Cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc kéo dài suốt 21 năm đã kết thúc được hơn 46 năm. Trong suốt thời kỳ chiến tranh, nhiều thanh niên, phụ nữ đã phải ra trận, có người hy sinh, có người may mắn sống sót trở về. Sau khi hoàn thành sứ mệnh của thời loạn, những người lính đó lại trở lại với cuộc sống hàng ngày, xây dựng kinh tế đóng góp cho đất nước. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng những anh bộ đội cụ Hồ vẫn giữ nguyên phẩm chất cần cù, chịu khó, chịu khổ.
“Đừng kể tên tôi” là những câu chuyện viết về thời hậu chiến. Các nhân vật trong cuốn sách là những người lính Bắc Việt (hầu hết là quê Hương Khê, Hà Tĩnh). Những cuộc đời, những câu chuyện của những chàng trai làng ra lính đánh trận, những người con gái làng đi thanh niên xung phong, đi hỏa tuyến, làm cứu thương... ở chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; Hầu hết những nhân vật, sau chiến tranh trở về với quê hương, với ruộng đồng... được kể lại, được ghi lại từ một cô gái có tên Phan Thúy Hà sinh ra trong hòa bình từ một làng quê huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã được in thành sách với cái tên chân thật, dân dã của người dân quê “Đừng kể tên tôi”. Sách do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành năm 2018, dày 348 trang, khổ 20cm.
Hai mươi mốt con người - 21 chân dung về chiến tranh và hậu chiến đã được tác giả kể lại trong cuốn sách “Đừng kể tên tôi” với những nhân vật như: Nguyễn Văn Ngọc. Trung đội 3, đại đội 1, tiểu đoàn 1, trung đoàn 9, sư đoàn 320. Hiện sống tại xã Gia Phố, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh trong chuyện “Người bên sông Ngàn sâu”; Nguyễn Trọng Hiếu. Vận chuyển lương thực Đoàn 559. Hiện sống tại xã Gia Phố, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh trong chuyện “Tài sản giá trị nhất của ông Hiếu”; Nguyễn Ngọc Trí. Hiện sống tại thị trấn Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh trong chuyện “Mười ngày sau là ngừng ném bom ở miền Bắc”; Trần Thị Thông - Tiểu đội trưởng đội 2 – Đại đội 317, Đội 65 – Tổng đội TNXP; hiện sống tại Thành phố Vinh trong chuyện “Người Về từ Truông Bồn”...
.... Đó là những câu chuyện giản dị, chân thực về những người lính, người anh hùng, vợ anh hùng, những thanh niên xung phong, đi làm nghĩa vụ cao cả, thiêng liêng, bảo vệ Tổ quốc. Những câu chuyện ấy không dài dòng nhưng rất đỗi chân thực về cuộc sống thực tế của những người lính thời hậu chiến, gạt bỏ lại sau lưng những danh hiệu, những huân chương, có người gạt bỏ cả giấy tờ. Rồi những nữ thanh niên xung phong, họ cũng lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, gác lại những niềm riêng... chiến tranh đã lấy đi của họ tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc, ước vọng được làm vợ, làm mẹ... Những con người, những số phận hiện lên trong những trang sách rất hiện thực, đầy day dứt trăn trở và nhức nhối. Những con người này là có thật và những câu chuyện này được tác giả kết nối lại, không màu mè, sáo rỗng, không ca tụng, xưng danh... Nhà văn đã lắng nghe, ghi chép, sắp xếp lại câu chuyện về những số phận tưởng như sắp bị lãng quên nếu không ai chia sẻ... Và chị đã tự trả lời “viết để mà yêu nhau, để thương nhau hơn”.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách và mời bạn đọc tìm đọc sách tại Thư viện Quân đội, số 83 Lý Nam Đế - Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Theo Trái tim người lính