Minh họa: Internet
Thời niên thiếu, Dương Khuê rất thông minh, nổi tiếng văn hay chữ tốt, bạn bè ai ai cũng kính mến. Năm Giáp Tý, 1864, ông đã thi đỗ cử nhân. Năm sau, ông vào kinh thi hội nhưng không đỗ. Bấy giờ Tùng Thiện Vương đã chiếu cố mời ông về phủ dạy dỗ cho con cháu, ông ở lại kinh chờ khoa thi sau. Năm Mậu Thìn (1868 - năm Tự Đức thứ 21), ông đỗ tiến sĩ. Đồng thời là lúc bang giao với Pháp ở vào giai đoạn khó khăn, vua Tự Đức nhân thời thế đó ra đề thi là “Chiến hay hòa”. Trong bài văn Dương Khuê làm có câu: “Độc bệ hạ chi chiếu nhi bất thống khóc giả, phi nhân thần dã” (Đọc chiếu của bệ hạ không khóc lên đau đớn thì không phải là người thần vậy), để nói lên nỗi đau thương của ông trước tình hình của đất nước. Tự Đức vốn là một nhà vua rất ưa chuộng văn thơ cho nên khi thi đỗ rồi, vào triều bệ kiến, nhà vua thấy ông tiến sĩ mới lại có lời phê rằng: “Trẫm kiến tiến sĩ Dương Khuê bẩm chất ty nhược, yếu nghi gia tâm điều dưỡng, vị quốc trừ dụng...”. Và nhà vua đặc ban cho một miếng quế để dùng vào việc thuốc thang.
Dương Khuê làm quan sơ bổ chức tri phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Trên hoạn lộ, ông trải nhiều phen thăng trầm. Thời làm bố chánh, ông có dâng sớ lên vua Tự Đức xin đánh Pháp, song gặp phải lúc triều đình chủ hòa, vì thế, nhà vua phê vào sớ rằng: “Bất thức thời vụ” và giáng ông xuống chức chánh sứ sơn phòng để lo việc khai khẩn hoang. Sau đó không lâu, nhà vua nhớ tới Dương Khuê liền cho thăng lên chức Án sát Hải Phòng. Lúc đó ông có gặp người quen cũ là tri phủ Phan Đức Trạch, trước kia từng giúp cho hai nén bạc để vào Huế thi hội nhưng chưa có dịp hoàn trả. Với lại, biết ân nhân đang lúc gặp cảnh cùng túng nên ông đã tạm vay trước lương một ngày để trả cho đủ số bạc xưa. Không may có việc, quan Ngự sử xét kho, biết việc cho vay lương trước bèn tâu về triều nên ông bị giáng cách lại nguyên hàm Biên tu (Chánh thất phẩm), và phải đi làm sơn phòng lần nữa. Khi ở sơn phòng, ông có gặp người cũ và làm bài hát tặng người tình cũ tình ý lâm ly, văn cách nhẹ nhàng khiến vua Tự Đức nghe phải ngợi khen và cho ông lĩnh chức Đốc học ở Nam Định, rồi thăng chức lên Bố Chánh và sau đó là xung quyền tổng đốc. Ít lâu sau, ông được sung chức Tham tá nha kinh lược, sau đó lĩnh chức thực thụ tổng đốc Nam Định và Ninh Bình. Cuối cùng thăng lên chức Thượng thư rồi về hưu.
