Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), gần 85% DN cho biết thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, 60% thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh, 43% DN phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm, 82% DN cho rằng doanh thu của họ sẽ sụt giảm. Theo khảo sát nhanh của Viện Năng suất Việt Nam với gần 200 DN cho thấy, các DN đều gặp phải một số vấn đề, như: Thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất, sản xuất đình trệ, thu hẹp quy mô lao động hay năng suất lao động giảm rõ rệt. Để ứng phó với dịch bệnh, nhiều DN lựa chọn cắt giảm quy mô SXKD, cắt giảm lao động, chuyển đổi hình thức kinh doanh hoặc dừng hoạt động kinh doanh. Nếu không thể tìm ra cách khắc phục sớm thì phần lớn DN sẽ không thể trụ vững.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia về tư vấn cải tiến năng suất, bà Vũ Hồng Dân - Viện Năng suất Việt Nam cho biết, trong môi trường mong manh nhiều rủi ro do dịch bệnh. Tuy nhiên, rủi ro luôn có hai mặt là: Tác động mang tính tiêu cực, gây hậu quả nghiêm trọng; nhìn từ khía cạnh khác thì rủi ro cũng đem đến cơ hội. Cơ hội dành cho những người chuẩn bị và sẵn sàng có đủ khả năng để biến cơ hội đó thành hành động. Đây là thời cơ cho DN tái cấu trúc mạnh mẽ hơn, nhanh hơn để bước vào kỷ nguyên số hóa, thay đổi nhìn nhận đâu là giá trị thực phát triển bền vững.
"Để vượt qua thời kỳ khó khăn hiện tại và hậu Covid-19, DN cần xác định tâm thế “trường kỳ kháng chiến” với dịch bệnh, nhận diện rủi do, lựa chọn kịch bản, đặc biệt cần tư duy nhạy bén-hành động nhanh-quyết tâm cao để biến những tri thức, thông tin, dữ liệu liên quan đến bối cảnh thành những hành động chính xác, nhanh chóng. Mọi vấn đề đều có rủi ro, nhưng rủi ro không tồn tại mãi mãi mà thay đổi theo bối cảnh. Vì vậy, DN cần xây dựng kế hoạch và chiến lược ứng biến theo tuần, cũng có thể theo ngày, xây dựng kịch bản chuẩn bị cho tình huống xấu nhất để chúng ta luôn trong tư thế chủ động trước những sự thay đổi và biến động; tận dụng tối đa cơ hội để tồn tại và trụ vững qua thời gian dịch bệnh...", bà Dân phân tích.
Bên cạnh đó, bà Vũ Hồng Dân cũng cho rằng, DN cần rà soát môi trường bên trong và bên ngoài để hiểu rõ hơn năng lực của mình, xác định cơ hội và nguy cơ, từ đó có những chiến lược phù hợp với cơ hội hoặc thách thức trong bối cảnh mới là kinh doanh thời kỳ dịch bệnh; chuẩn bị mô hình kinh doanh mới bởi các quy trình, hệ thống, nguyên tắc trước đây có thể chỉ phù hợp trong bối cảnh cũ; không ngừng kết nối với khách hàng vì khách hàng là một trong những lý do giúp DN tồn tại; tập trung vào mục tiêu ngắn hạn, sản xuất các sản phẩm bán được ngay để sớm thu hồi vốn, cắt bỏ những chi phí không cần thiết để tinh gọn hơn. Đồng thời, tăng cường truyền thông giáo dục, xây dựng ý thức tốt cho nhân viên, người lao động từ việc đeo khẩu trang, rửa tay, không tụ tập đông người, rà soát các quá trình, hoạt động để xác định cơ hội cải tiến gia tăng giá trị và giảm thiểu lãng phí. Tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát, công khai, minh bạch.
Bà Vũ Hồng Dân cũng chỉ ra nhiều mô hình kinh doanh trực tuyến phát triển mạnh bất chấp dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Đây là vấn đề các DN Việt Nam cần phải nghiên cứu để thích ứng với tình hình mới.
"Dù dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu nhưng vẫn nhiều DN tăng trưởng mạnh, ví như trang thương mại điện tử Amazon doanh thu vẫn tăng 21%, lợi nhuận quý I đạt 24 tỷ USD, tuyển dụng hơn 100.000 người lao động. Theo thông tin của CNN, thị trường thương mại tăng 24% trong quý I-2020. Trên thế giới, những nhãn hàng hiệu cũng chuyển đổi kinh doanh, như: LV chuyển từ sản xuất túi da và các phụ kiện đắt tiền sang sản xuất khẩu trang; Dior, Channel chuyển sang sản xuất nước rửa tay sát khuẩn;... Tại Việt Nam, nhiều DN tiên phong sản xuất các sản phẩm phòng, chống dịch bệnh, như: Tập đoàn Vingroup chuyển giao công nghệ của Mỹ để sản xuất máy thở trong nội địa, sản xuất hai bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 là VinKit SARS-CoV-2 RT-PCR 1.0 và VinKit SARS-CoV-2 Multiplex RT-PCR;... điều này thể hiện DN Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để tìm kiếm cơ hội, duy trì hoạt động SXKD cũng như đóng góp trách nhiệm xã hội trong đại dịch này", bà Vũ Hồng Dân nhấn mạnh.
Ông Shawn W.Tan, chuyên gia kinh tế cao cấp WB tại Việt Nam cho biết, sự chuyển dịch sang công nghệ số, hoạt động trên nền tảng số của các doanh nghiệp tham gia khảo sát đã tăng nhanh trong năm 2020. Đỉnh cao là mức tăng 48% vào tháng 6/2020, sau đó giảm, chỉ còn tăng 11% vào tháng 10/2020. Hiện có 12% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho thấy, đã đầu tư vào chuyển đổi số, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp cỡ vừa và cỡ lớn. Nhiều điều chỉnh về nền tảng số được các doanh nghiệp thực hiện như tiếp xúc trực tuyến, bán hàng trực tuyến… nhưng ở những công đoạn sau của hoạt động sản xuất kinh doanh phức tạp hơn thì vẫn chưa áp dụng. Có thể khẳng định, để vượt qua thách thức hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến việc đẩy chuyển đổi số hóa rất nhiều và tạo nên làn sóng lan tỏa trên thị trường. Rất nhiều doanh nghiệp ở đa lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ… đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử. Trên thực tế, hầu hết những doanh nghiệp được đánh giá là đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và có lòng tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường thì đều là những doanh nghiệp đã trụ vững và phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng. |