Biểu tình chống biến đổi khí hậu tại Madrid - Ảnh: AP |
Theo luật khí hậu mới được EC thông qua trong cuộc họp diễn ra ngày 4/3, Liên minh châu Âu (EU), gồm 27 quốc gia thành viên, cam kết đưa mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển về 0 vào năm 2050. Theo quy định, mốc 2050 là mốc chung cho toàn EU và bao gồm khả năng rằng một số thành viên có thể lùi thời hạn đạt mục tiêu này nếu các quốc gia khác đạt mục tiêu sớm hơn. Luật này sẽ cần phải được Nghị viện châu Âu (EP) và các quốc gia thành viên thông qua mới có hiệu lực.
Luật cũng có điều khoản nêu rõ EC có thể tiến hành đánh giá mục tiêu khí thải 2030 vào tháng 9 tới, tức là chỉ 2 tháng trước khi Hội nghị khí hậu Liên Hợp Quốc diễn ra tại Glasgow, Anh. EC mong muốn siết chặt mục tiêu giảm khí phát thải trong bầu khí quyển năm 2030 xuống mức 50% hoặc 55% so với mức của năm 1990. Từ năm 2030, luật mới trao cho Brussels quyền áp những mục tiêu tạm thời cao hơn trong mỗi 5 năm để giúp khối đạt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn khí thải nhà kính do con người gây ra trong bầu khí quyển vào năm 2050.
Tuy nhiên, luật này vấp phải chỉ trích của nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi Greta Thunberg, người cũng tham gia cuộc họp của EC và các tổ chức phi chính phủ đang kêu gọi hành động khẩn cấp để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Nhà hoạt động môi trường người Thụy Điển cho rằng mục tiêu trên là quá khiêm tốn, thế giới không chỉ cần những mục tiêu của năm 2030 hay 2050 mà cần hành động ngay từ năm 2020 và sau đó. Các tổ chức vận động vì môi trường cũng kêu gọi EC đẩy khung thời gian đánh giá mục tiêu khí thải 2030 lên sớm hơn trong khi 12 quốc gia thành viên EU, trong đó có Pháp, Italy và Hà Lan, kêu gọi đánh giá mục tiêu khí thải 2030 vào tháng 6 tới, để có đủ thời gian cho EU áp dụng mục tiêu mới và tạo sức ép cho các quốc gia phát thải hàng đầu thế giới như Trung Quốc cũng phải tăng cam kết khí hậu trước khi hội nghị của Liên Hợp Quốc diễn ra.
Bắc Âu trải qua mùa đông ấm kỷ lục
Trong khi đó, các quốc gia Bắc Âu đang phải trải qua một mùa đông ấm chưa từng thấy sau nhiều tuần ghi nhận nhiệt độ cao bất thường.
Tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển, các cây anh đào đã trổ hoa ngay trong tháng 1 vừa qua khi nền nhiệt độ tại nhiều khu vực của nước này cao hơn từ 6-7 độ C so với nền nhiệt thông thường kể từ tháng 12 năm ngoái. Khu vực Uppsala, cách thủ đô Stockholm khoảng 70 km, cũng trải qua mùa đông ấm nhất kể từ năm 1722. Viện Khí tượng Thủy văn Thụy Điển (SMHI) cho biết đây là mùa đông ấm nhất trong lịch sử tại khu vực miền Nam và miền Trung nước này.
Trong khi đó, các quốc gia láng giềng gồm Na Uy, Đan Mạch và Phần Lan cũng ghi nhận nhiệt độ cao bất thường. Trong tháng 1 vừa qua, hơn một nửa đất nước Phần Lan ghi nhận khí hậu ấm áp nhất chưa từng thấy khi nền nhiệt cao hơn 7-8 độ C so với mức trung bình. Chuyên gia Mika Rantanen thuộc Viện Khí tượng Phần Lan thừa nhận: "Chúng ta vừa trải qua giai đoạn tháng 1-2 đầu tiên không có lượng tuyết nào được ghi nhận tại thủ đô Helsinki. Tôi nghĩ điều đó khá khác thường".
Na Uy cũng trải qua một mùa đông ấm nhất kể từ khi các số liệu bắt đầu được ghi nhận hồi năm 1900 với nền nhiệt vượt quá mức thông thường 4,5 độ C. Đan Mạch cũng chung tình cảnh khi nhiệt độ trong mùa đông tại nước này cao hơn 5 độ so với mức bình thường.
Dù nhiệt độ ấm áp, song đây cũng là một trong những mùa Đông ẩm ướt nhất tại khu vực Bắc Âu. Viện Khí tượng Na Uy cho biết lượng mưa đo được tại nước này cao hơn 70% so với mức bình thường. Tình cảnh tương tự cũng xảy ra đối với Thụy Điển. Đặc biệt, các khu vực miền Tây Nam Thụy Điển đang chứng kiến đợt lũ lụt tồi tệ, nhấn chìm nhiều đất nông nghiệp và gây thiệt hại hoa màu đối với nhiều nông dân. Trong khi đó, tại Đan Mạch, các trận lụt cũng đe dọa gần 1 triệu tòa nhà trên khắp cả nước và nhiều đất nông nghiệp dù con số chính xác vẫn chưa được thống kê.
Mai Ca