Độc đáo tác phẩm Si đỏ Phượng Vũ của Nghệ nhân Vũ Trọng Khoái

Theo các tư liệu mà anh Vũ Trọng Khoái - Hội viên CLB Bonsai Kẻ Sặt (xã Thái Học, Bình Giang, Hải Dương) tìm hiểu, thì tác phẩm Si đỏ "Phượng Vũ" có nguồn gốc từ cụ Mai Thìn, sinh năm 1926 tại thôn Kim Trang Đông, xã Nam Sơn, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. 

cay11-1629430869.jpg

Chia sẻ về nguồn gốc ban đầu của tác phẩm nhiều nhân duyên nói trên, con trai trưởng của cụ Mai Thìn là anh Mai Đăng Khoa (hiện cũng ở thôn Kim Trang Đông, xã Nam Sơn, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) đã chia sẻ: "Cha tôi tham gia thiếu sinh quân từ nhỏ, lớn lên về công tác tại tỉnh đội Hải Dương. Năm 1965, cha tôi được người bác họ tặng cây si này. Với niềm yêu thích cây cảnh, cha tôi lên ý tưởng tạo tác cây si già này mang hình dáng chim Phượng Vũ (phượng đang múa) với ý nghĩa biểu thị cho sự hòa hợp âm dương Thiên - Địa - Nhân hợp nhất. Nó là biểu trưng cho vẻ đẹp Đức hạnh và Duyên dáng. Theo truyền thuyết sự xuất hiện của Phượng hoàng là báo hiệu điều lành, sự thịnh vượng, hòa bình và ấm no, hạnh phúc!".

cay0-1629431796.jpg

Sau hơn nửa đời người được gắn bó với tác phẩm tâm đắc, cụ Mai Thìn nhận thấy cần phải trao truyền lại tác phẩm cho người đủ nhân duyên, có lòng đam mê, khát khao sở hữu tác phẩm và có những am hiểu nhất định về văn hóa truyền thống, cũng như nghệ thuật tạo hình cây cảnh cây thế Việt Nam để phát triển, đến năm 2001, cụ đã trao lại tác phẩm cho thầy giáo Nguyễn Hữu Quý và ông Nguyễn Văn Vĩnh ở Ninh Giang (Hải Dương).

Tiếp đó, vào khoảng 2004, tác phẩm lại về nhà vườn của Nghệ nhân Phương Chính (Ninh Giang - Hải Dương), một người cũng rất tâm huyết đã góp phần chăm sóc cân chỉnh làm cho tác phẩm dần đẹp hơn. Gắn bó được 10 năm, mặc dù rất yêu quý tác phẩm nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, mà chủ nhân phải ngậm ngùi nhượng lại tác phẩm Si đỏ Phượng Vũ cho Nghệ nhân Nguyễn Đức Sang (Thanh Miện - Hải Dương), một người được đánh giá là hội tụ được nhiều yếu tố để giúp tác phẩm có điều kiện tỏa sáng. 

Tiếng lành đồn xa, vẻ đẹp của tác phẩm Si đỏ Phượng Vũ độc đáo được giới chơi cây cảnh nghệ thuật trong Nam ngoài Bắc biết tới. Ai ai cũng mong muốn khát khao được sở hữu. Chàng trai trẻ Vũ Trọng Khoái, - Hội viên CLB Bonsai Kẻ Sặt (xã Thái Học, Bình Giang, Hải Dương) vốn mang trong mình những hoài niệm về thu chơi thanh nhã của ông cha đã quyết vượt qua nhưng tay chơi có tiếng khác để sở hữu bằng được tác phẩm quý này. 

cay123-1629430228.jpgNghệ nhân Vũ Trọng Khoái bên tác phẩm Phượng Vũ

"Với mong muốn gìn giữ những nét văn hóa truyền thống độc đáo của ông cha trong lối chơi cây thế cổ, ngày 18/11/2014, tôi có duyên được sở hữu tác phẩm Si đỏ Phượng Vũ độc đáo trước sự ngỡ ngàng của bao người. Tôi thực sự bị hút hồn bởi tác phẩm này với 5 ý nghĩa  là Đức hạnh - Hạnh phúc - Duyên dáng - Thanh nhã mà bao thế hệ đã dày công sáng tạo ngọt 100 năm qua. Tác phẩm là nhân chứng lịch sử của bao nhiên biến thiên thăng trầm cùng thời cuộc để hội tụ trong nó bao lớp giá trị về văn hóa, nghệ thuật, giáo dục tư tưởng...", Nghệ nhân Vũ Trọng Khoái chia sẻ. 

