Đói

Trong đại dịch Covid – 19 này thì có thể nói bất kỳ ở đâu trên đất nước này cũng có thể diễn ra những cảnh đói cấp bách vì giãn cách xã hội sản xuất, lưu thông đều bị đình trệ. Hơn lúc nào hết, lúc này đây ta lại phải áp dụng triệt để lời dậy của cha ông: “Lá lành đùm lá rách”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

doi-1625812311.jpg 

PHẦN 1: ĐÓI TRONG THỜI NIÊN THIẾU

    Đói bủn rủn chân tay, đói cồn cào ruột gan, đói mờ cả mắt, đói không buồn bước…! Đó là những cảm giác của đời tôi trong mỗi lần bị đói.

   Cho đến bây giờ ở cái tuổi 75 mà tôi vẫn nhớ đinh ninh cái cảm giác trận đói đầu đời của tôi cách nay 69 năm tròn. Thật đúng như câu ông bà mình thường nói: “Miếng ngon nhớ lâu điều đau nhớ đời”.

   Tôi vẫn nhớ đinh ninh rằng, cảm giác bị đói lần đầu tiên trong đời tôi là vào khoảng tháng 4 năm 1952. Từ những tháng đầu năm 1952, Trung đoàn 98 thuộc Sư đoàn 316 đã về đóng quân ở xã Chi Lăng và đã tổ chức một số trận đánh địch ở Phố Mới, Thiên Thai, Hồ…Bọn địch đã biết được nơi đóng quân của Trung đoàn 98 nên ngày đêm chúng câu pháo tới và dùng máy bay đến ném bom. Ngày nào xã Chi Lăng cũng có người dân thương vong vì bom đạn địch. Người dân Chi Lăng đã cùng bộ đội đào hầm hào, địa đạo, hầm chông…xây làng chiến đấu thật kiên cố. Lũy tre làm hàng rào của làng đến con chó không chui lọt. Bọn địch đã bao nhiều lần tổ chức lực lượng bộ binh có phi cơ và pháo binh yểm trợ liều mạng tấn công vào xã mà không thực hiện được. Cuối cùng đến ngày 14 tháng 4 năm 1952 địch dùng 2 binh đoàn cơ động số 3 và số 7 quyết tràn vào xã Chi Lăng. Sau gần một tháng cầm cự chiến đấu với lực lượng địch đông gấp bội, Trung 98 đã hy sinh trên 600 cán bộ chiến sĩ nên phải mở đường máu rút về huyện Yên Dũng. Những cán bộ, chiến sĩ ở lại làm nhiệm vụ nghi binh đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Có đồng chí cán bộ cấp cao đã tự sát để không rơi vào tay giặc. Khi địch tràn được vào các làng mạc của xã Chi Lăng cũng là lúc chúng thực hiện dã tân “đốt sạch, giết sạch”. Thời kỳ ấy toàn xã Chi Lăng có tới 80/100 là nhà tranh. Địch chỉ dùng một mồi lửa đốt 1 nhà là lửa lan ra cả xóm, cả làng. Nhà xây, lợp ngói, đình chùa thì chúng nổ mìn phá sạch. Chúng dùng “thuốn” đi xăm từng gốc cây, góc nhà để tìm hầm bí mật. Bắt được mấy người du kích trong hầm bí mật chúng treo chân họ ngược lên cây thị, cây mít…rồi “cắt tiết”, máu các liệt sĩ chảy lênh láng khắp khu hành quyết. Chúng bắt đàn ông đưa đi đâu không rõ và xua đàn bà trẻ con ra khỏi làng không sót 1 người. Trâu bò, lợn gà chúng giết sạch không còn một con. Bao phủ lên xóm làng là khói đốt nhà và mùi hôi thối.

   Sau ngày 22 tháng 4 năm 1952, bọn địch rút đi thì người dân mới trở về làng. Việc đầu tiên là mọi người tập trung đi chôn các liệt sĩ và người dân bị địch giết hại và hàng trăm xác giặc đang phân hủy. Sau đó là mọi nhà làm tạm túp lều để che mưa nắng. Cũng chính những ngày này đã tạo ra trận đói khắp làng, khắp xã Chi Lăng và tạo ra trận đói đầu đời của tôi. Tôi còn nhớ đinh ninh là trước ngày địch càn vào làng, thầy tôi và cậu Thự đã đào một căn hầm to ở giữa nhà để đưa bồ thóc xuống hầm đề phòng địch đốt nhà, nhưng khi chạy loạn về bới đống tro tàn ra thì bồ thóc cũng bị cháy, hạt thì đen thui, hạt thì vàng như nghệ. Khi dùng cối xay xát vỏ trấu ra thì hạt gạo chỉ là cục than hoặc cục nửa đen nửa vàng. Khi ăn miếng cơn vào miệng chỉ thấy cảm giác đắng ngắt và khét lẹt, khó lắm mới nuốt được qua cổ họng. Ngoài gạo cháy ra thì không còn một thứ gì để đút vào miệng. Tôi chưa đủ không để biết rằng tại sao mình bị đói nên chỉ lấy việc khóc làm đầu. Tôi khóc ngày khóc đêm, khóc đến hết nước mắt, khóc đến khản cổ vì đói. Khóc từ tay mẹ sang tay chị tôi rồi lại sang tay bà ngoại và cuối cùng là sang tay thầy tôi mà vẫn chưa nguôi cơn đói. Có lẽ những ngày này thầy tôi là người bế tôi nhiều nhất, bởi vậy nên tôi đã nhớ những kỷ niệm về Người ở cái tuổi lên 6 qua việc thầy tôi dỗ dành cho tôi quên cơn đói. Tháng 7 năm 1952 thì thầy tôi qua đời (tôi đoán thầy chết có một phần nguyên nhân là do đói).

     Sau ngày bố tôi qua đời, mẹ tôi dắt 3 con lên làng Mao Dộc ở với dì tôi để chú dì bao bọc. Đầu năm 1955,khi đất nước có hòa bình mẹ tôi mới dắt 3 chị em tôi từ làng Mao Dộc đi tắt qua cánh đồng Trúc Ổ để về làng Đức (nơi chôn nhau cắt rốn của tôi). Gia tài duy nhất của mẹ con tôi lúc này là một miếng đất chừng 300 mét vuông mọc đầy cỏ dại và một chiếc lu bị giặc pháp đập vỡ phần trên, còn phần dưới vẫn đựng đầy nước mưa cho loăng quăng sống từng đàn. Dưới lớp cỏ hoang là cái nền nhà chứa đầy tro than đang tan rã. Tôi và mẹ lụi hụi nhổ cỏ để hiện ra cái nền nhà chừng 30 mét vuông, chị tôi thì theo người lớn ra bãi sông Đuống để chặt sậy về thưng vách nhà. Cậu Thự chú Tỷ thì giúp chặt tre của nhà để dựng cho chúng tôi căn nhà 1 gian 2 chái, mái lợp rạ, tường thưng bằng vách đất. Từ năm 1964 tôi đã phải rời khỏi nhà để đi học và đi bộ đội. Tôi không thể ngờ được rằng căn nhà 1 gian 2 chái dựng từ năm 1955 qua ba bốn lần bị đổ vì bão lụt phải dựng lại mà mẹ tôi phải sống tại căn nhà này tới cuối năm 1975.

