Ép mía, nấu mật

ch-lg-qu1z-1632990414.jpgẢnh minh họa do tác giả cung cấp.

Khi các đợt gió heo may đầu đông tràn về , mang theo không khí khô hanh len vào từng nhà. Lúc trên trời từng đàn, từng đàn chim ngói , sáo sậu, chim cu, cùng các loại chim tránh rét bay về phương Nam, thỉnh thoảng chà xuống ruộng lúa đã gặt tìm mồi . Lá vàng nhiều loại cây rơi xuống, để lại cành khẳng khiu trơ trọi, bờ cây lan tỏa khói " lam chiều " mờ mờ thôn xóm .

Mùa này cũng là lúc người dân bắt đầu thu hoạch Mía , để kéo Mật .

Sở dĩ tôi muốn viết hoa lên cái chữ Mía , chữ Mật vì với quê tôi, những thứ ấy không những nó mang HỒN QUÊ , mà với nhiều GIA ĐÌNH nó còn mang NGUỒN SỐNG , mang theo cả KINH PHÍ chi tiêu, cho con học các cấp, nhiều khi cả niềm hạnh phúc cưới xin cho được dâu , được rể .

Các gia đình chặt mía , quê tôi gọi là ĐẴN mía, thường vào đầu tháng 11 âm, chậm nhất tháng 2 sau tết Nguyên đán , vì để quá vụ mía ra bông ra hoa thân mía sẽ bị bộp , không ra nhiều nước ngọt .

Cuối Thu , đầu Đông tiết trời chuyển khô hanh không còn mưa ngập . Lúc này cây mía tích lũy chất đường đậm đặc nhất , có những đốt căng mọng vỏ làm nứt nẻ mía.

Mía được chặt gốc, phất bỏ lá, chặt ngọn để riêng mang ươm để trồng cho vụ sau. Phần lá thì phơi khô , trong năm cũng nhiều đợt bóc lá mía đầy lông nhặm, có khi đánh gianh lợp chuồng gà, phần nhiều để đun nấu đủ nhẽ.

Mía được bó lại từng bó, để đưa đến nhà có lò nấu mật thuê nấu ,các nhà chuyên như nhà ông Tình Ơn, ông Quận Mùi , ông Thảo Đường Chương Hải ...Công đoạn ấy được xem như liên hoàn, gồm ép mía ra thành nước, bao luôn bếp có chảo to ( quê tôi gọi là cái GHÊNH) , nấu nước mía cô thành MẬT.

Nói về ép mía, ngày trước khi còn khó khăn về cơ khí, lạc hậu về máy móc mô-tơ, điện không có. Những nhà ép mía dùng 2 đoạn gỗ khá to tròn ( ru- lô) làm trục ép đứng, cũng được điều chỉnh ép chặt dần cho ra bã , dùng sức trâu bò kéo xoay tròn .

Bên cạnh là bếp lò nước mía được đổ vào chảo khoảng 3 phần tư chảo , sẽ nổi lửa đun sôi, cô đặc dần. Mùi mật bay lên , mùi bã mía tươi đốt cháy cũng bay lên , quện vào trong gió thoảng, làm thơm nức cả vùng quê làng xóm, lan cả vào trong chăn màn, trong giấc ngủ.

Nói về ĐUN MẬT , lúc này người đứng trông chảo phải có kinh nghiệm. Khi nước mía sôi dềnh bắt đầu tụ bọt bẩn, lập tức phải hớt bọt ra cho vào 1 cái thùng rồi sau đó lọc rác, bụi bẩn , rồi gạn nước cho vào chảo đun . Tiếp đó nước mía sôi liên tục lại có bọt, tuy sạch hơn 1 chút nhưng lại hớt ra quê tôi gọi đây là chè nước 1 , nước này uống đã thấy ấm áp hấp dẫn rồi. Tiếp là đến giai đoạn nước chuyển sang giai đoạn mật đã kha khá đặc rồi nhưng vẫn còn bọt, vớt bọt này ra gọi là nước chè 2 . Lúc này ai mà đến chơi đến xem được mời bát chè 2 là thấy ấm áp, hấp dẫn, bổ béo và vui vẻ chủ khách .

Liên tục người coi đảo đến tận đáy chảo để không bị cháy , canh cho nước ngả vàng màu mật . Nếu đun để mật còn lỏng , nước còn nhiều thì sau không để lâu được mật sẽ bị chua, để già quá mật bị cháy sẽ có vị đắng. Khi mật chỉ còn sôi lực bục không còn bọt, rút bớt củi lửa, mật nhểu đặc màu mật là được.

Kinh nghiệm thắng lý thuyết suông.

Nguyên liệu chất đốt thì dùng luôn bã mía , lúc đó mía đã ép đến kiệt nước, gần như khô rồi đun luôn, nếu còn hơi ẩm thì bếp lửa đang trong lò phừng phừng cũng phải cháy tất.

Bất chợt chả biết thơ, nhưng sướng nên lại phải mượn ý thơ của Tào Thực thời Tam Quốc , cho ra mấy câu GỌI là thơ

VỀ BÃ MÍA :

- " Mật mía đun bã mía

Trong bếp lò chảo gang

Ra mật tươi ngọt vàng

Bã Mía đun Mật mía..."

Mật nấu xong được là mang về nhà, trẻ em thích lắm đi qua quệt ngón tay mút cái, đi lại quệt ngón tay mút cái, má đỏ hây hây , hơi nứt, mồm mép thơm thơm mùi mật mới.

Mật được cất vào chum, vại , hoặc thùng tôn tích trữ chờ thời điểm BÁN phù hợp với việc chi tiêu của gia đình.

Mật tốt để được lâu, có khi sau thời gian nổi lên thành đường cục, tinh kết lại thành những viên đường. Nhà có vài tạ mật cũng bình thường, chí ít cũng có chum mật vừa vừa.

Gia đình cũng mang mật sử dụng như nấu chè nếp bằng mật rất ngon đẹp về màu, chè lam, chè đỗ đen, nấu kẹo lạc, luộc sắn chấm, bánh sắn chấm mật...

Ngày trước vì quê không được phân phối đường cát trắng tinh ,nên chủ yếu dùng mật.

Ngày thường nếu thèm chất ngọt thì ra đẵn mía , vào chặt ra từng tấm, thích thì dước trực tiếp, tỉ mẩn thì dóc rồi tiện ra từng khúc nhai, nhiều cây mía ngon nhai luôn đầu mấu, bã mía làm sạch răng, mồm thơm mùi mía.

Mật ngọt , nên xã hội cũng có ưu ái những THÀNH NGỮ, ca dao trong đời sống :

- Mật ít ruồi nhiều

- Rót Mật vào tai

- "Mật ngọt mà rót thau đồng

Miệng thì đắm thắm, trong lòng thờ ơ ".

-...

Các bạn nhớ tiếp câu nào bổ sung nhé.

Nghề nấu mật một thời không xa lắm đã lùi vào quá khứ , giờ về quê đâu còn thấy mùi mật thơm lan tỏa khi gió heo may về, mía cũng ít trồng rồi .

Đường Mật ngọt, cùng thời kỳ khởi nguồn cho Đường luật thơ có phải không ông Minh Nhật , nhà thơ Vũng Tàu.

Cảm xúc viết về nghề nấu mật của quê hương đến từ bài viết của người anh Hai Nguyen ở Việt Trì , anh viết cách đây mấy bữa.

Xin cảm ơn các bạn đã cùng tôi nhớ về thời quê hương còn nấu Mật.

Sài Gòn: 27/9/2021

Theo Chuyện làng quê