Đức vua tôn kính Bhumibol Adulyadej của nhân dân Thái Lan.
Người dân Thái Lan luôn dành sự tôn sùng thành kính ông như một người anh hùng dân tộc, đấng tâm linh mang lại sự phồn vinh, thịnh vượng, hạnh phúc và miền tin cho đất nước chùa vàng đương đại trên nước đường hội nhập và phát triển!
Tôi vinh dự có một kỷ niệm đẹp ở Thái Lan để hiểu thêm về một vị đức vua Bhumibol Adulyadej đa tài, một chính trị gia lỗi lạc, một con người hết lòng vì nhân dân và dân tộc Thái, một tâm hồn yêu thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh khi tôi trong đoàn đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ nước ta sang mừng khánh thọ lần thứ 80 và 60 năm chấp chính của nhà vua Bhumibol vào năm 2006 theo lời mời của Thủ tướng Thái Lan Thaksin! Thành phần đoàn Việt Nam có đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Văn hoá thể thao và du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam!
Phái đoàn Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ nước ta sang mừng khánh thọ lần thứ 80 và 60 chấp chính của nhà vua Thái Lan năm 2006
Từ sân bay Chiềng Mai về khách sạn đâu đâu chúng tôi cũng thấy được trang trí một màu vàng hoàng cung lộng lẫy làm nổi bật bức ảnh chân dung của nhà vua Bhumibol ở vị trí trung tâm trang trọng thể hiện sự trân trọng thành kính biết ơn. Ban đầu chúng tôi ai cũng tưởng đó là vị phật đắc đạo ở Thái Lan! Tôi bắt gặp lại hình ảnh thân thuộc ở Việt Nam, toàn dân kính yêu Bác Hồ vĩ đại, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới!
"Nhiều câu chuyện thực về cuộc đời của nhà Vua hết lòng, hết dạ, hết linh hồn phục vụ nhân dân Thái đã trở thành huyền thoại, được người dân tự hào kể lại với bất kỳ ai muốn nghe...", Maye và Noppadon là hai nhân viên ngoại giao phục vụ đoàn Việt Nam những ngày ở Thái Lan kể với chúng tôi như vậy!
Nhà báo Quyết Tuấn (bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng anh Noppadon nhân viên đảm bảo an ninh cho đoàn Việt Nam trong khuôn viên Nhà vườn Việt Nam tại Chiềng Mai, Thái Lan
Nhờ Maye, Noppadon và những tư liệu phía bạn cung cấp mà chúng tôi biết rõ thêm những thông tin về đức vua đáng kính của người Thái. Ông sinh ngày 5/12/1927 tại Cambridge, thuộc tiểu bang Massachusetts, Mỹ, con trai út của hoàng tử xứ Songkla Mahidol được lấy tên Bhumibol Adulyadej – cái tên có nghĩa là “Sức mạnh của đất, quyền lực không thể so sánh”. Vào thời điểm đó, gia đình Bhumibol sống ở Mỹ vì cha ông đang theo học ngành sức khỏe cộng đồng tại Đại học Havard, trong khi mẹ ông học y tá ở trường cao đẳng Simmons. Khi Bhumibol 1 tuổi, gia đình ông trở về Thái Lan. Cha ông mất sau đó không lâu (9/1929) vì suy gan và thận. Năm 1946, sau khi anh trai ông – Vua Ananda Mahidol qua đời, Bhumibol Adulyadej được chỉ định làm vua theo hiến pháp Thái Lan. Ông còn được gọi là Vua Rama IX.