    Dựng được căn nhà 1 gian 2 chái là một hạnh phúc rất lớn đối với gia đình tôi sau bao nhiêu năm phải đi tản cư ở nhờ hết nhà này đến nhà khác tại vùng địch chiếm đóng. Tôi cứ tiếc nếu ngày đó tôi chụp được tấm ảnh ngôi nhà làm kỷ niệm thì bây giờ quý biết bao. Ngày đó sau hòa bình ở quê tôi nhà nào khá giả lắm mới làm được căn nhà 3 gian hai trái bằng tre nứa và lợp rạ.

    Nhưng cũng chỉ đến tháng 7 năm 1955 thình lình có một cơn bão ập tới. Trước khi cơn bão ập vào làng, mẹ tôi đã gánh một gánh gồm thúng, rổ, rá đi chợ Phủ bán lấy tiền đong gạo (quê tôi có nghề đan mây tre). Chợ Phủ cách nhà tôi 7 kg và cách nhà dì Hoan 3 km. Vì mưa bão nên mẹ tôi không bán được hàng, mẹ liền nghĩ ra cách quẩy cả gánh thúng về nhà dì tôi xem có xin được thứ gì ăn không. Mẹ gánh thúng đi bộ trong mưa bão 3 km thì tới nhà dì. Hai chị em ôm nhau khóc một hồi. Cũng may lúc đó chú (chồng dì) vừa đi nhận 10 chầng khoai sọ do đội cải cách vừa thu của địa chủ về phân phát cho nông dân. Dì vừa nói vừa nhét những chầng khoai vào chiếc bị cói cho mẹ tôi.

   - Nhà em đông các cháu thì để lại 7 chầng, chị mang 3 chầng về luộc cho các cháu ăn ngay nhé. Nhịn từ hôm qua tới giờ chắc chúng đói lắm rồi.

   - Cảm ơn chú dì, tôi xin khoai về kẻo tối.

   Mẹ tôi bỏ gánh thúng tại nhà dì rồi khoác bị khoai ra về. Vì như thường lệ mẹ đi ra hướng cây gạo đầu làng rồi đi tắt đường bờ ruộng cho nhanh. Nào ngờ hôm nay mưa bão cả cánh đồng liên xã rộng hàng chục km vuông đều chìm trong nước như biển cả. Mặc sóng xô, mưa gió quất vào mặt, mẹ cứ nhằm thẳng cây gạo Tập Ninh và hình bóng hàng tre lờ mờ của làng Đức mà hướng tới. Cả cánh đồng mênh mông như thế, có nơi là gò mả, có nơi là đường mòn, có nơi là hồ nước, hố bom…nhưng bây giờ tất cả chỉ là nước, là sóng. Mẹ cứ lần mò dò dẫm lần từng bước một. Ngã rồi lại dậy, uống nước rồi lại nhổ ra, quyết giữ cái bị có 3 chầng khoai, với mẹ lúc này khoai còn quý hơn cả vàng ngọc.

   Trong lúc mẹ tôi đang bơi bải trên bể nước mênh mông, chống chọi với tử thần thì ở quê mưa bão đã xô cái nhà của chúng tôi đổ sập. Cũng may mà nhà chỉ đổ phần cột, còn phần kèo và phần mái nhà thì chỉ bị xô sang một bên rồi úp xụp suống nền đất như một cái nón úp xuống đất vậy. Thế là từ khi nhà đổ, 3 chị em tôi chẳng khác nào những con chim non nằm trong cái tổ chim chờ mẹ tha mồi về. Trong mưa bão cậu Thự mặc áo tơi đội nón lá bương đến cho chúng tôi một bát cơn độn xanh rau má. Cậu phải vạch một khoảng rạ lợp nhà mới nhìn thấy chúng tôi.  Cậu nói: “Các cháu ăn đỡ đi chờ mẹ về, đừng khóc nữa”. Ba chị em ăn một bát cơm trộn rau má chẳng thấm tháp gì. Chị Đích đánh bạo nói:

   - Các em chịu khó ở nhà để chị liều ra đường xem có xét được quả bưởi quả hồng nào rụng không?

   - Ứ, chị cho em đi với.

   - Không được, em phải ở nhà với thằng Nhất kẻo nó sợ (không hiểu sao ngày xưa chú em bé nhất nhà mà thầy mẹ tôi lại đặt tên cho chú là Nhất)

   Chỉ chưa đầy 30 phút sau thì chị Đích về. Chị ôm về tới mấy quả bưởi và một lô hồng xanh.

   - Trời ơi, bưởi và hồng nhà bà Bách rụng đầy vườn, chỉ tiếc là còn xanh quá. Còn măng tre gẫy  thì bụi tre nào cũng có.

   Tôi tỏ ra thành thạo lấy dao ra gọt bưởi rồi lại gọt hồng. Bưởi thì đắng ngắt mà hồng thì chat sít. Nhưng khi đã đói thì cái gì cho vào bụng chẳng được. Tôi vừa ăn bưởi ngấu nghiến vừa nói với chị.

   - Bây giờ thì chị ở nhà với thằng Nhất, để em đi lượm măng về mình luộc ăn. Mọi lần mẹ vẫn kho cá với măng cho mình ăn mà.

   Tôi cũng chỉ ra đường khoảng 15 phút đã lôi về 3 ngọn măng vừa to vừa dài do bão quật gẫy. Cả tôi và chị Đích cùng ra sức bóc áo măng và cắt măng ra thành từng khúc cho vào nồi luộc. Chẳng bao lâu chúng tôi đã có một rổ măng tre luộc vàng ươm chấm với muối, ăn vừa the vừa dòn ngọt. Và chỉ nửa tiếng sau (các bạn thử tưởng tượng xem). Cái thứ hồng xanh, bưởi non và măng tươi trộn lẫn trong dạ dày tôi chúng quần nhau thế nào? Hậu quả là cả 3 chị em tôi ôm bụng đau quằn quại. Thương nhất là thằng Nhất, nó khóc gào to nhất và cũng nôn mửa ra nhiều nhất.

  - U ơi! U ở đâu về với con, con đau bụng lắm!

  Tôi nôn hết bưởi, hồng, măng rồi nôn ra mật xanh mật vàng và thiếp đi lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy thì thấy mẹ tôi đã về, quần áo ướt như chuột lột.

   - Ới các con ơi!, Mẹ tưởng không về được với các con nữa. 

