Di sản trên những vùng đất phát vương xứ Thanh

Nói về Thanh Hóa, cố Giáo sư Hoàng Xuân Hãn nhận định: “Với núi sông thắng tích, cả đất nước Việt Nam không đâu phong phú và đẹp đẽ bằng Thanh Hóa”. Từ thuở hồng hoang bàn tay tạo hóa vốn đã hữu tình với vùng đất xứ Thanh, từ khí thiêng sông núi hội tụ, Thanh Hóa nổi danh là đất phát vương với các triều đại phong kiến, vua - chúa dựng nghiệp! Dù lịch sử phong kiến ngàn năm của dân tộc đã khép lại nhưng trên quê hương xứ Thanh, vẫn còn đó những dấu tích vương triều hiện hữu, là tài sản vô giá,...

Nói về Thanh Hóa, cố Giáo sư Hoàng Xuân Hãn nhận định: “Với núi sông thắng tích, cả đất nước Việt Nam không đâu phong phú và đẹp đẽ bằng Thanh Hóa”. Từ thuở hồng hoang bàn tay tạo hóa vốn đã hữu tình với vùng đất xứ Thanh, từ khí thiêng sông núi hội tụ, Thanh Hóa nổi danh là đất phát vương với các triều đại phong kiến, vua - chúa dựng nghiệp! Dù lịch sử phong kiến ngàn năm của dân tộc đã khép lại nhưng trên quê hương xứ Thanh, vẫn còn đó những dấu tích vương triều hiện hữu, là tài sản vô giá, niềm tự hào ngưỡng vọng nhắc nhớ hậu thế biết ơn đấng tiền nhân.


Khu di tích và lễ hội Lam Kinh trên đất Lam Sơn in dấu ấn của một vương triều thịnh trị.

Xứ Thanh có vua

Dân gian vẫn lưu truyền câu ca: “Vua xứ Thanh, thần xứ Nghệ”. Trong đó, vế đầu tiên ý nói xứ Thanh là đất có nhiều vua. Điều này hẳn nhiên đã được lịch sử minh chứng. Từ Bắc thuộc đến thời kỳ quốc gia phong kiến độc lập (thời kỳ quân chủ), vùng đất xứ Thanh luôn có những tên tuổi xưng vương ghi danh lịch sử.

Năm 938, thủ lĩnh Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng giang lẫy lừng đánh tan quân xâm lược Nam Hán, chấm dứt đêm trường nô lệ hơn 1.000 năm Bắc thuộc của dân tộc Việt, mở ra thời kỳ quốc gia phong kiến độc lập với sự nối tiếp các vương triều hùng mạnh. Tuy nhiên, trước đó, ngay cả trong thời gian Bắc thuộc, đã có những tên tuổi người xứ Thanh được suy tôn như vua. Trong đó, đặc biệt phải nhắc đến vị vua bà Bà Triệu; Tiết Độ sứ Dương Đình Nghệ. Để đến hôm nay, ghé thăm Am Tiên (Triệu Sơn), Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu, sao có thể không ngưỡng vọng một nữ nhi từng làm nên lịch sử. Hay tìm về Dương Xá xưa (Thiệu Dương ngày nay), một đền thờ Dương Đình Nghệ lặng lẽ ở đó vẫn đủ sức “kể lại” câu chuyện về vị thủ lĩnh và cuộc khởi nghĩa từ hơn ngàn năm về trước.

Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, sự nghiệp của nhà Đinh mới bắt đầu thì biến cố xảy đến khiến không chỉ vương triều lung lay mà an nguy dân tộc cũng bị đe dọa. Lúc bấy giờ, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, một người con của làng quê Trung Lập xứ Thanh đã được lịch sử lựa chọn tiếp nối nhà Đinh, lập ra nhà Tiền Lê. Hoàng đế Lê Đại Hành sau khi lên ngôi, với kinh nghiệm cầm quân nơi chiến trường và tài trí, dũng mãnh đã từng bước đưa đất nước Đại Cồ Việt vượt qua khó khăn, hiểm nguy. Dưới sự trị vì của ông, đất nước không chỉ được nâng tầm vị thế mà còn gặt hái thành công với sự nghiệp “phá Tống bình Chiêm” vang danh Đại Cồ Việt.

