Tổng Giám đốc Viettravel Nguyễn Quốc Kỳ. |
Tại đầu cầu trực tuyến TP. Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Viettravel Nguyễn Quốc Kỳ thay mặt cộng đồng các doanh nghiệp du lịch cảm ơn Thủ tướng đã cho phép các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu được mở cửa trở lại bình thường. Có thể nói, chưa bao giờ, ngành du lịch gặp phải khó khăn như thời điểm này và ngành du lịch khi được mở cửa trở lại sẽ quyết tâm, nỗ lực để vực lại được sự phát triển.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, bên cạnh khó khăn, vẫn còn cơ hội cho ngành du lịch khi Việt Nam được coi là điểm sáng phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo ông Kỳ, ngoài sự cố gắng của bản thân ngành du lịch, rất cần sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành để du lịch thực hiện được các mục tiêu đề ra.
Tổng Giám đốc Viettravel đề nghị toàn ngành du lịch tận dụng ngay cơ hội, đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến, mở rộng thị trường du lịch, triển khai có hiệu quả Chương trình “Du lịch Việt Nam an toàn”.
Nếu chúng ta làm tốt chương trình “Du lịch Việt Nam an toàn” thì với những thị trường đã có sự phục hồi phục, chuyển giai đoạn sau dịch bệnh, Việt Nam sẽ có thể thu hút được khách quốc tế từ quý 4. Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng từ tháng 10 đã có thể có khách từ những thị trường Đông Bắc Á với khách du lịch từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan, Hongkong (Trung Quốc) và toàn bộ thị trường Đông Nam Á.
Tăng cường xúc tiến, quảng bá, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là khách du lịch từ các vùng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời tập trung phát triển mạnh du lịch nội địa ở các vùng, miền của đất nước.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, cần tập trung vào thị trường du lịch trong nước, để giữ khách nội địa, giữ nhân sự cho ngành du lịch.Khuyến khích các ngành, các cấp, các công ty, xí nghiệp… hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” để khôi phục thị trường du lịch Việt Nam.
Trong du lịch nội địa, rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Cần thực hiện các tam giác du lịch để kích cầu cho các địa phương. Ví dụ ở miền Bắc là tam giác Hà Nội-Ninh Bình-Quảng Ninh. Ở miền Trung là Huế-Quảng Nam-Đà Nẵng-Đăk Lăk-Phú Yên-Quy Nhơn. Ở miền Nam là TPHCM với ĐBSCL.
Ông Kỳ đề nghị các địa phương giảm 50% chi phí tham quan di tích danh lam thắng cảnh để thu hút khách.
Vì 85% du lịch được di chuyển bằng đường hàng không, đại diện ngành Du lịch đề nghị Chính phủ nghiên cứu có chọn lọc mở lại các đường bay trong nước, bỏ hạn ngạch như hiện nay.
Đại diện ngành du lịch cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sau khi kết thúc dịch COVID-19. Nghiên cứu miễn phí cấp thị thực nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Chỉ đạo các hãng hàng không Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp du lịch nghiên cứu tăng tần suất, mở thêm đường bay đến các thị trường quốc tế tiềm năng cũng như tích cực tham gia Chương trình kích cầu du lịch nội địa, quốc tế với các địa phương và doanh nghiệp sau khi hết dịch.
Ngoài ra, doanh nghiệp du lịch đã mất nguồn thu trong mùa cao điểm và có thể cần thêm nhiều thời gian mới vực lại được. Chính phủ nên xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng hay cả năm 2020, hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp có hi vọng đủ nguồn lực phục hồi khi dịch đi qua.
Cụ thể, miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong vòng một năm; giảm 50% thuế VAT cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong Qúy IV năm 2020 và Quý I năm 2021; giảm chi phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, giảm thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể trong năm 2020.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng đề nghị ngành du lịch được tiếp cận ngay các gói hỗ trợ của Chính phủ. Với các gói bảo hiểm, các doanh nghiệp cần được trực tiếp thụ hưởng, tránh đưa về các địa phương, sẽ gây khó khăn đến tay người lao động của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp du lịch mong muốn cho phép doanh nghiệp du lịch và hướng dẫn viên du lịch chậm nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội năm 2019, năm 2020 đến hết tháng 6 năm 2021; chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động phải nghỉ việc do COVID-19.
Đại diện ngành du lịch đề nghị Chính phủ thành lập tổ công tác liên ngành do Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng cùng các lãnh đạo địa phương để lập tức thúc đẩy du lịch phát triển. Trong thời gian tới cần có chính sách kích cầu du lịch, đảm bảo sự tham gia hiệu quả của toàn ngành du lịch cũng như các bộ, ngành liên quan. Các bộ, ngành, địa phương xây dựng chính sách kịp thời và đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp du lịch giảm thiểu khó khăn, thiệt hại, giúp doanh nghiệp du lịch phục hồi, góp phần đưa ngành du lịch dần trở lại với hoạt động bình thường.
Đồng thời, đại diện ngành du lịch đề nghị thử nghiệm áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ trong một năm. Bên cạnh đó,giảm tiền thuế đất, tiền thuê sử dụng đất và cho phép doanh nghiệp du lịch chậm nộp thuế đất, tiền thuê đất 2019, năm 2020 đến hết tháng 6 năm 2021 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh doanh.
Bên cạnh đó, ngành du lịch mong muốn Ngân hàng Nhà nước giảm các loại phí, lãi suất thị trường mở (OMO), lãi suất tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại mà không ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát; xem xét cho ngân hàng thương mại gia tăng nợ xấu quá hạn, nợ xấu của nhóm các ngành kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp để cơ cấu lại nợ tại các ngân hàng thương mại, đồng thời có những khoản vay ưu đãi không lãi suất hoặc lãi suất thấp để có chi phí trả lương cho đội ngũ cán bộ công nhân viên.
Triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch - nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận tải du lịch, khu du lịch, vui chơi giải trí...
Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, hiện nay, công nợ giữa các doanh nghiệp, hàng không với lữ hành, hàng không gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, đại diện ngành du lịch đề nghịNgân hàng Nhà nướcvà hệ thống ngân hàng các địa phương vào cuộc làm trung gian, để lữ hành có thể nhận được những khoản tiền đã chuyển cho hàng không…
Ngành du lịch cũng đề xuất Bộ GD&ĐT nghiên cứu thời gian nghỉ hè cho học sinh vì dịp nghỉ hè là thời điểm vàng để thúc đẩy du lịch trong nước phát triển.
Nhật Nam