    Và thế là bốn mẹ con tôi cứ ôm lấy nhau mà khóc, trong lúc trời vẫn đổ mưa rào hết đợt này đến đợt khác. Biết cái bụng các con nó cần đồ ăn hơn là việc ngồi khóc, mẹ tôi vội lấy khoai mang ra gần cái chum vỡ múc nước mưa rửa khoai rồi đổ vào nồi luộc . Cái chum bây giờ chẳng những đầy nước mưa mà còn đầy lá tre, lá xoan rụng. Từ trận bão tháng 7 năm 1955 đến nay đã tròn 66 năm trôi qua mà hôm nay tôi vẫn nhớ hình ảnh bát cơn rau má do cậu Thự vượt mưa bão mang từ nhà cậu đến cho chúng tôi ăn và hình ảnh 3 chầng khoai sọ chú Xích và dì Hoan cho chúng tôi luộc trong cơn bão. Thật đúng như câu các cụ nói “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Cậu ơi! Chú ơi! Dì ơi! Suốt cuộc đời này chúng con đội ơn cậu, chú, dì.

   Vụ đói năm 1956 thì chẳng riêng gì nhà tôi hay xã của tôi mà chắc là nó lan ra nhiều vùng lắm. Ngày đó ở quê tôi mới cải cách ruộng đất xong. Bà con nông dân được giảm tô, được chia ruộng cày cấy, cố nông được chia thóc tịch thu của địa chủ cường hào. Nông dân phần lớn mới được chia ruộng nên không có trâu bò cày. Một con trâu có khi phải cày bừa suốt ngày tại cánh đồng chiêm nước ngập ngang bụng giữa ngày đông tháng giá nên trâu chết hàng loạt. Nhiều nông dân phải đi cuốc đất hoặc kéo cày thay trâu. Tháng 3 năm ấy đã đói vàng mắt rồi. Thằng Hoài là cháu con ông anh họ tôi, nó kém tôi có 2 tuổi nên hai cậu cháu chơi với nhau rất thân. Mới năm ngoái hai cậu cháu còn chia nhau từng củ khoai và thường chơi đánh khăng ở bờ đê sông Đuống. Từ ngày cải cách bố nó bị quy là thành phần địa chủ nên bây giờ cứ nhìn thấy tôi chơi với Hoài thì bọn trẻ choai choai lại la lên.

   - Ê ê chơi với con địa chủ.

   Thế là từ đó tôi không dám đi gần Hoài nữa. Tôi và đám trẻ trong xóm thường rủ nhau đem cái giỏ và một dụng cụ bằng sắt (tựa như cái bay của thợ xây bây giờ) để đi đào cây rau má. Cũng thật kỳ lạ, ngày đó sao quê tôi rau má mọc nhiều đến thế. Rau má mọc từ chân bụi tre đến bờ ruộng lúa, mọc lẫn trong bãi tha ma với nhiều loại cây cỏ khác, mọc trên sườn đê sông Đuống lẫn với cỏ may, cỏ chỉ. Người đi lượm rau má có 3 cách. Cách thứ nhất lấy cuốc rẫy cả rau lẫn cỏ, cách thứ hai lấy liềm rẫy cả rau lẫn cỏ rồi lựa cỏ ra chọn lấy rau. Cả hai cách làm trên thì đều nhanh nhưng không lấy được cả củ cây rau má. Tôi và các bạn chọn cách thứ ba tức là lấy cái bay đào từng cây rau má một. Làm cách này chúng tôi thu được cả cây rau má từ củ đến thân và lá rau. Củ rau má nấu trộn với cơm ăn rất bùi. Tôi biết rằng hằng ngày người ở các nơi đổ về con đê và bãi tha ma làng Đức rẫy rau má nhiều lắm. Mà đói đâu chỉ có ăn rau má. Tôi thấy nhiều nhà còn ăn cả củ chuối, rau muống bè và thân cây đu đủ thái phơi khô trộn với gạo nấu cơm. Các thực phẩm chống đói kể trên tôi cũng lần lượt ăn thử và hiểu rằng nó thua rau má xa. Chẳng thế mà mẹ tôi thường nói “Đói thì ăn rau má, đừng ăn quấy ăn quá mà chết”. Nhưng chỉ có rau má, rau muống, củ chuối thì mọc sao kịp để cung cấp cho hàng vạn con người đang bị đói hàng ngày hàng giờ. Những ruộng khoai lang mới trồng vươn được vài gang tay đã có người vặt trộm, những luống rau su hào củ mới bằng ngón chân cái đã biến mất. Mẹ tôi trồng được mấy luống khoai tây củ chắc mới bằng hòn bi đã bị đứa cháu ra đào trộm. Tệ hơi nữa nó vừa được ăn khoai lại vừa đi khoe với bạn bè “Hôm qua tao đào trộm của nhà cô tao cả rổ khoai chớ không thì hôm nay chết đói rồi. thật đúng là “Bần cùng sinh đạo tặc”, “đói ăn vụng, túng làm càn” chẳng sai.

    Cũng may là ngày ấy Đảng và Nhà nước nhanh chóng phát hiện ra những cái sai trong cải cách ruộng đất nên nhanh chóng sửa sai.  Bố thằng Hoài được hạ xuống thành phần Trung nông và tôi với nó lại được cùng nhau đi đào rau má. Rất tiếc là Hoài đi bộ đội sau tôi nhưng lại hy sinh ở chiến trường Liên khu 5.

     Vụ đói ở quê tôi năm 1957 không chỉ diễn ra trong tháng 3 mà còn kéo dài tới tháng 9 nữa. Bởi vụ chiêm năm ấy trời hạn hán. Cây lúa cấy đến tháng 3 đang thì con gái xanh non mơn mởn thì trời hạn hán, nắng như thiêu như đốt. Những chân ruộng cao thiếu nước đất nứt toác, cây lúa héo rồi chết khô dần. Chỉ những ruộng dưới thấp còn bùn ẩm thì có khi lúa không trổ đòng hoặc là không tạo thành bông lúa được. Hiếm lắm mới có bông lúa vừa có hạt mẩy vừa ra những hạt lép hoặc trổ cờ trắng xóa. Trông chờ vào vụ thu tháng 5 không được gì, người dân quê tôi lại ôm bụng đói tới vụ thu tháng 10 năm ấy.

