Đánh tráo khái niệm “Khu công nghiệp” với “Khu đô thị”
KCN Phú Tân tiền thân là KCN Phú Gia, có diện tích 133ha do Công ty TNHH Phú Gia làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Bình Dương cấp phép chứng nhận đầu tư năm 2004. Sau nhiều lần chuyển nhượng, tháng 1/2014, dự án KCN Phú Tân về tay Công ty CP ĐTXD CN Nam Kim (Công ty Nam Kim).
Tại Quyết định số 173/TTg-KTN ngày 28/1/2016 về việc điều chinh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bình Dương đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm diện tích KCN Phú Tân, tỉnh Bình Dương từ 133ha xuống 107ha (giảm 26ha).
Từ tháng 2/2018, thời điểm bà Nguyễn Thị Nhung trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Nam Kim, nữ doanh nhân này đã gửi hàng loạt văn bản trình Ban quản lý (BQL) các Khu công nghiệp và lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết và chủ trương đầu tại KCN Phú Tân và thành lập Khu đô thị Hoà Phú trên diện tích 26ha cắt giảm diện tích KCN Phú Tân.
Ngày 04/1/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm đã ký quyết định số 20/QĐ-UBND quyết định phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 (Quy hoạch phân khu) Khu công nghiệp Phú Tân, P. Phú Hoà, TP. Thủ Dầu Một.
Đến ngày 30/5/2019, chủ tịch Trần Thanh Liêm tiếp tục ký quyết định số 1447/QĐ-UBND quyết định phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu đô thị - dịch vụ Hoà Phú, P. Phú Hoà, TP. Thủ Dầu Một.
Dựa vào hai quyết định phê duyệt trên, ngày 11/7/2019, doanh nhân Nguyễn Thị Nhung – CTHĐQT kiêm TGĐ Công ty Nam Kim tiếp tục gửi văn bản số 29/CV-NK đến UBND tỉnh Bình Dương xin chủ trương thực hiện song song thủ tục Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư KĐT Hoà Phú và điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư KCN Phú Tân. Nhận được văn bản này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm đã nhanh chóng ban hành văn bản số 3939/UB-KTN, chỉ đạo Sở Xây dựng Bình Dương chủ trì phối hợp với BQL các KCN Bình Dương và các sở, ngành thống nhất thủ tục, quy trình để hướng dẫn cụ thể cho Công ty Nam Kim triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư KĐT Hoà Phú và điều chỉnh lại KCN Phú Tân để đảm bảo công tác đầu tư và quản lý.
Tỉnh Bình Dương vượt quyền của Thủ tướng?
Nhận được chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh, ngày 11/10/2019, BQL các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đã gửi văn bản số 3115/BQL-ĐT đến Bộ Xây dựng và văn bản số 3116/BQL-ĐT đến Bộ Tài chính xin ý kiến về việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án KCN Phú Tân.
Tháng 11/2019, trả lời văn bản của BQL các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, cả hai bộ Xây dựng và Tài chính đều khẳng định, căn cứ vào luật đầu tư năm 2014, thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với Dự án KCN Phú Tân thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh Bình Dương có trách nhiệm tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành có liên quan, chỉ đạo nhà đầu tư hoàn chỉnh nội dung hồ sơ Dự án để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Cụ thể, tại Công văn số 358/BXD-HĐXD ngày 14/11/2019 của Bộ Xây dựng góp ý kiến về việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Khu công nghiệp (KCN) Phú Tân gửi Ban Quản lý (BQL) các Khu công nghiệp Bình Dương. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
Về sự phù hợp của dự án với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch sử dụng đất thì Dự án KCN Phú Tân đã được Ban quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương cấp Giấy chứng nhận đầu tư (mã số 46221000039, chứng nhận lần đầu ngày 8/12/2016, thay đổi lần thứ 4 ngày 22/1/2015).
Tại văn bản số 3115/BQL-ĐT ngày 11/10/2019 của Ban Quản lý các KCN Bình Dương và hồ sơ đề xuất là phù hợp với các chỉ tiêu quy hoạch được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt tại Quyết định số 20/QĐ-UBND ngày 4/6/2019 về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 (quy hoạch phân khu) KCN Phú Tân, P. Hoà Phú, TP Thủ Dầu Một. Hồ sơ gửi kèm thông báo các tài liệu liên quan đến quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội nên Bộ Xây dựng chưa đủ cơ sở để có ý kiến về vấn đề này.
Về hồ sơ dự án đầu tư, Bộ Xây dựng nêu rõ: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Phú Tân thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài Bộ Xây dựng thì Bộ Tài Chính cũng có công văn số 14493/BTC-ĐT ngày 29/11/2019 trả lời văn bản số 3116/BQL-ĐT ngày 11/10/2019 của BQL các KCN Bình Dương về việc điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án khu công nghiệp Phú Tân.
