Di sản văn hóa Việt Nam trong gia đình hoạ sỹ công huân Nga

Trong 2 năm công tác tại Việt Nam, họa sĩ A.Kuznetsov đã hoàn thành hàng trăm tác phẩm chân dung, phong cảnh của đất nước hình chữ S.


Vào những năm 60 của thế kỷ trước, hoạ sĩ công huân Alexei Petrovich Kuznetsov được Bộ Văn hóa Liên Xô cử sang Việt Nam để thành lập Trường Mỹ thuật Quốc gia và phát triển trường phái hội họa hiện thực tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Trong hai năm công tác tại Việt Nam, với sự lao động sáng tạo và miệt mài, họa sỹ A. Kuznetsov đã hoàn thành hàng trăm tác phẩm khắc hoạ chân dung và phong cảnh của đất nước hình chữ S. Ông đã qua đời năm 2013, song những tác phẩm này được gia đình hoạ sỹ trân quý và bảo quản cẩn thận cho đến ngày nay.


Bà Olga Alexandrovna - vợ của cố hoạ sỹ Alexei Kuznetsov.


Những ngày đầu đông nước Nga, trời bắt đầu trở lạnh, những cơn mưa tuyết đầu mùa đã nhuộm trắng những rặng cây bên đường. Trải qua hơn 700km trên con đường mới mở đi thẳng từ thủ đô Moscow đến Saint Peterburg, chúng tôi đã tìm đến ngôi nhà cố họa sỹ A. Kuznetsov từng ở lúc sinh thời. Căn hộ nằm trên tầng 7 khu tập thể cũ đã nhuốm màu thời gian. Đón tiếp chúng tôi có vợ và con gái của cố hoạ sỹ, cũng là người đồng nghiệp, những hoạ sỹ nổi tiếng tại Thủ đô phương Bắc của nước Nga.


Trong căn nhà nhỏ ấm áp, giản dị, cũng là nơi lưu giữ hàng trăm tác phẩm của cố hoạ sỹ, vợ và con gái. Góc Việt Nam được lưu giữ ở vị trí trang trọng ngay trong phòng khách. Chúng tôi được chị Olga Cheskidova – con gái cố hoạ sỹ A. Kuznetsov giới thiệu những tác phẩm mà ông đã hoàn thành trong thời gian công tác ở Việt Nam.


Vợ và con gái cố hoạ sỹ giới thiệu những tác phẩm mà ông đã hoàn thành trong thời gian công tác ở Việt Nam.


Kể về người cha đáng kính của mình, chị Olga Cheskidova cho biết, cố hoạ sỹ A. Kuznetsov rất trân quý thời gian công tác ở Việt Nam bởi những năm tháng ấy gắn liền với việc thực hiện thành công các nhiệm vụ sư phạm được Bộ Văn hoá Liên Xô giao, đồng thời là giai đoạn sáng tạo nghệ thuật mãnh liệt nhất của cố hoạ sỹ. Chỉ trong hai năm, cố họa sĩ đã vẽ hơn một trăm bức tranh và hoàn thành một số lượng lớn các bức vẽ. Với những tác phẩm thời kỳ này, A. Kuznetsov được tôn vinh như một bậc thầy về tranh chân dung và phong cảnh.  

Có thể nói, một Việt Nam thu nhỏ đã được cố hoạ sỹ khắc hoạ chân thực qua những tác phẩm của mình. Là người thông thạo tiếng Pháp, cố hoạ sỹ A. Kuznetsov còn được biết đến là một dịch giả và là người quảng giao với nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội Việt Nam thời đó. Hình ảnh con người Việt Nam qua nét vẽ của cố hoạ sỹ đều toát lên vẻ đẹp mộc mạc và chân thành như chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại mà giản dị, đến người lái xe hiền lành, người nông dân chất phác, vẻ đẹp của những cô gái Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, đến những người lính anh dũng nơi biên cương…


Những kỷ vật cố hoạ sỹ đã mang về từ Việt Nam và được gìn giữ cẩn thận.