Nhà báo Quyết Tuấn (bên trái) chụp ảnh lưu niệm cùng chị Maye, nhân viên ngoại giao hướng dẫn đoàn Việt Nam
Bhumibol nổi tiếng là vị vua thông minh, ham học hỏi. Ông tốt nghiệp tú tài văn chương Pháp và có sở trường chơi, sáng tác nhạc jazz. Nhà vua được trao tặng danh hiệu thành viên danh dự Viện Âm nhạc và Nghệ thuật Vienna năm 32 tuổi. Ông đã nhiều lần trình diễn nhạc jazz trên sóng phát thanh và từng công diễn với những huyền thoại như Benny Goodman, Jack Teagarden, Lionel Hampton hay Maynard Ferguson. Các ca khúc nhà vua sáng tác được yêu thích trong các cuộc tụ họp công cộng và được trình diễn trong các buổi hoà nhạc. Vua Bhumibol đã viết tất cả 48 bản nhạc. Không chỉ đam mê âm nhạc, vua Thái Lan còn là một người yêu thích thể thao. Ông từng tham dự Seagames lần 4 vào năm 1967 ở bộ môn đua thuyền buồm và đoạt huy chương vàng. Ngoài ra, ông còn là hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà văn và dịch giả. Vua Bhumibol là vị vua duy nhất được nhận bằng sáng chế cho các công trình của mình, trong đó có bằng sáng chế năm 1993 cho một công trình xử lý nước thải có tên “Chai Pattana”, bằng sáng chế tạo mưa “Sandwich” năm 1999 và bằng sáng chế “Super sandwich” năm 2004.
Công chúa Thái Lan Maha Chakri Sirindhorn dẫn đầu đoàn Hoàng Gia và Chính phủ chỉ đến thăm duy nhất khu vườn cảnh của Việt Nam tại Triển lãm
Không những thế, Vua Bhumibol còn là một chính trị gia tinh tế, sắc sảo được tất cả các đảng phái chính trị, quân đội, cảnh sát lắng nghe và tuân thủ. Trái với bề ngoài lạnh lùng, nghiêm nghị trong bộ quân phục, Vua Thái Lan rất quan tâm đến những việc làm, những dự án thiết thực nhằm cải thiện đời sống của thần dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Ông đã có nhiều ý kiến đóng góp cho các cuộc cách mạng dân chủ cũng như hiện đại hóa đất nước Thái Lan.
Khu vườn Việt Nam tại Thái Lan nhìn từ ngoài vào.
Chế độ quân chủ chuyên chế ở Thái Lan được xóa bỏ vào năm 1932, do vậy trên nguyên tắc nhà vua không được can thiệp vào chính trị và đứng trên các đảng phái. Thế nhưng trong hậu trường, Vua Bhumibol lại là một chính trị gia tinh tường, đầy quyền uy, trở thành một cố vấn đắc lực cho nhiều đời thủ tướng mặc dù bên ngoài ngài vẫn trầm tĩnh và kín đáo. Mỗi khi đất nước Thái Lan rơi vào khủng hoảng, tiếng nói của nhà vua như là một chỉ dụ để trấn an người dân, làm dịu tình hình.
Hồ nước, sân vườn trong khuôn viên khu nhà vườn Việt Nam.
Trong cuộc khủng hoảng chính trị vừa qua tại Thái Lan, từ thủ tướng đến những người đối lập đều tuân thủ phủ dụ của nhà vua, sau đó, Thủ tướng Thái Lan xin từ chức (và nay đã trở lại ghế thủ tướng) và bạo động đã chấm dứt. Trong cuộc khủng hoảng mà Thái Lan trải qua hiện nay, mọi cặp mắt đều hướng về nhà vua. Sau khi yết kiến Vua Bhumibol, Thủ tướng Thaksin đã thông báo là ông có ý định từ chức để tỏ lòng tôn trọng nhà vua. Ngay cả phe đối lập cũng nói là sẽ tuân thủ những ý kiến của nhà vua để đưa Thái Lan thoát khỏi những bế tắc chính trị.
Giới phân tích đánh giá cao sự nhạy cảm chính trị của Vua Bhumibol trong sự thống nhất, đoàn kết dân tộc Thái Lan. Vào năm 1997, chính Vua Bhomibol đã ký sắc lệnh sửa đổi Hiến pháp, theo đó nhà vua không còn là người bảo hộ đạo Phật - quốc giáo của Thái Lan. Bản thân nhà vua là người theo đạo Phật nhưng ngài bảo hộ cho tất cả các tôn giáo khác, kể cả cộng đồng Hồi giáo là người thiểu số lớn nhất ở miền Nam Thái Lan, nơi thường xảy ra các cuộc xung đột. Điều này đã giúp cho ngài không chỉ được người đạo Phật ngưỡng mộ mà cả người đạo Hồi cũng phải kính nể và khâm phục.