   Sau trận đói năm 1957 thì đến vụ lụt do vỡ đê Mai Lâm năm 1958. Năm ấy tôi đã tròn 12 tuổi nên cũng phân biệt được sự khác nhau giữa đói do thiếu gạo bình thường với nạn đói trong hoàn cảnh lũ lụt. Cũng may mà đoạn đê vỡ cách làng tôi theo đường chim bay vài chục cây số nên khi được báo động vỡ đê thì dân làng chạy được hầu hết của cải, thóc lúa, trâu bò, lợn lên mặt đê sông Đuống. Chỉ có mấy con gà con vịt thả ra thì không bắt đem theo ngay được. Mực nước cứ lên một cách từ từ, trước tiên là tràn vào các đường đi trong làng xóm. Sau lên tới sân vườn rồi tràn vào trong nhà. Cứ thế sau một ngày một đêm nước lên tới chớm mái tranh nhà tôi thì dừng lại không lên nữa. Đêm đến nhà nào có gà vịt thì mò về bắt gà đang leo đậu trên các cành cây hoặc đậu trên nóc nhà. Vụ lụt tuy không có thiệt hại gì về người nhưng nó lại làm mất gần như hoàn toàn nguồn sống của người dân. Toàn bộ vụ lúa mùa năm ấy đang thời con gái bị nhấn chìm trong nước. Các hồ ao nuôi cá bị hòa trong biển nước mên mông. Những cây trồng lâu năm như bưởi, nhãn, hồng…cũng chết dần. Vườn chuối, đu đủ, và các loại cây ngắn ngày cũng bị thối ủng. Rau má cũng chỉ còn lác đác trên sườn đê vài cụm. Đến dàn rau muống bè cũng bị nước cuốn trôi. Người dân chỉ còn cách vay lẫn của nhau mấy lon gạo của vụ tháng 5 để nấu cháo ăn qua ngày. Có thể nói đây là trận đói dai dẳng nhất và khủng khiếp nhất của quãng đời niên thiếu của tôi. Và đây cũng là lần duy nhất trong đời tôi được chứng kiến cả hàng vạn con người làm lều chen chúc nhau ăn ở, sinh hoạt trên mặt đê sông Đuống để tránh lụt. Tình làng nghĩa xóm trong những lúc lâm nguy thật quý hóa vô cùng. Trong những ngày chạy lụt ở trên mặt đê, tôi được bác Thể ( anh bố tôi) kể khá tỷ mỷ về nạn đói năm 1945 làm cả dân tộc ta chết đói tới trên 2 triệu người. Ngày đó bọn Phát xít Nhật vô cùng giã man. Dân ta đang đói mà chúng lấy thóc đót lò và đốt máy tàu hỏa thay than. Dân ta vừa chết đói vừa chết vì dịch tả. Đầu đường, bến xe, xó chợ, cách đồng, hầm mỏ…đâu đâu cũng có người chết đói. Chính bố tôi khi bò ra ruộng khoai lang ngắt lá khoai ăn cũng đói lả tại ruộng, may mà bác tôi phát hiện đưa về cứu sống. Tôi cứ ngồi trầm tư suy nghĩ mãi và bỗng nghĩ rằng năm 1945 chính là năm mẹ đầu thai tôi, nghĩa là tôi đã bị đói từ khi còn nằm trong bụng mẹ!

doi-3-1625812318.jpgTác giả, vợ chồng Tuyến Tuấn và hai cháu 

PHẦN 2: ĐÓI TRONG THỜI CHINH CHIẾN

    - Chúng mày đi đi, tao đành chết ở đây chớ không bước nổi rồi. Đói quá cha mẹ ơi!

   Đó là lời của thằng Thân thốt ra hai ba lần rồi. Mồm nó nói vậy nhưng chân nó vẫn bước theo đội hình hành quân của Trung đoàn. Nhưng có lẽ lần này thì nó “gục” thật rồi. Tôi biết thâm tâm nó cắn rứt lắm, nó đâu có muốn xa rời anh em đồng đội nửa bước. Đã đi cuốc bộ cả gần ngàn cây số vượt bao mưa bom bão đạn mới vào được cửa ngõ chiến trường, những thằng có tư tưởng “B quay” thì nó quay đầu lâu rồi. Thân là một Đoàn viên hăng hái, tích cực, xông xáo, việc gì cũng xung phong làm, cũng đầu tầu gương mẫu. Thế mà bây giờ chỉ vì cái bụng đói quá mà nó phải kêu lên “bước không nổi rồi”. Ôi! Đâu phải chỉ có mình nó đói!. Cả một Trung đoàn bộ binh hành quân bộ, trèo đèo lội suối hàng tháng trời mới vào tới chiến trường. Vừa tới vị trí tập kết thì số lương thực đeo trên vai của từng người lính cũng cạn kiệt. Tuyến đường 7 vận chuyển lương thực, đạn dược bằng xe cơ giới vào cánh đồng Chum bị địch nống ra chặn thành hai ba đoạn. Các kho dự trữ lương thực của Mặt trận cũng cạn kiệt. Số gạo do dân công và thanh niên xung phong thồ trên vai không đủ cung cấp cho thương binh ở các trạm phẫu thuật. Cả một Trung đoàn trên 2000 quân lính chưa chắc đã còn tới 2 tạ gạo. Đói mà cứ âm ỉ chịu đựng thì cũng dịu cơn đói, đằng này thằng Thân và mấy thằng rộng miệng cứ kêu lên như quạ: Đói! Đói! Thì cơn đói lại như những mũi kim xuyên vào dạ dày. Tôi bước lảo đảo, mắt hoa lên rồi bất tỉnh ngay trên đường hành quân. Cả đại đội phải dừng lại củng cố tư tưởng cho từng người. Anh nuôi nhanh chóng thu hồi những bao gạo cuối cùng nấu cháo cho anh em ăn khẩn cấp. Vậy mà sau cái ngày phải dừng lại ăn cháo lấy lại sức, toàn đại đội phải hành quân tiếp 2 ngày nữa mới tới địa điểm tập kết mà cả đơn vị không tụt hậu thằng nào.

      "Đói bụng thì đầu gối phải bò". Tôi rủ cậu Kình bỏ tư trang ra, đeo chiếc ba lô không, lần vào một bản bị bom đánh tàn phá, dân bản đã bỏ đi hết từ bao giờ. Tìm mãi chẳng có thứ gì ăn được, chúng tôi đành ra vườn, kiếm cây đu đủ vặt được mấy quả non, to bàng nắm tay. Chao ôi! Đói mà ăn đu đủ xanh thì không khác nào tự sát. Ruột gan cồn lên đau đến tưởng chết tại gốc cây không còn bò được về đơn vị nữa. May sao chúng tôi lần ra được vườn mía đã bị chặt hết những cây to, chỉ còn lại những cây non mới có vài gióng. Vậy là cũng sáng mắt lại rồi. Vừa ăn mía tôi vừa quan sát thấy một đám đất mới được đùn lên.

     - A, tổ chuột Kình ơi!

     - Để yên đấy, vào nhà dân tìm cái cuốc mau!

     Khi tìm được cuốc ra rồi, nhìn đám đất chuột đùn to tướng ở gần bụi cây, tôi ái ngại:

     - Nó đùn ra nhiều đất thế này chắc là hang sâu lắm, đào làm sao được. Hơn nữa liệu nó còn ở trong hang không? Hoặc có chuột mà đào, thấy động nó cũng chạy mất.

    - Cậu chưa đào đã nản chí, cậu ra canh để tớ đào.

