Hà Nội còn có nhiều mô hình trang trại, hợp tác xã (HTX) có lợi thế cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, diện tích rộng, nhiều sản vật địa phương và vẫn tồn tại các làng nông nghiệp lâu đời như Ba Vì, Đông Anh, Ứng Hòa, Thạch Thất... Những địa phương này đã và đang kết hợp sản xuất nông nghiệp với hoạt động đón khách tham quan trải nghiệm song hiệu quả đem lại chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có.
Như trang trại Đồng Quê (Ba Vì) phối hợp với cư dân địa phương đưa khách tham quan làng nghề thuốc nam của đồng bào Dao, thưởng thức múa cồng chiêng của người Mường... Hay đến với Công viên nông nghiệp Long Việt thuộc địa bàn xã Phú Cường (Sóc Sơn), du khách sẽ được trải nghiệm ngôi nhà truyền thống và không gian được thiết kế gợi nhớ đến làng quê Bắc Bộ xưa. Tham gia các trò chơi dân gian như úp nơm bắt cá, bịt mắt đập niêu, chèo thuyền thúng... trải nghiệm việc cuốc đất trồng rau, cấy lúa, thu hoạch cà chua... Hay mô hình trồng trọt, thu hái nông sản theo mùa, tham quan khu sản xuất, chế biến, đóng gói các loại trà thảo dược, khu ngâm ủ hơn 100 loại rượu quê với các loại thảo mộc… ở HTX hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín).
Nhiều tiềm năng là vậy nhưng du lịch nông nghiệp ở Hà Nội vẫn thiếu những sản phẩm đặc sắc, chưa kể sự trùng lặp, na ná nhau giữa các địa phương. Nguyên nhân là do hoạt động mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ, manh mún và thiếu sức bật so với các loại hình du lịch khác.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu thừa nhận việc chưa có chính sách tổng thể về du lịch nông nghiệp cấp quốc gia, hiện mới chỉ dừng ở việc lồng ghép, vận dụng vào những chính sách mang tính đặc thù của địa phương. Để khắc phục khó khăn này, các cơ quan quản lý cần sớm có chủ trương, cơ chế, chính sách cụ thể đồng bộ từ T.Ư đến địa phương về tổ chức không gian, quản lý du lịch nông nghiệp.
Để phát triển du lịch nông nghiệp, Sở Du lịch Hà Nội cần hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên, người dân tham gia du lịch nông nghiệp. Khuyến khích các DN lữ hành phối hợp với địa phương mở phòng trưng bày bán sản phẩm làng nghề, sản vật địa phương thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, để thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 73/2022/KH-UBND về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, TP Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp triển khai ít nhất từ 1 - 3 sản phẩm "Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch". Hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức du lịch cho tối thiểu 80% người dân, cán bộ quản lý du lịch nông nghiệp tại địa phương. Những chính sách này kỳ vọng thời gian tới du lịch nông nghiệp sẽ bứt phá để trở thành những điểm đến hấp dẫn du khách và giúp người dân phát triển kinh tế.