Nhạc cụ dân tộc trưng bày trong khu nhà vườn Việt Nam.
“Chưa có ai trong lịch sử Thái Lan từng nỗ lực để cải thiện đời sống người dân như vua Rama IX. Ông đã khởi động hàng nghìn dự án mang lại lợi ích lớn lao cho người dân và đất nước. Đó là lý do vì sao mọi gia đình, văn phòng, tòa nhà công sở đều treo ảnh nhà vua”, Maximilian Wechsler, một chuyên gia nước ngoài, nhận định về các dự án do Vua Bhumibol thực hiện. Ông đã lập ra dự án của hoàng gia, xúc tiến các kỹ thuật gieo hạt kiểu mới. Năm 1971, ông đưa ra các biện pháp giúp người dân giải hạn, đào kênh rạch trữ và điều tiết nước, trong đó không thể không nhắc đến chiến dịch mưa nhân tạo do tự ông nghiên cứu và thực hiện. Vua Bhumibol được xem như vị cứu tinh của dân tộc vì đã cứu sống hơn 8,3 triệu người dân Thái trong lúc đời sống sinh hoạt và sản xuất của họ gặp hạn hán kéo dài. Với phương châm “nơi nào cần mưa sẽ có mưa”, chiến dịch của nhà vua đã mang đến những cơn mưa nhân tạo mà người dân trân trọng gọi với cái tên “mưa hoàng gia”. Chính những điều này đã giúp Vua Bhumibol trở thành vị vua được yêu mến nhất trong lịch sử.
Nhà báo Quyết Tuấn dâng hương bàn thờ gia tiên theo ghi thức cúng lễ của người Việt tại khu nhà vườn Việt Nam tại Thái Lan.
Cũng giống như Bác Hồ muôn vàn kính yêu dân tộc và đất nước chúng ta, vua Bhumibol Adulyadej của Thái Lan là một tâm hồn yêu thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh. Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, nhà vua Thái Lan kêu gọi người dân trồng hoa lan sớm biến Thái Lan thành vương quốc của loài hoa quý phái này. Sau vài chục năm hoa lan đã là biểu tượng của nước Thái. Đến Thái Lan, người ta có thể nhìn thấy hình ảnh hoa lan ở khắp nơi, từ tờ gấp du lịch, trên những tấm biển quảng cáo, trên máy bay hãng Thai Airways, trong nhà hàng, siêu thị… Không chỉ là thú chơi, nghề trồng lan mang tới thu nhập lớn cho doanh nghiệp và người nông dân đất nước này.
Cung điện Hoàng Gia Thái Lan lỗng lẫy trong ngày quốc lễ mừng khánh thọ lần thứ 80 và 60 năm chấp chính của nhà vua Thái Lan.
Năm 2006, Chính phủ Thái Lan định tổ chức sự kiện lễ mừng thọ lần thứ 80 và 60 năm chấp chính của nhà vua mời nhiều quốc gia trên thế giới tham dự với chi phí tốn kém. Vốn là người luôn trăn trở về lợi ích cho nhân dân và sự phát triển bền vững của dân tộc Thái trong mối bang giao đoàn kết dân tộc trên thế giới và một tâm hồn yêu thiên nhiên Sinh Vật Cảnh, Nhà vua Thái Lan đã biến ngày sinh nhật của mình trở thành ngày tổ chức Triển lãm vườn cảnh nghệ thuật quốc tế tại Chiềng Mai với sự tham gia của trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kết thúc triển lãm, Chính phủ Thái Lan đề nghị các nước trao tặng khu vườn nghệ thuật mang bản sắc văn hóa của dân tộc mình làm quà mừng thọ lần thứ 80 và 60 năm chấp chính của nhà vua Bhumibol Adulyadej. Với cách làm như vậy từ gợi ý của nhà vua Thái Lan chỉ trong 3 tháng Thái Lan đã sở hữu một Công viên Sinh Vật cảnh đẳng cấp Quốc tế rộng hơn 230 ha với chi phí rất thấp đã tiết kiệm hàng tỷ đô la cho người dân Thái Lan.