Bộ Tài Chính có ý kiến như sau: Về sự phù hợp quy hoạch và cơ sở pháp lý của dự án theo Điều 24, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Điều 28 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật có liên quan đến quy hoạch quy định như sau: KCN là khu chức năng; cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng đối với khu chức năng có quy mô dưới 500ha là quy hoạch phân khu xây dựng và quy hoạch chi tiết xây dựng.
Tại Quyết định số 173/TTg-KTN ngày 28/1/2016 về việc điều chinh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bình Dương đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm diện tích KCN Phú Tân, tỉnh Bình Dương từ 133ha xuống 107ha.
Theo quyết định số 20/QĐ-UBND ngày 4/1/2019 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 (quy hoạch phân khu) KCN Phú Tân, P. Hoà Phú, TP TDM với diện tích là 106,54ha. Tuy nhiên, hồ sơ gửi kèm văn bản số 3116/BQL-ĐT ngày 11/10/2019 của BQL các KCN Bình Dương không có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng KCN Phú Tân, tỉnh Bình Dương.
Đề nghị UBND tỉnh Bình Dương, các cơ quan có liên quan và các nhà đầu tư dự án chịu trách nhiệm thực hiện, hoàn chỉnh đầy đủ các quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về đầu tư làm cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét về nội dung đề xuất dự án.
Cũng như Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính khẳng định dự án thuộc thẩm quyền quyết định và quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan, chỉ đạo nhà đầu tư hoàn chỉnh nội dung hồ sơ dự án để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Cả hai Bộ đều trả lời về việc duyệt quy hoạch, phê duyệt đầu tư là Thủ tướng Chính phủ và thông qua xem xét thì chủ đầu tư Nam Kim chưa đủ điều kiện về vốn, năng lực thực hiện dự án, hồ sơ chưa hoàn chỉnh các bước và thủ tục để thay đổi điều chỉnh nội dung Giấy chứng nhận đầu tư của KCN Phú Tân.
Mặc dù chưa đủ điều kiện thay đổi mục đích đầu tư, chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh nhưng trước đó ngày 4/1/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm đã ký Quyết định số 20/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 (Quy hoạch phân khu) KCN Phú Tân và quyết định này thay thế cho Quyết định số 2933/QĐ-UBND ngày 22/6/2006 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết KCN Phú Gia thuộc Khu liên hợp Bình Dương.
Việc UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định phê duyệt dự án Khu đô thị Hòa Phú trong diện tích quy hoạch KCN Phú Tân do Công ty Nam Kim làm chủ đầu tư, trước khi có các ý kiến của các Bộ, ngành và quyết định thay đổi cũng như việc thực hiện dự án không qua đấu giá mà trong ý kiến Bộ Tài chính phải đấu giá, vậy UBND tỉnh Bình Dương có vượt quyền?
Thâu tóm dự án KCN Phú Tân để giải ngân vốn vay?
Xuống tiền thâu tóm, trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP ĐTXD Công nghiệp Nam Kim – doanh nghiệp đang sở hữu KCN Phú Tân (tại Thành phố mới Bình Dương), tưởng rằng, với vai trò đầu tàu, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nhung sẽ có những chiến lược nhạy bén, rót thêm vốn để thu hút các nhà đầu tư, cải thiện hiệu quả hoạt động đìu hiu của KCN Phú Tân. Thế nhưng, từ khi nắm quyền điều hành Công ty Nam Kim vào tháng 2/2018, nữ doanh nhân 9X này đã tiến hành hàng loạt các hợp đồng thuế chấp, vay vốn, huy động vốn, khiến Bộ Tài chính lo ngại về tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động kinh doanh liên tục của công ty Nam Kim.
“Tại thời điểm 30/6/2019, khoản nợ phải trả là 925,09 tỷ đồng (chiếm 73% tổng nguồn vốn); trong đó chủ yếu là khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (637,99 tỷ đồng) và phải trả ngắn hạn khác (159,34 tỷ đồng), chi phí lãi vay phải trả là 126,69 tỷ đồng, không có các hợp đồng vay vốn dài hạn với ngân hàng. Hoạt động kinh doanh của Công ty Nam Kim trong đó có việc thực hiện dự án KCN Phú Tân chủ yếu dựa vào vốn vay ngắn hạn của các tổ chức, cá nhân với thời hạn vay ngắn, lãi suất cao. Điều này tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động kinh doanh liên tục của công ty Nam Kim.
Những diễn biến nêu trên cho thấy, với mục tiêu tạo lực để phát triển của “siêu” DA Khu liên hợp Bình Dương, chính quyền tỉnh Bình Dương đã có những chính sách ưu đãi đặc biệt cho nhiều doanh nghiệp địa phương, nhưng những biệt đãi này dường như đã bị biến tướng với những hệ lụy nhãn tiền. Đã đến lúc chính quyền tỉnh Bình Dương cần có giải pháp đủ mạnh để giải quyết dứt điểm thực trạng “thâu tóm” doanh nghiệp với mục đích “xẻ thịt” những DA “chết” rồi huy động vốn như của Kim Oanh Group nêu ở trên.