      Kinh cầm cuốc đào hùng hục một thôi dài, phá tan cả bụi cây gai rậm rạp. Tôi thay Kình đào được mươi phút đã mệt nhoài. Kình động viên:

     - Bây giờ gần tới nơi rồi, cậu chịu khó đào thêm để nó chạy ra thì tớ vồ.

Tôi mệt quá đành nói bừa:

    - Cậu đào đi, nếu nó có chạy ra tớ nhất định sẽ chộp được.

     Kình vừa cầm cuốc, cuốc được mấy nhát thì con chuột to bằng cổ chân chui ra khỏi hang, nhảy chồm chồm qua mặt tôi, rúc vào bụi cây rậm rạp. Kình quẳng vội cây cuốc, chạy đuổi theo con chuột không được liền dồn hết bực tức vào tôi:

     - Tao đã bảo phải cẩn thận mà mày chậm chạp quá!

    Như người kiệt sức, Kình ngã ngồi xuống, thở dốc. Tôi vừa đau, vừa nuối tiếc, vừa ân hận…

      Càng ngày chiến trường càng tiến vào sâu, việc vận chuyển lương thực, đạn dược, thuốc men càng trở nên khó khăn. Tuyến đường vận tải bộ băng rừng, lâu ngày bọn địch cũng đã đánh hơi thấy. Máy bay địch quần thảo ném bom. Bọn biệt kích thường lẻn ra đường cài mìn hoặc phục kích bắn một phát đạn B40 rồi biến vào rừng. Bộ đội, dân công bị thương do mìn cài hoặc địch phục kích cũng lên đến hàng chục. Đại đội tôi chưa đánh đấm gì mà Chính trị viên Phong và lien lạc      Ngưỡng đã hy sinh do vấp phải mìn địch cài.

    Ta đã đánh được một số chốt địch ven đường số 7 nhưng thương vong khá nhiều. Khổ nhất là những ca thương binh nặng không kịp đưa về hậu phương. Hàng chục xe tải lợi dụng đêm tối chở gạo, đạn vào Cánh Đồng Chum nhưng may lắm được một, hai chiếc chạy thoát.

    Không có gạo cho bộ đội ăn, không đủ thuốc và bông băng chữa cho thương binh và không đủ đạn đánh địch, Trung đoàn 165 rơi vào thế bí. Cùng lúc đó thì có tin của tổ trinh sát Trung đoàn báo về: “Ở khu vực gần bản Thẳm có một số nương rẫy của dân trồng bí đỏ, do dân chạy giặc nên không kịp thu hoạch”. Thông tin trên được cân nhắc và ngay trong đêm Trung đoàn đã kịp thời báo lên Mặt trận Cánh Đồng Chum, Mặt trận đã báo lên Trung ương Cách mạng Lào và được các bạn cho Trung đoàn tạm thu bí của dân để cứu đói.

    Tôi đến một nương bí rộng chừng 4 héc ta, có độ dốc khá lớn. Bí có quả nặng hàng chục kg nằm như lợn con khắp các nương rẫy của đồng bào. Những dây bí còn sống thì cố níu lấy quả, những dây bí đã chết thì quả tự lăn xuống lòng suối cạn. Theo lệnh của Trung đoàn, trung đội tôi dùng ba lô và bao tải gạo gánh bí về nộp cho Hậu cần Trung đoàn để phân phát cho các đơn vị trực chiến. Chỉ trong vòng một tuần chúng tôi đã vận chuyển hàng chục tấn bí đỏ để cứu đói cho bộ đội. Những ngày đó chỉ thương binh mới được ăn 5 lạng gạo một ngày. Còn chúng tôi hầu như phải ăn cháo bí ngô trừ bữa. Ăn bí ngô trừ bữa thì đường ruột “thông thoáng” nhưng ăn đến ngày thứ 3 thì xót ruột vô cùng. Có một giai thoại rằng: Thủ trưởng Trung đoàn ngày đó là đồng chí Nguyễn Chuông, khi lên báo cáo tại Hội nghị Tổng kết của Chiến dịch Cánh Đồng Chum năm 1969, ông đã nói: “Nhờ có bí đỏ mà Trung đoàn tôi đỡ bí”.

     Việc ăn bí đỏ cũng chỉ diễn ra vài tuần, đây đó lúc này lại xuất hiện những cánh đồng lúa của dân đang độ chín vàng mà không có người thu hoạch. Ngay lập tức lại có báo cáo lên cấp trên và được câu trả lời: “Đồng ý cho bộ đội thu hoạch lúa của dân bằng cách hoán đổi kho gạo của binh trạm ở Mường Xén phát cho dân Lào đang chạy loạn sang huyện Con Cuông.

    Vậy là, trừ những đơn vị thường trực chiến đấu, còn lại tất cả cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn đều được huy động tập trung đi kiếm lương thực bằng cách lấy đôi tất chân xỏ vào hai bàn tay, đeo ba lô ra trước ngực rồi đêm đến mò ra cánh đồng tuốt lúa bỏ vào ba lô. Các cán bộ Trung đoàn như Thủ trưởng Nguyễn Chuông, Nguyễn Xuyên, Đỗ Trường Quân, Đỗ Phú Vàng, Hà Kiểng, Nguyễn Kiệm, Trần Lạc, Nguyễn Đa… cũng thường xuyên quan tâm chỉ huy bộ đội ra các cánh đồng để tuốt lúa. Xa quê lâu ngày, phần đông chiến sỹ đều là dân quê, gắn bó với đồng đất, với mùi lúa chín khi vào vụ ngay từ thủa lọt lòng nên những lần đi tuốt lúa như vậy trong mỗi người chúng tôi lại nôn nao dấy lên nỗi nhớ quê hương miền Bắc, nhớ cha mẹ, bạn bè… Nhưng khác với những lần ra với đồng bãi xưa, ở đây là chiến trường. Bọn địch đã đánh hơi thấy việc chúng tôi ban đêm đi tuốt lúa trên đồng. Chúng tăng cường bắn pháo xuống các cánh đồng lúa làm anh em thương vong một số. Đồng chí Đỗ Phú Vàng lúc đó là Trung đoàn Phó kiêm Tham mưu Trưởng Trung đoàn bị thương do đạn pháo địch khi đang chỉ huy bộ đội tuốt lúa. (Các cán bộ Trung đoàn thời ấy, sau này hầu hết là những vị Tướng chỉ huy xuất sắc ở các cấp Quân đoàn, Quân khu và Bộ Quốc phòng) Thường thì chúng tôi đi tuốt lúa từ 6 giờ tối đến 2, 3 giờ đêm mới về. Sáng sớm lại lo dùng nồi quân dụng rang thóc cho khô rồi cho vào chiếc mũ sắt và lấy một đoạn cây rừng làm chày giã thóc như giã cua vậy. Nhanh chóng, bộ độ ta lại ra rừng chặt tre, đan thành những chiếc sàng và chiếc nia để sàng sẩy gạo. Rất hay là ngày đó cả Sư đoàn 312 trước khi đi chiến đấu đã được Bộ Quốc phòng trang bị mũ sắt Liên Xô cho từng người lính đến vị Sư đoàn Trưởng, nên bây giờ mới có thứ làm cối để giã gạo. Địch càng ngày càng oanh tạc dữ. Hết pháo kích, chúng còn rải bom Napan để đốt cháy những cánh đồng lúa dù nhỏ nhất. Bộ đội chỉ còn cách ngồi trên những đỉnh núi cao nhìn những cánh đồng lúa chín vàng đang bị đốt cháy thành tro đen bay mù mịt.