Trong công viên đó có khu vườn cảnh nghệ thuật của Việt Nam được hình thành từ ý tưởng ban đầu của cố nhà báo Đỗ Phượng, khi đó là Chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam. Khu nhà vuờn Việt Nam tại Chiềng Mai có diện tích khoảng 500 m2, được xây dựng theo mô hình nhà vườn Bắc Bộ, gồm một nhà ba gian có hoành phi câu đối. Trước sân có trồng các loại cây cảnh thể hiện ước vọng đạt được "Phúc, Lộc, Thọ". Cổng nhà và ao trước sân cũng được bố trí theo phong cách truyền thống Việt Nam. Trong vườn trồng các loại cây cảnh phổ biến ở Việt Nam hài hòa với thiên nhiên, bốn mùa ngát hương sắc của sinh vật cảnh Đây không chỉ là món quà của Chính phủ và nhân dân Việt Nam gửi lên nhà Vua Bumibon Adulyadej, mà còn là thông điệp của tình hữu nghị truyền thống và sự hợp tác tốt đẹp của Chính phủ và nhân dân Việt Nam gửi đến Chính phủ và nhân dân Thái Lan.
Ông Uthay Nottakun, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp Hoàng gia Thái Lan (cơ quan quản lý khu vườn) đã thay mặt nước chủ nhà bày tỏ sự xúc động trước tình cảm tốt đẹp của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đồng thời nêu rõ rằng khu nhà vườn Việt Nam được xây dựng rất đẹp, đem đến Thái-lan một nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam để nhân dân địa phương và du khách nước ngoài có dịp cảm nhận và hiểu biết thêm về Việt Nam.
Một Công viên Sinh Vật cảnh đẳng cấp Quốc tế rộng hơn 230 ha hội tụ tinh hoa bản sắc văn hóa nghệ thuật vườn cảnh của trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ với chi phí rất thấp đã tiết kiệm hàng tỷ đô la cho người dân Thái Lan từ ý tưởng của nhà vua Thái Lan!
Là những người trực tiếp tham gia từ khâu thiết kế, thi công, khánh thành và bàn giao khu vườn cảnh nói trên để dành tặng nhà vua Thái Lan cùng với bạn bè đồng nghiệp đến từ trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp thế giới, chúng tôi không thể dấu được niềm tự hào về sự trân trọng của Đức vua và Công chúa Thái Lan đã giành cho đoàn Việt Nam và đoàn Việt Nam cũng để lại ấn tượng rất tốt đẹp đối với Hoàng Gia Thái Lan trong ngày quốc lễ đặc biệt năm đó.
Hôm đó, khắp đất nước Thái Lan rực một màu vàng, màu của hoa muồng Hoàng Yến, quốc hoa của Thái Lan để mừng khánh thọ nhà vua. Người dân đổ ra đường khắp các nẻo đường con phố ở Chiềng Mai với một bộ đồng phục màu vàng. Cả biển người ngồi xếp hàng ngay ngắn, không có sự chen lấn xô đẩy nhau, không ai đi lại lộn xộn dọc hai bên đường từ các khách sạn dẫn đến cung điện nơi tổ chức sự kiện mừng thọ nhà vua. Đoàn của chúng tôi đi được sự hộ tống và xe dẫn đường của cách sát Hoàng Gia Thái Lan, đi giữa hai dòng người chào đón hân hoan. Xe đi đến đâu là dòng người lại cúi đầu chào, hai tay chắp trước ngực và miệng đồng loạt chào "Sa-wa-dee" (nghĩa là xin chào) thật cảm động biết bao! Sau buổi diện kiến của các đoàn với đức vua tại cung điện, đích thân Công chúa Thái Lan Maha Chakri Sirindhorn dẫn đầu đoàn Hoàng Gia và Chính phủ chỉ đến thăm duy nhất khu vườn cảnh của Việt Nam tại Triển lãm. Thật hạnh phúc, một cầu truyền hình được thiết lập ngay tại khu vườn của Việt Nam gửi những hình ảnh Công chúa Maha Chakri Sirindhorn hỏi thăm ý nghĩa, chủ đề của khu vườn, tác dụng của từng loại cây cảnh nơi đây và tặng quà của nhà vua cho các thành viên đoàn Việt Nam trong tình thân ái hữu nghị đến toàn thể nhân dân Thái Lan.
