Đọc thơ Nôm Nguyễn Trãi giải buồn !

Cái chỗ thiêng liêng ở trong con người, gọi là Linh đài. Sách Trang Tử, thiên “Canh Tang Sở” chỉ chỗ thiêng liêng ấy là Tâm, là Lòng, tức Linh đài. Ở chốn tùng lâm, nên cái tâm cái lòng mình nó trở nên thanh sạch, cao khiết, bụi trần không bén được!

bl2w-1629906161.jpgẢnh minh họa do tác giả tuyển chọn.

MẠN THUẬT (Bài 9)

Am quạnh thiêu hương đọc Ngũ Kinh,

Linh đài sạch một đường thanh.

Nhà còn thi lễ âu chi ngặt,

Đời bượp văn chương uổng mỗ danh.

Đầu tiếc đội mòn khăn Đỗ Phủ,

Tay còn lựa hái cúc Uyên Minh.

Chi là của tiêu ngày tháng?

Thơ một đôi thiên, rượu một bình.

Ở cái “am trúc am mây” nơi cửa sài, cho nên quạnh vắng (am quạnh). Làm bạn với chim kêu vượn hót, với tùng hạc, mai hoa, rồi thì đốt lò hương (thiêu hương) mà đọc Ngũ Kinh. Ngũ Kinh, tức là Kinh Dịch, Kinh Lễ, Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Xuân Thu. Đó chính là cái thú nhàn của nhà Nho ở chốn lâm tuyền. Thực ra, phải là Lục Kinh kia, nghĩa là còn có cả Kinh Nhạc, nhưng bị thất lạc, chỉ còn có Ngũ Kinh (Năm Kinh) thôi. Đối diện với Ngũ Kinh rồi, thì “Linh đài sạch một đường thanh”. Cái chỗ thiêng liêng ở trong con người, gọi là Linh đài. Sách Trang Tử, thiên “Canh Tang Sở” chỉ chỗ thiêng liêng ấy là Tâm, là Lòng, tức Linh đài. Ở chốn tùng lâm, nên cái tâm cái lòng mình nó trở nên thanh sạch, cao khiết, bụi trần không bén được! Đấy là ý chủ đạo, ý khái quát ở hai câu thơ mở đầu:

Am quạnh thiêu hương đọc Ngũ Kinh,

Linh đài sạch một đường thanh.

Lại nghĩ thêm rằng:

Nhà còn thi lễ âu chi ngặt?

Đời bượp văn chương uổng mấy danh!

Lo gì cái sự khó ngặt (âu chi ngặt), vì nếp nhà sẵn còn thi lễ, còn truyền thống thi thư lễ nghĩa, còn khuôn phép Nho gia, thì lo gì không có chỗ dùng? Nhưng chỉ tiếc rằng Đời bượp văn chương uổng mấy danh! Than thở mà tiếc rằng đời thiếu (bượp) văn chương, thì tài năng văn chương của mình thành ra vô dụng, không ai biết đến nữa. Còn nhớ xưa kia, vào thời loạn binh đao, văn chương (của ta) có sức mạnh hơn mười vạn quân (Phan Huy Chú). Ta “viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết mọi thời” (Lê Quý Đôn). Ta đánh vào lòng địch (công tâm), bằng chính thứ văn chương thần diệu của ta, khiến kẻ địch phải tan rã, rủ nhau lũ lượt ra hàng. Chả mất mũi tên hòn đạn nào, mà thu được 11 thành trì, trong số 14 thành trì giặc Minh đóng quân. Thế mà giờ đây, “Đời thiếu (bượp) văn chương”, nghĩa là văn chương không còn đắc dụng nữa, thành ra “Uổng mấy danh”, uổng phí cái công đèn sách của ta! Đúng ra, thời loạn dụng võ, thời bình dụng văn, nhưng sự thật thì ngược lại. Vậy thì thời thế này thành ra nhố nhăng tệ hại quá lắm rồi, nên tiếc là tiếc ở chỗ ấy đấy thôi!

Đầu tiếc đội mòn khăn Đỗ Phủ,

Tay còn lựa hái cúc Uyên Minh.

Lại còn tiếc rằng trên đầu đã “đội mòn khăn Đỗ Phủ” nữa. Đỗ Phủ đời Đường có câu thơ: “Nho quan đa ngộ nhân”, nghĩa là cái mũ cái khăn của nhà Nho, khiến cái thân vất vả, nên mới khổ. “Đầu đội mòn khăn Đỗ Phủ”, thì cái mũ cái khăn nhà Nho đã hành hạ ta quá lâu rồi, cả một đời đằng đẵng chứ chả ít đâu! Ngẫm lại, đó là một sự lầm lẫn đáng tiếc. “Đầu tiếc đội mòn khăn Đỗ Phủ” là thế. Nhưng nay thân ta còn đây, thì lọ là (sao lại) ở ẩn (hái cúc) như Uyên Minh (Đào Tiềm)? Ta chưa muốn, hoặc không muốn về ẩn cư hưởng lấy cảnh nhàn nhã một mình, trong khi đất nước đang cần đến ta, làm rường cột, làm “lương đống” cho giang sơn xã tắc? Thế mà đành phải về ẩn, hái cúc như Uyên Minh? Chẳng phải là điều chua xót lắm hay sao?

Ở cái am quạnh này, thì lấy cái gì, lấy cái chi “(Chi) là của tiêu ngày tháng”? Trả lời rằng: “Thơ một hai thiên, rượu một bình”! Chỉ còn biết lấy rượu và thơ làm thú tiêu khiển đấy thôi. Tưởng là vô bổ, nhưng lại là một sự may mắn cho người đời sau. Bởi nếu không có những áng thơ viết trong những ngày “vô công rồi nghề” của Tiên sinh, con cháu đời sau lấy gì mà thưởng lãm, lấy gì để tự hào, để đem ra mà khoe với năm châu bốn biển?...