Ông Mùa A Mang, thôn Tả Phìn, xã Tả Phìn rèn dao phát, chuẩn bị cho mùa phát nương, gieo hạt mới
Nghề rèn của người Mông thể hiện sự tài hoa, sáng tạo, với những sản phẩm tinh xảo vừa có giá trị làm vật dụng vừa thể hiện bản sắc văn hóa. Bí quyết để làm ra những con dao, lưỡi cuốc, lưỡi cày sắc ngọt và có độ bền cao, đầu tiên phải lựa chọn được loại thép tốt. Loại thép thường được người Mông sử dụng đó là nhíp ô tô, nhất là nhíp của ô tô sản xuất cách đây vài chục năm. Bên cạnh đó, kỹ thuật tôi thép cũng rất quan trọng, thép nung phải đủ độ nóng, không non quá cũng không được quá già lửa. Kỹ thuật này quyết định độ bền của sản phẩm. Than đốt lò của người Mông cũng rất đặc biệt. Người Mông không dùng than đá mà dùng than củi của cây rừng. Trong khi rèn nhiệt độ lò rèn phải nóng đều mới cho ra sản phẩm tốt nên yêu cầu người quay lò phải đều tay. Ngày xưa, 100% công đoạn đều thủ công nhưng ngày nay một số công đoạn làm rèn, người Mông đã sử dụng quạt điện thổi lò, máy mài. Tuy nhiên các công đoạn quan trọng nhất từ khâu cắt sắt, tạo hình, quai búa, tay cầm… vẫn làm bằng tay. Vì vậy, đồ rèn của người Mông làm ra có độ tinh xảo riêng, sắc bén và bền lâu với thời gian.
Nghề rèn của đồng bào Mông không chỉ tạo ra những nông cụ thiết thực trong đời sống mà còn góp phần duy trì nét văn hóa độc đáo truyền thống của dân tộc mình. Hiện nay, trong các thôn, bản người Mông, chỉ còn rất ít hộ lưu giữ nghề rèn truyền thống nhưng nhu cầu sử dụng nông cụ rèn vẫn rất lớn. Do đó, một số hộ vẫn giữ nghề rèn, tạo ra nông cụ để bán tại các phiên chợ, tăng thu nhập.
Gia đình ông Mùa A Mang, thôn Tả Phìn, xã Tả Phìn (huyện Tủa Chùa) là một trong số ít hộ người Mông trong thôn còn giữ nghề rèn truyền thống. Ban đầu ông chỉ rèn nông cụ cho gia đình. Sau đó, ông rèn thêm nhiều sản phẩm để bán cho bà con trong thôn. Hơn 40 năm kinh nghiệm làm nghề, ông Mang chia sẻ: “Sự tỉ mỉ, khéo léo đều có thể được rèn luyện qua quá trình làm nghề song yêu cầu đầu tiên và xuyên suốt của nghề rèn là người thợ rèn phải có sức khỏe tốt. Người thợ cả và thợ phụ phải có sự phối hợp nhịp nhàng; lực búa giáng xuống thanh thép phải đều nhau; độ mạnh yếu biến hóa với từng phần của sản phẩm. Trước đây, lò rèn chỉ đỏ lửa vào dịp mùa xuân nhưng nay hoạt động quanh năm, ngoài sản xuất phục vụ nhu cầu gia đình còn bán tại các chợ phiên trên địa bàn”.