Ngày nay, ở làng quê Trung Lập, xã Xuân Lập (huyện Thọ Xuân) nơi sinh ra chàng trai Lê Hoàn, hiện vẫn còn lưu giữ ngôi đền thờ cổ cùng những dấu tích liên quan đến vua: Di tích Quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn; Nền sinh thánh (tương truyền là nơi nhà vua sinh ra). Công trình kiến trúc gỗ đền thờ Lê Hoàn được dân làng Trung Lập khởi dựng sau khi vua qua đời nhằm tưởng nhớ vị vua tài giỏi. Bên cạnh đó, còn có cả những sắc phong và hiện vật vô cùng giá trị cũng được giữ gìn cẩn trọng. Trải qua cả nghìn năm, đền thờ, lễ hội Lê Hoàn cùng những lễ tục liên quan đến vị vua anh minh vẫn được người dân địa phương gìn giữ, duy trì, trở thành nét đẹp văn hóa.

Nếu Hồ Quý Ly được lòng dân ủng hộ thì sự nghiệp của nhà Hồ hẳn đã khác! Dẫu vậy, bằng tài năng quyết tâm chống lại “mệnh trời”, vị vua họ Hồ đã để lại cho đời một kinh thành đá vĩ đại trên đất Tây Đô. Đến nay, trải qua hơn 6 thế kỷ, đứng trước Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ hậu thế vẫn không giấu được xúc cảm kinh ngạc. Là những con số biết nói: Thành được xây dựng và hoàn thành chỉ trong hơn 3 tháng bằng việc ghép các khối đá lớn hàng chục tấn một cách tự nhiên với bốn cổng (tiền, hậu, tả, hữu); bên trong thành là hệ thống dinh thự, cung điện... thể hiện trình độ kĩ thuật xây dựng đỉnh cao xuất sắc.

Nếu như giấc mộng của người con họ Hồ nơi thành Tây Đô giữa chừng dở dang với nhiều tiếc nuối. Thì chẳng lâu sau đó, Lê Lợi - vị anh hùng nơi núi rừng Lam Sơn xứ Thanh đã làm nên sự nghiệp. Đương nhiên, sự nghiệp của Bình Định Vương Lê Lợi không phải chuyện dễ dàng. Đó là những máu xương, nước mắt, hi sinh gian khổ của nghĩa quân Lam Sơn cùng quân dân cả nước trên dưới một lòng cùng quyết tâm đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Để khi kết thúc 20 năm chịu ách nô lệ của kẻ xâm lược, thủ lĩnh Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đã viết lên bản hùng ca bất tử, đánh dấu sự ra đời của một vương triều thịnh trị và kéo dài bậc nhất trong lịch sử phong kiến dân tộc: Vương triều Hậu Lê!

Đến hôm nay, trên quê hương Lam Sơn còn đó một Lam Kinh - kinh đô tâm linh bề thế của nhà Hậu Lê. Nơi đây, không chỉ ghi dấu cuộc khởi nghĩa giải phóng dân tộc mà còn là vùng đất căn bản khởi phát của vương triều. Bên cạnh yếu tố thiên thời, địa lợi, phong thủy tốt tươi thì con người vẫn là sự quyết định cho sự thành - bại. Nếu như người con xứ Thanh, Bình Định Vương Lê Lợi không phải là bậc anh hùng được trên dưới hào kiệt bốn phương tín nhiệm thì sự nghiệp lập vương của nhà Hậu Lê liệu có thể thành công đến thế.

Đi qua những biến động và thăng trầm của lịch sử, thời gian hàng trăm năm trôi qua, Lam Kinh dĩ nhiên không thể giữ nguyên trạng hình hài ban đầu. Tuy nhiên, với niềm tự hào và biết ơn, người dân xứ Thanh đang từng ngày nỗ lực phục dựng, gìn giữ để di tích Lam Kinh phát huy giá trị xứng tầm.

Và những nhà Chúa

Quê hương Gia Miêu (xã Hà Long, huyện Hà Trung) hôm nay được biết đến là đất quý hương phát tích của nhà Nguyễn. Từ thời các chúa Nguyễn thế kỷ XVI gây dựng cơ đồ và đánh dấu bằng vương triều Nguyễn với sự lên ngôi của vua Gia Long Nguyễn Ánh. Dù cho, các vua chúa nhà Nguyễn dựng sự nghiệp vẻ vang trong vùng đất phương Nam nước Đại Việt. Nhưng không vì thế mà những người con họ Nguyễn quên đi đất gốc tổ Gia Miêu nơi các vị tiên tổ  lựa chọn định cư và phát phúc dòng họ. Để cho hôm nay, trên quê hương Gia Miêu còn đó một hệ thống dấu vết quần thể di tích gắn với tên tuổi vua chúa dòng họ Nguyễn: Lăng miếu Triệu Tường, Nguyên Miếu, Trừng Quốc Công Miếu, đình Gia Miêu...