Dương Khuê vừa là bạn đồng khoa và cũng đồng thời là bạn thân của Nguyễn Khuyến. Khi Dương Khuê mất, Nguyễn Khuyến làm bài thơ Khóc Dương Khuê, khóc bạn với một tình cảm thiết tha. Trong suốt khoảng thời gian làm việc trong chốn quan trường, Dương Khuê thường ở nhiều nơi, việc cai trị trung hậu thanh liêm, không bao giờ động đến tiền của nhân dân. Vì vậy, những khi ông bị thuyên chuyển đi nơi khác thì dân chúng địa phương đi đưa tiễn rất đông, còn có người níu xe mà khóc. Cũng giống như văn nho đồng thế hệ, Dương Khuê có một lối sống hào hoa, phong nhã, lấy rượu xướng ca trăng thanh gió mát để khiển hứng. Ông rất sành về đánh trống chầu và ham thích thú hát ả đào. Cả cuộc đời của Dương Khuê làm quan nhưng ông sống thanh liêm, trong sạch, ăn ở với mọi người đầy tình yêu thương và có một tấm lòng yêu nước thầm kín. Với tâm trạng buồn chán của một nghệ sỹ trước cảnh nước mất nhà tan, ông đã chọn cho mình lối thoát ra ngoài cuộc sống ấy bằng thú cầm, kỳ, thi, họa và thú hát ả đào. Tuy số lượng tác phẩm còn lại của Dương Khuê là không nhiều (một phần do thất lạc, một phần không có cơ hội tiếp cận với văn bản gốc) nhưng qua những tác phẩm còn lại của ông thì cũng đã chứng minh được tài năng của Dương Khuê.
Dương Khuê vốn nổi tiếng về tài Hán văn và văn Nôm. Tác phẩm của ông chủ yếu trong tập Vân Trì thi tập và một số thơ văn câu đối. Thơ ca Nôm của ông có những nét riêng rất đặc sắc, nhất là trong thể loại Ca trù. Nói chung Dương Khuê khá đa tài và ông là người có tài năng nghệ thuật khá hoàn hảo cả bằng Hán văn lẫn chữ Nôm. Tìm hiểu thơ ông có thể phân làm ba loại chính:
Thứ nhất là thơ ca Đường luật với lời lẽ trịnh trọng, ung dung như các bài Ngũ thập tự thọ, Tự vịnh, Đánh cờ, Tiễn đưa sứ thần… Thứ hai là thơ lục bát, thường là những bài thơ nhỏ, ngắn nhưng hé mở cho ta thấy đó là một tâm hồn biết sống say mê, nặng tình cùng non sông đất nước như Hà Nội tức cảnh, Hỏi thăm bạn ở Hưng hóa, Lời hẹn.... Thứ ba là văn Ca trù, đây là thể loại sáng tác sở trường của ông nên ở thể loại này có nhiều bài tuyệt tác và trở thành mẫu mực như bài Hồng Hồng Tuyết Tuyết (Gặp cô đào cũ), Nhân vong cầm tại, Tiễn đào Cần, Tặng cô đào Cúc… Phần thứ ba có thể xem là phần quan trọng nhất trong thơ văn của Dương Khuê bởi nó thể hiện được cá tính và địa vị văn chương của tác giả, địa vị của nhà văn sành nghe hát ả đào với sở trường sáng tác Hát nói.
Ba thể loại sáng tác của ông khá phong phú về nội dung. Dương Khuê tuy lấy cầm kỳ thi tửu, ca xướng, trăng thanh gió mát làm thú tiêu sầu nhưng trong các tác phẩm vẫn đượm mầu sắc đạo đức, tuy đó chỉ là đạo đức vào thời tàn, Vịnh 55 tuổi thọ, không buồn vì tuổi già mà ông lại tưởng nhớ đến ơn vua:
Xiêm áo cũng chung nhờ lộc nước.
Thậm chí lúc vui thú với người tình cũ Bình Khang ông vẫn nhớ đến nghĩa vua tôi:
Thần tuy tội trọng đế do liên.
Văn thơ ông cũng thể hiện được cốt cách ung dung, đa tình của một bậc tài hoa, một tấm lòng trắc ẩn và thương xót trước những cô gái Bình Khang. Nội dung này được thể hiện qua những bài Ca trù. Với lối Ca trù, Dương Khuê đã để lại nhiều bài êm ái, hoa lệ, thiết tha:
Tiễn ai chi liễu giang đình,
Bận ai chi mối tơ tình vương chơi?