Ngay khi, sở hữu được tác phẩm quý nêu trên, anh Khoái đã lần ngược lại hành trình của tác phẩm Si đỏ Phượng Vũ đã đi từ người tạo tác ban đầu cho đến khi về tay anh sở hữu. Khi về đến thôn Kim Trang Đông, xã Nam Sơn, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương thì được biết cụ đã mất. Gia đình cụ Mai Thì vô cùng cảm động về tác phẩm "gia bảo" của cha mình đã được nhiều nghệ nhân lưu giữ tạo tác trải qua 20 năm vẫn nhớ về người nghệ nhân già năm xưa.

Anh Mai Đăng Khoa, con trai cụ Mai Thìn không giấu nổi niềm xúc động tâm sự: "20 năm trước, anh đình tôi cũng ý thức được đây là một tác phẩm quý, đặc biệt nó là kỷ vật của người cha yêu dấu của mình tạo tác. Tuy nhiên, chúng tôi không am hiểu về cây cảnh sợ không chăm sóc tốt nhất được cho tác phẩm trường tồn cùng năm tháng, nên cha tôi quyết định tìm người đủ duyên đủ phúc và phẩm hạnh để trao gửi yêu tình cảm và đứa con tinh thần này. Tuy nhiên, gia đình chúng tôi vẫn cố giữ lại chiếc cối đá để trồng cây si bao năm làm kỷ vật. Nay được chứng kiến người có tâm phúc như anh Vũ Trọng Khoái, gia đình chúng tôi xin trao gửi lại chiếc chậu để anh Khoái lưu giữ cho trọn vẹn nghĩa tình". 

cay222-1629444374.jpgCác con và cháu cụ Mai Thìn thăm lại tác phẩm sau 20 năm

Chúng tôi đem câu chuyện ly kỳ về tác phẩm Si đỏ Phượng Vũ với hành trình "quý vật tìm quý nhân" như trên kể lại cho Nhà báo Quyết Tuấn với mong muốn nhận được sự phản hồi từ một người viết nhiều về đề tài Sinh Vật Cảnh trong 20 năm qua. Mới nghe qua câu chuyện, nhà báo đã bày tỏ sự trân trọng đối với những người đã trao truyền nối tiếp nhau gìn giữ một "báu vật xanh" của ông cha đã kết đọng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và thời đại. 

Nhà báo Quyết Tuấn cho rằng dù theo trường phái nào, muốn cho cây có bộ gốc rễ hấp dẫn, chi nhánh cân đối, có tư thế đạt đến nghệ thuật hoàn hảo thì đều phải cần đến đôi bàn tay tài hoa điêu luyện, óc tưởng tượng phong phú, khiếu thẩm mĩ và lòng kiên trì, sự nhẫn nại bền bỉ của nghệ nhân. Một cây cảnh đẹp rất chú trọng đến bộ gốc, rễ. Từ bộ gốc rễ hài hòa, cân đối có sẵn, người chơi cây cảnh sẽ gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình qua cách tự tạo ra các dáng thế cây.

Theo đó tác phẩm Phượng Vũ đã đạt được những yếu tố cơ bản của một tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đương đại hòa quyện với những niêm luật và lối chơi cây cổ của người Việt. Đó là sự hài hòa giữa ba yếu tố “phô thân, khoe lá, lộ căn” của tác phẩm tượng trưng cho “Thiên - Địa - Nhân hợp nhất”. Quan niệm về “phô thân” đòi hỏi đã là một cây cảnh nghệ thuật được mọi người trân quý phải có đủ “cốt cách” rõ ràng, hợp quy luật, tỷ lệ…thể hiện ở sự mạnh lạc trong đường chạy của thân chính, cành, chi, dăm, sự hài hòa với những tán lá xanh tươi luôn vươn lên trên để “khoe” sắc hương và một bộ rễ khỏe khoắn với mâm rễ “lộ căn” ụ nổi đầy đặn phân đều các hướng luôn có xu hướng phát triển xuống dưới, bám xâu vào lòng đất thể hiện sự vững chãi trường tồn. Tóm lại, tác phẩm trên đang trên đà hoàn thiện để đạt được 09 yếu tố của một tác phẩm nghệ thuật độc đáo: 

Phô thân – Khoe lá – Lộ căn

Cổ - Linh – Tinh – Tú – Kỹ dăm – Mịn tàn.

CHÍN YẾU TỐ CỦA MỘT CÂY CẢNH ĐẸP

Theo Nhà báo Quyết Tuấn, một tác phẩm cây cảnh đẹp cũng giống như bất kỳ một tác phẩm của các loại hình nghệ thuật khác. Việc đánh giá chúng rất khó có một khuôn mẫu, thang bậc đo đếm định lượng rõ ràng một cách tuyệt đối tượng. Tuy nhiên, về mặt tổng thể, những người chơi cây cảnh lâu năm đều thống nhất đánh giá một tác phẩm cây cảnh đẹp, vừa hài hòa giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, lại thống nhất trong đa dạng sự khác biệt của các trường phái cây cảnh nghệ thuật trong và ngoài nước được thể hiện trên một số tiêu chí cơ bản sau:

PHÔ THÂN: Là đường chạy của thân chính mạch lạc rõ ràng thể hiện được ngôn ngữ tạo hình và ý đồ của người tạo tác. Đây là yếu tố “thân pháp” được định hình rõ ở dáng thế cây là “Trực – Xiêu – Hoành – Huyền”, tùy thuộc vào góc độ của cây so với mặt đất. Đây cũng chính là yếu tố dễ quan sát và mang lại cảm xúc nhất đối với người thưởng lãm. Người cơi cây cảnh xưa và nay đều trọng đánh giá cây cảnh ở điểm này và coi đó là “thân thế”, “hồn cốt” của một tác phẩm.