     Đang lúc khó khăn thì bộ đội Pa Thét Lào và đoàn dân công hỏa tuyến Lào (chúng tôi quen nhau từ hồi đầu chiến dịch) lại xuất hiện. Tôi lại được gặp em Bố Hụ và được em dẫn tới các bản xa để tìm nương lúa và các vườn rau dân bỏ lại. Không hiểu ở cái xứ rừng núi âm u này mà em kiếm đâu ra những thứ xà phòng và nước hoa thượng hạng. Dù đi vận tải đường dài hay dẫn bộ đội vào các bản, Bố Hụ cũng sực nước hoa thơm lừng. Chỉ nghe mùi nước hoa hay mùi xà phòng Camay là chúng tôi đoán Bố Hụ đã xuất hiện. Em tỏ ra thân thiết và gần gũi với tất cả mọi người nên được cả Trung đội tôi đều quý mến và coi em như em út trong nhà. Nhờ có Bố Hụ chỉ nên Trung đội lính trinh sát đã khiêng được một chiếc cần cối giã gạo của dân đang bỏ không, về đơn vị. Ngay lập tức cối được dùng đêm ngày mà vẫn có đơn vị chưa đến lượt được sử dụng.

       Trung đoàn quy định: Đơn vị nào trực tiếp chiến đấu được ăn 5 lạng gạo một ngày, đơn vị nào không chiến đấu thì ăn 3 lạng một ngày. Số gạo còn lại phải nộp về Trung đoàn để phân phát chung. Chúng tôi sức dài vai rộng, đêm đi tuốt lúa, ngày giã gạo, sàng sẩy luôn tay mà ăn có 3 lạng gạo thì đói hoa cả mắt. Để có thể lấp chỗ trống cho dạ dày, chúng tôi thường nấu cháo ăn cho cảm giác được no. Một tối cậu Chiến lén đến hầm tôi thì thào: “Tao giấu được cả ký gạo, cháo mãi nhớ cơm quá. Tối nay mình bí mật ra căn hầm ở bìa rừng nấu cơm ăn xong rồi về, chẳng ai phát hiện ra đâu”. Ban đầu nghe Chiến nói tôi đồng ý ngay, nhưng khi bưng bát cơm lên tay tôi lại nhớ người Trung đội Trưởng tên Trắc. Anh Trắc là người dân tộc thiểu số, ít nói nhưng rất hiền lành, tốt bụng. Anh rất nghiêm khắc với lính nhưng cũng  rất độ lượng và thương yêu anh em. Không để phần cơm cho anh thì thương anh đói mà để cơm cho anh thì hành động ăn vụng của mình bị lộ. Chúng tôi sẽ mang tiếng là vô kỷ luật, tham ăn. Bàn đi tính lại rồi tôi vẫn quyết chí thà bị phê bình còn hơn là ăn vụng anh Trắc. Tôi quả quyết bưng bát cơm về hầm và nói với anh Trắc:

   - Em xin lỗi anh, chúng em đói quá nên mới bớt gạo nấu cơm, nhưng khi ăn lại nghĩ tới anh. Em hứa từ sau không làm thế này nữa.

   Anh Trắc đưa tay cầm bát cơm, miệng như méo xệch, mắt rơm rớm:

   - Mình thấy các cậu rủ nhau đi, mình có theo dõi và biết các cậu đang làm gì. Mình muốn để các cậu ăn xong rồi rút kinh nghiệm. Lần sau đừng làm thế nữa. Tôi cũng thương các cậu lắm nhưng khó khăn là khó khăn chung. Ta cố gắng một thời gian nữa, đánh địch mở thông đường 7 thì sẽ có đủ gạo cho cả đơn vị.

      Anh Trắc là người dìu dắt và giới thiệu tôi vào Đảng Lao Động Việt Nam. Suốt đời dòng tên anh sáng trong bản Lý lịch đảng viên của tôi. Chỉ tiếc rằng cuối chiến dịch 74B năm 1970, tôi được điều lên làm Liên lạc trực tiếp cho Thủ trưởng Nguyễn Chuông. Kể từ đó tôi đã hoàn toàn mất liên lạc với anh Trắc. Nếu năm nay còn sống anh Trắc cũng gần 80 tuổi rồi.

       Việc đi tuốt lúa cũng chỉ diễn ra trong vòng một tháng. Chẳng những lúa không còn mà tay chúng tôi cũng bị gai lúa làm trầy xước, lở loét đến sưng tấy không cầm nắm được nữa.

      Triệt phá hết các cánh đồng lúa chín của dân, bọn địch bắt đầu tấn công những đàn gia súc đang ăn lang thang trên khắp cánh đồng cỏ . Hàng ngày, mới sáng tinh sương, từ trên các đỉnh núi cao ở vùng bản Ban, Bản Thẳm…chúng tôi đã nhìn thấy hàng nghìn con trâu, bò, dê, ngựa…đang ung dung gặm cỏ và đùa giỡn trên thảo nguyên xanh biếc. Đây là gia súc của dân chạy loạn bỏ chúng lại nên chúng tự do đi lang thang từng bầy lớn nhỏ, gặp cỏ thì ăn, gặp nước thì uống, tối đâu thì lại chụm vào nhau nằm ngủ, ngày lại đi ăn…Giá như không có bom đạn, không có chiến tranh thì khung cảnh trên sẽ thơ mộng và đẹp biết bao. Mỗi khi nhìn những chiếc máy bay Mỹ chúc đầu xuống thả bom vào đàn gia súc, lòng chúng tôi thắt lại. Với gia súc, chúng thường rải bom bi và bom vướng nổ nên lượng sát thương rất cao. Sau đợt bom nổ, nhiều con chết nằm la liệt tại chỗ, những con bị thương kêu rống lên, nghe thật rùng rợn, những con sống sót chạy thục mạng, nhưng cũng có con chạm vào dây bom vướng lại không thoát thân.

    Ngay trong buổi chiều bị bom Mỹ sát hại đàn gia súc, đại diện đơn vị bộ đội Pa Thét Lào đã đến báo với Thủ trưởng Trung đoàn.

     -  Đằng nào thì gia súc của dân cũng bị giết rồi, các đồng chí bộ đội Việt Nam có thể cùng chúng tôi ra lấy thịt gia súc về ăn cũng đỡ được ít ngày.

