Nghi lễ dẫn binh mã của đệ tử thụ pháp ra ngũ đài để tập nhảy múa trong Lễ Tẩu sai.
Lễ cấp sắc là một nghi lễ truyền thống đặc trưng giàu bản sắc của người Dao Tiền ở Cao Bằng với nhiều cấp bậc: 3 đèn, 7 đèn, 12 đèn. Trong đó, lễ cấp sắc 12 đèn người Dao Tiền còn gọi là “tẩu sai” hoặc “chiệp nhảy phing tăng”... sẽ cấp cho người đệ tử thụ pháp 12 đèn, 120 binh mã. Đây là cấp sắc cao nhất vì người được cấp đã trải qua một quá trình tự học, rèn luyện, thông thạo các nghi thức, thủ tục hành lễ cũng như các bài cúng ghi trong sách Nôm Dao.
Người được cấp sắc 12 đèn sẽ được cộng đồng trọng vọng nhất, sẽ trở thành "sư phụ", là thầy cúng cấp cao, đủ uy tín để đứng ra tổ chức các nghi lễ quan trọng cho bản làng. Nhưng số lần tổ chức lễ tẩu sai trong đời sống của người Dao Tiền không nhiều do tính phức tạp của nghi lễ, quá trình chuẩn bị lâu dài, điều kiện kinh tế… Do đó, có khi trong khoảng 30 năm mới tổ chức nghi lễ tẩu sai, thậm chí có thể lâu hơn. Chính vì những lý do nêu trên nên lễ tẩu sai người Dao Tiền luôn là một đại lễ quan trọng bậc nhất.
Để chuẩn bị cho lễ tẩu sai, trưởng họ sẽ chủ trì để bàn cùng với các hộ gia đình về việc chuẩn bị, khoảng thời gian tiến hành nghi lễ. Sau khi lựa chọn được khoảng thời gian dự kiến, trưởng họ sẽ cùng các bậc cao niên lựa chọn những người đàn ông trong họ đã trải qua lễ cấp sắc 3 đèn trên tinh thần tự nguyện để thụ lễ. Lựa chọn xong, các gia đình thụ lễ sẽ phải khẩn trương chuẩn bị quần áo, đồ dùng, học thêm chữ nghĩa tại các sách cúng… để sau này khi được cấp sắc sẽ đủ sự thông tuệ khi đã được phong làm đại pháp sư. Quá trình chuẩn bị này có thể kéo dài nửa năm đến 1 năm.
Lễ tẩu sai của dân tộc Dao Tiền được chia thành hai nghi lễ nhỏ: Sìn pè đàng và tẩu sai. Trong đó, “Sìn pè đàng” được tiến hành sau khi chuẩn bị xong các công việc, như: Quần áo mặc tại nghi lễ, rượu, gạo, rau cỏ, nhu yếu phẩm, hương, giấy bản để viết sớ… Đích thân trưởng họ sẽ đi đến nhà một ông thầy (thường là người ở ngoài dòng họ) để xem ngày tổ chức lễ. Lễ “Sìn pè đàng” thường được tổ chức trước ngày tổ chức lễ cấp sắc 12 đèn khoảng từ 1 - 3 tháng. Mục đích của lễ này là để thông báo tới Ngọc Hoàng, Tam Thanh, tổ tiên về việc dòng họ đã chuẩn bị xong các công việc cho đại lễ. Kể từ nay, toàn bộ dòng họ sẽ cùng khất nguyện, trai giới để đảm bảo sự thanh sạch cho toàn bộ các cá nhân, gia đình trước khi tiến hành đại lễ. Nghi lễ này thường được tiến hành trong thời gian 2 ngày 1 đêm, với sự tham gia của 3 thầy cúng.
Sau khi hoàn tất việc tổ chức lễ “Sìn pè đàng”, dòng họ sẽ bước vào quá trình trai giới, kiêng cữ… để chuẩn bị cho lễ tẩu sai. Thời gian giữa hai lễ này thường kéo dài trong khoảng từ 1 - 3 tháng, hãn hữu mới có trường hợp kéo dài hơn. Trong thời gian này, các hộ gia đình trong dòng họ phải khẩn trương thực hiện các công việc chuẩn bị quần áo cho nghi lễ, riêng cặp vợ chồng của người đệ tử thụ lễ sẽ phải chuẩn bị quần áo riêng, trang phục của người chồng có thêm mũ hình mào gà, váy choàng, thắt lưng ở hai đầu đính các dải tua rua, tựa như hình những chùm bông kê, trang phục của người vợ có thêm mũ quan; chuẩn bị tiền, gạo, rượu, rau xanh, hương, tiền giấy bản, giấy bản dùng để viết sớ, kiêng không được quan hệ nam nữ, vợ chồng trong thời gian chuẩn bị tiến hành lễ cấp sắc 12 đèn... Trong thời gian này, nếu chẳng may có tang, kể cả khi dòng họ đã tổ chức xong lễ “Sìn pè đàng” cũng phải dừng lại, chờ cho đến khi hết tang thì tổ chức lại.
Tại lễ tẩu sai sẽ có tới 14 thầy cúng để viết sớ, mỗi thầy khi đi hành lễ thường mang theo từ 1 - 3 người đệ tử giúp việc. Trong các loại sớ, quan trọng nhất là hai loại sớ: sớ dành cho cõi dương, sớ dành cho cõi âm. Cùng với việc viết sớ, ông thầy làm tiền giấy cũng được mời về nhà trưởng họ để thực hiện công việc. Thời gian tiến hành lễ tẩu sai thường kéo dài khoảng 3 - 5 đêm với nhiều thủ tục, lễ thức, như: Lễ dâng lợn cúng tổ tiên và thần thánh; cúng báo thổ công giúp quản lý các đồ vật và tiếp đón pháp sư, binh mã; lễ cúng báo tổ tiên, thần thánh về việc dòng họ bắt đầu thực hiện chay tịnh cho cấp sắc 12 đèn; lễ dẫn binh mã của đệ tử ra ngũ đài để tập nhảy múa; lễ cúng và nhảy múa chia vui với binh mã của các đệ tử và các linh hồn xấu số đã được chuộc về đoàn tụ cùng tổ tiên; lễ đưa các đệ tử đi qua sông suối và cúng cho các đệ tử hóa thân thành chim phượng bay lên ngũ đài; cấp ấn tín cho các đệ tử thụ lễ và cúng đưa các bà vợ của 14 đệ tử đi qua sông suối; cúng đón điều tốt cho vợ chồng các đệ tử, giao binh mã của từng đệ tử cho Ngọc Hoàng, báo cáo trời đất về đám tẩu sai đã hoàn thành…
Lễ tẩu sai của người Dao Tiền ngày nay vẫn được gìn giữ, bảo tồn nhưng đã có nhiều đổi mới tích cực, không còn nặng về lễ nghĩa hình thức như xưa: Thời gian hành lễ được rút ngắn xuống còn 2 - 3 ngày; chi phí cho lễ chỉ ở mức vừa đủ, đáp ứng yêu cầu cần thiết của việc hành lễ mà không gây lãng phí, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Quá trình tổ chức nghi lễ không còn quy định nghiêm ngặt, những người ngoài dòng họ đã được phép tham dự, quan sát… Bên cạnh đó, lễ cấp sắc còn được tổ chức để cầu an, cầu tài, cầu lộc cho gia đình, không còn nặng phân biệt đối xử giữa người được cấp sắc với người chưa được cấp sắc như trước kia.