Chắc ai đã nhớ đến lời,
Biết ai có nhớ đến người hôm nay?
Cũng là chữ “tình” nhưng ở Dương Khuê là một sự kín đáo, nhẹ nhàng theo kiểu “ghẹo nguyệt trêu hoa” chứ không nồng nàn sát phạt trong tình ái như Nguyễn Công Trứ, không ngao ngán đượm mùi bi quan yếm thế như Cao Bá Quát hay “nòi tình”, chơi bời phóng túng như Chu Mạnh Trinh. Thơ Dương Khuê tao nhã, hào hoa nhưng vẫn thể hiện được lý tưởng, giọng thơ thắm thiết tấm tình yêu chân thành, câu thơ đôi khi tỏ ra “coi thường”.
Một sắc thái nữa trong thơ Dương Khuê là cách đùa kín đáo và hóm hỉnh của ông. Cái cười trong thơ ông chỉ là cái cười pha trò làm vui, cái cười duyên dáng nhẹ nhàng, có thể nói rằng đó là nụ cười vô hại, hồn nhiên, lảng lướt, duyên dáng, chỉ vừa đủ cho ta mỉm cười thoáng qua làm cho ta nhiều lúc không biết đó là thơ vui hay thơ tình nữa. Cái cười pha trò đó khác hẳn với cái cười thâm sâu, ngụ ý răn đời của Nguyễn Khuyến, hay cái cười sâu cay của Tú Xương.
Thơ Dương Khuê có nhiều bài nói lên thú cầm, kỳ, thi, tửu, tả phong cảnh thiên nhiên hoa mỹ và tư tưởng phóng dật thường thấy ở các nhà nho xưa:
…Bầu rót rượu tiên mời bạn cũ
Tay nâng thuốc thánh chữa dân nghèo
Thơ ngâm Lương Phủ người ngoài núi,
Đàn gẩy cao sơn khách ngọn đèo…
Như vậy, ta có thể chia thơ Dương Khuê thành hai phần chính như sau:
Thứ nhất: Nét đa tình với thú hát ả đào
Thứ hai: Thú cầm kỳ thi họa và thiên nhiên
Song song với hai nội dung chính đó là nội dung đượm màu đạo hạnh, chua xót trước cuộc đời. Thơ Dương Khuê phong nhã hào hoa mà vẫn lý tưởng, giọng thơ thắm thiết như những tấm tình yêu chân thành, bài thơ thanh tao nhẹ nhàng, khéo léo. Những bài Hát nói tả tình yêu của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát. Chu Mạnh Trinh tuy có giống nhau về một xu hướng tình cảm nhưng ta vẫn thấy rõ được những điểm khác nhau trong cung bậc và cách thể hiện.
Có thể nói cùng với Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê là nhà nho tài tử cuối thế kỷ XIX, “có vai trò trong sự “giữ gìn” dòng mạch văn chương tài tử từ Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ đến Tản Đà và Thơ mới, và góp phần làm phong phú hơn kho tàng văn học, văn hóa Việt Nam”.
Gia thế, giáo dục, địa vị, hoàn cảnh có ảnh hưởng đến con người nói chung và văn tài nói riêng. Cái tao nhã phơn phớt nhẹ nhàng, cái nụ cười duyên dáng chỉ vui vui mà vô hại, cái tình thiết tha chung thủy đằm thắm trong văn thơ Dương Khuê có thể tìm hiểu bằng tiểu sử, bằng cuộc đời của tác giả vừa khuôn mẫu nề nếp lại vừa hào hoa. Phan Kế Bính trong cuốn “Hán Việt văn khảo” đã viết về Dương Khuê: “Văn cụ Vân Đình (Dương Khuê) hồn hậu, có khí tượng ung dung đài các, tựa như ông đại thần mặc áo đại triều ngồi chốn công đường”(1).
(1) Phan Kế Bính (1930), Việt Hán văn khảo, Nhà in Trung Bắc tân văn - Hà Nội, tr. 181.