Kết thúc ngày quốc lễ, chúng tôi đề nghị phía bạn giúp chúng tôi thăm mô hình kinh tế rừng (giống như mô hình VAC ở Việt Nam được thực hiện trong rừng sâu) do nhà vua Thái Lan khởi xướng. Sau hàng giờ đồng hồ di chuyển vào sâu trong rừng đường đi lại cũng hiểm trở như Việt Nam, các bạn đã đưa chúng tôi thăm một mô hình kinh tế rừng như yêu cầu. Chúng tôi thực sự bị thuyết phục bởi một nền nông nghiệp hữu cơ hiện đại được thực hiện trong rừng. Cây rừng đồ sộ vẫn được giữ nguyên, những con suối được khoanh lại để nuối cá, trên mặt suối là các loại cây rau hoa ngắn ngày, những khoảng đất trống được tận dụng để trồng cây ăn quả, làm các loại nấm, linh chi, trên thân cây là các loại phong lan...tất cả tạo thành một vòng sinh thái khép kín cộng sinh cùng phát triển. Điều đáng lưu ý là những người thực hiện những công việc trên lại nhà những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội tình nguyện không hưởng lương từ dự án. Họ thấy hạnh phúc khi được đồng hành cùng nhà vua làm những việc có ích cho cộng đồng và giúp đỡ những người dân nghèo không bị tụt hậu lại phía sau. Họ say sưa kể về vị vua kính yêu của họ bằng lòng tôn kính và thần phục như một vị thánh sống. Họ mang theo ảnh của nhà vua bên người và xả thân vào những nơi khốn khó, những dự án do nhà vua khởi xướng với lòng tự hào khôn xiết.
Chia tay đất nước Thái Lan, những người bạn dẫn đoàn là người Thái về nước sau gần một tuần vinh dự được lần đầu xuất ngoại trong đoàn "đi Xứ" để mừng thọ "nhà vua” Thái Lan Bhumibol Adulyadej với những câu chuyện tưởng chừng như trong cổ tích trong thế kỷ XXI được giữ chặt trong lòng về một vị Vua Bhumibol Adulyadej được nhân dân coi là một vị thánh sống bởi những cống hiến không ngừng nghỉ của ông dành cho đất nước. Họ gọi ông bằng nhiều cái tên trìu mến nhưng không kém phần ngưỡng vọng: Vị chúa ngự phía trên chúng con, Vua của nhân dân… Sự tôn kính này không bắt nguồn từ điều gì bí ẩn hay chịu sự tác động của một thế lực nào, mà từ chính thực tế đời sống.
Đúng 10 năm kể từ chuyến đi lịch sử đó, ngày 13/10/2016 đức vua Bhumibol Adulyadej băng hà ở tuổi 88 để lại niềm tiếc thương vô hạn cho nhân dân Thái Lan và bầu bạn, người ngưỡng mộ ông trên khắp năm châu sau đúng một năm mới tiến hành hỏa tang!
Đức vua Bhumibol Adulyadej gợi lại những kỷ niệm đẹp không bao giờ dám mơ được lặp lại ở trên đời này với tấm lòng tôn kính một nhân cách, một trí tuệ, một con người cả đời hi sinh cho hạnh phúc của nhân dân Thái Lan như Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong lòng nhân dân và dân tộc Việt Nam.