Ông cũng vẽ nhiều bức tranh phong cảnh ở Việt Nam. Các vùng miền từ Thủ đô Hà Nội lên Đông Bắc, Tây Bắc … của đất nước đều được hoạ sỹ mang vào trong tác phẩm của mình, trong đó có “Phong cảnh trên Vịnh Hạ Long” – 1961, “Trên sông” – 1960, “Hoàng hôn trên Vịnh Hạ Long”, “Chiến sỹ Điện Biên Phủ” – 1961, “Chợ hoa ở Hà Nội” – 1960, “Góc phố Hà Nội” – 1960…

Đến nay, kho tàng nghệ thuật của cố hoạ sỹ A. Kuznetsov được coi là một trong những di sản văn hóa lớn về Việt Nam. Ông đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ họa sỹ mới, rất nhiều người trong số này đã để lại dấu ấn trong lịch sử hội họa Việt Nam như nhà điêu khắc Nguyễn Hải, họa sĩ Nguyễn Thụ, Giáng Hương, Phạm Công Thành, Huy Oánh...


Ngày nhiều may (Vịnh Hạ Long) - 1961.


Vừa giới thiệu những kỷ vật mà cố hoạ sỹ A. Kuznetsov mang theo về nước, chị Olga Cheskidova xúc động kể, thời gian công tác ở Việt nam với cha cô không chỉ là giai đoạn sáng tạo nghệ thuật mãnh liệt nhất mà còn đầy ắp những kỷ niệm về đất nước con người nơi đây.

"Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của cha tôi đó là niềm vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên Phủ Chủ tịch, cạnh nhà sàn đơn sơ, nơi Bác Hồ sống và làm việc”.


Chị Olga Cheskidova bên bộ bàn ghế Bác Hồ đã tặng cho cố hoạ sỹ Alexei Kuznetsov.


Theo lời cố hoạ sỹ kể lại, đó là một khu vườn rất đẹp với những con đường rợp bóng mát, cây ăn quả, hoa và ao cá. Lúc đó, Bác Hồ ngồi trên chiếc ghế trúc thư thái đọc sách, phía trước là chiếc bàn tre để các nghệ sỹ vẽ, nặn trực hoạ. Sau buổi làm việc đó, Bác Hồ đã dành thời gian chuyện trò với cha tôi và đã tặng ông chiếc bàn làm việc và chiếc ghế trúc làm kỷ niệm.

Đây là vinh dự lớn của cha tôi. Ông rất trân trọng và đã mang theo kỷ vật này khi trở về nước Nga – chị Olga xúc động kể -


Cô gái dân tộc Thái đen - 1960.


“Thi thoảng, những người bạn, những hoạ sỹ đồng nghiệp của ba cùng quây quần, ngồi uống trà bên chiếc bàn này. Đối với ba, đây không đơn giản là một chiếc bàn đơn thuần mà ở đó có cả một lịch sử liền với chủ tịch Hồ Chí Minh. Một bộ bàn ghế làm việc đơn giản đã toát lên một nhân cách lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ dân tộc Việt Nam, song rất đỗi giản dị, khiêm nhường. Ba luôn tự hào kể cho mọi người nghe về nguồn gốc của bộ bàn ghế này, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, những kỷ niệm và trải nghiệm không thể nào quên khi ông ở Việt Nam”.

Trải qua hơn nửa thế kỷ, gia đình cố hoạ sỹ vẫn luôn gìn giữ cẩn thận những tác phẩm nghệ thuật được cố hoạ sỹ hoàn thành trong thời gian ở Việt Nam, cũng như những kỷ vật ông mang theo. Tuy nhiên, điều kiện bảo quản kỷ vật tại nhà còn hạn chế, nên gia đình cố hoạ sỹ đã nhượng quyền sở hữu cho các tổ chức và cá nhân với mong muốn những kỷ vật này được bảo quản trong điều kiện quy chuẩn hơn, lưu giữ lâu dài cùng với thời gian.


Chợ hoa Hà Nội - 1960.


Được biết vừa qua, một nhà sưu tầm người Việt Nam, anh Phạm Hồng Thương đã mua lại bộ bàn ghế này từ gia đình cố hoạ sỹ A. Kuznetsov. Liên lạc với nhà sưu tầm, anh cho biết:“Tôi là người sưu tầm hội hoạ. Tuy nhiên, khi biết có kỷ vật liên quan Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tình yêu và lòng tôn kính vị cha già dân tộc, tôi có ước muốn được giữ và mang bộ bàn ghế này về Tổ quốc cho con cháu sau này được xem và cũng là cách để những người Việt Nam yêu hội hoạ nhớ về hoạ sỹ tài hoa của nước Nga A. Kuznetsov, người có đóng góp lớn cho xu hướng hội hoạ hiện thực của Việt Nam”.