Trải qua hàng ngàn năm lịch sử văn hiến - anh hùng, ông cha ta đã trao truyền cho muôn đời sau những di sản vô giá về nghề và làng nghề truyền thống, mà ngày nay rất cần phải bảo tồn và phát triển. Trong số hàng ngàn làng nghề, đến nay cả nước đã công nhận hơn 2.000 làng nghề và nghề truyền thống. Và một nửa trong số đó là những tinh hoa hội tụ ở Thăng Long - Hà Nội.
Các làng nghề không chỉ là không gian kết tinh và lưu giữ những giá trị văn hoá, lịch sử, mà còn là sinh kế góp phần đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần bền vững của nhân dân. Ngày nay nhiều làng nghề đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam - Đất nước - Con người với bạn bè quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Xuất phát từ vị trí vai trò to lớn đó, năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức “Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam” từ tháng 10 đến tháng 11 với chuỗi hoạt động thiết thực diễn ra tại nhiều địa điểm ở Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, từ ngày 9 đến ngày 12 tháng 11 tại Khu Di tích Hoàng Thành Thăng Long sẽ diễn ra các hoạt động chính của Festival như: Vinh danh 100 nghệ nhân, thợ giỏi; Lễ khai mạc và Hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP.
Đây thực sự là cơ hội để thay đổi nhận thức mới về nghề và làng nghề; khơi dậy mạnh mẽ những nguồn lực nội sinh và ngoại sinh, cũng như tình yêu nghề và làng nghề truyền thống trong nhân dân; thúc đẩy kết nối giao thương, hợp tác quốc tế trong công tác bảo tồn và phát triển làng nghề...hướng tới mục tiêu “Kết nối tiềm năng - Gia tăng giá trị - Phát triển bền vững” và phát huy những giá trị tinh hoa làng nghề Việt trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế hiện nay. Đây cũng là sự kiện thiết thực chào mừng 78 năm Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (14/11/1945 - 14/11/2023) và 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023).