Cao nguyên đá Hà Giang không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh hùng vĩ, hoang sơ, những cánh đồng hoa Tam giác mạch xen lẫn trong những mỏm đá tai mèo, mà còn được biết đến bởi những món ẩm thực dân tộc gắn liền với nếp sống sinh hoạt hàng ngày của bà con. Ngoài mèn mén, cháo lảo, đậu xị... thì Tẩu Khía, tức món đậu gừng cũng là món ăn đặc trưng của đồng bào.
Món Tẩu Khía chế biến xong.
Là vùng đất khan hiếm nước, nên bà người Mông ở Quản Bạ (Hà Giang) phần lớn chỉ trồng ngô, đậu tương và xen lẫn gừng trên những nương ngô vừa để bán vừa để phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày. Chính từ những nguyên liệu có sẵn đó mà không biết từ bao giờ món Tẩu Khía đã được bà con sáng tạo chế biến trở thành món ăn quen thuộc.
Để làm Tẩu Khía phải có những nguyên liệu chính như thịt ba chỉ, hoặc tóp mỡ thịt lợn đen. Ngoài ra, hai nguyên liệu không thể thiếu trong món ăn này chính là gừng và hạt đậu tương đã được chọn lựa kỹ càng và ủ cho mọc mầm dài khoảng 3- 4 cm, giúp tạo nên hương vị rất riêng của món Tẩu Khía.
Nói về cách làm món Tẩu Khía, Bà Hầu Thị Chấu ở xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang cho biết: “Người Mông ở nông thôn vất vả lắm, cả năm mới có được con lợn mổ ăn Tết thì để lại tóp mỡ nấu món Tẩu Khía. Để nấu Tẩu Khía cần rán tóp mỡ vàng rồi múc ra. Gừng đem rửa sạch, giã nát rồi vắt hết nước đi để khi nấu sẽ không có vị đắng, sau đó đem xào qua. Đậu tương mua về phải ủ khoảng 1 tuần đến khi nảy mầm dài 3-4cm thì rửa sạch vỏ đem xào cùng gừng và tóp mỡ, cho gia vị đậm một chút để ăn được quanh năm, nhất là khi đi làm nương, ăn với mèn mén rất là ngon”.
Nguyên liệu nấu món Tẩu Khía.
Tẩu Khía sau khi chế biến xong, bà con thường múc ra cho vào một cái chum nhỏ, nhà nào có tủ lạnh thì bảo quản trong tủ lạnh dùng để ăn dần. Món Tẩu Khía khi nấu cần rất nhiều mỡ, đặc biệt không được để nước rơi vào trong hộp đựng Tẩu Khía, vì nếu có nước sẽ làm món ăn này mau chóng bị mốc, bị hỏng.
Khi ăn chỉ cần múc ra đảo lại cho nóng rồi ăn cùng mèn mén hay xôi rất thơm và ngon. Vì là món ăn ngon lại bảo quản được lâu nên mỗi lần làm, bà con thường làm nhiều để có thể ăn quanh năm.
Bà Hầu Thị Chấu cho biết thêm: “Bây giờ bà con người Mông, các gia đình cũng có điều kiện hơn, nhưng vẫn không thể thiếu được món Tẩu Khía này. Ăn thịt nhiều cũng ngán, còn món Tẩu Khía ăn quanh năm được. Có gia đình thích ăn Tẩu Khía, khi mổ lợn Tết thì ăn hết Tẩu Khía rồi mới ăn thịt, người già người trẻ đều thích ăn. Có gia đình có thời gian họ còn làm Tẩu Khía để bán nữa, ai cũng thích ăn”.
Tẩu Khía thường được bà con người Mông ở Quản Bạ làm ăn nhiều vào mùa đông, vì có vị cay nồng của gừng, giúp làm giảm bớt đi cái lạnh ở vùng cao. Dù là món ăn chưa thật sự được nhiều người biết đến, nhưng khi đã ăn thì ai cũng muốn mua về để làm quà biếu cho anh em, bạn bè cùng thưởng thức.
Anh Nguyễn Hải Quân, quê ở Bình Định lần đầu được ăn món Tẩu Khía của đồng bào Mông ở Hà Giang cho biết: Món Tẩu Khía thực sự rất ngon, nó có vị cay cay của gừng, giòn, bùi của hạt đậu tương hòa cùng vị ngậy béo của tóp mỡ tạo nên một hương vị vô cùng hấp dẫn trong món ăn này, nếu ai đã một lần được thưởng thức thì sẽ không thể nào quên. Đặc biệt, gừng còn giúp người ăn giữ ấm cơ thể trong cái lạnh thấu da thịt mùa đông ở vùng cao.
Đến với cao nguyên đá Hà Giang, ngoài khám phá vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ nơi mảnh đất địa đầu của Tổ Quốc, đừng quên thưởng thức các món ẩm thực dân tộc của bà con người Mông nơi đây, trong đó có món Tẩu Khía để cảm nhận sự phong phú trong cuộc sống sinh hoạt của đồng bào.