      Ngay trong đêm hôm đó chúng tôi lại được em Bố Hụ dẫn đi lấy thịt gia súc. Dưới ánh trăng trong vắt của vùng thảo nguyên mênh mông, chúng tôi nhìn rõ những xác gia súc chết nằm bất động ngổn ngang, máu chảy ra loang đỏ cả một vùng. Đây đó còn khá nhiều những con ngựa, trâu, bò, dê bị thương, thở phì phò. Có những con nghé, con bê bé xíu còn sống sót vẫn cố rúc mõm vào vú con mẹ đang nằm bất động. Chúng tôi run rẩy xẻ thịt những con gia súc bị thương cho vào bao tải hoặc lấy dây rừng xâu từng tảng thịt gánh về. Cứ vậy cho đến những ngày tiếp theo, khi quan sát thấy địch thả bom giết gia súc ở đâu thì ban đêm chúng tôi lại đến nơi đó lấy thịt. Thịt gia súc lấy về được nhanh chóng phân phát cho các đơn vị. Lính ta đón thịt trong niềm vui khôn tả, tất bật đêm ngày chế biến. Nhiều anh trổ tài chế thịt thành hàng chục món luộc, xào, làm ruốc, giã giò, sấy, phơi nắng, hun khói…Đang đói lại thiếu chất nên bộ đội ta  anh nào cũng sáng cả mắt. Đời lính kể cả những ngày Tết cũng chưa bao giờ chúng tôi được ăn thịt thoải mái như lúc này. Ai muốn ăn tim, gan, óc… gì cũng có. Hết ăn luộc lại ăn thịt nướng, giò bò, giò ngựa…Nhưng có một khó khăn là ngày đó không hiểu sao hoàn toàn không có muối. Chúng tôi lại thèm muối hơn cả thèm thịt, thèm cơm. Những ngày trước còn ở miền Bắc, tôi làm thơ dự thi được thưởng chiếc đồng hồ đeo tay, vậy mà bây giờ phải tháo ra đưa cho anh Trắc đi đổi lấy 5 lạng muối mang về cho Trung đội. Hết muối chúng tôi đành phải nhổ rễ cỏ tranh đốt thành tro để chấm thịt ăn cho có cảm giác mặn miệng. Chỉ sau 3 ngày ăn thịt nấu cháo với một ít gạo chúng tôi đã ngán tới tận tai. Vậy mà chúng tôi vẫn phải ăn thịt tới cả tháng trời.

Sự khó khăn thiếu thốn về lương thực của Trung đoàn kéo dài trong vòng 3 tháng. Khi quân ta giải phóng được một số điểm chốt của địch hai bên đường số 7, xe tải của ta đã vận chuyển được khá đầy đủ đạn, gạo và thuốc men cho bộ đội ở chiến trường Cánh Đồng Chum.

    Tôi biết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bộ đội và đồng bào ta ở miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Quân khu 5… còn bị đói năm này qua năm khác, còn ăn củ mỳ, củ chụp, củ mài, quả ngõa… thay cơm nhưng tôi tin rằng chưa có đơn vị nào phải ăn bí đỏ, thịt gia súc thay cơm hàng tháng trời, chưa đơn vị nào đi tuốt từng bông lúa đưa vào mũ sắt giã lấy gạo chống đói. Giờ đây, khi viết nhừng dòng chữ này, tôi vẫn còn nhớ như in mùi vị và độ dai, mềm, giòn… của từng loại gia súc như trâu, bò, ngựa, dê, cừu…. Nhớ mùi cháo bí đỏ tỏa ra thơm nức, mùi gạo lúa nương của đồng bào Lào thật dẻo và thơm. Tôi thương và cảm ơn em Bố Hụ và đoàn dân công Lào ngày ấy đã không ngại hy sinh gian khổ, dẫn chúng tôi băng rừng lội suối kiếm thực phẩm nuôi bộ đội.

doi4-1625812813.jpg 

PHẦN 3: ĐÓI TRONG THỜI BÌNH

Sau năm 1975, cánh lính chúng tôi phần lớn chỉ nghĩ rằng: “Đã chuyển sang thời bình thì làm gì có chuyện đói nữa”. Vậy mà trên thực tế đất nước sau chiến tranh ở nhiều vùng miền trên cả nước vẫn còn bị đói dài dài.

Vợ tôi sinh đứa con đầu lòng vào tháng 4 năm 1978, trong lúc cả nhà không còn hạt gạo nào. Mấy chị gái vợ phải đi đò qua sông Đuống sang thăm em và cháu. Khi sang đến nhà mới biết em hết gạo nên một người phải quay về lấy được mấy kg hạt ngô sang cho em. Lúc này tôi mới chuyển sang Trung đoàn pháo binh của Sư đoàn nên phải cùng đơn vị trực chiến để bảo vệ sân bay Nội Bài. Lính trực chiến mà phải ăn thứ bột mì bị mọt cho nước nhào trộn rồi nắm thành cục thả vào nồi luộc. Đến bữa ăn anh em thường nói vui “đem ném chó chắc chết”, vậy mà lính ta vẫn phải nhắm mắt vào nuốt. Ngoài bột mỳ bộ đội còn phải ăn độn thêm khoai, sắn… Tôi ngày đó, sau bao nhiêu năm chiến đấu gian khổ, bị thương, bị sốt rét người chỉ như bộ xương bọc da. Mỗi bữa ăn mang bát tới nhà ăn cầm cục bánh bột mỳ cắn được vài miếng rồi vất đi. Bụng đói mà không sao nuốt nổi. Tôi nghĩ lực lượng vũ trang mà còn đói vậy thì người dân đói tới mức nào!

Năm 1981, khi chuyển về công tác tại Nhà xuất bản Quân đội tại Hà Nội, tôi có chuyến vào thành phố Hồ Chí Minh công tác. Khi chở ra Hà Nội bằng tàu hỏa, trên một toa tàu chỉ dành riêng cho bộ đội (mặc dù theo quy định mỗi người lính chỉ được đem theo nhiều nhất 50 kg gạo) vậy mà tôi thấy những bao tải gạo xếp chạm cửa sổ toa tàu.

Được chuyển về làm việc ở Nhà xuất bản Quân đội là một may mắn của đời tôi và rất phù hợp với khả năng của tôi trước mắt cũng như lâu dài, nhưng bởi vợ con ở quê đói quá nên tôi phải xin rời Nhà xuất bản Quân đội để được chuyển công tác vào Nhà máy in Quân đội 2 tại thành phố Hồ Chí Minh và xin cho vợ vào làm công nhân của nhà máy.