Theo đó, thủy tổ dòng họ Nguyễn xưa kia vốn không ngại rừng thiêng nước độc, núi non hiểm trở đã tìm về đất Tống Sơn (Hà Trung ngày nay) lập trại Bái Nại để sinh cơ lập nghiệp và từng bước phát triển thành Gia Miêu Ngoại Trang với những cánh đồng lúa tốt tươi, của cải dư dả. Sau đó, đi theo tiếng gọi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, hậu duệ họ Nguyễn là Nguyễn Công Duẩn đã dùng tất cả sản nghiệp của cha ông nguyện “Hội thề Lũng Nhai” cùng thủ lĩnh Lê Lợi làm nên sự nghiệp. Khởi nghĩa thành công, Nguyễn Công Duẩn được xếp vào hàng “khai quốc công thần”. Từ đây, vùng đất Gia Miêu lại thêm phần tươi tốt.

Nếu khai quốc công thần Nguyễn Công Duẩn có công với nhà Hậu Lê thì hậu duệ An Thanh hầu Nguyễn Kim lại đóng vai trò trực tiếp mở ra giai đoạn Lê Trung Hưng và con trai ông, chàng trai Nguyễn Hoàng đã tạo nên bước ngoặt lịch sử cho dòng họ Nguyễn khi quyết định “mang gươm đi mở cõi” xuôi về phương Nam gây dựng cơ đồ. Bằng tài năng, khát vọng của mình, ông không chỉ tồn tại và vượt lên nghịch cảnh nơi rừng thiêng nước độc mà còn mở mang bờ cõi đất nước, đặt nền móng cho sự nghiệp 9 đời Chúa, 13 đời vua Nguyễn.

Vua Gia Long được biết đến là người lập ra vương triều Nguyễn ở kinh đô Huế. Vậy nhưng, giữa bộn bề công việc triều chính, người đứng đầu triều đình không quên những trăn trở cho vùng đất quý hương ngoài xứ Thanh. Nhà vua cho xây dựng, sửa sang lăng mộ của Triệu tổ (Nguyễn Kim) trên núi Thiên Tôn cho uy nghi. Cùng với đó, các vua nhà Nguyễn đã khởi dựng ở Gia Miêu quần thể miếu thờ trang nghiêm, bề thế với hai công trình trung tâm: Nguyên Miếu (thờ Nguyễn Kim và Nguyễn Hoàng); Trừng Quốc công miếu (thờ thân phụ Nguyễn Kim). Xung quanh có các công trình phụ trợ: cổng thành, lũy, hồ bán nguyệt, nhà công quán... Đến hôm nay, đi qua những biến thiên, ở đất Gia Miêu vẫn còn đó dấu vết của quần thể di tích xứng tầm.

Ngoài chúa Nguyễn ở Đàng trong, lịch sử còn nhắc đến chúa Trịnh giữ vai trò quan trọng ở Đàng ngoài. Và trùng hợp, cả hai nhà Chúa đều là người gốc xứ Thanh. Nếu ở đất Gia Miêu có quần thể di tích liên quan đến nhà Nguyễn thì quê hương Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc) ngày nay cũng còn đó một Khu di tích Phủ Trịnh đang được trùng tu, tôn tạo xứng tầm. Nghĩ về công trạng của tiền nhân, trong tâm trạng một người dân xứ Thanh, lẽ nào ta không thấy lòng tự hào xúc cảm.

Xuân đang về. Đất trời, con người và muôn loài đang cùng hòa nhịp trong sự sinh sôi nảy nở, để những hi vọng được ươm mầm, khát vọng vươn xa đến những điều tốt đẹp ở tương lai. Vậy nhưng, cũng đừng quá vội vã, hãy cứ chầm chậm một chút, thắp nén hương thơm, lắng lòng nghe tiếng đồng vọng từ quá khứ cha ông để hiểu, ngày hôm nay, ngày mai vốn bắt đầu từ hôm qua.