Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Học viện Cảnh sát nhân dân, nêu đề xuất tại hội nghị
Nêu ý kiến tại hội thảo phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cơ sở giáo dục do Đoàn giám sát của Quốc hội về phòng chống xâm hại trẻ em tổ chức chiều 13.1, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Học viện Cảnh sát nhân dân, cho rằng tình trạng xâm hại trẻ em nói chung và trong cơ sở giáo dục nói riêng thời gian qua có trách nhiệm rất lớn của gia đình.
“Nhiều phụ huynh mải mê làm ăn, lo toan cuộc sống nên ít quan tâm đến con em mình hoặc do bố mẹ ly thân, ly hôn nên phó mặc việc quản lý, giáo dục con cái cho ông bà hoặc những người khác, cho cả các nhà trường”, ông Thủy nêu quan điểm và cho rằng, trẻ em bị xâm hại hoặc phạm tội đều xuất phát từ các gia đình “có vấn đề”.
Tuy nhiên, theo ông Thủy, trong các giải pháp được các chuyên gia, bộ, ngành nêu ra chưa đưa ra các giải pháp cụ thể để tăng cường vai trò của gia đình trong giải quyết vấn đề này.
Từ đó, ông Thủy đề nghị nghiên cứu sửa đổi luật Hôn nhân và gia đình để tăng cường vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc ngăn chặn tình trạng trẻ em bị xâm hại và phạm tội.
“Cần bổ sung quy định về điều kiện kết hôn trong luật Hôn nhân và gia đình theo hướng phải có chứng chỉ tiền hôn nhân thì mới được đăng ký kết hôn”, ông Thủy nói, và đề xuất để có chứng chỉ này, những người muốn kết hôn phải "trải qua một lớp học về hôn nhân và gia đình, trong đó học cách làm cha, làm mẹ, học cách làm vợ, làm chồng, học cách dạy con trai, dạy con gái…".
Tiến sĩ Thủy dẫn ví dụ như ở Úc thì một trong những điều kiện đăng ký kết hôn là phải hiểu được kết hôn có ý nghĩa gì và tự do chấp nhận trở thành vợ chồng của nhau. Còn Pháp, những người muốn kết hôn phải có một lá thư viết tay thể hiện mong muốn kết hôn của bạn và chỉ định danh tính của người vợ, chồng tương lai của bạn, lá thư này cũng có thể chỉ định các điều kiện của cuộc họp, kiến thức lẫn nhau của vợ chồng tương lai, kế hoạch cho cuộc sống sau khi kết hôn,...
Một ví dụ khác mà ông Thủy dẫn ra là người Công giáo trên khắp thế giới, trước khi bước vào cuộc hôn nhân, các cặp đôi phải tham gia lớp học tiền hôn nhân. Đây là lớp học bắt buộc của người Công giáo và thông thường sẽ kéo dài từ 3 - 6 tháng.
Ở lớp học này, bên cạnh những kiến thức về tôn giáo, các cặp đôi sẽ được học các kiến thức chuyên môn. Ngoài ra, tại lớp học tiền hôn nhân, những kiến thức về kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, những bài học về sự xung đột, xung khắc cũng được đề cập đến.
Theo ông Thủy, những bất đồng về lối sống, quan niệm sống khi sống chung trong một gia đình có tam, tứ đại đồng đường cũng sẽ dẫn đến rất nhiều mâu thuẫn. Thậm chí, 2 bạn có lấy nhau và ra ở riêng ngay thì những xung khắc xung đột vẫn sẽ xảy ra.
"Tuy nhiên, sau khi chỉ ra những khó khăn, ở lớp học tiền hôn nhân, các linh mục cũng sẽ chỉ cho các bạn trẻ khái niệm thế nào là yêu, thế nào là sống chung trong một đời sống mà người ta phải sống vì nhau, sống với nhau. Sống để cùng nhau đạt được mục đích mà mục đích ở xã hội này đó là tạo lập cho mình một gia đình êm ấm, vợ chồng đề huề, con cái thành đạt giỏi giang", tiến sĩ Thủy nói.
Bên cạnh đó, ông Thủy cũng đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm dân sự/hình sự/hành chính đối với cha mẹ khi có con dưới 16 tuổi phạm tội mà bị kết án, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm nuôi dạy con cái của gia đình.
Đề xuất xử lý người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra xâm hại trẻ em
Một đề xuất khác cũng được ông Thủy nêu ra là xem xét bổ sung quy định cho người đồng tính được kết hôn hoặc đăng ký sống chung. Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của con người nói chung, dần thay đổi các quan niệm và định kiến xã hội, bảo vệ và phòng chống xâm hại các trẻ em là con cái của các gia đình này.
Theo ông Thủy, việc luật Hôn nhân gia đình không có quy định về kết hôn đồng tính đang vô hình trung đặt những người này khỏi vòng pháp luật, trong khi đó, thực tế thì những người này vẫn đang kết hôn, nhận con nuôi.
“Theo một thông kê không đầy đủ của một số tổ chức xã hội thì hầu hết các trẻ em của các gia đình đồng giới này đều là đối tượng bị xâm hại trong các cơ sở giáo dục. Điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tâm sinh lý của trẻ em trong các gia đình này và đây cũng là một trong các nguồn của tội phạm nói chung, nguồn của tội phạm trẻ em nói riêng”, ông Thủy cho hay.
Ngoài ra, để tăng cường vai trò của nhà trường, chính quyền địa phương trong bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng xâm hại tình dục, ông Thủy cũng đề nghị Chính phủ bổ sung quy định người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em trong cơ sở giáo dục do mìn phụ trách cũng phải chịu trách nhiệm liên đới, tùy theo mức độ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, cách chức vụ hay hạ chức vụ.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em, tùy theo mức độ có thể cách chức vụ, hạ chức vụ, luân chuyển công tác, kỷ luật, hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ có thời hạn...
Gần 1.700 trẻ em bị xâm hại tình dục trong năm 2019
Theo Cục cảnh sát hình sự Bộ Công an, từ năm 2015 - 2018, xảy ra gần 7.000 vụ xâm hại trẻ em, với 7.000 đối tượng, xâm hại khoảng 7.000 trẻ em.
Riêng năm 2019 xảy ra hơn 2.000 vụ, với gần 2.3000 đối tượng, xâm hại khoảng 2.100 em, trong đó xâm hại tình dục là hơn 1.700 (chiếm trên 80% tổng số vụ) với khoảng 1.700 đối tượng, xâm hại gần 1.700 em.
Cá biệt, có những vụ xảy ra trong môi trường học đường, nơi luôn được coi là môi trường an toàn cho học sinh, có vụ hậu quả rất nghiêm trọng, khiến trẻ tử vong, gây bức xúc trong dư luận.
Cục Cảnh sát hình sự đánh giá, tình trạng xâm hại trẻ em, nhất là trong các cơ sở giáo dục đã trở thành điểm nóng báo động không chỉ trong ngành giáo dục mà còn đối với xã hội. Đây là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo đức, xúc phạm, trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học, nơi mà các em tin tưởng được bảo vệ, chăm sóc.