Vào sống ở ngay cửa ngõ vựa lúa gạo của miền Nam và cả nhà đã có tiêu chuẩn được phát tem phiếu gạo mà chúng tôi vẫn bị đói mới thực là vô lý. Bởi tiêu chuẩn tem phiếu là vậy nhưng thực chất thì ngành lương thực chỉ cấp cho chúng tôi mỗi người mỗi tháng vài kg gạo, còn lại là bột mỳ mốc mọt, sắn, khoai các loại. Với chức trách là Trưởng ban Tổ chức- Hành chính của nhà máy, tôi phải đứng ra đi lo thêm từng cân gạo, thanh củi cho cán bộ công nhân viên nhà máy. Mặc dù trong 15 năm ở đơn vị chiến đấu đã có lúc tôi lên đến cán bộ tiểu đoàn, đã chỉ huy tới gần 500 binh lính nhưng chưa bao giờ tôi phải lo từng cân gạo cho anh em. Giờ đây trước một nhà máy in của Bộ Quốc phòng với nhiệm vụ phải in ra các tài liệu phục vụ chiến đấu, huấn luyện và tờ báo Quân đội nhân dân ra hàng ngày thì không thể để gần 100 cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng và cha mẹ, con em của họ thiếu đói được. Chi bộ nhà máy phải họp ra Nghị quyết chuyên đề về việc chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân viên, nhưng người thực hiện lại là tôi. Cứ đến mùa thu hoạch lúa của bà con ở Long An, Tiền Giang…là tôi lại cùng các đồng chí lái xe Thành, Hoài đánh chiếc xe DMC đi mua gạo, kết hợp mua rơm về nuôi bò và mua cám về nuôi lợn của tập thể nhà máy. Mỗi lần đi mua gạo như vậy tôi phải làm công văn gửi các trạm kiểm soát và giấy giới thiệu mới được chở qua trạm nhiều nhất 100 kg gạo. Còn người dân đi trên xe đò chỉ được phép mang theo 2 kg gạo là cùng. Vì chủ trương “Cấm chợ ngăn sông” nên nhiều vụ lúa đồng bằng sông Cửu Long được mùa mà nhân dân ở khắp nơi trên cả nước vẫn đói.

Công bằng mà nói ngày đó chúng tôi chỉ không được ăn no chứ chưa bao giờ bị đứt bữa. Qua nghe đài báo, thư từ và những người từ miền ngoài vào loan tin, tôi biết miền Bắc và miền Trung còn nhiều vùng đói lắm. Chị gái tôi với 7 đứa con cùng mẹ chồng và hai em chồng thu mỗi vụ được 2 tạ thóc; hai đứa em con cậu một lũ con thơ đói đến rụng cả tóc. Nhà bố mẹ vợ tôi với 7 anh chị em và hàng chục đứa cháu đỏ đầu cũng đói trơ xương. Tôi mới bắt liên lạc được với gia đình liệt sĩ Hiền (Anh Hiền đã hy sinh năm 1972 ở chiến trường Lào), biết vợ anh vẫn ở lại nuôi con nhưng vì đói quá nên đứa con gái thứ 2 mới 17 tuổi phải bỏ nhà lên tận Hà Giang kiếm sống. Ngày đêm tôi phải lo cái ăn cái mặc cho đàn con thơ, lo hoàn thành công việc do nhà máy giao rồi lại lo cho những người thân đang bị cái đói đeo bám hàng ngày. Nhờ có việc dùng xe tải lên các cánh rừng quanh thành phố Hồ Chí Minh chở củi cho nhà máy, tôi phát hiện ra những vùng đất có thể khai hoang trồng tỉa được. Thế là tôi lên kế hoạch xin nghỉ phép để về quê đưa gia đình chị gái, gia đình anh chị em bên vợ và gia đình 2 đứa em con cậu chuyển vào Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận làm “kinh tế mới”. Lúc này nhà nước cũng đang khuyến khích nhân dân đi khai hoang, phục hóa nên việc tìm đất sản xuất nông nghiệp cũng khá dễ dàng.

Lần đầu về quê đón chị tôi, gặp thằng Lừ (em con cậu) nó nói như mếu:

- Em chuyến này không khéo “đổ” mất bác ơi. Nếu 1, 2 đứa cháu bác chết đói thì còn những đứa khác em nuôi được, chớ em mà “đổ” thì các cháu chết hết!

Nghe em nói mà tôi không cầm được nước mắt. Tôi chỉ còn biết trả lời:

- Chú gắng một thời gian nữa. Anh vào nhà máy xin phép nghỉ tiếp rồi ra đón các em ngay.

Chuyến cuối cùng là tôi ra Phú Thọ đón cháu Tuyến (con anh Hiền) vào Long Khánh lập nghiệp. Ngày đó tôi rất nghèo, giỏi lắm mỗi lần về đón một gia đình vào Nam tôi chỉ cho họ được tiền vé tàu hỏa, nhưng cái chính là tôi đã kéo được họ ra khỏi những cơn đói triền miên hết năm này qua năm khác. Đến nay thì họ có cuộc sống sung túc, có nhà cửa khang trang và con cháu họ được học hành tiến bộ. Tôi cũng yên lòng.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, do đã khắc phục được phần nào hậu quả của chiến tranh, do Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách đổi mới, không còn cảnh “ngăn sông cấm chợ” và nhất là Nhà nước có chính sách chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường đồng thời lại có chính sách “Xóa đói giảm nghèo” nên đại đa số nhân dân ta từ Nam ra Bắc, Từ miền ngược tới miền xuôi, từ biên giới tới hải đảo không còn cảnh đói đứt bữa nữa. Nhưng từ năm 1991 đếm năm 2000, khi làm phóng viên báo Cựu chiến binh Việt Nam, đi tới các vùng miền tôi vẫn phát hiện một số cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam, bị thất lạc giấy tờ, bị vết thương tái phát, bị bắt oan sai và một số gia đình người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…cuộc sống còn gặp rất khổ.

Những năm gần đây cả ba miền Bắc, Trung, Nam thường xảy ra thiên tai như các vụ bão lụt, sạt lở đất, làm đồng bào ta bị thiếu đói đột ngột cũng rất thương tâm.

Trong đại dịch Covid – 19 này thì có thể nói bất kỳ ở đâu trên đất nước này cũng có thể diễn ra những cảnh đói cấp bách vì giãn cách xã hội sản xuất, lưu thông đều bị đình trệ. Hơn lúc nào hết, lúc này đây ta lại phải áp dụng triệt để lời dậy của cha ông:

“Lá lành đùm lá rách”

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”

Với truyền thống “Thương người như thể thương thân” tôi tin rằng đồng bào ta dù làm ăn ở trong nước hay sinh sống ở nước ngoài không quên đùm bọc bà con mình khi hoạn nạn.

Với khả năng sáng tạo, thông minh tài giỏi, với đức tính cần cù lao động của gần 100 triệu dân nước Việt, năm 2020 cả nước ta đã sản xuất được 43 triệu tấn thóc và xuất khẩu được trên 6,15 triệu tấn gạo (đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo năm 2020).

Cầu mong ông trời cho chúng ta và con cháu chúng ta muôn đời không bị đói nữa.

Tôi sợ đói lắm rồi

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 9 tháng 7 năm 2021 – TDS

 

Theo trái tim người lính