KHOE LÁ: Điểm tô và tạo sức sống cho một tác phẩm cây cảnh nghệ thuật hoàn thiện không thể không bỏ qua đến yếu tố lá trong một cây cảnh. Thiết diện và sự phân bố của yếu tố lá góp phần quan trọng trong việc tôn hoặc hạ thấp giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Bộ lá của cây cảnh nghệ thuật phải đanh nhỏ, đồng đều và có màu sắc hài hòa với tổng thể tác phẩm mới “khoe” hết được vẻ đẹp thực sự của một tác phẩm.

LỘ CĂN: Một tác phẩm cây cảnh nghệ thuật được thu nhỏ ngoài thiên nhiên vào không gian sống do người tạo tác giới hạn theo ý chí chủ quan của mình bằng các thủ pháp nghệ thuật khác nhau, nhưng vẫn phải đảm bảo giữ được những đường nét như ngoài thiên nhiên. Đó là gốc bồ ngọn chỉ, tay cành tỷ lệ hài hòa, mâm rễ nở đều và “lộ căn” phù hợp với dáng thế cây là một yếu tố làm nên sự chỉnh thể của một tác phẩm có sức sống. Đây là yếu tố “gốc rễ” được ví như cội nguồn, tổ tông rất căn bản để gợi cảm về yếu tố không gian, thời gian hội tụ trong một tác phẩm.      

CỔ: Cổ lão tự nhiên do thời gian, tuổi tác làm cho gốc rễ, thân cành của cây cũng chùn ngắn lại, lá cũng thu nhỏ và dày hơn, toàn thân đanh lại, dáng vẻ phong sương cùng năm tháng. Cũng có thể do con người dùng kỹ thuật lão hóa tác động làm cây trở nên cổ.

LINH: Là cái thần thái biểu lộ cảm xúc, sự lôi cuốn, hấp dẫn; là sức mạnh, sức sống giữ vai trò chủ đạo ẩn chứa bên trong tác phẩm được biểu lộ ra bên ngoài thông qua các bộ phận, đường nét, màu da, sắc thái của cây mà qua đó con người có thế đọc được, hiểu được tình cảm, cảm nhận được ngôn ngữ biểu đạt của vật dù chúng có trìu tượng đến đâu.

TINH: Tinh xảo, tinh tường, tinh hoa...thể hiện sự khéo léo, chắt lọc đến tột cùng cả về mặt chất lẫn lượng, cả về nội dung lẫn hình thức, cả về ngôn ngữ tạo hình đến bố cục tác phẩm; là thông điệp văn hóa mà con người gửi gắm trong tác phẩm một cách kín đáo khéo léo...thể hiện sự thăng hoa trong cảm xúc kết hợp sự khéo léo tài tình trong thao tác kỹ thuật.

TÚ: Là sự quái kiệt thể hiện sự công phu, tài nghệ “xuất sắc” khác thường, vượt ra khỏi sự chân phương, khuân khổ vốn có của nó. Tú của cây cảnh nghệ thuật có thể là do con người dùng kỹ thuật tạo ra hoặc là do tác động của các yếu tố thiên nhiên và môi trường mà tự thân tạo ra.

KỸ DĂM: Do thời gian, cây đạt đến sự cổ lão đồng bộ từ những chiếc rễ nổi trên mặt đất đến thân, cành, nhánh và từng chiếc dăm đều có sự già nua đồng màu (màu thời gian). Cây trải qua bấm sửa nhiều lần nên các đốt của cành, nhánh, dăm đã thực sự chùn rụt ngắn lại. Kỹ dăm còn thể hiện sự công phu tỉ mỉ của người nghệ nhân qua năm tháng. Nên chỉ cần nhìn vào độ kỹ của dăm cũng đã đủ để đánh giá sự trân trọng của chủ nhân đối với tác phẩm.

MỊN TÀN: Tàn là độ xèo của cành, tán lá của cây được tạo hình thành những mảng khối tạo sự cân đối cho tác phẩm. Độ mịn của tàn chính là “y phục” điểm tô mang yếu tố chấm phá tạo những nét duyên dáng cho một tác phẩm.