Nhiều người đọc lên sẽ băn khoăn không hiểu nghĩa của “thụt” trong câu tục ngữ này là gì. “Thụt” có nhiều nghĩa. Nhưng ở đây có nghĩa (như nghĩa 4) trong Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020): tụt lại phía sau hoặc tụt thấp xuống (VD: khai thụt đi hai tuổi…).
Hiểu như thế nhưng ngữ nghĩa của toàn câu “Gái thụt hai, trai thụt một” cũng không dễ dàng giải thích nếu không dựa vào những tri thức về một phong tục tín ngưỡng khá phổ biến trong dân gian.
Vì theo phong tục xưa của người Việt, khi đứa trẻ sinh ra vừa tròn một tháng sẽ được cúng đầy tháng (Cúng Mụ). Cúng Mụ cho bé là nghi thức quan trọng để ghi nhận và thông báo sự có mặt của thành viên mới trong gia đình, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn và cầu mong các Bà Mụ (những người có công nặn ra bé trong “chín tháng mười ngày”, gần một năm, nên thời gian nằm trong bụng mẹ được gọi là “tuổi mụ”) đã cho “mẹ tròn con vuông”. Cúng Mụ là mong có phước lành, điều may mắn cho trẻ
Ai cũng biết, tháng đầu tiên trong cuộc đời của mỗi đứa bé là vô cùng quan trọng. Trước đây (và bây giờ còn ở một số nơi), trẻ ra đời chưa được đặt tên ngay. Vì trong 4 tuần đầu khi lọt lòng mẹ, đứa bé dễ chết yểu vì khả năng đề kháng của bé còn rất yếu và điều kiện sống ngày xưa của mẹ và bé đều thiếu thốn. Vì vậy, trẻ sinh ra chưa đặt tên, chỉ khi đầy tháng mới đặt (gọi là “Lễ xin keo”).
Tháng đầu tiên sau khi sinh em bé cũng là giai đoạn ở cữ của sản phụ. Hết tháng này cũng là kết thúc một khoảng thời gian khó khăn nhất không chỉ đối với bé mà với mẹ nữa.
Tuy nhiên, Cúng Mụ vào ngày nào là lại theo quan niệm của mỗi vùng miền.
Ngày này được tính theo âm lịch. Nhưng không phải một tháng tròn tính từ ngày sinh của bé. Câu tục ngữ “Gái thụt hai, trai thụt một” chính là kinh nghiệm tính ngày: Nếu là bé gái thì sẽ lùi lại 2 ngày, còn bé trai lùi lại 1 ngày. Ví dụ, một bé gái sinh ngày 2 tháng một (tháng 11 âl) thì ngày đầy tháng sẽ là 4 tháng chạp. Còn là bé trai sẽ là mồng 3.
Cũng theo quan niệm dân gian, việc tính chậm lại như vậy là để có sự “an toàn” cho trẻ, tránh chuyện quỷ thần “để ý”, quở trách và gây những bất lợi, rủi ro cho trẻ.
“Thụt hai, thụt một” là cách tính của một số vùng (miền Bắc là chủ yếu). Còn ở một số vùng (miền Nam chẳng hạn) thì người ta lại có thói quen “Nam trồi hai, nữ sụt một” (con trai sẽ tính dư hai ngày, con gái chỉ tính dư một ngày, ngược với cách tính trên).
Bây giờ, các ông bố bà mẹ tính đầy tháng có thể theo dương lịch hay âm lịch. Nhưng nói chung không cầu kì: không làm Lễ Cúng Mụ với những nghi thức xưa cũ. Họ chỉ làm một bữa liên hoan cho gia đình và có mời một số người thân tình tới dự. Sau ngày này, mọi người có thể đến thăm và việc kiêng kị cũng vì thế mà giảm bớt.