu đã tác động đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây nho, nhiều giống nho cũ đang bị thoái hóa khiến năng suất, chất lượng suy giảm.
Vườn nho giống NH 01 - 152 tại xã Phước Thuận (Ninh Phước, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN
Trong khi đó, do nguồn lực hạn chế khiến nhiều hộ khó đầu tư mở rộng sản xuất. Dù thời gian qua đã có nhiều chính sách ưu đãi nguồn vốn cho lĩnh vực nông nghiệp song các thủ tục vay vốn rất khắt khe, tỷ lệ vay quá ít so với nhu cầu đầu tư. Vốn vay còn ở mức ngắn hạn, thế chấp tài sản không đủ; trong khi mức vay tín chấp lại thấp, áp lực trả nợ gốc và lãi suất lớn do thời gian đáo hạn nhanh nên đa phần người nông dân vẫn sản xuất cầm chừng ở mức “lấy công làm lãi”.
Tìm hướng nâng cao giá trị cho cây nho
Theo ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, để phát triển nghề trồng nho bền vững, Ninh Thuận hiện đang đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp như: Nghiên cứu các giống nho mới; mở rộng vùng trồng nho VietGAP; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chế biến nho; hỗ trợ, tạo điều kiện cho người trồng nho liên kết với các doanh nghiệp tham gia đầu tư, sản xuất nho theo chuỗi giá trị giúp người nông dân thu lợi nhuận cao hơn.
Cụ thể, tỉnh xác định giống nho tốt là yếu tố quan trọng tạo ra sản phẩm nho chất lượng. Từ đó, đẩy mạnh triển khai các đề tài khoa học nghiên cứu, phục tráng, lai tạo và trồng thử nghiệm một số giống nho mới không hạt như NH 04 - 61, NH 04 – 128, NH 01 – 152. Trong đó, giống nho mới NH 01 – 152 có khả năng thích nghi tốt với khí hậu khô hạn, cho chất lượng cao, giá thành tốt, khẳng định hiệu quả kinh tế vượt trội có thể cạnh tranh được với các giống nho nhập khẩu hiện nay.
Do đó, năm 2020 tỉnh sẽ mở rộng diện tích trồng nho NH 01 – 152 lên 20 ha. Theo tính toán, giống nho mới này cho năng suất bình quân từ 15 – 18 tấn/ha/vụ; trong điều kiện thâm canh đạt từ 20 – 25 tấn/ha/vụ, sản xuất được 2 vụ/năm. Tùy theo giai đoạn, quả nho có màu vàng nhạt, màu đỏ hồng, khi chín toàn phần trái có màu đỏ vang rất đẹp. Với đặc điểm trái to, trọng lượng chùm đạt từ 0,5 – 2 kg/chùm, vỏ quả dày, thịt chắc, giòn, độ ngọt thanh, có vị thơm rất đặc trưng nên nho NH 01 – 152 được thị trường rất ưa chuộng.
Bên cạnh đó, Ninh Thuận tiếp tục huy động các nguồn lực, dự án hỗ trợ đầu tư, khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm từ nho như vang nho, rượu nho, mứt nho, si – rô nho, ô mai nho, nho sấy. Tỉnh đẩy mạnh nhân rộng diện tích các giống nho sản xuất rượu vang như Black Queen, Italy, Red Star, Palchong seedless, Muscat Alexandria, Shiraz, Savignon Blan; liên kết với các công ty sản xuất vang ở thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), nơi có điều kiện ủ rượu vang tối hảo để nâng cao giá trị kinh tế từ cây nho.
Để tìm đầu ra cho các sản phẩm nho, ngành chức năng tỉnh tập trung phát triển Chỉ dẫn địa lý, dán tem truy xuất nguồn gốc để bảo vệ thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh cho nho Ninh Thuận trên thị trường. Đưa sản phẩm nho vào chuỗi phát triển du lịch nông nghiệp, các kênh phân phối hiện đại. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm nho trên địa bàn tham gia các chương trình xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Theo kế hoạch, năm 2020 tỉnh Ninh Thuận mở rộng diện tích trồng nho lên 1.350 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 32.000 tấn. Hiện nay, bên cạnh các chương trình đầu tư, hỗ trợ Nhà nước các hộ trồng nho, cơ sở sản xuất cần tiếp tục nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất theo hướng bền vững để nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại giá trị kinh tế cao để Ninh Thuận xứng đáng với tên gọi “thủ phủ của nho”.